Đẩy mạnh CNTT hỗ trợ đồng bào thiểu số, để CĐS trở thành lễ hội của toàn dân
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 17:11, 19/10/2021
Mới đây, Uỷ ban Dân tộc đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn FPT về CĐS và ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2026. Thỏa thuận nhằm mục tiêu thiết lập nền tảng công nghệ số vững chắc, là cơ sở để hiện thực hóa các mục tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là nội dung chiến lược đã được Quốc hội phê duyệt đầu tư. Để hiện thực hóa những mục tiêu của Chương trình này, Uỷ ban Dân tộc đã xác định từ sớm, đẩy mạnh ứng dụng CNTT và CĐS là nền tảng mang tính quyết định, giúp đẩy nhanh quá trình thực thi các quyết sách liên quan vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, hỗ trợ công tác giáo dục - đào tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế cho đồng bào thông qua việc tham gia thị trường thương mại...
Để CĐS thành công cần có sự chuyển đổi của cả 3 yếu tố
Với sứ mệnh quan trọng là mang công nghệ, tri thức góp phần giải quyết các bài toán quốc gia cùng năng lực toàn diện, đa dạng, FPT sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ Ủy ban Dân tộc trong thực hiện CĐS và ứng dụng CNTT theo chỉ đạo của Chính phủ, giải quyết các bài toán kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để sớm hoàn thiện mục tiêu và định hướng phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số theo "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ.
Dựa trên nguyên tắc "trách nhiệm - sáng tạo - cùng phát triển", Uỷ ban Dân tộc và Tập đoàn FPT sẽ hợp tác toàn diện và đa dạng gồm 5 nhóm nội dung trọng tâm bao gồm: tư vấn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Uỷ ban Dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong giáo dục, đào tạo với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và cho cán bộ công chức; hợp tác thúc đẩy tham gia thị trường thương mại, sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào các dân tộc; phối hợp hoạt động truyền thông, tuyên truyền và đồng hành trong các hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR -Corporate Social Responsibility), an sinh xã hội.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công nghệ Công ty Cổ phần Hệ thống thông tin (FPT IS) đã giới thiệu tổng quan về CĐS nói chung và phương pháp luận FPT Digital Kaizen, được kết hợp dựa trên kinh nghiệm thực tế gồm cả thành công và thất bại của FPT trong hàng chục năm tham gia các dự án CĐS. Theo đó, CĐS được thực hiện liên tục qua nhiều giai đoạn: Số hóa thông tin nhằm chuyển đổi định dạng dữ liệu; Số hóa quy trình giúp xử lý thông tin; CĐS giúp tận dụng tri thức. Trong đó, các công nghệ số thường được sử dụng bao gồm blockchain (chuỗi khối), tự động hoá, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật và hiện thực ảo tăng cường trên các nền tảng số từ điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn và mạng xã hội.
Trên cơ sở đó, theo ông Việt, cách tiếp cận của FPT với CĐS các bộ ngành bao gồm các bước: Định hướng, chiến lược; Xây dựng chương trình CĐS, lấy ý kiến các cấp lãnh đạo, các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức hội thảo; Xây dựng kế hoạch CĐS; Thực hiện và giám sát; Đánh giá với tần suất 6 tháng/lần và công bố kết quả, từ đó so sánh, xác định sự tăng trưởng cũng như hiệu quả của quá trình CĐS; Báo cáo tổng kết hàng năm/sau mỗi giai đoạn thực hiện và cải tiến cho giai đoạn sau, thu thập những ý kiến mới.
Qua đó, ông Việt cho rằng, để CĐS thành công, cần có sự chuyển đổi của cả 3 yếu tố: Thúc đẩy về kinh doanh/nghiệp vụ; Thay đổi về con người; Thay đổi về công nghệ. Trong đó, vai trò của người đứng đầu sẽ giúp gắn kết con người qua 3H (heart – trái tim, head – khối óc, hand – bàn tay), 3C (community - cộng đồng, conversation – đối thoại, content – nội dung) và đảm bảo thành công qua 3S (Strategy – nghĩ lớn, smart – thông minh, scale – mở rộng nhanh).
Cụ thể, ông Việt cho rằng, chương trình CĐS cấp Bộ/ngành cần thực hiện những việc sau, đầu tiên xác định rõ mục tiêu CĐS của Bộ/ngành gắn với Nghị quyết, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. "CĐS cũng sẽ luôn bắt đầu bằng người lãnh đạo của cấp Bộ/ngành", đại diện FPT IS khẳng định.
