Lĩnh vực xuất bản, in và phát hành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát triển bền vững
Truyền thông - Ngày đăng : 07:58, 21/10/2021
Với mong muốn kịp thời trao đổi những khó khăn của các đơn vị xuất bản trong giai đoạn COVID-19 vừa qua để từ đó điều chỉnh chính sách pháp luật cho phù hợp để ngành xuất bản tiếp tục phát triển.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: "Đây là lĩnh vực đầu tiên mà Bộ làm việc để lắng nghe những vướng mắc khó khăn hiện nay , sắp tới mắc phải để kịp thời điều chỉnh. Hiện nay, Chính phủ có những Nghị quyết hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong đó có lĩnh vực xuất bản. Vì vậy, nếu cần thay đổi chính sách, cần Nhà nước hỗ trợ như thế nào thì các đơn vị ngành xuất bản phải có những kiến nghị đề xuất để cùng chung tay tháo gỡ. Những vấn đề liên quan đến Bộ TT&TT sẽ tập hợp lại xử lý, còn các vấn đề liên quan đến Chính phủ thì Bộ sẽ đề xuất trình Chính phủ để khôi phục phát triển, nâng tầm giá trị cho ngành trong thời gian tới".
Báo cáo Hoạt động xuất bản, in và phát hành trong thời gian dịch COVID-19, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết: Năm 2020, chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19, hoạt động xuất bản, in, phát hành gặp nhiều khó khăn. Bước sang năm 2021, trong 6 tháng đầu năm với sự nỗ lực cố gắng của các nhà xuất bản (NXB), các doanh nghiệp (DN) in và phát hành xuất bản phẩm đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, từng bước phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 6/2021, khi làn sóng dịch thứ tư với biến chủng Delta bùng phát, hoạt động xuất bản đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhiều mặt, không chỉ liên quan đến việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2021 mà còn hệ lụy cho sự phát triển chung ổn định, bền vững của toàn Ngành.
"Trong thời gian tới Cục Xuất bản, In và Phát hành triển khai các giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số (CĐS) thích ứng tình hình dịch bệnh. Bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Cục sẽ tiếp tục xây dựng các giải pháp hỗ trợ, thúc đấy hoạt động xuất bản điện tử, phát triển mạnh các hình thức phát hành trực tuyến, thương mại điện tử (TMĐT)…", Cục trưởng Nguyễn Nguyên chia sẻ.
Giảm thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng cho các DN in
Có thể nói, thời gian qua, đại dịch COVID đã tác động rất lớn tới ngành in như: khó khăn về nguyên liệu sản xuất nhập khẩu từ các nước đang có dịch; Giao dịch hạn chế, thiếu việc làm, giảm doanh thu, nhiều lao động phải nghỉ việc, giảm thu nhập, đời sống khó khăn; Không có nguồn thu, nhưng phải chi trả nhiều khoản: trả lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng nhà xưởng sản xuất, bảo hiểm xã hội, y tế…; Khả năng đầu tư chiến lược của các DN in bị chậm lại.
Ông Đỗ Quang Hưng, đại diện Công ty Giải pháp Minh Đức đã đưa ra những khó khăn mà công ty này gặp phải trong thời gian qua.
Ông Hưng cho biết, là một công ty chuyên nghiên cứu các giải pháp để tối ưu hóa năng lực sản xuất, với mong muốn mang lại giá trị cao hơn cho DN và mong muốn đồng hành với các DN in trên cả nước.
Với tình hình khó khăn của các DN in hiện nay, ông Hưng mong muốn Nhà nước cũng như Bộ TT&TT cần có chủ trương định hướng để hỗ trợ cho các DN vượt qua được khó khăn trước mắt, tạo đà phát triển lâu dài.
Đại diện Công ty CP In Công đoàn Việt Nam cũng đưa ra những khó khăn về thị trường mà công ty đang gặp phải hiện nay. Vì có sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty in nên doanh thu giảm mạnh. Trong dịch bệnh, đơn hàng giảm, chi phí vật tư tăng…
Vì vậy, đại diện Công ty CP In Công đoàn Việt Nam đề nghị cần tạo cơ chế chính sách, TTHC, ví dụ như hợp đồng kinh tế liên kết 3 bên, miễn giảm các loại phí như thuế đất, miễn giảm hơn nữa thuế giá trị gia tăng (GTGT) để giảm giá thành phục hồi sản xuất, giảm thuế thu nhập DN, giảm thuế nhập khẩu và thuế chống phá giá.
Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam cho biết: 2/3 công suất của ngành in bị ảnh hưởng do dịch COVID. Tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, 80% DN giảm doanh thu, 83% giảm lợi nhuận và 30% DN bị lỗ.
Ông Dòng cũng cho biết thêm, hiện các công ty in đang rất thiếu thợ chính, thiếu máy móc, đơn hàng sụt giảm, 28% đơn vị phải ngưng hoạt động. Lo ngại lớn nhất là sự đứt gãy chuỗi khách hàng. Hiện nay, 15 % đơn hàng của nước ngoài đã ngừng giao dịch với Việt Nam. Bởi vậy mà một số DN đã đóng cửa, trong đó một số đóng cửa vĩnh viễn.
