ChatOps: Giải pháp Make in Viet Nam tự tin sẽ vượt qua các “vực thẳm chết chóc”

Viet Solutions - Ngày đăng : 07:49, 16/10/2021

Terran Labs, doanh nghiệp (DN) đang phát triển dự án ChatOps, tự tin sẽ đạt doanh số 1 triệu USD đầu tiên vào năm 2023, và đạt 10 triệu USD sau 3-4 năm, lần lượt vượt qua các giai đoạn "vực thẳm chết chóc" của quá trình phát triển startup.

ChatOps: giải pháp make in Viet Nam tự tin sẽ vượt qua các “vực thẳm chết chóc” - Ảnh 1.

Terran Labs quyết tâm xây dựng những giải pháp số giúp các DNtrở nên linh hoạt hơn.

“Chúng tôi tin rằng, trong môi trường DN thời đại số, con người và máy móc cần phải cộng tác với nhau nhịp nhàng để tạo ra giá trị to lớn hơn trong nền kinh tế tri thức”, ông Phạm Mạnh Lân, Giám đốc điều hành Terran Labs, DN đang phát triển dự án ChatOps, chia sẻ.

Theo đó, trong môi trường DN số, các lao động ảo (digital labor) là những thực thể không còn xa vời, các Big Tech (công ty lớn liên tục thu thập, tích lũy và khai thác dữ liệu lớn toàn cầu) có được vị thế cạnh tranh ngày càng lớn, sẽ dần nuốt chửng phần còn lại của kinh tế thế giới bằng cách lấn sân sang các ngành kinh doanh truyền thống. Các DN, hoặc là cộng sinh khéo léo với Big Tech bằng những quyết tâm thực thi chiến lược chuyển đổi số đúng đắn hoặc sẽ bị bỏ lại phía sau. Đó là những rủi ro trong môi trường kinh doanh khi công nghệ số ngày càng phát triển.

“Chúng tôi quyết tâm xây dựng những giải pháp số giúp các DN trở nên linh hoạt hơn để có thể thích nghi, tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số”, Giám đốc điều hành Terran Labs cho biết.

Ông Phạm Mạnh Lân chia sẻ nhiệm vụ của dự án ChatOps là giúp mọi DN hưởng lợi từ việc chuyển đổi số, giúp DN xây dựng không gian làm việc số hoàn chỉnh. Ở đó con người và máy móc có thể cộng tác với nhau linh hoạt và liền mạch, DN dễ dàng lưu trữ, quản trị và khai thác tài nguyên dữ liệu trên chính hoạt động kinh doanh của mình tạo ra.

ChatOps là gì?

Hiện nay, có khoảng 4,1 tỷ người dùng các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp, Facebook Messenger, Wechat, Viber... Chỉ riêng ứng dụng Facebook Messenger, mỗi tháng có hơn 10 tỷ tin nhắn được trao đổi. Việc có nhiều ứng dụng đã khiến luồng giao tiếp trong DN khó kiểm soát. DN hoặc là chưa ý thức được tầm quan trọng của các luồng giao tiếp, hoặc là có ý thức nhưng chưa có giải pháp xử lý được triệt để các vấn đề như khó quản trị giao tiếp nội bộ, không phân biệt rạch ròi giao tiếp cá nhân và công việc, những nhân sự đã nghỉ việc đôi khi mang theo cả những giao tiếp và mối quan hệ của DN. Ngoài ra, nhiều nền tảng giao tiếp không đảm bảo mặt quản trị DN khiến các tổ chức không kiểm soát được vấn đề an toàn thông tin, đặc biệt là lộ những thông tin quan trọng, không làm chủ được dữ liệu giao tiếp.

