Mưa lớn gây sạt lở, hàng nghìn hồ đập đầy nước
Truyền thông - Ngày đăng : 15:13, 18/10/2021
Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng
Những ngày qua, trên địa bàn Nghệ An có mưa to, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Mưa lớn đã khiến núi Nguộc (huyện Thanh Chương) sạt lở mạnh tại vị trí đã từng sạt lở vào tháng 9/2021. Hàng trăm khối đất đá đổ xuống lòng đường làm xiêu vẹo một số cột sắt phía dưới.
Ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: "Huyện đã tích cực phối hợp cùng cơ quan quản lý đường bộ khắc phục các sự cố sạt lở; đồng thời chỉ đạo các địa phương bám nắm tình hình, thông tin cho người dân biết để phòng tránh tai nạn".
Mưa lớn trong nhiều ngày qua đã khiến một số tuyến đường ở Hà Tĩnh hư hỏng. Tại huyện Đức Thọ, sau trận mưa lớn vào ngày 16/10, gần 200m đường trục chính của thôn Vĩnh Yên, xã Đức Lạng, bị sạt lở, toàn bộ mặt đường bị dòng sông Ngàn Sâu "nuốt chửng". Khu vực này có gần 50 hộ dân với 480 nhân khẩu sinh sống.
Mưa lũ cũng khiến hơn 1.000m3 đất, đá tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn tràn xuống đường, chia cắt đường lên Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng tuyên truyền, cảnh báo đến người dân đi lại phải chú ý quan sát để đảm bảo an toàn.
Hơn 1.000 hồ đập đầy nước
Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng hồ, đập lớn nhất cả nước. Do mưa nhiều, toàn tỉnh này đã có 1.035/1.061 hồ đập đầy nước.
Theo Chi cục Thủy lợi Nghệ An, hiện nhiều hồ, đập chứa nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã rơi vào tình trạng hư hỏng nặng. Đơn vị đã đề xuất bố trí nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa xung yếu cho 84 hồ chứa, trong đó có 14 hồ thuộc diện ưu tiên cấp bách.
Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết, phần lớn hồ đập ở Nghệ An có "tuổi thọ" trên 40 năm.
Hà Tĩnh có 351 hồ đập lớn nhỏ, trong số đó gần 150 công trình hư hỏng, xuống cấp chưa có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa; 55 hồ đập xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ. Để đảm bảo an toàn cho người dân, Hà Tĩnh đã lên phương án sơ tán 2.349 hộ với 8.024 người ở vùng hạ du hồ đập đến vị trí an toàn.
Thanh Hóa: Ngày 15/10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều tuyến đường, khu vực ở miền núi bị sạt lở, ngập, hư hỏng. 610 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 385 hồ đã đầy nước.
Theo đó, mưa lớn khiến tuyến Quốc lộ 217B bị sạt taluy dương, sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc hơn 10 vị trí, khối lượng khoảng 30 m3; lề đường bị xói trôi nhiều vị trí, khối lượng khoảng 20m3.
Trên các tuyến đường tỉnh như đường 514, 516B, 522, 523C, 516… bị sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc, xói trôi lề đường nhiều vị trí với khối lượng khoảng 200m3. Hiện các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa đã chủ động xả hạ thấp mực nước để đón lũ trong những ngày sắp tới.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với vùng áp thấp, từ đêm 15/10 đến 18/10 ở khu vực Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to. Cụ thể, tại Nghệ An, có tổng lượng mưa từ 100-200mm/đợt, cục bộ có nơi trên 200mm. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có tổng lượng mưa từ 300-600mm/đợt, cục bộ có nơi trên 600mm. Tại Đà Nẵng và Quảng Nam có tổng lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, cục bộ có nơi trên 300mm.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn ở Trung Bộ: cấp 2.
Trước tình hình mưa lũ vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa, lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh.
Đồng thời, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng kiểm soát, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn giao thông các khu vực ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, chia cắt. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Bên cạnh đó, triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp; khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp. Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu./.