“Google Map phiên bản thuần Việt” tỏa sáng nhờ mô hình vườn ươm “3 nhà” của Viet Solutions

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 16:11, 13/10/2021

Map4D nền tảng bản đồ bản đồ số 2D, 3D, 4D thuần Việt, đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam với khả năng hiển thị, tương tác với các đối tượng 3D và thể hiện chiều thời gian 4D. Năm 2020, Map4D đoạt giải Nhì cuộc thi Viet Solutions 2020. Đây chính là bước ngoặt nâng cánh cho startup này - sau 4 năm loay hoay tìm thị trường.

“Google Map phiên bản thuần Việt” tỏa sáng nhờ mô hình vườn ươm “3 Nhà” của Viet Solutions - Ảnh 1.

Ngay sau cuộc thi, Map4D được Bộ Thông tin và Truyền thông sắp xếp để gặp gỡ trực tiếp Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Đồng thời, Cục Tin học hóa cũng đã phối hợp với IoTlink để tổ chức buổi lễ công bố chính thức chương trình nền tảng chuyển đổi số quốc gia, và Map4D đã được chọn là một nền tảng cho chương trình này.

"Đây là điều rất có ý nghĩa đối với chúng tôi, là một sự công nhận trí tuệ Việt, nền tảng Việt cho quá trình chuyển đổi số Việt Nam. Nếu như không có sự công nhận này, sẽ vẫn còn sự hoài nghi, các đơn vị cũng chưa biết Map4D là gì để tin tưởng. Nhưng khi Bộ đã thông qua thì các địa phương cũng dễ dàng chấp nhận và đưa vào kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh" – anh Trịnh Công Duy, founder Map4D IoTLink (startup phát triển Map4D) cho hay.

Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu Map4D để triển khai trong đề án chuyển đổi số ở Khu ATK của tỉnh Thái Nguyên. Liền sau đó, sản phẩm này cũng được giới thiệu để triển khai trong các đề án khác ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Sóc Trăng và nhiều tỉnh thành khác. Bên cạnh đó, hàng loạt tập đoàn, công ty logistic như Viettel, VNPT, AhaMove… đã tiếp cận và ký kết hợp tác với Map4D sau cuộc thi.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và truyền thông) cho biết: Hiện nay người dân, doanh nghiệp thương mại điện tử khi đi đường đều sử dụng Google Map để tìm đường đi tối ưu. Mỗi năm, các doanh nghiệp này phải trả cho Google một số tiền khá lớn để được tích hợp vào Google Maps. Theo con số của một vài doanh nghiệp, mỗi năm họ phải trả cho Google Map 50 triệu USD.

Đây là cơ hội rất lớn mà Map4D có thể tận dụng để thành công, với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng như các đối tác lớn như Viettel.

Anh Duy bộc bạch, trước khi tham gia cuộc thi, Map4D cũng gặp phải nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, phải tự đi gõ cửa từng đơn vị để chứng tỏ năng lực của mình: "Sản phẩm của chúng tôi đã xây dựng được gần 4 năm nhưng chỉ ‘cất cánh’ sau khi tham dự Viet Solutions. Đây có thể coi là một bệ phóng của Map4D. Cuộc thi giúp sản phẩm Map4D tiếp cận tới nhiều đối tác quan trọng giúp sản phẩm ngày càng phát triển và tìm được thị trường nhờ mô hình vườn ươm ‘3 Nhà’ đặc biệt ở Viet Solutions".

 - Ảnh 1.

Đội ngũ Map4D tại Viet Solutions mùa 1

Về phía Viettel, sau cuộc thi, Viettel cũng tiếp tục làm việc với IoTlink, chính thức có ký kết hợp tác để triển khai nền tảng Map4D trong các dự án khác nhau của Viettel và đặc biệt, trong đó có các dự án về Trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC.

Đầu năm 2021, Tổng cục Biển đảo có văn bản xác nhận Map4D thực hiện đúng đường ranh giới biển đảo Việt Nam, đem đến thêm một chứng nhận quan trọng cho sản phẩm này. Liên quan đến bản đồ thì yếu tố chủ quyền biển đảo là vô cùng quan trọng. Gần như hầu hết các bản đồ Việt Nam hiện nay, hay bản đồ của các công ty nước ngoài, đều chưa có chứng nhận này. Như vậy các địa phương cũng có cơ sở để tin tưởng Map4D hơn.

"Rất tiếc là giai đoạn vừa rồi xảy ra Covid-19 nên nhiều kế hoạch còn chưa đạt được như ý muốn, nếu không có Covid-19, Map4D sẽ còn tiến nhanh và xa hơn nữa".

Không phải đội giành được vị trí quán quân nhưng vẫn được nâng cánh, anh Duy cho rằng, việc đạt giải nhất, hay giải nhì cũng không có quá nhiều khác biệt. Vì một cuộc thi có những tiêu chí nhất định. Ai phù hợp với tiêu chí đó hơn thì sẽ được vinh danh. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm đều có thế mạnh, thị trường riêng, nên Map4D không quá quan trọng việc phải được giải nhất, hay giải nhì. "Việc nằm trong top 3 đã là một cơ sở rất lớn để các nhà đầu tư, các đối tác nhìn vào, đó là sự ghi nhận dành cho giải pháp. Còn quan trọng hơn là sau đó giải pháp cống hiến cho xã hội như thế nào thôi".

Đưa ra lời khuyên cho các đội thi năm nay, anh Duy nhấn mạnh: "Các bạn hãy tự tin, cháy hết mình với sản phẩm Việt, cố gắng bộc lộ cả điểm mạnh và điểm yếu để ban giám khảo thấy được tiềm năng của sản phẩm, giải pháp và có sự hỗ trợ phù hợp nhất".

Map4D chỉ là một trong số nhiều câu chuyện thành công được cất cánh bởi Viet Solutions – một cuộc thi sáng tạo về chuyển đổi số đặc biệt, mới được tổ chức năm thứ 2 (Viet Solutions được tổ chức bởi Bộ Thông tin Truyền thông và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội - Viettel)./.

Nhã Mi