Giải pháp ChatOps quản lý giao tiếp bằng cách thiết lập theo đội, nhóm, phòng ban và các kênh giao tiếp. Người dùng dễ dàng tìm kiếm lịch sử giao tiếp, thiết lập mục tiêu quản trị doanh nghiệp. ChatOps cũng tích hợp các tính năng cuộc gọi thoại, video, chia sẻ màn hình, hỗ trợ các loại tệp tin, sử dụng trợ lý ảo chatbot và digital assistant trong các hoạt động trích xuất dữ liệu báo cáo, cập nhật thông tin ở các phần mềm khác nhau trong tổ chức.

Theo ông Phạm Mạnh Lân, đơn giản, ChatOps là nền tảng cộng tác làm việc số cho một tổ chức quy mô lớn, trong đó trung tâm của nền tảng này là hệ thống tin nhắn DN (EMS- Enterprise Messaging System) có thể dễ dàng kết nối với các trợ lý ảo để trợ giúp con người trong công việc, tự động hóa mọi hoạt động trong DN.

ChatOps: giải pháp make in Viet Nam tự tin sẽ vượt qua các “vực thẳm chết chóc” - Ảnh 2.

Sơ đồ về sự bổ sung, cộng tác giữa người và máy.

Xu hướng của các phương thức giao tiếp trong DN

Xu hướng cộng tác làm việc trong DN đã chuyển đổi từ dùng thư điện tử (email được phát minh từ hơn 50 năm trước) sang các phần mềm chat. Bằng chứng rõ nhất là hai nền tảng chat DN ChatWork đã IPO ở Nhật và Slack đã IPO ở Mỹ năm 2019.

Xu hướng áp dụng chatbot và tự động hóa quy trình (RPA) đang gia tăng trong DN ở các nước phát triển. Thực tế, thị trường chatbot tại Nhật đã đạt giá trị 24 triệu USD, và con số đó dự đoán tăng lên 130 triệu USD vào năm 2022. Trong khi đó, thị trường RPA tại Nhật năm 2018 đạt 200 triệu USD và dự đoán lên 600 triệu USD năm 2023.

Các DN Việt Nam có thể chậm hơn và quy mô thị trường nhỏ hơn, nhưng cơ bản sẽ không nằm ngoài xu thế này. Giải pháp ChatOps là sản phẩm ứng dụng các khía cạnh phần mềm chat cho DN và công nghệ học máy, trí tuệ nhân tạo…

Theo giới thiệu của ông Nguyễn Ngọc Tú, kiến trúc sư trưởng của Terran Labs, ChatOps có thể tận dụng được toàn bộ ưu điểm của các hệ thống RPA đang ngày càng phát triển, ngoài ra bản thân nó là một siêu ứng dụng, nên sự kết hợp RPA + Collaborative AI/Machine Learning mở rộng gần như vô hạn việc liên thông các hệ thống khác nhau trong và ngoài DN, thúc đẩy tiến trình vận hành hoạt động kinh doanh liền mạch và tự động hóa cao.

Sử dụng ChatOps, các nhân sự của DN có thể cộng tác thông qua các luồng giao tiếp, qua giọng nói, qua video hoặc chia sẻ màn hình dễ dàng. Giải pháp cũng hỗ trợ cả các nền tảng trên web, điện thoại di động và máy tính, đồng thời có thể tích hợp với giải pháp bên thứ ba ở nhiều cấp độ. Chỉ cần với một giao diện dạng đối thoại thống nhất (Conversational Interface), các cấp lãnh đạo DN có thể thiết lập mục tiêu và quản lý đầu việc trực quan hiệu quả. Với giải pháp cộng tác giao tiếp này, DN có thể nâng cao hiệu quả những hoạt động cộng tác phức tạp đòi hỏi thúc đẩy trí tuệ tập thể ….

Bảo mật cao, chống nghe trộm thậm chí từ trong nội bộ

Để tạo dựng sự khác biệt với các giải pháp trên thị trường, đặc biệt là những giải pháp ngoại như Slack, Microsoft Teams, Google Workplace, giám đốc dự án Phạm Mạnh Lân cho biết ChatOps tập trung nâng cao giải pháp quản trị linh hoạt (Agile Management), tập trung vào các giá trị của tính liền mạch. “Khác biệt của ChatOps sẽ nằm ở giải pháp quản trị và cấu trúc mở của hệ thống, giúp DN thực sự làm chủ giải pháp, tri thức và dữ liệu”, ông Phạm Mạnh Lân cho biết.