Ông Dòng cũng kiến nghị Chính phủ cần sớm có các biện pháp phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp như: Miễn giảm 30% thuế thu nhập, miễn giảm hơn nữa thuế GTGT, tạm ngưng tiến hành các các cuộc kiểm tra liên ngành để DN tập trung phục hồi sản xuất.
Còn đại diện Công ty In Lê Quang Lộc nhấn mạnh rằng: Hiện tại cần làm sao để COVID không còn là mối lo ngại của DN thì lúc đó DN mới phát triển bền vững được.
TP. Hồ Chí Minh phải trải qua 5 tháng chưa từng có trước đây, để duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống cho nhân viên, đáp ứng được đơn hàng là một vấn đề rất khó khăn. Đại diện Công ty In Lê Quang Lộc mong muốn Nhà nước tháo gỡ cho các vấn đề như những quy định về hàng hóa thiết yếu, chi phí liên quan đến người lao động…để tạo điều kiện thuận lợi cho DN.
Cần có những giải pháp để thích ứng đại dịch COVID
Đối với lĩnh vực Phát hành sách thì toàn bộ hệ thống phát hành gần như tạm ngừng hoạt động do dịch bệnh, giãn cách xã hội, hạn chế người dân và phương tiện lưu thông. Để duy trì hoạt động ở mức thấp, mặc dù doanh thu rất thấp hoặc không có, nhưng cơ sở phát hành vẫn phải chi trả toàn bộ các chi phí vận hành liên quan.
Hình thức bán trực tuyến (online) cũng không đem lại kết quả tại một số địa bàn do lực lượng giao hàng không được hoạt động vì sách không phải hàng thiết yếu. Khách hàng hủy đơn hàng, đánh giá chấm điểm 1 - 2 sao, nên phải đóng cửa website bán hàng.
Về vấn đề này, Phó tổng giám đốc ty Công ty Phahasa cho biết năm nay dịch COVID ảnh hưởng đúng vào những tháng cao điểm của Phahasa nên doanh thu bị sụt giảm. Vì vậy, Phahasa mong muốn Chính phủ cần có chính sách chống dịch thống nhất theo vùng để đảm bảo lưu thông hàng hóa như: giảm thuế, tiền thuê đất, thuê nhà…
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Công ty sách Tân Việt cũng chia sẻ rằng một số cửa hàng, hệ thống bán lẻ của Tân Việt phải dừng hoạt động trong thời gian dịch bệnh vừa qua, Tân Việt bắt đầu nợ tiền thuê nhà và một số tiền lương của nhân viên.
Bà Thoa cũng chia sẻ một số giải pháp để thích ứng trong đại dịch COVID như: chuyển đổi đầu tư mạnh hơn về mảng công nghệ, triển khai áp bán hàng điện tử… Bước đầu đã thấy có những kết quả khả quan, thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư mạnh hơn nữa về quản trị để tiết kiệm được nguồn nhân lực.
Bà Thoa nói: Nếu coi Xuất bản là đầu vào, thì Phát hành là đầu ra. Do vậy làm sao để giải quyết bài toán đầu ra lúc này. Và bà Thoa đã thực hiện một số giải pháp như phát trực tuyến (livetream) về sách để thúc đẩy, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần giải quyết vấn đề đầu ra; tham gia xây dựng một số nhà văn hóa cũ, tích hợp không gian văn hóa đọc cộng đồng góp phần vào việc nâng cao dân trí trong cộng đồng.
Bà Thoa mong muốn rằng cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các chuyên mục về sách trên truyền hình để lan tỏa và khuyến khích văn hóa đọc. Cùng với đó, ngoài sách giáo khoa thì các loại sách khác cũng nên đưa vào mục sách thiết yếu
Cùng với những khó khăn do đại dịch COVID, Giám đốc NXB Trẻ Phan Thị Thu Hà cho biết do tình hình kinh doanh quý 3 của NXB giảm sụt nghiêm trọng do các nhà sách đóng cửa, một số hoạt động mua bán bản quyền bị hủy nên ảnh hưởng đến nguồn cung bản thảo, nên NXB đang đẩy mạnh các hoạt động trên các sàn TMĐT Shopee, Lazada…
Với đặc thù của NXB Trẻ là 100% vốn nhà nước nên đơn vị hiện đang gặp khó khăn về việc thuê nhà, thuê đất, nên cần có cơ chế hỗ trợ vốn vay để duy trì sản xuất, hỗ trợ lương cho nhân viên… Giám đốc NXB Trẻ cũng kiến nghị cần tập trung nâng cao chất lượng sách để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm thuế thu nhập, thuế đất, thuế GTGT.
