GS Huỳnh Văn Sơn: Học online, phụ huynh nên giảm kỳ vọng

Diễn đàn - Ngày đăng : 10:59, 10/10/2021

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: Hãy hình dung liên tiếp vài tháng hay nửa năm con trẻ không được thụ hưởng các tác động giáo dục hệ thống, có đáng lo và đáng trăn trở?

PV: Thưa GS Huỳnh Văn Sơn, do dịch Covid-19, học sinh cả nước phải chuyển từ học trực tiếp qua học trực tuyến. Ở tuổi các em việc không được đến trường, không giao tiếp xã hội trong khi đó thời gian ở trên mạng quá nhiều có thể sẽ nảy sinh những vấn đề nào?

GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Khi mọi người di chuyển từ cuộc sống trực tiếp sang trực tuyến, việc giữ cảm xúc, góc nhìn khách quan, tránh sa đà vào những thông tin tiêu cực, diễn tiến cảm xúc quá tâm tính là một điều rất đáng quan tâm. Việc học sinh phải học trực tuyến cũng không ngoại lệ. Khi không giao tiếp xã hội và thời gian ở trên mạng quá nhiều sẽ làm cho các em khó phân bổ thời gian, thiếu sự chủ động để cân bằng quỹ thời gian, hạn chế thói quen về giao tiếp và dễ thiếu kiểm soát bản thân khi quá thân thuộc với các thiết bị điện tử.

Ngoài ra cũng có thể dẫn đến những ảnh hưởng khác như: các vấn đề bệnh lý về mắt, về cơ thể như phát triển vận động, thể chất nói chung. Ảnh hưởng về sức khoẻ, cơ thể cũng có thể đề cập như một số em ngồi học lâu dễ có cảm giác uể oải, thậm chí xuất hiện những “triệu chứng giả” về mặt cơ thể mệt mỏi, bệnh tật… Không loại trừ trường hợp cá nhân ấy luôn tin rằng mình đang có bệnh, chắc là không khỏe rồi. Một số học sinh cũng có thể bị ảnh hưởng bởi kiểu giao tiếp gián tiếp và biến nó thành thói quen, sự ứng xử của chính mình.

PV: Các em có thể tiếp xúc nhiều thông tin trên mạng chỉ bằng vài cái nhấp chuột, trong khi chưa biết sàng lọc các thông tin đặc biệt là thông tin xấu, sẽ ảnh hưởng ra sao tới hành vi, suy nghĩ, tư duy của mình?

GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Cần chú ý rằng việc học trực tuyến là giải pháp mang tính hiệu quả tương đối bởi điều chúng ta cần là tìm ra cách thức để đạt hiệu quả hơn nên cần đề ra các hành động tích cực thay vì cho rằng chỉ có nỗi lo. Chúng ta cũng cần tư duy ngược rằng nếu không tổ chức dạy học trực tuyến liệu chúng ta có an tâm?

Ở góc độ tâm lý học, khi con người nạp nhiều tin mà không xử lý sẽ gặp những vấn đề như:

Về nhận thức, khi liên tục nạp vào nguồn thông tin tiêu cực, một chiều sẽ khiến đánh giá bị phiến diện, góc nhìn về thế giới bị méo mó, chủ quan và nhất là dễ tạo ra các đánh giá cảm tính. Hơn thế nữa, một số bạn trẻ lại nghĩ mình đã có thể làm chủ hay thấu hiểu cả thế giới trong khi thực tiễn thì muôn màu.

Về thái độ và hành vi, việc chìm ngập trong các thông tin tiêu cực cũng khiến cá nhân bộc lộ những lời nói, hành động cáu gắt, khó chịu, ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh. Không chỉ có các biểu hiện về thái độ dễ có vấn đề như ít trò chuyện, giao tiếp; bộc lộ cảm xúc thái quá, thiếu sự cân nhắc khi biểu hiện thái độ; giảm đi sự tương tác chủ động, gắn bó với người thân…

PV: Liệu còn những vấn đề tâm lý nào khi phải học trực tuyến kéo dài?

GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Khi học trực tuyến kéo dài mà không có hoạt động hấp dẫn hay hoạt động thay thế, những tác động này ảnh hưởng nhất định đến hứng thú học tập lâu bền và kỹ năng học tập, kỹ năng thực hành của các em. Học trực tuyến dài, liên tục thiếu sự sáng tạo, một số em còn giảm dần các hứng thú khám phá, trải nghiệm trực tiếp. Điều dễ thấy nhất là các em thiếu cơ hội thực hành để làm chủ kỹ năng, một số em cứ nghĩ mình đã có kỹ năng đó nhưng thực tế chỉ biết về chúng, nói về chúng, nhớ về chúng và hiểu về chúng chứ chưa thật sự sở hữu các kỹ năng này đích thực để hình thành và phát triển năng lực.

Riêng với học sinh nhỏ tuổi, việc hình thành và phát triển các phẩm chất dù có thể vẫn đạt được một số kết quả nhất định khi dạy học trực tuyến nhưng phẩm chất cần được trải nghiệm có môi trường, được thể hiện trong môi trường nên học trực tuyến bị giới hạn nhất định về vấn đề này.

