Phú Yên chủ động ứng phó thiên tai với phương châm "phòng hơn chống"
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 10:29, 12/10/2021
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Phú Yên, những năm gần đây, điển hình các trận thiên tai lớn trên địa bàn là trận lũ quét vào năm 2009 xảy ra ở các huyện phía Bắc của tỉnh gồm Đồng Xuân, Tuy An, Sông Cầu, đã khiến 81 người chết, 97 người bị thương, 1.764 căn nhà sập hoàn toàn và 40 nghìn căn nhà bị hư hỏng. Tiếp đến là cơn bão số 12 xảy ra vào năm 2017 cùng với lũ lụt đã làm 6 người chết, 37 người bị thương và gần 15 nghìn căn nhà hư hỏng. Chưa hết, đợt hạn hán vào năm 2019 đã gây trên địa bàn mất mùa, giảm năng suất hàng chục nghìn ha cây trồng; gây cháy rừng diện rộng với hơn 70 vụ, với tổng diện tích hơn 1,1 nghìn ha rừng.
Theo thống kê, giai đoạn từ năm 2016 - 2020, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại hơn 5.300 tỷ đồng, trong đó bão, lũ lụt khoảng 5.000 tỷ và hạn hán là 300 tỷ đồng.
Để chủ động ứng phó thiên tai, ngay từ đầu năm 2021, các Sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên đều đã chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch tuy nhiên do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên việc xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai tùy thuộc với tình hình thực tế.
Sông Hinh, là huyện miền núi có nhiều khu vực trũng thấp, khi mưa lũ đổ về, nhiều khu dân cư bị ngập lụt, các loại cây trồng bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh thông tin trên địa bàn huyện có khoảng 20 hồ thủy lợi nhỏ, xây dựng đã lâu nên mức độ an toàn không cao, lớn nhất là hồ chứa thủy lợi La Bách, một số hạng mục đã xuống cấp, van điều tiết nước hư hỏng nặng… Công tác phòng chống thiên tai càng khó khăn và nhiều thách thức hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng ngay từ đầu năm chúng tôi đã chủ động rà soát, đã bổ sung phương án cho phù hợp với tình hình, chủ động đề xuất tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí để khắc phục nhằm đảm bảo an toàn các hồ chứa nước nói trên.
Còn theo ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sông Cầu, năm 2021, UBND Thị xã Sông Cầu đã triển khai các phương án ứng phó với phương châm "4 tại chỗ", vừa phòng chống thiên tai, vừa phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt bổ sung nhiệm vụ của tổ COVID cộng đồng tham gia phòng chống thiên tai. Khó khăn nhất hiện nay ở Thị xã Sông Cầu là công tác di dời, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản khi xảy ra bão. Hiện địa phương đang tập trung di dời lồng bè nuôi thủy sản ra khỏi các khu vực neo đậu tàu thuyền, tạo luồng lạch thông thoáng…
Tương tự, Đồng Xuân cũng là huyện miền núi có địa hình phức tạp, hệ thống sông, suối tương đối dày, hàng năm tổng lượng nước từ các sông suối này đổ ra biển khoảng 1,5 tỉ m3. Vì địa hình phức tạp, hàng năm ở Đồng Xuân xảy ra từ 3-5 trận lũ lụt lớn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Riêng năm 2020, bão và lũ lụt đã gây thiệt hại hơn 160 tỉ đồng. Để chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại, rút kinh nghiệm từ những năm trước, huyện đã xây dựng và sẵn sàng các phương án triển khai khi xảy ra thiên tai, bão lũ với nguyên tắc chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, đồng thời thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ", chủ động phương án di dời, sơ tán dân phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19.
Ngoài ra, các địa phương còn chủ động tổ chức tập huấn, diễn tập phòng chống thiên tai phù hợp với phương châm "4 tại chỗ": chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, hậu cần tại chỗ. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đợt thiên tai và thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo đúng quy định; bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt.
Các Sở, ngành và địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai, theo từng cấp độ rủi ro, sát với tình hình thực tế; nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo sớm, phát triển hệ thống mạng lưới quan trắc; tăng cường năng lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp làm công tác phòng chống thiên tai; ưu tiên bố trí nguồn dự phòng ngân sách để hỗ trợ khắc phục hậu quả, ổn định dân sinh, khôi phục sản xuất khi thiên tai xảy ra; phát huy vai trò tổ COVID cộng đồng tham gia công tác phòng chống thiên tai; tiếp tục nâng cao nhận thức hơn nữa cho người dân cũng như đào tạo kỹ năng, kiến thức phòng tránh….
Nguy cơ rủi ro thiên tai ngày càng khó lường, có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, nhiều khu vực đã không còn an toàn nên việc chủ động phòng ngừa, sẵn sàng vào cuộc từ sớm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xã hội sẽ giảm thiểu thiệt hại tối đa về người và tài sản.
Với phương châm “phòng hơn chống”, UBND tỉnh Phú Yên, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương khẩn trương xây dựng các kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; chủ động kiểm tra, rà soát, cập nhật, bổ sung kế hoạch PCTT, thường xuyên kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý, xác định các khu vực trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực, sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng.
UBND tỉnh cũng đã có kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ Phú Yên hơn 300 tỉ đồng để tỉnh khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lụt xảy ra trong năm 2020. Đồng thời xem xét hỗ trợ Phú Yên kinh phí thuê đơn vị tư vấn để phân tích số liệu, tính toán và lựa chọn phương án vận hành điều tiết, tích nước hợp lý, cắt giảm lũ cho vùng hạ du, cũng như đảm bảo cung cấp nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt vùng hạ du; ưu tiên vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các công trình PCTT; hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn. Về lâu dài, UBND tỉnh Phú Yên cũng đưa ra nhiều phải pháp đầu tư cho hệ thống đê, công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai kết hợp với trồng rừng ngập mặn ven biển; nâng cấp độ che phủ rừng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ cho biết.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, từ nay đến cuối năm, trên Biển Đông sẽ còn khoảng 9-11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, khu vực Phú Yên có thể chịu ảnh hưởng từ 1-2 cơn. Trong tháng 10 đến tháng 12/2021, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh Phú Yên cao hơn từ 15-40% so với cùng thời kỳ, vùng ven biển từ 1.000-1.500mm, vùng núi từ 1.500-1.800mm; các sông trên địa bàn tỉnh xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ đạt mức báo động II-III, có sông trên báo động III.