Viet Solutions 2022 phải đổi mới mạnh mẽ, giải được nhiều bài toán giúp Việt Nam bứt phá
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 16:34, 18/10/2021
Thông tin trên được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Lễ trao giải cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số (CĐS) quốc gia - Viet Solutions 2021 được Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT và Viettel tổ chức tại Hà Nội ngày 18/10.
Sự cộng hưởng sẽ thúc đẩy quá trình CĐS ở Việt Nam
Phát biểu tại Lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, quốc gia nào thích ứng nhanh nhất với COVID-19 thì sẽ hồi phục và phát triển nhanh. Với Việt Nam, công nghệ số là giải pháp để thích ứng an toàn với COVID-19, thông qua làm việc từ xa, học hành trực tuyến, kiểm tra thẻ xanh thông qua smartphone…
"Nếu coi COVID-19 như một "đột biến" thì chúng ta sẽ có cơ hội phát triển đột phá, để Việt Nam có thể bứt phá vươn lên", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Vì vậy, 2 năm COVID-19 vừa qua sẽ cho Viet Solutions những cách tiếp cận mới và giúp cho Việt Nam phát triển. Để rồi, người đứng đầu ngành TT&TT đã đặt ra hàng loạt câu hỏi với chương trình này như: Viet Solutions đã huy động được nhiều người, nhiều doanh nghiệp (DN), nhiều bộ ngành và nhiều địa phương chưa? Vậy Viet Solutions đã tập hợp các bài toán Việt Nam chưa? Các "solution" của Viet Solutions đã giúp gì cho Việt Nam phát triển? Viet Solutions sẽ chỉ tập trung vào những bài toán nhỏ hay những bài toán lớn mang tầm quốc gia? Viet Solutions ngoài vinh danh các lời giải thì có vinh danh các bài toán làm thay đổi đất nước, thay đổi nhân loại hay không?
"Bởi vậy, cách tốt nhất để phát triển là công khai bài toán, vấn đề của mình, thay vì sợ lộ thì hãy làm cho nó lộ ra", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
Năm 2021, Viet Solutions đã bắt đầu khởi động việc đặt hàng các bài toán để đi tìm lời giải từ công nghệ. Kết thúc mùa giải thứ 3, cuộc thi ngày càng đi vào chiều sâu, hướng đến giải quyết các bài toán của 8 lĩnh vực ưu tiên CĐS quốc gia, như hệ thống đo cảm biến để điều khiển đèn tín hiệu giao thông; phát hiện vi phạm bản quyền... Năm 2021, cuộc thi cũng có nhiều giải pháp hướng đến mục tiêu kép, vừa chống dịch thành công vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội như học tập trực tuyến cho trẻ em, giải pháp xác thực thông tin cá nhân.
Viet Solutions 2021 cũng thu hút sự tham gia của cộng đồng các DN công nghệ ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Cuộc thi cũng đã có sự tham gia từ sinh viên ở một số trường đại học (ĐH). Trong đó, ĐH Bách khoa đã gửi tới gần 15 giải pháp. Tuy chưa lọt được đến vòng chung kết, nhưng đây chính là một sân chơi thúc đẩy sức sáng tạo trong sinh viên, giúp các em trưởng thành hơn.
"Người ta nói rằng, muốn xem tương lai của một quốc gia có hứa hẹn hay không, hãy nhìn vào triển vọng hiện tại của thế hệ trẻ quốc gia đó. Chúng ta hãy trao cho các em lòng tin và cơ hội. Với các em, có lẽ việc phấn đấu biến thế giới thành nơi tốt đẹp hơn sẽ là một trong những trải nghiệm giá trị nhất trong đời. Một thế hệ mới, với một cuộc cách mạng công nghiệp mới, cả hai hãy cùng chuyển động", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Vì vậy, Bộ TT&TT cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều trường ĐH khác cùng tham gia vào sân chơi Viet Solutions. Trong 3 năm qua, chúng ta cũng đã nhìn thấy mô hình vườn ươm cho các ý tưởng sáng tạo, các DN công nghệ non trẻ, các sản phẩm công nghệ mới. Đó là sự tham gia và cộng hưởng của 3 thành phần bao gồm nhà nước, tập đoàn lớn và các DN công nghệ. Mô hình này cho thấy sự ưu việt và tính hiệu quả khi mỗi bên đều phát huy được sức mạnh của mình và góp phần mang lại giá trị chung. Trong đó, nhà nước ban hành chính sách, tháo gỡ khó khăn và đưa ra những bài toán ở quy mô quốc gia, đầu tư cho nghiên cứu dài hạn; tập đoàn lớn có sức mạnh tài chính, thị trường và các yêu cầu khắt khe của hệ thống lớn; DN công nghệ thì có ý tưởng, sáng tạo và nhanh nhạy.
