Các doanh nghiệp tham gia SMEdx sẽ cùng thúc đẩy, đưa CĐS vào từng ngõ ngách của cuộc sống

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 17:07, 14/10/2021

Theo đại diện Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT), hiện quá trình chuyển đổi số (CĐS) đã thay đổi từ nhận thức sang có những hành động, kế hoạch cụ thể. Do đó, Cục mong muốn các doanh nghiệp (DN) tham gia vào SMEdx sẽ cùng nhau thúc đẩy, đưa CĐS vào từng ngõ ngách của cuộc sống.

Thông tin trên được ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá chia sẻ tại buổi lễ kí kết giữa Cục Tin học hoá với các nền tảng số mới tham gia Chương trình chuyển đổi số cho các DN vừa và nhỏ (SMEdx) ngày 14/10. Cụ thể, các nền tảng mới tham gia chương trình bao gồm: nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất - Misa Amis (Misa); nền tảng tự động hoá quy trình nghiệp vụ - Ubot Invoice, nền tảng tổ chức các sự kiện, biểu quyết online – Ubot Meeting (FPT Software); nền tảng mạng xã hội cho doanh nghiệp Gapowork (Gapo); nền tảng tuyển dụng Joboko; nền tảng CĐS và tăng doanh thu cho các đơn vị vận chuyển hành khách, hàng hoá (Vexere).

Chuyển dịch lên môi trường Internet là xu thế không thể đảo ngược

Chia sẻ tại buổi lễ kí kết, ông Tiến cho biết, trong hơn một năm qua, Việt Nam đã có sự thay đổi nhận thức toàn diện ở cả 3 trụ cột của Chương trình CĐS quốc gia là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Tin học hoá, hiện CĐS mới chỉ dừng lại nhiều hơn ở việc nhận thức và bắt đầu triển khai. Vì vậy, trong thời gian tới, Cục mong muốn các DN sẽ cùng nhau thúc đẩy, đưa CĐS vào từng ngõ ngách của cuộc sống. "Đây là trách nhiệm rất lớn của các DN công nghệ số, khi mà Chương trình CĐS quốc gia cũng đã xác định rất rõ, một trong những yếu tố phát triển kinh tế số chính mà "Make in Viet Nam" – các DN Việt Nam xây dựng những ứng dụng giải quyết bài toán Việt Nam", ông Tiến khẳng định.

Cũng theo ông Tiến, nếu như DN lớn có nguồn lực về tài chính, công nghệ, việc CĐS đối với họ chủ yếu là định hướng chiến lược, tầm nhìn thì những DN vừa và nhỏ, dù chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam lại đang cần sự thay đổi cả về nhận thức cũng như sự hỗ trợ rất lớn về nguồn lực, công nghệ thì mới có thể thành công. Do đó, Bộ TT&TT đã đưa ra Chương trình SMEdx. Hiện Chương trình SMEdx cũng đã đạt được một số kết quả nhất định với sự tham gia nhiệt tình của các đơn vị cung cấp nền tảng chuyển đổi số.

Ngoài ra, trong thời gian qua, việc CĐS đã thay đổi từ nhận thức chuyển sang kế hoạch hành động. Đặc biệt, ngay sau khi Chương trình SMEdx ra đời vào đầu năm 2021, dịch COVID-19 đã có những diễn biến phức tạp. Qua đó, các DN đã nhận thức được rất rõ tầm quan trọng của CĐS trong việc phát triển kinh tế - xã hội không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh mà còn trong thời gian tới. "Việc chuyển dịch từ môi trường thực tế sang môi trường số là xu thế không thể đảo ngược", ông Tiến bày tỏ.

Các doanh nghiệp tham gia SMEdx sẽ cùng thúc đẩy, đưa CĐS vào từng ngõ ngách của cuộc sống - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 và Chương trình SMEdx đã tạo cơ hội cho các Misa và các công ty khác có thể quảng bá các giải pháp CĐS thực sự có ích cho cộng đồng.

