Hiệu quả và ý nghĩa của việc ứng dụng CNTT trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Truyền thông - Ngày đăng : 14:59, 15/10/2021
Phát huy hiệu quả và ý nghĩa của việc ứng dụng CNTT
Thượng Tọa TS. Thích Minh Nhẫn - Phó ban, Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp TƯ, Tổng Biên tập Kênh Thông tin Tổng hợp Phật sự Online (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho biết, hiện nay việc ứng dụng CNTT trong Giáo hội đang phát huy rất hiệu quả.
Cụ thể, trong nhiệm kỳ VIII của Giáo hội Phật giáo, các chư Tôn đức đã định hướng về phương hướng hoạt động Phật sự, trong đó ở điểm thứ 8 có nhiều nội dung liên quan đến việc ứng dụng CNTT và đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp.
Chính vì thế Giáo hội đã đưa ra những định hướng và từ định hướng này tăng ni cũng đã nỗ lực học tập. Cùng với đó, Giáo hội cũng đã tổ chức nhiều khóa tập huấn để việc ứng dụng CNTT đạt hiệu quả cao.
Có thể nói trong thời gian qua, nhờ việc ứng dụng CNTT mà các cuộc họp quan trọng giữa chư Tôn đức lãnh đạo cấp cao ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã được tổ chức rất nhanh, chỉ cần đôi ba phút kết nối là đã có thể trao đổi trực tuyến ngay để cùng chia sẻ những thông tin, cũng như sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao của Giáo hội, qua đó triển khai kịp thời đến các tỉnh thành.
Hiện nay đang trong thời điểm tổ chức Đại hội Phật giáo của cấp huyện. Trước tình hình dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, Trung ương Giáo hội cũng ban hành Thông tư 229 về việc Điều chỉnh một số nội dung có liên quan đến công tác tổ chức đại hội Phật giáo cấp huyện.
Những tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 và 16 thì trung ương Giáo hội ở trong Thông tư cũng đã hướng dẫn có thể tổ chức theo hình thức trực tuyến đã kịp thời đáp ứng được những khó khăn hiện nay của một số tỉnh thành trong việc phải tổ chức đại hội để hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch của Trung ương đã ban hành.
Có thể nói, sau khi Thông tư này được ban hành thì chư Tôn đức, tăng ni của một số tỉnh thành đã nắm bắt được rất nhanh và đã kịp thời triển khai, tháo gỡ những khó khăn trong công tác tổ chức đại hội Phật giáo cấp huyện có liên quan đến công tác đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh.
Trong giai đoạn hiện nay, cho dù đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Hình thức tổ chức trực tuyến này có thể nói là an toàn, đỡ tốn nhân lực trong thực hiện về việc an toàn phòng chống dịch bệnh mà vẫn đảm bảo được nội dung yêu cầu của trung ương Giáo hội, vẫn hoàn thành được nhiệm vụ Thông tư 229 đã đề cập.
Có thể nói việc ứng dụng công nghệ thông tin của giáo hội hiện nay đang từng bước hoàn thiện và đạt được nhiều kết quả là nhờ sự chỉ đạo một cách quyết liệt trong thời gian qua.
Đẩy mạnh ứng dụng truyền thông số trong công tác Hoằng pháp
Theo Thượng Tọa TS. Thích Minh Nhẫn, hiện nay, việc ứng dụng CNTT trong công tác Hoằng pháp cũng như ứng dụng truyền thông số trong công tác hoằng pháp khá phổ biến. Ban Hoằng pháp Trung ương cũng đã triển khai Đề án ứng dụng CNTT trong công tác Hoằng pháp, quản trị hành chính đã đạt được nhiều hiệu quả.
Qua 2 năm triển khai đã tổ chức được nhiều khóa tập huấn cho các thành viên của Ban Hoằng pháp Trung ương cũng như các tỉnh thành. Hiện nay các thành viên của ban Hoằng pháp Trung ương đều có một website riêng để cập nhật các video đã thuyết giảng sau khi đăng tải trên Youtube sẽ tự cập nhật về website của cá nhân, nhằm cung cấp địa chỉ cho tín đồ Phật tử thuận tiện khi muốn nghe pháp vào địa chỉ website cố định thì sẽ tìm được tất cả các video của bản thân vị thầy đó thuyết giảng.
Ngoài ra, Ban Hoằng pháp trung ương cũng có website hoangphaponline.com (Hoằng pháp Online) và trungtamhoangphaponline.com (Trung tâm Hoằng pháp online) để cập nhật toàn bộ video của chư tôn đức Ban Hoằng pháp khi thuyết giảng đã đăng tải lên Youtube thì trang website sẽ tự cập nhật để cung cấp một địa chỉ đáng tin cậy, để quý Phật tử thuận tiện tìm hiểu để học Phật online.
Đây cũng là địa chỉ thuyết giảng trực tuyến của chư Tôn đức Tăng Ni giảng sư trong cả nước về các chương trình Phật học từ cơ bản đến nâng cao, học viên tham gia chương trình học trực tuyến tại đây sẽ là cơ hội gặp gỡ và trực tiếp tương tác với chư vị giảng sư chuyên ngành Hoằng pháp.
