Hiếu PC: Nói Cốc Cốc copy trình duyệt khác hay thu thập dữ liệu đều không chính xác
An toàn thông tin - Ngày đăng : 15:05, 11/10/2021
Tin giả "lây lan" trên mạng xã hội
Theo báo cáo The Connected Consumer do Decision Lab thực hiện vào Q2/2021, Cốc Cốc - trình duyệt "Make in Vietnam" với trên 25 triệu người dùng - hiện thuộc top 2 những trình duyệt được yêu thích nhất tại Việt Nam. Bên cạnh nhóm người dùng ủng hộ, mỗi khi có tin tức cập nhật về Cốc Cốc được công bố trên mạng xã hội, một bộ phận cư dân mạng lại chỉ trích thay vì ủng hộ doanh nghiệp nước nhà. Một số bình luận có thể kể đến như:
"Do ăn cắp mã nguồn trình duyệt khác thì bị chèn ép là đúng rồi..."
"Trình duyệt này thu thập thông tin người dùng. Nên xoá đi đừng dùng..."
Nhận xét về vụ việc và những bình luận trên, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) cho rằng: "Cốc Cốc được phát triển dựa trên mã nguồn Chromium. Đây là mã nguồn mở và được nhiều trình duyệt phổ biến trên thế giới như Google Chrome, Microsoft Edge, Opera Browser… sử dụng. Mã nguồn này không phải là tài sản riêng của công ty công nghệ nào. Vì vậy nói trình duyệt Việt sao chép mã nguồn là sai sự thật".
Hiếu PC từng là một hacker nổi tiếng, hiện đang làm kỹ sư an ninh mạng cho NCSC
Về những lùm xùm liên quan đến việc ngầm thu thập dữ liệu người dùng, Hiếu PC cho biết, thông tin này cũng là không chính xác và tất cả đều bắt nguồn từ một hiểu lầm trong quá khứ.
Năm 2018, một thành viên trên một diễn đàn công nghệ đã đăng tải đoạn video ghi màn hình và cho rằng trình duyệt Việt đã bí mật đánh cắp thông tin người dùng. Bài đăng được nhiều cư dân mạng chia sẻ rộng rãi.
Tuy nhiên, khi kiểm tra lại thì anh nhận ra đây chỉ là sai sót trong quá trình thử chạy một phần mềm do mình tạo ra trên Cốc Cốc dẫn tới bị lỗi. Thành viên này sau đó đã lên tiếng đính chính, xin lỗi và xóa các bài viết để tránh hiểu lầm.
Như vậy, có thể thấy những bình luận về "copy trình duyệt khác", "bí mật thu thập thông tin" dành cho Cốc Cốc đều là thông tin không chính xác và chưa được kiểm chứng.
Người dùng vẫn là trên hết
Gạt bỏ những định kiến, Cốc Cốc vẫn luôn nỗ lực bảo vệ và giữ vững phương châm "người dùng là trên hết". Điều đó thể hiện qua việc phát triển hàng loạt tính năng giúp nâng cao an toàn cho người dùng, tiêu biểu như: Duyệt web an toàn - giúp cảnh báo các trang web lừa đảo, giả mạo; Chặn quảng cáo - loại bỏ quảng cáo độc hại, chứa mã theo dõi; Tìm kiếm an toàn - lọc những kết quả tìm kiếm chứa nội dung phản cảm, khiêu dâm...
Cốc Cốc đã phát triển và ra mắt nhiều tính năng nâng cao bảo mật cho người dùng
Bên cạnh đó, Cốc Cốc còn kết hợp cùng cơ quan chính phủ để phát động nhiều chiến dịch nâng cao an toàn an ninh mạng. Điển hình chính là "Chiến dịch Khiên Xanh" với sự kết hợp giữa Cốc Cốc, NSCS và Hiếu PC. Chiến dịch nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng với gần 25 nghìn lượt báo cáo trang web không an toàn.
Khi được hỏi về những cáo buộc của người dùng, ông Nguyễn Vũ Anh - Phó Tổng Giám đốc Cốc Cốc khẳng định: "Chúng tôi không bao giờ bí mật thu thập thông tin người dùng. So với trình duyệt khác, Cốc Cốc là đơn vị thu thập dữ liệu ít hơn. Những thông tin này đều là không định danh và sẽ phục vụ cho mục đích cải tiến sản phẩm, giúp đề xuất nội dung phù hợp hơn cho người dùng".
Để kiểm chứng, hãy cùng tiến hành một thử nghiệm nhỏ với chợ ứng dụng. Có thể thấy, lượng thông tin thu thập của mỗi trình duyệt là khác nhau. Cá biệt, có trình duyệt thì thu thập nhiều loại dữ liệu định danh, từ vị trí, lịch sử truy cập… đến cả nội dung tìm kiếm. Trong khi đó, thông tin Cốc Cốc thu thập rất ít, đa số là thông tin không định danh (dữ liệu không cụ thể danh tính), không xâm phạm sự riêng tư của người dùng.
Những thông tin mà Cốc Cốc thu thập rất hạn chế và là dữ liệu không định danh
Từ thử nghiệm trên, có thể thấy trên thực tế, bất cứ trình duyệt, công cụ tìm kiếm hay ứng dụng nào đều thu thập một vài thông tin từ người dùng. Sự khác biệt chỉ nằm ở việc nền tảng đó thu thập loại dữ liệu nào, công khai hay không công khai, thông tin đó được sử dụng với mục đích gì và có chính đáng hay không...
Bởi vậy, hãy trở thành những người dùng khôn ngoan để nhận biết và chọn cho mình những sản phẩm trình duyệt phù hợp. Đồng thời, thông tin được lan truyền nhiều không đồng nghĩa với thông tin chính xác. Đứng trước vô vàn nguồn tin, đặc biệt là nguồn tin có tính lan truyền nhanh như mạng xã hội, người dùng cần tỉnh táo để không bị "dắt mũi" và trở thành công cụ khiêu khích, hạ bệ bất cứ cá nhân, doanh nghiệp nào.