Việt Nam đang trở thành cường quốc làm chủ về thiết kế, sản xuất Make in Viet Nam

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 21:13, 14/10/2021

Đây là nhận định của các đại biểu tham dự chương trình toạ đàm "Why Vietnam" trong khuôn khổ Hội nghị - Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) 2021 chiều 14/10.

Việt Nam đang vươn lên trong lĩnh vực ICT

Trao đổi tại chương trình, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT - Bộ TT&TT cho biết Việt Nam có quy mô dân số đứng thứ 15 trên thế giới, là quốc gia vươn lên mạnh mẽ về GDP, đứng thứ 40 trên gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN.

"Việt Nam lớn hay nhỏ, phụ thuộc vào nhận thức của chính chúng ta. Có những quốc gia không lớn về diện tích nhưng lại là nước lớn trên một số phương diện. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển đột phá về công nghệ đang gọi tên các doanh nghiệp (DN) công nghệ số", ông Tuyên chia sẻ.

Ông Tuyên cũng cho biết Việt Nam với những khát vọng lớn, tầm nhìn lớn sẽ mang đến thế giới câu chuyện thành công về chuyển đổi số (CĐS), chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và là nơi để các DN công nghệ số tới đầu tư và phát triển.

Về lĩnh vực công nghiệp ICT, theo ông Tuyên, trong vài năm qua, Việt Nam đã vượt lên trên nhiều cường quốc trên thế giới về lĩnh vực công nghệ và CNTT. Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về sản xuất, xuất khẩu điện thoại và đứng thứ 9 thế giới về xuất khẩu điện tử.

Việt Nam cũng được đánh giá cao về một số mảng thuộc lĩnh vực công nghiệp CNTT như thuê ngoài CNTT (IT outsourcing), Việt Nam đứng thứ 9 trên thế giới. Về thuê ngoài phần mềm (software outsourcing), Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới. Một lĩnh vực gần đây Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ là sản xuất game với phần mềm game blockchain Axie nổi bật thế giới với giá trị hơn 2,5 tỷ USD. Lĩnh vực game của Việt Nam được xếp vị trí thứ 6 trên thế giới.

Phó Vụ trưởng Vụ CNTT cho biết Việt Nam đang có những chiến lược, chương trình tham vọng để Việt Nam vươn lên, trở thành một trong những cường quốc làm chủ về thiết kế, sản xuất Make in Viet Nam trong thời gian tới với mục tiêu cao và kỳ vọng lớn.

Đánh giá về vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực ICT, ông Hồ Chí Dũng, Phó Tổng giám đốc phụ trách phát triển mạng lưới viễn thông, công ty Điện tử Samsung Vina cho biết có thể lấy Samsung để thấy rõ hơn cả. Ở tầm vĩ mô, vai trò, vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung toàn cầu là vô cùng quan trọng, không phải tự nhiên mà nhiều công ty "đại bàng" đang hội tụ về Việt Nam, trong đó có Samsung, DN FDI đóng góp vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam tới 20%.

Việt Nam đang trở thành cường quốc làm chủ về thiết kế, sản xuất Make in Viet Nam - Ảnh 1.

Ông Hồ Chí Dũng: Việt Nam có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Samsung có quá trình đầu tư phát triển ở Việt Nam 10 năm, tổng giá trị đầu tư hiện nay gần 18 tỷ USD, hiện diện tại Hà Nội, Thái Nguyên, TP.HCM. Samsung hiện thu hút hơn 100.000 lao động, trong đó có khoảng vài chục ngàn kỹ sư. Trong 9 tháng đầu năm 2021 dù ảnh hưởng của COVID-19 nhưng với sự hỗ trợ của Chính phủ, Samsung đã chủ động vượt khó, đóng góp giá trị xuất khẩu của Việt Nam hơn 47 tỷ USD.

Ông Dũng cũng chia sẻ thông tin mỗi năm Samsung sản xuất khoảng 180 triệu các loại thiết bị điện tử từ điện thoại, tivi, tủ lạnh… ở Việt Nam, chiếm 60% tổng sản phẩm toàn cầu. Gần đây, Samsung đã thắng một loạt thầu hàng tỷ USD về thiết bị viễn thông 5G hiện đại. Ít ai biết rằng 90% thiết bị tiên tiến đó sản xuất tại Việt Nam. Đó là một vài con số để thấy vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Samsung cũng cam kết đầu tư vào các ngành đứng đầu trong chuỗi cung ứng. Hiện Samsung có khoảng 2000 kỹ sư R&D và đang xây dựng một tổ hợp R&D khoảng 220 triệu USD ở Hà Nội và cuối năm 2022, tổ hợp này sẽ hoạt động và đón 3000 kỹ sư R&D đến làm việc. Những con số này để thấy vai trò của Việt Nam.

Khả năng đổi mới của Việt Nam rất lớn

Một lợi thế khác của Việt Nam được ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết hiện nay Việt Nam đang trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST) của thế giới.