Cơ hội cho các DN số quảng bá giải pháp có ích cho cộng đồng

Chia sẻ tại sự kiện, bà Đinh Thị Thuý, Tổng giám đốc Công ty Misa cho biết, Chương trình SMEdx mang rất nhiều giá trị đối với các DN vừa và nhỏ, khi mà dịch COVID-19 giống như một cú hích đòi hỏi các đơn vị phải tiến hành CĐS mạnh mẽ hơn, thay đổi cách làm việc truyền thống trước kia sang cách làm mới, nâng cao năng suất lao động. Đây cũng là cơ hội cho Misa nói riêng và các công ty khác nói chung có thể quảng bá các giải pháp thực sự có ích cho cộng đồng.

Cũng theo bà Thuý, trong tháng 1/2021, Misa có tham gia SMEdx với nền tảng kế toán dịch vụ (Misa ASP) và đã có được 226 đối tác, phục vụ gần 4.000 DN. Với những lợi ích có được khi tham gia Chương trình SMEdx, Misa đã tiếp tục tham gia với nền tảng quản trị DN hợp nhất (Misa AMIS) phù hợp không chỉ cho SME mà còn cả các DN lớn. Nền tảng đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ điều hành, quản trị của DN, phù hợp từ công ty vừa và nhỏ cho đến lớn. Các DN khi kí kết thông qua Chương trình SMEdx sẽ được dùng thử Misa AMIS 15 ngày hoặc tặng thêm 6 tháng sử dụng dịch vụ khi đăng ký gói 1 năm.

"Tham gia SMEdx với một nền tảng tiếp theo, Misa hi vọng sẽ được sự hỗ trợ của Bộ TT&TT để tuyên truyền, giới thiệu cho các DN vừa và nhỏ ", bà Thuý khẳng định.

Còn theo ông Hà Trung Kiên, Tổng Giám đốc Gapo, đơn vị sở hữu nền tảng mạng xã hội DN Gapowork, trong quá trình xây dựng công ty và phát triển văn hoá DN, Gapo có sử dụng các nền tảng mạng xã hội DN của nước ngoài. Tuy nhiên, chi phí sử dụng ở mức tương đối cao và chưa thực sự phù hợp với các DN Việt Nam nên công ty đã quyết định cho ra mắt nền tảng Gapowork cho các DN, tổ chức.

Gapowork sẽ giúp các DN đảm bảo hiệu suất làm việc khi làm online, tương tự như làm trực tiếp tại văn phòng thông qua việc truyền thông, gắn kết mọi người trong công ty. "Khi tham gia Chương trình SMEdx, chúng tôi kì vọng sẽ được nhiều DN biết đến và sử dụng, từ đó tiết kiệm chi phí cho các đơn vị trong quá trình vận hành thông qua việc kết nối, gắn kết mọi người và xây dựng văn hoá trong các tổ chức", ông Kiên nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 16/7, Bộ TT&TT đã công bố thêm 3 nền tảng số xuất sắc tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ (DN) và vừa chuyển đổi số (CĐS) (SMEdx). Đó là các giải pháp trên nền tảng điện toán đám mây (ĐTĐM) của CMC Telecom, nền tảng CĐS ngành vận tải hành khách Anvui và giải pháp tổng đài thông minh của ITS.

Ngày 12/01/2021, Bộ TT&TT đã công bố về Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 của Bộ TT&TT. Trên cơ sở đó, ngày 29/1/2021 đã tổ chức lễ khởi động Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS, tại buổi lễ này Cục Tin học hoá đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với 15 DN.

Để cụ thể hóa chương trình, ngày 26/3/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký Quyết định số 377/QĐ-BTTTT phê duyệt Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS, theo đó chương trình sẽ định kỳ rà soát bổ sung các nền tảng số mới đáp ứng tiêu chí vào danh mục nhằm ngày càng cung cấp cho các DN SME những lựa chọn đa dạng, đầy đủ hơn./.


NK