Hải Dương tạo chuyện lạ: Số hóa sản xuất nông nghiệp
E-magazine - Ngày đăng : 22:11, 10/10/2021
PV: Thưa ông, Xanh và Số đang là những từ khóa định hướng chiến lược cho Hải Dương trong những năm tới. Xin ông lý giải cho chiến lược "Xanh - Số" được xem là xuyên suốt bao trùm nhắm thúc đẩy Hải Dương phát triển nhanh, bền vững?
Bí thư Phạm Xuân Thăng: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vừa rồi đã thể hiện sự thống nhất và quyết tâm để thúc đẩy Hải Dương phát triển nhanh, bền vững theo lộ trình: đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại và sớm đưa Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Muốn phát triển nhanh và bền vững, chúng tôi đã lựa chọn chiến lược "Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số" hay chỉ nói ngắn gọn hơn là Xanh – Số. Tăng trưởng xanh là then chốt cho phát triển bền vững, "Số" là công cụ, là cách thức để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Đây là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm và có mối quan hệ thúc đẩy lẫn nhau.
Chính vì thế, từ tháng 3/2021, Hải Dương đã ban hành nghị quyết chuyên đề về Chuyển đổi số, cùng với triển khai ba dự án lớn về chuyển đổi số, với mục tiêu tới năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP, từng bước hình thành đồng bộ cả ba trụ cột: kinh tế số, chính quyền số, xã hội số.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh cũng phải theo hướng chiến lược Xanh – Số, dựa trên các trụ cột: công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
PV: "Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao" là một trong những trụ cột của chiến lược Xanh - Số. Nhờ đó, nông nghiệp Hải Dương đã tạo ra những điểm sáng vượt thách thức do đại dịch Covid-19 như thế nào, thưa ông?
Bí thư Phạm Xuân Thăng:Nông nghiệp cũng được xem là một lợi thế của Hải Dương. Hiện Hải Dương đang duy trì 75.000 ha đất nông nghiệp trong đó có 56.000 ha đất trồng lúa, gần 10.000 vải thiều và các cây loại ăn quả khác. Nông nghiệp Hải Dương cũng đang chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp Hải Dương rất cụ thể và không còn xa lạ với người dân Hải Dương. Đó là họ sử dụng điện thoại thông minh để điều khiển bón phân, tưới nước tự động từ xa qua một hệ thống camera giám sát cùng các thiết bị cảm biến tự động. Nhiều diện tích chăn nuôi thủy sản nhờ sử dụng hệ thống quan trắc, cho vật nuôi ăn, điều chỉnh tự động kết nối thông báo tới điện thoại thông minh.
Tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp cũng vậy. Đợt dịch kéo dài trong 62 ngày từ 27/1 đến 1/4 với 726 ca mắc Covid-19. Cả tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong 16 ngày trong khi một khối lượng rất lớn sản phẩm nông nghiệp cần phải tiêu thụ, đặc biệt là sản phẩm cây rau màu vụ đông.
Nếu không chuyển đổi số thì không thể giải quyết nổi đầu ra cho người dân trong tình huống lưu thông hàng hóa bị tắc nghẽn vì các biện pháp phòng chống dịch. Chuyển đổi số đã giúp việc đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên các nền tảng số như báo chí điện tử, các mạng xã hội như Facebook, Zalo… Sự kết nối đó đã giúp cho nông sản tiêu thụ khá dễ dàng mà vẫn giữ được giá, đồng thời vẫn bảo đảm được an toàn với dịch bệnh.
PV: Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn câu chuyện quả vải thiều đặc sản của Hải Dương vượt qua đợt dịch Covid-19, nhờ Xanh và Số?
Bí thư Phạm Xuân Thăng:Đúng vậy, nhờ có chuyển đổi số mà 55.000 tấn vải thiều đặc sản của Hải Dương dù dịch bệnh diễn biến phức tạp vẫn được tiêu thụ dễ dàng ở cả trong nước và quốc tế.
Năm nay, ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, Hải Dương còn xuất khẩu khoảng 2.000 tấn đi các thị trường mới, như Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU, Singapore...
Giá trị kinh tế của quả vải đem lại là 1.478 tỷ đồng, gấp hơn hai lần so với năm 2020. 6 tháng đầu năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nặng nề, song giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn tăng 7,3%, đây là một thắng lợi kép trong sản xuất nông nghiệp của Hải Dương.
Cũng cần nói thêm Xanh – Số trong câu chuyện vải thiều này. Nhờ "Xanh" mà tỉnh Hải Dương đã chủ động áp dụng một loạt các giải pháp hỗ trợ nông dân như hướng dẫn các hộ sản xuất vải theo tiêu chuẩn quốc tế theo quy trình GlobalGAP và VietGAP. Với quy trình sản xuất chặt chẽ từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch bảo quản nên chất lượng quả vải được nâng cao, không còn dư lượng thuốc trừ sâu bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.
Chuyển đổi số giúp cho việc cấp mã số vùng trồng cho 52 vùng vải phục vụ xuất khẩu; nhờ đó tất cả sản phẩm vải bán ra thị trường cả trong và ngoài nước đều được dán tem QR code truy xuất nguồn gốc. Rồi quả vải thiều cũng có mặt trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Alibaba, Voso, Viettelpost và tiêu thụ rất tốt.
Ngoài ra, Tỉnh đã phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều và các nông sản tiêu biểu kết nối trực tuyến với 36 điểm cầu với 5 điểm cầu trong nước và 31 điểm cầu nước ngoài ở 12 quốc gia. Tổ chức quảng bá vải thiều qua truyền hình, các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội nữa.
PV: Với những thành quả bước đầu do chuyển đổi số trong nông nghiệp mang lại như vậy, Hải Dương đã rút ra được những bài học cần thiết gì, thưa ông?
Bí thư Phạm Xuân Thăng:Thực tế ở Hải Dương đã chỉ rõ chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu tạo ra những giá trị gia tăng mới của nông sản, làm cho năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp tăng lên. Tuy chỉ mới là bước đầu nhưng Hải Dương cũng tạm rút ra ba bài học về chuyển đổi số nông nghiệp.
Thứ nhất,muốn thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp cần phải có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho người dân về chuyển đổi số.
Thứ hai,thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp nông nghiệp số. Làm sao huy động và phát huy tốt các nguồn lực trong xã hội phục vụ cho chuyển đổi số.
Thứ ba, sự hỗ trợ của Nhà nước trên các mặt. Đó là: Hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp bằng các ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; xây dựng hệ thống dữ liệu lớn của ngành nông nghiệp; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số; Tích hợp giữa sản xuất và lưu thông dựa trên hệ thống chợ thương mại điện tử, chợ thông minh và các ứng dụng logistic…
Hỗ trợ địa phương về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; giúp các địa phương tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, công nghệ sản xuất, trình độ quản lý tiên tiến, nhất là trong hình thành mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng công nghệ số.
Giới thiệu các doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác và đầu tư vào Hải Dương. Đặc biệt, là các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao liên qua đên bảo quản, chế biến nông sản, xuất khẩu nông sản.