Theo ông Thiều Phương Nam, năng lực ĐMST của Việt Nam rất ấn tượng. Các sản phẩm Make in Viet Nam đã được chứng minh trên thế giới, và được triển khai tại các quốc gia, trong đó trụ sở chính của Qualcomm tại Mỹ.

Qualcomm cũng ấn tượng với kế hoạch phát triển 5G của Việt Nam và việc đưa công nghệ 5G mới nhất vào trong kế hoạch phát triển ICT. Hạ tầng 5G được xem là quan trọng để thúc đẩy ĐMST.

Việt Nam cũng đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi công nghệ thế giới. Qualcomm hiện đang tích cực hỗ trợ, mở rộng hoạt động để hỗ trợ Chương trình Make in Viet Nam. Qualcomm đã mở trung tâm R&D, trung tâm R&D đầu tiên tại Đông Nam Á, cung cấp, hỗ trợ DN Việt Nam thiết kế, sản xuất sản phẩm cho thị trường Việt Nam và thế giới.

Qualcomm còn làm việc với nhiều công ty, nhà mạng, nhà sản xuất thiết bị, hợp tác với Việt Nam xây dựng phòng lab để thúc đẩy ĐMST, nhất là trong công nghệ tiềm năng như 5G, IoT.

Để hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình phát triển, ông Paul Chen, Giám đốc kiến trúc giải pháp khu vực ASEAN, Amazon web service (AWS) cho biết công ty cung cấp khoảng 200 dịch vụ trên nền tảng ĐTĐM. 

Nhiều DN đang khai thác năng lực này để phát triển. Trong ngành tài chính, nhiều ngân hàng Việt Nam đã khai thác các dịch vụ ĐTĐM để xây dựng siêu ứng dụng như ngân hàng số đáp ứng các dịch vụ cho khách hàng tại Việt Nam và các khu vực khác. Nhiều DN đã phát huy năng lực trên thị trường thế giới khi tập trung cho chuyển đổi số, khai thác các dịch vụ từ AWS để phát triển, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của mình.

"Sử dụng các dịch vụ ĐTĐM là một hành trình, có nhiều khả năng để DN có thể sử dụng thúc đẩy CĐS. AWS đã đầu tư nguồn nhân lực tại Hà Nội, TP.HCM và tiếp tục đầu tư tại Việt Nam vì nhìn thấy tiềm năng rất lớn tại Việt Nam", ông Paul Chen cho biết.

Việt Nam làm gì để tận dụng lợi thế?

Trao đổi tại toạ đàm, ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam,  chia sẻ có khoảng 300 - 400 triệu người xem nội dung giáo dục trên TikTok tại Việt Nam. Cách đây hơn 1 năm, nội dung học tập chỉ khoảng 20 triệu người xem/ngày. Sau 1 năm đã có nhiều người làm nội dung giáo dục. Nhiều DN đã coi TikTok là công cụ quảng bá sản phẩm đến đông đảo người dùng, điều đó cho thấy tiềm năng của CĐS của DN là rất lớn.

Ông Thanh cũng chia sẻ TikTok đang tập trung mở nhiều lớp đào tạo về tiếp thị số để nhiều DN nhỏ và vừa có thể nắm bắt kỹ năng số thúc đẩy kinh doanh trực tuyến.

Ông Thanh nhận định: "Việt Nam có nhiều lợi thế lớn mà các nhà đầu tư, các công ty lớn đều nhận thấy là người Việt rất chịu khó, chăm chỉ, năng lực của người lao động cao và học kỹ năng rất nhanh".

Việt Nam đang trở thành cường quốc làm chủ về thiết kế, sản xuất Make in Viet Nam - Ảnh 2.

Bà Vũ Thị Minh Tú: cần sự hỗ trợ của các bộ ngành liên quan để thúc đẩy xuyên biên giới

Cũng trao đổi những hỗ trợ cho DN, bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại, Lazada Việt Nam cho biết công ty này đang hỗ trợ DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa đang chịu nhiều tổn thương từ COVID-19 như hỗ trợ bồi dưỡng kỹ năng số để tận dụng thương mại điện tử (TMĐT) chuyển đổi sang mô hình kinh doanh số.

Bà Tú cũng chia sẻ TMĐT hay thương mại truyền thống thì hệ thống logistics đóng vai trò quan trọng để bán hàng thành công nên cần có chính sách hỗ trợ cho hệ thống logistics. Đây là thời điểm khuyến khích phát triển TMĐT xuyên biên giới, giúp cho DN tiếp cận thị trường bên ngoài rộng hơn, đa dạng hơn nhờ lợi thế công nghệ. Muốn làm được điều đó cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan để thúc đẩy xuyên biên giới, đặc biệt hàng hoá TMĐT, giúp cho TMĐT phát huy tốt nhất vai trò, hỗ trợ DN đa dạng hoá kênh kinh doanh giúp Việt Nam hội nhập thế giới./.

Lan Phương