Về tính bảo mật, nền tảng cộng tác công việc này được xây dựng trên lõi là nền tảng giao tiếp DN, trong đó thiết kế đảm bảo an toàn thông tin các tầng kiến trúc và các giao thức mã hóa tương ứng, như mã hóa khi tin nhắn đang được gửi đi và mã hóa khi tin nhắn đã được gửi đến. Ngoài ra, giải pháp cũng hỗ trợ xác thực nhiều lớp, có thể tích hợp thêm cơ chế mã hóa đầu cuối (End to End Encryption) tùy chỉnh cho các kênh với độ bảo mật cao, ngay cả đội ngũ quản trị hệ thống thông tin trong DN cũng không thể giải mã, nhằm tránh nghe trộm từ trong chính nội bộ.

ChatOps: giải pháp make in Viet Nam tự tin sẽ vượt qua các “vực thẳm chết chóc” - Ảnh 3.

Terran Labs tự tin ChatOps sẽ đạt doanh số 1 triệu USD đầu tiên vào năm 2023.

Tự tin vượt qua các giai đoạn “vực thẳm chết chóc” của startup

Ông Phạm Mạnh Lân cho biết, mặc dù doanh thu thực tế năm 2020 của giải pháp ChatOps là 5 tỷ đồng, nhưng vẫn có thể là tín hiệu thành công ảo. Trong 3 năm tới, ChatOps đã đặt ra những cột mốc quan trọng như đạt doanh số 450 triệu đồng/tháng năm thứ nhất, đảm bảo có tăng trưởng doanh thu hữu cơ nhưng vẫn khám phá thị trường, tìm giải pháp giải đúng bài toán thị trường để tiến vào giai đoạn tăng trưởng.

Ngoài doanh thu “đúng”, chỉ số quan trọng hơn là số lượng DN sử dụng, ChatOps đặt mục tiêu có 1.000 DN đầu tiên sử dụng nền tảng dưới dạng SaaS (phần mềm dạng dịch vụ). Trong chiến lược ra nước ngoài, ChatOps đặt mục tiêu có 500 DN đầu tiên sử dụng tại Nhật Bản.

Mặc dù được kiểm chứng hiệu quả ở nhiều DN IT/ICT có quy mô khác nhau, ChatOps vẫn là một ứng dụng rất mới. Ông Phạm Mạnh Lân cho biết đang phải “vừa đi vừa dò đường”, liên tục giả định và kiểm chứng trên chính những phản hồi từ thị trường, đặc biệt thử nghiệm từ những tập khách hàng trong các ngành công nghiệp truyền thống, ít trải nghiệm công nghệ và ít đầu tư cho CNTT. Trước mắt, trong năm 2022 tới, Terran Labs sẽ tiếp tục quá trình khám phá này, tạo doanh thu ngắn hạn để có thể lực cho tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên, với các thế mạnh cạnh tranh của sản phẩm, Terran Labs “tự tin” sẽ “đạt doanh số 1 triệu USD đầu tiên vào năm 2023, vượt qua vực thẳm chết chóc lần thứ nhất, giai đoạn mà chỉ có 4% DN đạt được” và ChatOps sẽ đạt doanh thu 10 triệu USD đầu tiên sau đó 3-4 năm, đây cũng là vực thẳm chết chóc lần thứ 2 mà chỉ có 0,4% DN có thể vượt qua.

“Chỉ cần vượt qua 2 vực thẳm này, và khám phá được thị trường cả trong và ngoài nước”, Giám đốc Terran Labs cho biết, “chúng tôi tự tin có thể đi xa hơn”./.

Bảo Bình