Việt Nam cam kết và thực hiện đầy đủ các điều ước, hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 08:54, 14/10/2021
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VGP
Chủ động tích cực hợp tác quốc tế trong phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai
Sự kiện "Hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai" do Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phối hợp cùng các tổ chức Liên Hợp Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức tại Hà Nội thu hút sự tham gia của Đại sứ quán nhiều nước, các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, định chế tài chính, thành viên Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai và các bộ, ngành.
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Việt Nam khẳng định quyết tâm trong việc đoàn kết, hưởng ứng cùng các quốc gia, các cơ quan Liên hiệp quốc và ASEAN, các tổ chức quốc tế để thúc đẩy nhận thức toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Đồng thời, cùng nhau nâng cao năng lực, ứng phó có hiệu quả hơn nữa với thiên tai, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, đời sống của nhân dân, của xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.
Theo Phó Thủ tướng, công tác phòng chống thiên tai luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ cấp ủy, chính quyền các địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm, đặc biệt là sự tham gia tích cực, trách nhiệm, hiệu quả của toàn thể nhân dân. Trong hợp tác quốc tế, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế liên quan đến phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, như: tham gia Khung hành động SENDAI toàn cầu về quản lý rủi ro thiên tai, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu, ký kết Nghị định thư Kyoto của Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, và tham gia các cam kết trong khuôn khổ Nhóm công tác ứng phó khẩn cấp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC).
Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, công tác phòng, chống thiên tai tại Việt Nam vẫn còn có hạn chế về dự báo, cảnh báo, về nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, về lực lượng, về ứng dụng khoa học kỹ thuật, về khắc phục hậu quả, phục hồi sau thiên tai…
Trong bối cảnh phải ứng phó hiệu quả với rủi ro khi thiên tai và dịch bệnh Covid-19 cùng xảy ra, Lãnh đạo Chính phủ đặt ra vấn đề, phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, triển khai các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội, trong đó có các quốc gia, đối tác và bạn bè quốc tế để công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất.
"Chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ các điều ước đã ký kết về hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các tổ chức quốc tế khi thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, cứu trợ, giúp đỡ Việt Nam trong công tác phòng, chống thiên tai. Đồng thời, đảm bảo mọi sự hỗ trợ sẽ đều công khai, minh bạch, đúng địa điểm và đối tượng", Phó Thủ tướng khẳng định.
Chính phủ Việt Nam ghi nhận sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế
Sau đợt mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại khu các tỉnh miền Trung xảy ra vào tháng 10 năm ngoái, các Đối tác quốc tế đã kêu gọi huy động được 25 triệu USD để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ nhân đạo và phục hồi sinh kế ngay lập tức.
Đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và với tư cách là Đồng Chủ tịch của Đối tác Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai, cho biết: Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai đã thực hiện các hoạt động tập trung hỗ trợ các nỗ lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đặc biệt là giải quyết các tác động của hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và thiên tai bão lụt, sạt lở đất.
Theo ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện, Văn phòng JICA Việt Nam chia sẻ, Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua đề xuất Dự án "Phục hồi sau lũ lụt và Xây dựng Quy hoạch tổng thể về phòng chống thiên tai ở miền Trung Việt Nam". Trong khi đó, Dự án "Nâng cao nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc" cũng đã được khởi động, triển khai.
Mặc dù công tác hợp tác quốc tế gặp nhiều thách thức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 toàn cầu, nhưng theo đại diện JICA, tổ chức này mong muốn tận dung nhiều hình thức và cơ hội để thúc đẩy trao đổi hợp tác song phương, đa phương với các đối tác Việt Nam và quốc tế, các thành viên của Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Ghi nhận những hoạt động cứu trợ, hỗ trợ đáng quý của các tổ chức quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trao tặng Bằng khen cho Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Catholic Relief Services (CRS), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, chỉ riêng từ đầu năm 2021 đến nay, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 17/22 loại hình thiên tai, trong đó có 08 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, 310 trận mưa đá, dông lốc, sét; 88 trận mưa lớn, lũ cục bộ...Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hướng rất lớn các hoạt động phòng, chống thiên tai. Trong 9 tháng năm 2021, thiên tai đã làm 61 người chết, mất tích, 72 người bị thương; 238 nhà sập đổ hoàn toàn, 8.286 nhà bị hư hỏng, tốc mái, ước tính giá trị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.