Bày tỏ sự lo lắng, ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất Bản Việt Nam - trưởng văn phòng đại diện phía Nam tại TP HCM chia sẻ: TP. HCM từ tháng 5/2021 thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, mọi hoạt động gần như đóng băng, hoạt động in thì một số công ty làm việc 3 tại chỗ, một số công ty khác hoạt động cũng không được bao nhiêu. Năm 2020, doanh số bán sách rớt xuống 330 triệu bản còn thấp hơn con số trước đây 7 năm (năm 2014).
Ông Hoàng nói: Khó khăn của lĩnh vực xuất bản đã tồn tại trước đây, hiện tại và còn sau này. Đại dịch COVID khiến khó khăn càng thê thảm hơn, kinh tế xuất bản thực sự yếu kém rất nhiều so với các ngành kinh tế khác, doanh thu cả lĩnh vực không bằng doanh thu của 1 DN kinh doanh ngành nghề khác. Bên cạnh đó còn có rất nhiều rủi ro, dịch COVID đã khiến ngành xuất bản bộc lộ rõ điều đó. Vì vậy, chúng ta cần xác định rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan để tìm ra những giải pháp phát triển lâu dài.
Cần xây dựng nền tảng dùng chung cho ngành xuất bản
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học cho biết rằng hiện nay do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên các đơn vị dần chuyển sang kinh doanh online, nhưng thực tế hạ tầng công nghệ không đáp ứng được yêu cầu, kinh doanh trực tuyến thì vận chuyển khó khăn.
Ông Vũ nhấn mạnh rằng: Bộ TT&TT đã có chương trình đưa sách vào mặt hàng thiết yếu thì nên có các giải pháp ứng phó với dịch bệnh. Vì mô hình kinh doanh trực tuyến vẫn là giải pháp lâu dài nên cần xây dựng nền tảng dùng chung cho lĩnh vực xuất bản.
Cùng ý kiến này, đại diện NXB Nông nghiệp cũng cho rằng trước nay các NXB đã khó khăn, nhưng đến giờ thì không trụ được nữa, vì vậy, cần quy hoạch lại các NXB.
Đây cũng là ý kiến của ông Phạm Đình Phương, Công ty Xuất nhập khẩu sách báo CDMex. Ông Phương đề xuất các chính sách, TTHC cần thống nhất văn bản giấy tờ: hợp đồng online, hồ sơ xuất nhập khẩu… và đặc biệt là cần có đầu mối phát hành sách online.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn chia sẻ sự khó khăn vất vả của các đơn vị xuất bản, phát hành kể cả khi chưa có dịch COVID-19. Trong thời gian gần đây, Chính phủ đặc biệt quan tâm và làm thật giải quyết vướng mắc cho các DN. Hiện nay, các gói kích cầu, hỗ trợ của Việt Nam đã mạnh rồi nhưng so với các nước bên cạnh thì chưa bằng, nên vừa rồi Chính phủ tiếp tục đẩy tiếp các gói kích cầu để hồi phục lại nền kinh tế.
Theo Thứ trưởng, lĩnh vực xuất bản hiện đang khó khăn, nên hơn bao giờ hết chúng ta phải thực sự có trách nhiệm, cùng nhau nghiên cứu đưa ra các ý tưởng mới. Có mấy vấn đề chúng ta cần quan tâm:
Một là, ngành kinh tế xuất bản là cần phải căn cơ. Hiện nay, bạn đọc chủ yếu là người dân Việt Nam là chính, nhưng vấn đề văn hóa đọc hiện nay đang có vấn đề. Chúng ta cần phải làm văn hóa đọc tốt lên thì mới mở rộng thị trường phát hành được sách.
Thứ hai, cần phải nâng cao chất lượng sách, tập trung vào tìm hiểu xuất bản những cuốn sách giá trị. Cố gắng làm sao mỗi cuốn sách khi xuất bản tiara phát hành phải vài trăm nghìn, hoặc hàng triệu triệu bản.
Thứ ba, cần chuyển đổi mô hình NXB, trong đó có quy hoạch ngành xuất bản. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông theo hai hướng: một mặt là phải giới thiệu được cuốn sách hay, thứ hai là phải giới thiệu được các nhân vật cụ thể mà người ta thành công nhờ sách.
Trong thời gian tới, các đơn vị chủ động nghiên cứu chính sách của nhà nước, sau đó làm văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền: cơ quan thuế, chính quyền địa phương, cơ quan chủ quản. Trong trường hợp vướng mắc thì gửi đơn vị chủ quản, rồi gửi Bộ để khi họp Chính phủ sẽ đưa ra để tìm cách tháo gỡ.
Đặc biệt, cần phải triển khai chữ ký điện tử sớm để các công việc, TTHC giải quyết qua mạng được thuận lợi và nhanh chóng. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các đơn vị phải biết áp dụng công nghệ, phải đổi mới công nghệ nếu muốn tồn tại. Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ, nghiên cứu các nền tảng ứng dụng công nghệ trên cơ sở dùng chung để tạo cánh tay nối dài thúc đẩy ngành xuất bản phát triển./.