Thương mại trên mạng xã hội tại Đông Nam Á gia tăng mạnh mẽ
Kinh tế số - Ngày đăng : 16:48, 14/10/2021
Trong thời đại Internet phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội đang trở thành một kênh bán hàng tiềm năng đặc biệt trong khu vực. Dữ liệu của Bain & Co. cho thấy chỉ riêng năm 2020, thương mại xã hội trong khu vực đã chiếm gần một nửa (44%) thị trường thương mại điện tử (TMĐT) trị giá 109 tỷ USD của khu vực. Điều này không có gì ngạc nhiên khi Đông Nam được coi là khu vực có tỷ lệ sử dụng Internet cao nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên ở đây là lần đầu tiên, mua sắm qua mạng xã hội đã vượt qua bán lẻ truyền thống để trở thành phương thức mua sắm được ưa chuộng thứ hai ở Đông Nam Á.
Trong một báo cáo thường niên gần đây của iKala - một nhà cung cấp giải pháp dựa trên AI, chỉ trong nửa đầu năm 2021, đơn đặt hàng và tổng giá trị hàng hóa trong lĩnh vực thương mại xã hội của khu vực đã tăng lần lượt 102% và 91% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo dựa trên cuộc khảo sát 1.600 người mua sắm trên mạng xã hội và hơn 23.600 khách hàng doanh nghiệp (người bán hàng trên mạng xã hội) ở 4 quốc gia Thái Lan, Malaysia, Philippines và Singapore, được thực hiện trong 2 quý đầu năm 2021.
Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan là những quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng về số lần mua sắm trực tuyến trong một tháng. Tổng doanh thu của thương mại xã hội trên mỗi đơn đặt hàng đã tăng 88% trong hai quý đầu năm nay.
Theo iKala, ngay cả trong bối cảnh hạn chế do đại dịch COVID-19 ở nhiều nước trong khu vực, tốc độ phát triển của thương mại xã hội hoàn toàn không có dấu hiệu giảm nhiệt. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng vẫn đang dành nhiều thời gian hơn để khám phá, xem xét và mua các sản phẩm trong hệ sinh thái mạng xã hội.
Báo cáo cho biết, trong khi TMĐT vẫn áp đảo là kênh mua sắm ưa thích của người tiêu dùng Đông Nam Á với 91%, thương mại xã hội (78%) đang nổi lên nhanh chóng với 78% và vượt xa hình thức bán lẻ truyền thống.
"Trên thực tế, có tới 42% tổng số người mua sắm cho biết họ sử dụng mạng xã hội để mua hàng 1-2 lần/tháng và 35% sử dụng mạng xã hội để mua sắm hơn 3 lần/tháng", iKala cho biết.
Đặc biệt, doanh thu trên mỗi đơn đặt hàng đã tăng 88%, một con số đáng kinh ngạc phản ánh cách người tiêu dùng không chỉ mua nhiều hơn trên mạng xã hội mà còn chi tiêu nhiều hơn cho mỗi đơn đặt hàng.
Theo Sega Cheng, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập iKala, Đông Nam Á là một trong những khu vực có số lượng người dùng mạng xã hội lớn nhất trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch, họ đã sử dụng các nền tảng xã hội để đáp ứng nhu cầu mua sắm của mình. Ngay cả khi hệ thống mua bán truyền thống mở cửa trở lại, thương mại trên mạng xã hội vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng.
Cheng cho biết, với những ưu thế tiện lợi và khả năng tiếp cận dễ dàng, hình thức mua sắm này sẽ giữ một vị trí lâu dài trong cách khu vực này mua sắm.
Công bằng mà nói, việc mua sắm trên các nền tảng xã hội vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn. Dựa trên nghiên cứu, người tiêu dùng trong khu vực cho biết phí vận chuyển đắt đỏ (51%), không có chính sách đổi trả hàng (41%) và thiếu dịch vụ chăm sóc khách hàng (34%) là những điểm mấu chốt khiến nhiều người vẫn còn băn khoăn khi sử dụng.
Bất chấp những thay đổi về thói quen cũng như kỳ vọng của người tiêu dùng, nhiều nhà bán lẻ đang bắt đầu tận dụng các công cụ và công nghệ mới nổi để làm cho hành trình mua sắm của khách hàng trở nên liền mạch.
"Khi hệ sinh thái mua sắm này ngày càng phát triển, những người bán cũng sẽ nhanh chóng áp dụng các giải pháp hiệu quả nhằm loại bỏ những rào cản để có thể duy trì sự tham gia và tin tưởng về lâu dài", Giám đốc điều hành và đồng sáng lập iKala cho biết./.