Sự cộng hưởng này sẽ góp phần thúc đẩy sự sáng tạo, tạo ra thị trường để khích lệ các công ty công nghệ non trẻ, hướng tới mục tiêu phát triển 100.000 DN công nghệ Việt Nam vào năm 2025. "Sự cộng hưởng này sẽ thúc đẩy quá trình CĐS ở Việt Nam vì sẽ có những giải pháp có thể ứng dụng ngay vào cuộc sống. Sự cộng hưởng này cũng sẽ góp phần xây dựng những sản phẩm, giải pháp công nghệ ưu việt, quy mô lớn và vươn ra toàn cầu", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng kêu gọi các kỹ sư công nghệ, cộng đồng DN công nghệ, các trường ĐH, các DN, các cá nhân kinh doanh, các tổ chức, các địa phương, các bộ ngành và người dân tham gia Viet Solutions, đặt bài toán, nêu vấn đề và giải bài toán. "Hãy tưởng tượng những điều chưa từng có và hỏi tại sao không. Giải được những bài toán ấy một cách hiệu quả bằng công nghệ số, đó chính là quá trình CĐS ở Việt Nam".
Với tinh thần đó, người đứng đầu ngành TT&TT đã phát động cuộc thi Viet Solutions 2022. Với cuộc thi này, mọi người sẽ có 1 năm, 365 ngày, 8.760 giờ, 525.600 phút. "Chúng ta có quá nhiều thời gian để làm được rất nhiều việc trong năm 2022 với điều kiện mỗi phút trong cuộc sống luôn có Viet Solutions, thay vì gần đến ngày trao giải mới chấm và tổ chức sự kiện".
Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng mong muốn giải thưởng Viet Solutions 2022 sẽ có đổi mới mạnh mẽ và giải được nhiều bài toán để giúp Việt Nam phát triển bứt phá.
Sau 3 năm đã có hơn 800 sản phẩm dự thi Viet Solutions
Đại diện Cục Tin học hoá, bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) cho biết, là sự kiện được tổ chức thường niên từ năm 2019, năm 2021 là năm thứ 2 cuộc thi Tìm kiếm giải pháp CĐS quốc gia - Viet Solutions được Bộ TT&TT phối hợp tổ chức. Viet Solutions đã tạo ra sự kết nối, cộng hưởng giữa cơ quan nhà nước, tập đoàn lớn, nhóm/tổ chức/DN cùng nhau tìm kiếm các giải pháp sáng tạo giúp giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần thực hiện Chương trình CĐS quốc gia. Qua chặng đường 3 năm, cuộc thi đã nhận được 800 sản phẩm/giải pháp/ý tưởng từ 25 quốc gia.
"Đây là một con số ấn tượng cho thấy sự năng động và sáng tạo của cộng đồng công nghệ số ở Việt Nam và thế giới", bà Hiền bày tỏ.
Các đội thi khi tham gia cuộc thi sẽ được Bộ TT&TT, các DN lớn khảo sát, đề nghị hợp tác kinh doanh. Một số giải pháp bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực, tiêu biểu như sản phẩm Map4D đã được Bộ TT&TT đưa vào ứng dụng thực tế, hay sản phẩm VVN AI đã kí hợp tác với Viettel, đạt doanh thu trên 1 triệu USD.
Sau 3 năm từ 2019-2021, Viettel đã hợp tác với 9 sản phẩm với tổng giá trị 44 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ hợp tác tăng thành công theo từng năm: năm 2019 có 2 sản phẩm; năm 2020 là 5 sản phẩm; năm 2021 có 2 sản phẩm được ký kết hợp tác ngay khi cuộc thi còn chưa kết thúc.
Mặc dù gặp khó khăn do dịch COVID-19, Viet Solutions 2021 đã nhận được 257 hồ sơ từ 17 quốc gia, trong đó 85% thuộc lĩnh vực ưu tiên CĐS quốc gia. Một số giải pháp ấn tượng của cuộc thi năm nay bao gồm giao thông, năng lượng, tài chính ngân hàng…
So với năm 2020, điểm khác biệt của Viet Solutions 2021 là Ban Tổ chức đã thúc đẩy hợp tác sớm để hỗ trợ đội thi đưa sản phẩm thương mại hóa trên thị trường, đồng thời góp phần đẩy nhanh quá trình mở rộng và tiếp cận khách hàng và đào tạo hướng tới tiếp cận cả thị trường trong nước và quốc tế.
Khép lại mùa thứ ba của Viet Solutions, Ban tổ chức đã chọn được đội chiến thắng. Giải Nhất trị giá 300 triệu đồng đã thuộc về đội Vintom với các thành viên đến từ Ba Lan và Việt Nam, với giải pháp công nghệ thuộc lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng, cho phép chuyển dữ liệu số thành video tương tác và được cá nhân hóa dành cho khách hàng DN.
Hai giải Nhì trị giá 200 triệu đồng mỗi giải đã được trao cho đội DiGiAds và CyberPurify cùng thuộc lĩnh vực Giải trí tiện ích. Ban tổ chức cũng đã trao 2 giải Nhì trị giá 150 triệu đồng/giải cho 2 đội Emddi thuộc lĩnh vực giao thông vận tải và logistics; và "Dino Đi học" ở lĩnh vực Giáo dục./.