Ấn Độ và Indonesia tận dụng công nghệ máy bay không người lái để phân phối vắc-xin COVID-19
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 10:30, 13/10/2021
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, máy bay không người lái ra đời nhiều phiên bản: từ đơn giản, thô sơ đến hiện đại, tích hợp nhiều tính năng, nhằm phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Trước đây, máy bay không người lái chỉ được sử dụng cho mục đích giám sát. Tuy nhiên, hiện nay, máy bay không người lái còn được sử dụng cho các dịch vụ giao hàng, nông nghiệp, bảo trì viễn thông,...
Dự kiến thị trường công nghệ máy bay không người lái toàn cầu sẽ đạt 21,9 tỷ USD vào năm 2026, trong đó Trung Quốc và Mỹ chiếm thị phần lớn, tiếp theo là Nhật Bản, Canada và Đức. Trên thực tế, Trung Quốc tiếp tục mang đến những đổi mới và các trường hợp sử dụng máy bay không người lái mà người ta từng nghĩ không bao giờ có thể thực hiện được.
Ví dụ, Trung Quốc đã trình làng Robo-Shark, một máy bay không người lái quân sự dưới nước có độ ồn thấp, độ bền lâu, tốc độ nhanh và tính linh hoạt cao. Nó có thể tiến hành các nhiệm vụ trinh sát, tìm kiếm và cứu nạn, giám sát chiến trường, chống tàu ngầm, khảo sát thủy văn, chuyển tiếp thông tin liên lạc và các nhiệm vụ theo dõi dưới nước.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (CSSK), công nghệ bay không người lái cũng đang tạo ra những khả năng vô tận. Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), máy bay không người lái có thể được sử dụng để vận chuyển thiết bị y tế và vắc-xin, phun thuốc trên không cũng như giám sát không gian công cộng.
Tại các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Malaysia, máy bay không người lái đã và đang sử dụng để đối phó với đại dịch COVID-19 theo những cách khác nhau. Tại Malaysia, máy bay không người lái đang được sử dụng để giám sát những nơi tập trung đông người ở những khu vực cụ thể. Nếu một khu vực có quá nhiều người tập trung, máy bay không người lái sẽ phát ra âm thanh báo động và yêu cầu đám đông giải tán.
Còn tại Indonesia, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 ở châu Á, một nhóm gồm 7 thành viên "Makassar Recover Drone Medic" đang sử dụng các máy bay không người lái của mình để cung cấp thuốc và giao thức ăn cho các bệnh nhân COVID-19 bị cô lập tại nhà.
Theo người sáng lập và là điều phối viên của nhóm, Muhammad Dasysyara Dahyar, họ đang phối hợp với lực lượng đặc biệt chống COVID-19 địa phương để cung cấp thuốc cho các bệnh nhân COVID-19 ít nhất 5 lần mỗi ngày. Trong những ngày cao điểm của đợt bùng phát dịch bệnh gần đây nhất hồi tháng 7, nhóm trên đã thực hiện tới 25 lượt giao hàng chỉ trong vòng một ngày.
Các hạn chế về đi lại cho đến nay vẫn còn có hiệu lực tại nhiều thành phố của Indonesia, trong đó có Makassar. Theo Thị trưởng thành phố Makassar Mohammad Ramdhan Pomato, chính quyền thành phố đã lên kế hoạch mở rộng việc sử dụng máy bay không người lái đến các đảo lân cận. Ông Pomato nêu rõ mỗi máy bay trên được hoạt động trong phạm vi khoảng 7 km để có thể tiếp cận các hòn đảo. Những máy bay này ngoài việc cung cấp thực phẩm và thuốc men cũng sẽ giúp giám sát giao thông và hoạt động đi lại của người dân.
Hạn chế di chuyển cũng là một vấn đề lớn ở Ấn Độ. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Ấn Độ là quốc gia chịu sự tác động nặng nề thứ hai thế giới với gần 34 triệu các nhiễm và hơn 450.000 ca tử vong được báo cáo. Mặc dù các nỗ lực tiêm chủng trong nước đang được đẩy mạnh nhưng việc tiêm vắc-xin đến những người ở vùng sâu vùng xa vẫn là một thách thức lớn.
Tuy nhiên, công nghệ bay không người lái đang thay đổi điều này. Ở Hyderabad, máy bay không người lái đã bắt đầu thực hiện cung cấp vắc-xin COVID-19. Theo các chuyên gia, việc sử dụng máy bay không người lái có thể là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" với dịch vụ y tế ở các vùng nông thôn khó tiếp cận của Ấn Độ, nhất là ở những nơi việc chăm sóc sức khỏe bị hạn chế và đường sá thường xuyên không thuận lợi.
Tờ Times of India đưa tin, dịch vụ giao hàng bằng máy bay không người lái là một sáng kiến chung của chính quyền Telangana, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, NITI Aayog và bệnh viện Apollo. Dự án dự kiến sẽ mở đường cho nhiều dịch vụ giao hàng bằng máy bay không người lái trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trên khắp cả nước. Mỗi máy bay không người lái có khả năng mang theo trọng tải 4kg và 200 liều vắc-xin COVID-19 trong suốt chặng bay dài 6,6 km.
Theo UNICEF, việc triển khai công nghệ máy bay không người lái trong lĩnh vực CSSK chỉ có thể thành công nếu hiểu đầy đủ về chuỗi cung ứng y tế, bao gồm việc hiểu các trường hợp sử dụng tiềm năng, vị trí, tuyến đường, hàng hóa và phương thức vận chuyển, cũng như có chiến lược hiệu quả về chi phí để tối ưu hóa máy bay không người lái.
"Việc ứng dụng công nghệ không thể được mở rộng nếu không xây dựng được một hệ thống hỗ trợ thích hợp và môi trường thuận lợi", báo cáo của UNICEF nêu rõ, để vận hành máy bay không người lái trong đại dịch nói chung hoặc chuỗi cung ứng y tế nói riêng, việc tạo môi trường thuận lợi trở nên quan trọng. Khi đó, máy bay không người lái vừa có thể cách mạng hóa hệ thống CSSK vừa giúp cung cấp viện trợ cho những người dân ở các vùng sâu, vùng xa./.