Thương mại điện tử xuyên biên giới: Tập trung vào sản phẩm lợi thế

Kinh tế số - Ngày đăng : 07:54, 19/10/2021

Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới trở thành kênh quan trọng đưa sản phẩm của doanh nghiệp (DN) Việt tiếp cận thị trường toàn cầu. Nhưng, để khai thác TMĐT xuyên biên giới hiệu quả, còn nhiều vấn đề cần quan tâm.

Về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Công nghệ số - Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương).

PV: Thưa ông, Việt Nam hiện là quốc gia có tốc độ phát triển TMĐT xuyên biên giới nhanh nhất thế giới. Ông có thể cho biết đánh giá về việc kết nối đưa hàng Việt ra thị trường thế giới thời gian qua?

Ông Bùi Huy Hoàng: Việt Nam hiện nay có tốc độ phát triển TMĐT khá nhanh trong khu vực. Với doanh thu TMĐT B2C (kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho DN mở rộng thị trường, đặc biệt đối với hàng Việt.

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Tập trung vào sản phẩm lợi thế - Ảnh 1.

Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Công nghệ số - Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương)

Trên thực tế, xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới có rất nhiều hình thức và tại mỗi thị trường thì lại có những yêu cầu khác nhau về tính năng sản phẩm. Chính vì vậy phải nhìn nhận TMĐT xuyên biên giới là một trong những giải pháp hữu hiệu. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khi mà kênh xuất khẩu truyền thống còn đang gặp khó khăn thì việc DN ứng dụng TMĐT để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường thế giới thông qua TMĐT xuyên biên giới là một kênh rất phù hợp.

Tuy nhiên, để có thể triển khai được TMĐT xuyên biên giới một cách hiệu quả thì còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Cụ thể, cần có sự tham gia của các cơ quan chức năng như các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là phải có sự tham gia chủ động của các DN, trực tiếp là những DN sản xuất hàng hóa.

Bộ Công Thương cũng đã chủ động những chương trình hợp tác với các đối tác là các sàn TMĐT lớn, uy tín trên thế giới để đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng nước ngoài. Vậy hiệu quả các chương trình này như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Huy Hoàng: Thời gian qua và hiện tại, Cục TMĐT và Kinh tế số đang triển khai hợp tác chặt chẽ với các đối tác như: Amazone, Alibaba… để thực hiện các chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các DN trong việc nhận thức về TMĐT, phương thức đưa hàng hóa lên sàn TMĐT, logistics TMĐT....

Để có thể vận hành luồng hàng TMĐT xuyên biên giới, Cục đã hợp tác với các sàn TMĐT trong nước như Vỏ Sò và đã xuất khẩu thành công vải thiều Bắc Giang trong niên vụ 2021. Sự kiện xuất khẩu thành công vải thiều Bắc Giang theo hình thức TMĐT xuyên biên giới của Vỏ Sò, nền tảng TMĐT của Việt Nam, là dấu mốc đặc biệt. Có thể coi đây là một bước tiến đáng ghi nhận đối với ngành TMĐT nước ta trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu.

Mặc dù đây là thí điểm, nhưng tiềm năng của phương thức này rất tốt và sắp tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng nền tảng của Việt Nam do Việt Nam xây dựng. Cụ thể, sẽ vận hành và có định hướng hỗ trợ các DN Việt Nam, sản phẩm Việt quảng bá ở nước ngoài thông qua những kênh như Thương vụ Việt Nam, Đại sứ quan Việt Nam tại nước ngoài.

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Tập trung vào sản phẩm lợi thế - Ảnh 2.

Sự kiện xuất khẩu thành công vải thiều Bắc Giang theo hình thức TMĐT xuyên biên giới của Vỏ Sò là dấu mốc đặc biệt

Vậy theo ông, cần lưu ý vấn đề gì đối với DN để có thể đưa hàng hóa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và xuất khẩu thành công trên các kênh TMĐT xuyên biên giới?

Ông Bùi Huy Hoàng: Chắc chắn TMĐT xuyên biên giới sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhất là khi Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực. Đây là cơ hội không chỉ cho DN xuất khẩu nói chung mà cho cả các DN nhỏ, DN địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng tốt và biết vận dụng TMĐT. Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi kèm với thách thức. Đó là những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, bảo quản hàng hóa, khâu thông quan hàng hóa, hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu và đặc biệt là đối với lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới. Đây chính là những vấn đề mà DN, cá nhân khi tham gia TMĐT xuyên biên giới cần phải lưu ý.

Cụ thể, cần phải hiểu biết về thị trường nước nhập khẩu, một sản phẩm có thể bán rất tốt ở thị trường này, nhưng sẽ không thể bán được ở thị trường khác do tính chất của sản phẩm và đặc tính tiêu dùng của thị trường. Do vậy, nên tập trung vào những sản phẩm là lợi thế của Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm đó.

Đồng thời, cần hiểu các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá cũng như các quy định liên quan tới nhập khẩu của thị trường nước nhập khẩu. Đảm bảo hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng và các chứng từ, chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, quy định về pháp lý trước khi đưa sản phẩm vào thị trường đó.

Cuối cùng cần nắm rõ được quy trình vận hành logistics trong TMĐT xuyên biên giới, cách thức bảo quản hàng hóa hiệu quả và tính toán được phương án logistics tối ưu nhất, chi phí thấp nhất để hàng hóa có giá bán cạnh tranh nhất khi phân phối trên TMĐT tại thị trường quốc gia nhập khẩu.

Xin cảm ơn ông!

Lan Anh