Hiện nay, Ban Hoằng pháp Trung ương cũng như Ban Hoằng pháp các tỉnh thành từng bước tiếp nhận kiến thức qua các khóa tập huấn và hoàn thiện các trang thiết bị cần phải có cho công tác tổ chức Hoằng pháp online.
Sắp tới Ban Hoằng pháp Trung ương sẽ tiếp tục triển khai lần lượt tổ chức tập huấn, chuyển giao công nghệ cũng như hướng dẫn các kỹ thuật trong việc tổ chức, thuyết giảng online cho tất cả thành viên Ban Hoằng pháp của các tỉnh thành theo từng cụm để mục đích cuối cùng là các thành viên của Ban Hoằng pháp các tỉnh thành đều có thể sử dụng thành thạo các công cụ trang thiết bị, phương tiện hiện đại cho công tác Hoằng pháp mà cuộc CM 4.0 đã mang đến.
Trong thời gian dịch bệnh các chùa cũng tổ chức nhiều khóa tu online một ngày cho Phật tử vì do giãn cách xã hội và không tổ chức tập trung đông người được.
Việc này đang được tín đồ Phật tử rất quan tâm, cũng như được sự chỉ đạo một cách sâu sát của chư Tôn đức, của lãnh đạo Trung ương Giáo hội. Thông qua các công văn của hòa thượng chủ tịch cũng như thường trực Hội đồng Trị sự đều có chỉ đạo cụ thể, khuyến khích trong thời gian này nên tập trung phát triển nhiều chương trình tổ chức online trực tuyến. Trong đó, tu học và thuyết giảng nhằm đáp ứng yêu cầu cũng như nguyện vọng tu học Phật pháp của các Phật tử, của các tăng ni.
Các khóa tu cũng được triển khai, tổ chức các khóa trì tụng trực tuyến để quý Phật tử có thể tham gia thông qua Zoom, Google meet cũng như một số chương trình riêng, tham gia trực tiếp trên website để tham dự các khóa lễ.
Tuy nhiên, hiện nay cái khó là một bộ phận Phật tử lớn tuổi cũng ít tiếp cận về CNTT nên cũng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, tăng ni lớn tuổi cũng như một số chùa còn hạn chế về trang thiết bị để ứng dụng trong việc tổ chức thuyết giảng cũng như tổ chức các khóa tu online trực tuyến.
Tuy nhiên, qua các khóa tập huấn cũng như trong hướng phát triển tương lai chuyển đổi số thì tất cả các chùa và quý tăng ni từng bước sẽ cập nhật về kiến thức, từng bước sẽ có trang thiết bị máy quay phim, máy chụp hình cũng như là các thiết bị hỗ trợ cho thuyết giảng online và tổ chức các chương trình tu học trực tuyến để đáp ứng yêu cầu của quý Phật tử trong thời đại mới.
Phòng, chống các thông tin xấu, độc
Nói về biện pháp bảo đảm về an toàn, an ninh thông tin, phòng chống các thông tin xấu, độc hại hoặc các đối tượng xấu lợi dung kẽ hở và tận dụng các mạng xã hội, thiết bị CNTT để kích động, chia rẽ khối Đại đoàn kết dân tộc, Thượng Tọa TS. Thích Minh Nhẫn chia sẻ, nội dung này luôn được Giáo hội rất quan tâm.
Từ năm 2020 , Trung ương Giáo hội đã tổ chức hội nghị toàn quốc để thảo luận, nghiên cứu về nội dung này. Sau đó Trung ương Giáo hội đã ban hành thông tư số 206/2020/TT-HĐTS quy định việc tăng ni sử dụng không gian mạng. Từ đó, giúp tăng ni không bị lôi cuốn, tin vào những thông tin xấu độc làm ảnh hưởng đến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các nội dung hoạt động của Giáo hội.
Thông qua Ban Thông tin truyền thông trung ương, Tổ thông tin tuyên truyền văn phòng Trung ương Giáo hội đã tổ chức rất nhiều khóa tập huấn về quan điểm, về tư tưởng và ý thức khi sử dụng không gian mạng. Và qua thông tư số 206/2020/TT-HĐTS hướng dẫn làm sao phát huy được tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần tốt đời đẹp đạo ở trên không gian mạng thường hay sử dụng, và sử dụng không gian mạng theo tinh thần chánh niệm.
Bên cạnh đó, khi tiếp cận những thông tin mang tính chất kích động cũng như đả phá, ảnh hưởng đến hoạt động của Giáo hội cũng như đả kích những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước mang tính chất xuyên tạc, có thể nói đến giờ tăng ni đều ý thức tránh xa hoặc kịp thời báo cáo đến chư Tôn đức hoặc lãnh đạo Giáo hội có chuyên môn của lĩnh vực này, để chư Tôn đức lãnh đạo của Giáo hội kịp thời có hướng chỉ đạo, xử lý ngăn chặn./.