Việt Nam - trung tâm công nghệ mới nổi
Bản tin ICT - Ngày đăng : 10:05, 11/10/2021
Để hoạt động một cách tối ưu, các doanh nghiệp (DN) cần có quyền truy cập vào danh mục các lựa chọn đa dạng, có được các tài năng về CNTT và vận hành trôi chảy.
Trên thực tế hiện nay, theo nhiều chuyên gia, các lãnh đạo DN đang có xu hướng xem xét tất cả các mô hình kinh doanh và nguồn nhân lực để có được những gì họ cần, đặc biệt là những địa điểm có liên quan đến công nghệ mới nổi.
Theo ông Mohan Naidu, Giám đốc của FPT tại Anh: "Gia công phần mềm đã và đang bùng nổ khi vị thế của Việt Nam ngày càng gia tăng, Việt Nam được coi là một điểm đến để phát triển CNTT. Trong những năm gần đây, các ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam đã và đang phát triển chuỗi giá trị và cung cấp nhiều công việc có giá trị gia tăng hơn".
Trong khi đó, theo Tạp chí CIO, gia công phần mềm tại Việt Nam tiết kiệm đến 90% chi phí, so với việc phát triển phần mềm tại Mỹ. Khi so sánh với Ấn Độ, phát triển phần mềm ở Việt Nam rẻ hơn từ 1/3 đến 1/7 lần. Trên thực tế, gia công phần mềm ở Việt Nam đang được công nhận là một giải pháp thuê ngoài hiệu quả về chi phí, chất lượng cao ở châu Á.
Cung cấp cầu nối giữa châu Âu và châu Á
Mặc dù nhiều ý tưởng mới có thể đến từ châu Âu, nhưng châu Á lại là nơi lý tưởng để thử nghiệm các mô hình mới. Luật pháp tại châu Á linh hoạt hơn với các quyền tự do khám phá các giải pháp mới. Mọi người cởi mở hơn với những ý tưởng và cách suy nghĩ mới.
Vẫn theo ông Mohan Naidu: "Là một DN phần mềm, FPT không chỉ hỗ trợ khách hàng triển khai kỹ thuật mà còn giúp họ đưa những ý tưởng sáng tạo vào cuộc sống. Các công ty châu Á nhận thấy họ có thể đóng vai trò là cầu nối giữa châu Âu và châu Á trong nhiều sáng kiến kỹ thuật số".
Một trong những thách thức mà Vương quốc Anh và châu Âu phải đối mặt là sự khan hiếm nguồn lực trong các công nghệ mới nổi. Sự thiếu hụt tài năng số đã buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải vào cuộc để lấp đầy một số khoảng trống trong khi các nhóm nội bộ đang được gấp rút mở rộng để đối phó với khối lượng công việc ngày càng gia tăng. Một số công ty đang xem xét lại chiến lược về các địa điểm cung cấp dịch vụ của họ để cân bằng lại một số rủi ro có thể gặp phải trong tương lai.
Câu trả lời có thể nằm ở việc xây dựng một nhóm gia công chuyên dụng hoặc một trung tâm phân phối với quan hệ đối tác cộng tác. Những điều này không chỉ có thể giảm thiểu rủi ro, hiệu quả hơn về chi phí và đội ngũ nhân lực có tay nghề cao mà còn có trách nhiệm chung đối với hoạt động kinh doanh và tính liên tục. Cách tiếp cận này không chỉ loại bỏ sự gián đoạn nguồn cung mà các công ty có thể đã gặp phải trong quá trình diễn ra dịch bệnh COVID-19 trong suốt thời gian vừa qua, mà còn cho phép các DN tập trung vào các hoạt động cốt lõi của họ như phát triển sản phẩm và chiến lược kinh doanh.
Liệu nhà cung cấp dịch vụ CNTT tiếp theo có thể đến từ Việt Nam?
Theo ông Mohan Naidu, Việt Nam là một quốc gia kỹ thuật số đang lên. Với 70% dân số dưới 35 tuổi, Việt Nam được nhiều công ty quốc tế lớn coi là cơ hội mới để trở thành địa điểm cung cấp dịch vụ quan trọng tiếp theo. Nền kinh tế số của Việt Nam là thị trường phát triển nhanh thứ hai ở Đông Nam Á, theo một báo cáo gần đây của Google, Temasek và công ty tư vấn quản lý toàn cầu có trụ sở tại Mỹ Bain. Thách thức mà Việt Nam phải đối mặt là nhu cầu phát triển lực lượng lao động kỹ thuật số với con số lên đến 190.000 kỹ sư CNTT vào cuối năm 2021.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện là một trong những quốc gia mới nổi năng động nhất trong khu vực Đông Á. Tại Việt Nam, công nghệ được coi là trụ cột chính của nền kinh tế, có hơn 250 cơ sở đào tạo cấp cao giảng dạy CNTT. Vì vậy, mỗi năm Việt Nam đón nhận hơn 40.000 chuyên gia phần mềm Việt Nam tốt nghiệp và gia nhập lực lượng lao động. Ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam đang tăng trưởng với mức 20%/năm. Có thể nói, Việt Nam giờ đây không chỉ đơn thuần là một nước chuyên về công nghệ, mà còn là một trung tâm công nghệ mới nổi.
Chính phủ cũng đã thể hiện cam kết đổi mới đất nước. Chương trình Quốc gia về Chuyển đổi số, đặt mục tiêu phát triển nền kinh tế kỹ thuật số lên 30% GDP, triển khai cáp quang phổ cập và 5G, xây dựng 100.000 doanh nghiệp kỹ thuật số và sử dụng 1,5 triệu người trong lực lượng lao động kỹ thuật số vào năm 2030.
Việt Nam nằm trong Top 5 điểm đến hấp dẫn nhất cho Dịch vụ Gia công CNTT (Theo AT Kearney), trong khi Gartner đánh giá Việt Nam là quốc gia gia công phần mềm ở nước ngoài mới nổi giữ vị trí số 1 tại châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng đứng thứ 9 trong Top 10 Quốc gia Kỹ thuật số (Theo Tholons).
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được Forbes gọi là "đất nước nhỏ bé nhưng hùng mạnh", và không phải đơn giản mà Việt Nam được lựa chọn trở thành một trong những điểm đến lý tưởng hàng đầu. cho gia công phần mềm phát triển./.