Bối cảnh cũng có thể làm cho tương tác cảm xúc và diễn tiến tâm lý của học sinh khi học trực tuyến cũng bị ảnh hưởng nhất định nhất là nếu học sinh thiếu sự tự chủ và giáo viên thiếu sự tinh tế khi tương tác cũng như có những kỹ thuật tổ chức các hoạt động dạy trực tuyến hiệu quả…

Quan trọng nhất vẫn là ý tưởng dạy học

PV: Hiện nhiều trường học, nhiều giáo viên gặp khó khăn khi chuyển từ dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến. Đã có tình trạng giáo viên “bê” chương trình từ dạy trực tiếp qua trực tuyến?

GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Đầu tiên việc dạy học trực tuyến từ thói quen dạy học trực tiếp là một khó khăn, ngay cả mỗi người chuyển hướng sang làm việc trực tuyến cũng tương tự như thế mà không ngoại lệ.

Là nhà giáo cần xác định chương trình, yêu cầu cần đạt bởi đây là cơ sở quan trọng để có thể đảm bảo tính khoa học khi dạy học dù bất kỳ hình thức nào.

Căn cứ vào nội dung Hướng dẫn thực hiện chương trình năm học 2021-2022 được thực hiện theo nguyên tắc giữ lại yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, không yêu cầu học sinh thực hiện các nội dung học tập nâng cao, trùng lặp giữa các môn học, các nội dung đã quá cũ so với kiến thức khoa học hiện đại. Một số nội dung được tích hợp theo các chủ đề để tiết kiệm thời gian nhưng đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đối với lớp học từ lớp 7 đến lớp 12 theo CT GDPT 2006 và yêu cầu về phẩm chất, năng lực đối với lớp 6 theo CT GDPT 2018.

Nội dung yêu cầu học sinh thực hiện mang tính logic, đảm bảo mạch kiến thức và tính logic của kiến thức; đồng thời bảo đảm tính phù hợp trong điều kiện giãn cách các em phải thực hiện nhiệm vụ học tập thông qua giảng dạy trực tuyến và dạy học trên truyền hình.

Kế đến để có thể làm cho kế hoạch bài dạy trực tuyến lôi cuốn, gây hứng thú với người học.

Có thể khẳng định yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý tưởng dạy học. Nếu không có tư duy về kế hoạch bài dạy hay không có ý tưởng tổ chức, dạy học trực tuyến hay trực tiếp vẫn có thể nghèo nàn và khuôn sáo đến mức đáng tiếc. Từ ý tưởng sư phạm này mới là cơ sở để tạo ra kịch bản sư phạm với các kỹ thuật tổ chức tương tác thông qua các hoạt động để hướng đến yêu cầu cần đạt. Xây dựng một cách khoa học và nghệ thuật với một chuỗi các hoạt động cụ thể, trong đó nhiều hoạt động khám phá làm nền tảng, hình thức trò chơi, bài tập ngắn và thực hành có sản phẩm được tổ chức sao cho học sinh có thể tham gia và rèn luyện là những gì cần làm.

Lẽ nhiên, nếu có kịch bản sư phạm, lại có thể sở hữu thêm việc làm chủ phần mềm tương ứng, vừa sức thì đó là cơ sở quan trọng để thực thi một kịch bản dạy học hiệu quả hay một kế hoạch bài dạy hiệu quả.

Học trực tuyến hiện là giải pháp an toàn nhất

PV: Nhiều phụ huynh đang phản đối việc học trực tuyến vì theo họ không hiệu quả, mặt khác con cái có sự thay đổi lớn sau thời gian ăn ngủ cùng máy tính. GS nghĩ thế nào về tình trạng này?

GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Việc học trực tuyến trong thời điểm hiện tại là giải pháp an toàn tốt nhất cho trẻ. Tất nhiên hiệu quả đến mức nào cần phải có những so sánh mang tính nghiêm túc. Nói về giáo dục từ ngoài hoặc nêu ra yêu cầu thì không quá khó nhưng thực hành và tìm giải pháp chắc chắn khó hơn rất nhiều.

Không thể phủ nhận việc một số phụ huynh vẫn lo lắng nhưng đừng biến lo lắng ấy thành căng thẳng để áp lực có thể diễn ra với con cái và cả người thân cũng như ảnh hưởng đến công việc chung là giáo dục để con cái phát triển. Hãy hình dung liên tiếp vài tháng hay nửa năm con trẻ không được thụ hưởng các tác động giáo dục hệ thống, có đáng lo và đáng trăn trở?

Để đồng hành cùng con cái khi học trực tuyến, các phụ huynh nên giảm kì vọng, tăng chủ động của con cái và dõi theo sự thay đổi hay biểu hiện phát triển thay vì yêu cầu cao hay mong đợi cao;

Chuẩn bị nguồn lực cho con học trực tuyến và khai thác hiệu quả thay vì quá sát cánh học cùng con để căng thẳng liên hoàn; Đừng quên trang bị kỹ năng học trực tuyến cho con bằng kinh nghiệm của mình và cả sự tự học của con; Thiết lập các kênh hỗ trợ cần thiết và giám sát khi cần nhưng không gây áp lực và căng thẳng quá mức./.


Lê Huyền