Bên cạnh đó, CĐS cấp Bộ/ngành sẽ phải hài hòa trên cả 3 trụ cột, trong đó quan trọng nhất là xây dựng thành công chính phủ số để làm nền tảng phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Đối với nhòm nhiệm vụ tạo nền móng cho CĐS như chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển dữ liệu…thì nhận thức đóng vai trò quyết định.
Chưa kể đến, CĐS toàn diện nhằm đạt được những mục tiêu bao gồm: Góp phần đạt được mục tiêu chiến lược của Bộ/ngành; Gia tăng chất lượng dịch vụ cung cấp cho xã hội bằng thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện, cá thể hóa dịch vụ…; Nâng cao hiệu quả vận hành, năng lực chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu; Tạo ra những giá trị mới dựa trên sự chuyển đối toàn diện ở nhiều lĩnh vực, cung cấp dữ liệu mở cho người dân, kết nối chia sẻ liên thông với xá Bộ/ngành khác; Thu hẹp khoảng cách số để không ai bị bỏ lại phía sau.
Thúc đẩy thương mại điện tử, hỗ trợ đồng bào dân tộc làm kinh tế
Dựa vào đó, tại sự kiện, chuyên gia FPT đã đề xuất 8 nội dung nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới dựa trên các kinh nghiệm và năng lực của Tập đoàn để hai bên sớm đưa các nội dung hợp tác đi vào thực tế.
Cụ thể, theo Giám đốc Công nghệ FPT IS, nhiệm vụ đầu tiên là cần nâng cao nhận thức về CĐS truyền thông để cho người dân địa phương hiểu và tin vào CĐS, còn doanh nghiệp/hộ kinh doanh phát huy hiệu quả, cơ quan nhà nước phổ biến nghị quyết/chính sách. "Chúng ta cần truyền thông qua báo chí, mạng xã hội để khơi gợi sự hào hứng của người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước về CĐS, cũng như lan tỏa và truyền cảm hứng về các thành tựu, lợi ích, cơ hội mà quá trình này đem lại. Đồng thời tăng niềm tin, hiểu biết về CĐS để có thể ứng dụng thực tiễn, để CĐS trở thành lễ hội của toàn dân", ông Việt bày tỏ.
Tiếp theo, Uỷ ban dân tộc và FPT cần đào tạo nâng cao nhận thức và kỹ năng số, phát triển nguồn nhân lực, thông qua các giải pháp nội dung số của công ty như hệ thống VioEdu, Edunext, Codelearn hay các mô hình học tập online khác.\
Nhiệm vụ thứ 3 là cần phát triển: Hạ tầng số thông qua xây dựng triển khai các hạ tầng dùng chung, triển khai hạ tầng mạng chuyên dùng, đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết bị CNTT, trung tâm điều hành IOC…; Nền tảng số như nền tảng định danh xác thực, nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, nền tảng trí tuệ nhân tạo, nền tảng phân tích dữ liệu lớn…; Dữ liệu số như số hóa dữ liệu, phát triển do dữ liệu dùng chung của Bộ/ngành, phát triển và tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia,…; Đảm bảo an toàn, an ninh mạng như xây dựng Trung tâm điều hành An ninh mạng (SOC), đầu tư bổ sung thiết bị bảo mật cho hệ thống, kết hợp thuê dịch vụ xử lý sự cố mất ATTT của doanh nghiệp lớn.
Đối với nhiệm vụ phát triển chính phủ số, chuyên gia của FPT IS cho rằng, Uỷ ban dân tộc cần: Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống CPĐT, thông qua việc đánh giá lại phần mềm, cập nhật kiến trúc CPĐT 2.0 do Bộ TT&TT ban hành cũng như nâng cấp các hệ thống thông tin phục vụ; Các hồ sơ công việc của cơ quan nhà nước được xử lý trên môi trường mạng và cung cấp dịch vụ trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm smartphone; Số hóa thông tin, chuẩn hóa thông tin dữ liệu, xây dựng kho dữ liệu dùng chung, kết nối chia sẻ với các hệ thống quốc gia cũng như hình thành dữ liệu mở cho các tổ chức/cá nhân bên ngoài.
Ngoài ra, do kinh tế số là một nền tinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử thông qua Internet, nên để phát triển kinh tế số, Uỷ ban dân tộc cần hỗ trợ đồng bào thiểu số và miền núi làm kinh tế, bằng việc thúc đẩy thương mại điện tử, nâng cao năng lực sản xuất.
