Chủ tịch Hiệp hội: Chuyển đổi số giúp đổi mới và hiện đại hóa giáo dục đại học
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 11:40, 22/10/2021
Ngày 22/10, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học”.
Tham dự hội thảo về phía khách mời có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn.
Về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch; Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực; Ông Nguyễn Đình Hảo – Phó Chủ tịch; Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch cùng các trưởng ban chuyên môn của Hiệp hội.
Hội thảo kết nối ở hơn 400 điểm cầu với hơn 1.600 thầy cô của các trường đại học, cao đẳng tham dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, ngày nay tri thức của nhân loại đang phát triển theo cấp số nhân với tốc độ chưa từng có. Mỗi ngày, mỗi giờ đều có bổ sung rất nhiều kiến thức mới. Sau thời gian chưa đầy một thập kỷ, kiến thức của nhân loại có thể nhân lên gấp đôi. Trong khi ngày xưa, muốn gấp đôi như thế phải mất một nghìn năm, rồi mấy trăm năm, và sau cùng là một số thập kỷ.
Sự phát triển tri thức nhanh như vậy là do tốc độ phát triển của khoa học và công nghệ. Trong đó, công nghệ thông tin đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng để giúp con người tiến những bước rất xa trong chia sẻ và tương tác thông tin để thúc đẩy tư duy sáng tạo.
Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, rồi đây công nghệ thông tin còn tiếp tục đưa tới những tiến bộ vượt bậc tiếp theo, giúp tạo ra sự thay đổi đến mức căn bản phương thức hoạt động của con người trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm tạo ra hiệu quả cao hơn gấp bội so với các thời kỳ đã qua.
Trong kỷ nguyên thông tin, số hóa đã và đang bắt đầu, thông tin là nguồn tài nguyên lớn nhất, quý giá nhất và không bao giờ cạn kiệt. Nguồn tài nguyên này, trong quá trình sử dụng, chúng không mất đi hay giảm xuống như mọi thứ tài nguyên vật chất khác. Ngược lại, nếu sử dụng tốt, chúng còn tăng dần lên, ngày càng giàu có và phong phú hơn.
Tài nguyên thông tin sẽ tồn tại chủ yếu dưới dạng dữ liệu được số hóa. Dữ liệu mà bất kỳ ai cũng có thể truy cập, sử dụng và chia sẻ gọi là dữ liệu mở. Các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân có thể sử dụng dữ liệu mở để mang lại lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường. Số hóa và dữ liệu mở sẽ song hành.
Ngày nay, dữ liệu nói chung và dữ liệu mở nói riêng là tài nguyên không thể thiếu cho các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ góc độ cấp phép, dữ liệu trở thành dữ liệu mở và có ích, giúp cho người sử dụng không bị lệ thuộc và trói chặt vào nhà cung cấp độc quyền.
Dữ liệu mở được sử dụng vào giáo dục gọi là tài nguyên giáo dục mở. Và tài nguyên giáo dục mở là xu thế toàn cầu, không thể đảo ngược được. Tài nguyên giáo dục mở sẽ đem lại lợi ích to lớn cho giảng viên, sinh viên và các cơ sở giáo dục đào tạo. Việc liên thông các thư viện là một trong những bước đi đầu tiên cần thiết cho chuẩn hóa dữ liệu và chuẩn bị cho triển khai tài nguyên giáo dục mở.
Khuyến nghị tài nguyên giáo dục mở của UNESCO đã được phê chuẩn năm 2019. Hội nghị Giáo dục mở toàn cầu cũng vừa diễn ra và kết thúc ngày 01/10/2021.
Dữ liệu mở là một trong các thành phần cơ bản của khoa học mở, một xu hướng khách quan mà chúng ta không thể đứng ngoài. Khoa học mở và giáo mở sẽ song hành. UNESCO đang dự kiến cuối năm nay sẽ đưa ra phê chuẩn Khuyến nghị Khoa học mở, sẽ một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của dữ liệu mở và tài nguyên giáo dục mở.
Do đó, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng khẳng định, chuyển đổi số tại các trường đại học và cao đẳng Việt Nam là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm góp phần trực tiếp vào việc đổi mới và hiện đại hóa giáo dục đại học, giúp chúng ta bước vào một giai đoạn phát triển mới, tiến lên cùng với cộng đồng thế giới văn minh.
Dựa vào sự tiến bộ vượt bậc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo điều kiện và khả năng để tiếp cận, tham gia sở hữu và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin khổng lồ và vô giá của quốc gia và nhân loại, nhằm nâng cao trí tuệ và năng lực của cộng đồng các cơ sở giáo dục đại học, từ đó góp phần vào việc nâng cao năng lực của cộng đồng dân tộc, và đào tạo những kiến thức – kỹ năng của công dân toàn cầu.
Nhận thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo hôm nay.
Chuyển đổi số có làm thay đổi cơ cấu ngành nghề đào tạo?
Lắng nghe ý kiến phát biểu của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng thì Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ sự hoan nghênh khi Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp cùng các trường đại học, cao đẳng tổ chức hội thảo ý nghĩa này.
Để có thêm góc nhìn về chuyển đổi số, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng: “Câu chuyện của chuyển đổi số và trước thách thức của toàn cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghĩ rằng, mỗi trường học cần xác định chiến lược rõ ràng để hình thành kế hoạch và triển khai.
Trong thế giới có nhiều thay đổi thì vai trò nhà trường - thầy cô sẽ có thay đổi ra sao, việc cung cấp kiến thức – kỹ năng có chuyển đổi thế nào bên cạnh phương thức dạy học truyền thống, chọn các kênh nào để học tập, sự tham gia của các tập đoàn công nghệ lớn như thế nào, sự thay đổi lĩnh vực ngành nghề đào tạo có sự dịch chuyển ra sao…. Từ đó có thay đổi về chuẩn chương trình đào tạo, cơ cấu ngành nghề đào tạo".
Cũng theo Thứ trưởng Sơn kỳ vọng, các đại biểu tham dự hội thảo hôm nay không chỉ dừng lại ở chia sẻ kinh nghiệm trong chuyển đổi số mà làm sao thắt chặt quan hệ hợp tác với nhau.
Bởi lẽ nếu mỗi trường tự xây dựng tất cả phần mềm riêng, kho học liệu riêng thì rất lãng phí, không phát huy được sức mạnh của toàn hệ thống. Nhưng nếu mỗi trường tham gia xây dựng một vài phần mềm, kho học liệu rồi chia sẻ với nhau thì không những chi phí rẻ hơn rất nhiều mà giá trị của học liệu được tăng lên gấp bội. Đó chính là những giá trị mà công nghệ mang lại giúp hệ thống giáo dục đại học nâng cao hiệu quả nhanh trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế như hiện nay.