Tăng cường dự báo, cảnh báo thiên tai khu vực Trung bộ

Truyền thông - Ngày đăng : 08:31, 20/10/2021

Các địa phương khu vực Trung bộ vừa trải qua đợt mưa lũ lớn gây nhiều thiệt hại về người và của. Để giảm thiểu thiệt hại thì cần phải tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo thiên tai khu vực Trung bộ trong thời gian tới.

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền Trung

Theo thông tin từ Tổng cục Khí tượng thủy văn, từ trung tuần tháng 10, do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp trên khu vực phía bắc của Nam Trung bộ kết hợp với không khí lạnh tăng cường và nhiễu động đới gió đông trên cao nên khu vực từ Nghệ An đến Bình Định, Bắc Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to.

Tổng lượng mưa phổ biến 300-600 mm, có nơi trên 700 mm; khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định và Kon Tum có tổng lượng mưa phổ biến 200-300 mm, có nơi trên 300 mm; khu vực Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai có tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm; Nghệ An có lượng mưa phổ biến 50-80 mm, có nơi trên 100 mm.

 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, các địa phương vừa trải qua đợt mưa lũ lớn, vùng núi đã bão hòa đất, khả năng trượt lở đất đá rất cao, người dân cần đề phòng nguy cơ này.

Do mưa lớn và vận hành điều tiết xả lũ của các hồ chứa trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ nên xuất hiện một đợt lũ diện rộng.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, hiện đang có hàng ngàn hộ gia đình ở miền Trung ngập trong nước lũ. Cụ thể, ở Quảng Bình có 30 xã/2.232 hộ bị ngập. Trong đó huyện Lệ Thủy có 20 xã/1.683 hộ; Quảng Ninh 6 xã/275 hộ; Bố Trạch 4 xã/274 hộ ngập 0,2-1,2 m.

Tại Quảng Trị có 15 xã bị ngập 0,5-2 m. Thừa Thiên-Huế ngập 6 xã khu vực ven sông Bồ, sông Ô Lâu thuộc huyện Quảng Điền, Phong Điền. Đà Nẵng ngập 3 xã ven sông Yên, huyện Hòa Vang.

Thiệt hại do mưa lũ đã khiến 3 người chết (Nghệ An 2, Hòa Bình 1) và 3 người mất tích (Quảng Bình 2, Quảng Trị 1). Về giao thông, có 76 vị trí sạt lở đường giao thông địa phương (Huế 6, Quảng Nam 31, Nghệ An 33, Quảng Bình 6). Ngoài ra, còn có 36 điểm đường quốc lộ và 143 tràn, điểm đường giao thông nội tỉnh dọc các tỉnh Trung Trung Bộ, Đắk Lắk bị ngập sâu. Chính quyền địa phương phối hợp với ngành giao thông đã lập rào chắn, điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục sự cố.

Mưa lũ cũng gây thiệt hại hơn 2.000 ha lúa và 378 ha hoa màu, cây cảnh các loại bị ngập, cuốn trôi, 19 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, hư hại, 65 căn nhà bị tốc mái, thiệt hại một phần.

Tăng cường dự báo, cảnh báo thiên tai khu vực Trung bộ - Ảnh 1.

Ngày 18/10, tuyến đường ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: PCTT Quảng Bình.

Tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo thiên tai trên khu vực Trung Bộ trong thời gian tới

Để đảm bảo công tác dự báo, cảnh báo phục vụ ứng phó với các tình huống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) đã ban hành công văn về việc Tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo thiên tai khu vực Trung Bộ trong thời gian tới.

Theo đó, các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV cần tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID- 19. Xây dựng và thực hiện phương án đo đạc, quan trắc, thông tin, dự báo, cảnh báo, ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

Đối với hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia cần thực hiện nghiêm túc Quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng KTTV nguy hiểm; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, tác động của thiên tai; cập nhật, cung cấp đầy đủ, kịp thời bản tin dự báo thiên tai và dự báo tác động phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng chống, khắc phục hậu quả của thiên tai cho Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết chủ động phòng, tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia chủ trì công tác dự báo mưa lớn, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét… thông báo đầy đủ, kịp thời cho các Đài KTTV khu vực và các Đài KTTV tỉnh để cảnh báo thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai và tác động của thiên tai cho địa phương phục vụ công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu thiệt hại cho các địa phương; chủ động đề xuất thảo luận trực tuyến; tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo ảnh hưởng, tác động của thiên tai nguy hiểm.

Trung tâm Quan trắc KTTV: Theo dõi, giám sát và bảo đảm hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc KTTV hoạt động bình thường. Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV và các Đài KTTV khu vực bảo đảm hoạt động, truyền số liệu từ các trạm quan trắc KTTV, đo mưa tự động phục vụ tốt công tác dự báo, cảnh báo KTTV.

Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV: Duy trì và bảo đảm đường truyền, thông tin liên lạc phục vụ công tác dự báo, cảnh báo KTTV. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, dữ liệu KTTV phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai.

Đài Khí tượng cao không: Chủ trì, phối hợp với các Đài KTTV khu vực có liên quan bảo đảm quan trắc khí tượng cao không và Rađa thời tiết; phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV bảo đảm thu nhận và chuyển giao đầy đủ, kịp thời số liệu vệ tinh khí tượng đến Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và các Đài KTTV khu vực đáp ứng các yêu cầu dự báo, cảnh báo KTTV.

Liên đoàn Khảo sát KTTV: tiếp tục và sẵn sàng phương tiện, thiết bị, các phương án đo đạc phục vụ điều tra, khảo sát khi có yêu cầu thêm đối với các tình huống thiên tai khác.

Các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh: Chỉ đạo các trạm KTTV trực thuộc triển khai phương án quan trắc; bảo đảm thu thập đầy đủ, chính xác số liệu và truyền tin kịp thời trong mọi tình huống phục vụ tốt công tác dự báo mưa lớn, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét…; kiểm tra, đảm bảo trang thiết bị bảo hộ lao động nhằm bảo đảm an toàn cho quan trắc viên khi thực hiện nhiệm vụ.

Chỉ đạo Phòng Dự báo và các Đài KTTV tỉnh trực thuộc theo dõi, dự báo sát mọi diễn biến và tác động của mưa lớn, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét…; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên thông tin về diễn biến mưa lớn, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét… và tác động của các thiên tai đến Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn và Lãnh đạo các tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn. Đồng thời, gửi bản tin về Tổng cục KTTV theo quy định để phục vụ công tác đánh giá chất lượng dự báo.

Thu thập thông tin chi tiết về các hoạt động dân sinh, kinh tế, xã hội, các công trình nhạy cảm có khả năng chịu ảnh hưởng của thiên tai trên địa bàn các tỉnh. Cung cấp kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo tác động chi tiết cho khu vực nhạy cảm, các công trình dân sinh, kinh tế xã hội, các khu vực chịu ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh cho các Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn cũng như Lãnh đạo và nhân dân các tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Văn phòng Tổng cục KTTV triển khai phương án tuyên truyền để phục vụ công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét…; theo dõi chặt chẽ, cập nhật đầy đủ các thông tin về tình hình thiên tai và công tác phòng, chống trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo kịp thời Lãnh đạo Tổng cục và chia sẻ cho các đơn vị trực thuộc.


T.H