Phát triển xã hội số để xóa nhòa khoảng cách địa lý
Đối với nhiệm vụ phát triển xã hội số, Giám đốc Công nghệ FPT IS cho rằng, xét theo nghĩa rộng, việc này sẽ bao trùm lên mọi hoạt động của con người, còn theo nghĩa hẹp là việc phát triển công dân số và văn hóa số. Do đó, thúc đẩy xã hội số giúp xòa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống. Để phát triển xã hội số, Uỷ ban cần làm những việc như: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bảo thiểu số tiếp cận thông tin, chú trọng các lĩnh vực kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng, xây dựng ứng dụng trên smartphone, giúp đồng bào tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội; Xây dựng, phát triển bộ từ điển tiếng dân tộc điện tử và cổng thông tin tuyên truyền công tác dân tộc quảng bá quốc tế bằng tiếng Anh; Triển khai các ứng dụng số giúp bảo tồn các lễ hội, phong tục tập quán văn hóa dân tộc dưới dạng multimedia; Triển khai các ứng dụng số hỗ trợ đồng bảo thiểu số trong các khía cạnh đời sống như cung cấp thông tin về giao thông, cảnh báo thiên tai, khám chữa bệnh từ xa, hệ thống thông tin hỗ trợ lao động, việc làm; Phát triển, triển khai các ứng dụng số để đảm bảo an toàn, an ninh cho người dân.
Nhiệm vụ thứ 7, theo ông Việt, lứa tuổi thanh niên từ 20-39 tuổi đang chiếm 47% lực lượng lao động, nên cần phát huy vai trò của Đoàn thanh niên. "Thanh niên phải là những người xung phong đi đầu thực hiện chủ trương đẩy mạnh CĐS, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Thanh niên cũng phải là những người đi đầu, tích cực nhất giúp CĐS đi vào đời sống ở các đơn vị, hiện thực hóa mục tiêu chiến lược của Bộ/ngành, từ đó đạt mục tiêu chung của quốc gia", đại diện FPT IS khẳng định.
Cuối cùng, ông Việt đã đưa ra một số nhiệm vụ khác để Uỷ ban dân tộc có thể thực hiện việc CĐS một cách hiệu quả, đó là: Thành lập Ban chỉ đạo CĐS, Ban điều hành CĐS để đảm bảo thành công, có các cơ chế chỉ đạo thực hiện cũng như giám sát hiệu quả trong toàn bộ hệ thống; Kiến tạo thể chế bằng việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, hoàn thiện quy trình hoạt động, phối hợp của các cơ quan nhà nước, rà soát văn bản pháp luật (kiến trúc CPĐT, chia sẻ dữ liệu…), tiên phong thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới dạng sandbox; Ưu tiên các hình thức thuê dịch vụ, ứng dụng, hạ tầng, nền tảng phục vụ CĐS khi có thể để đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm thời gian, chi phí; Đánh giá hiệu quả CĐS qua các bộ tiêu chí, rút kinh nghiệm và cải tiến. "Uỷ ban cần xác định rõ CĐS là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần tiến hành tiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực chủ động, trọng tâm, trọng điểm, cần có những biện pháp sáng tạo, huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống", đại diện FPT IS kết luận.
Để hiện thực hóa những mục tiêu của Chương trình trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Uỷ ban Dân tộc đã xác định từ sớm, đẩy mạnh ứng dụng CNTT và CĐS là nền tảng mang tính quyết định, giúp đẩy nhanh quá trình thực thi các quyết sách liên quan vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, hỗ trợ công tác giáo dục - đào tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế cho đồng bào thông qua việc tham gia thị trường thương mại... Trong tháng 10/2021, Uỷ ban cũng đã thành lập Ban chỉ đạo CĐS do chính Bộ trưởng Hầu A Lềnh làm Trưởng ban, khẳng định tầm nhìn và quyết tâm cho các mục tiêu đã đặt ra.
Ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng Uỷ ban Dân tộc nhấn mạnh, Ủy ban xác định xây dựng chính phủ điện tử, CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong thời gian tới, khi mà hiện nay, việc tiếp cận, phát triển của các vùng đồng bào ở rất nhiều khoảng cách và mức độ khác nhau, rất nhiều nơi còn khó khăn, thiếu thốn. "Điều chúng tôi quan tâm nhất là làm sao đưa ứng dụng CNTT giúp các chính sách tiếp cận tới từng đồng bào ở từng khu vực một cách nhanh chóng, hiệu quả, để đồng bào miền núi tiến kịp miền xuôi về mọi mặt", ông Hầu A Lềnh khẳng định.