CEO Hocmai: Các nền tảng edtech cần gia tăng tính cá nhân hóa trong học tập cho học sinh
Make in Vietnam - Ngày đăng : 09:10, 09/10/2021
Nhà trường, giáo viên cần thay đổi tư duy để phù hợp với môi trường số
Theo CEO Hệ thống giáo dục trực tuyến Hocmai Phạm Giang Linh, những rào cản của hình thức học trực tuyến hiện nay chủ yếu do cách thức và tư duy triển khai chưa phù hợp với môi trường số. Trong đó, có thể kể đến hai nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan gồm: Sự thiếu ổn định và thiếu an toàn của các phần mềm dạy học trực tuyến hiện nay; Sự thiếu ổn định của kết nối Internet tại nhiều hộ gia đình.
Còn nguyên nhân chủ quan có thể kể đến, đầu tiên là về phía nhà trường và giáo viên: Giáo viên vất vả và khó khăn trong việc xây dựng giáo án, học liệu số; Chất lượng của giáo án và học liệu chưa đồng đều, chưa đủ chất lượng để dạy trực tuyến hiệu quả; Thiếu các hệ thống hỗ trợ, lệ thuộc nhiều vào các công cụ, phần mềm đơn lẻ có sẵn, như dùng Zoom, Teams để dạy và Zalo/Facebook Messenger/Email để trao đổi, Google Form để kiểm tra; Giáo viên bị quá tải khi vừa phải bảo đảm khung giờ dạy học, vừa phải thích nghi với phương thức giảng dạy mới, vừa phải xây dựng học liệu/giáo án số; Nhiều trường sử dụng thời khóa biểu học trực tuyến gần như thời khóa biểu thông thường.
"Ngay cả với các em học sinh, việc phải ngồi máy tính học quá lâu với khung giờ cố định như trên lớp, dẫn tới mệt mỏi và giảm sự tập trung qua thời gian", ông Linh chia sẻ thêm.
Về phía phụ huynh và học sinh, nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc tổ chức không gian học và trang thiết bị học tập cho con: thiếu không gian yên tĩnh; gia đình đông con, học online cùng lúc gây nên ồn ào, thiếu tập trung; không có đủ điều kiện, phương tiện và thiết bị phục vụ việc học trực tuyến; những vùng sâu, vùng xa không có khả năng tiếp cận mạng. Chưa kể đến, nhiều tiết học bị gián đoạn do đường truyền, thiết bị không ổn định, làm ảnh hưởng đến tinh thần học tập.
"Nguyên nhân cuối cùng là do đa số học sinh Việt Nam chưa có kỹ năng tự học và sự chủ động trong việc học, dẫn đến việc phụ huynh vất vả trong việc đôn đốc, giám sát con hàng ngày", ông Linh bày tỏ.
Từ đó, ông Linh cho rằng, để học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế và bị động, cần tiếp tục đẩy mạnh việc quy hoạch và đầu tư cho giáo dục trực tuyến. Cụ thể, cần kiện toàn các văn bản chính sách về quản lỷ và công nhận loại hình, kết quả của hoạt động giáo dục trực tuyến một cách cụ thể, rõ ràng.
Tiếp theo, cần đầu tư xây dựng các hệ thống MOOC (Massive Open Online Courses - khoá học trực tuyến mở) tập trung và chất lượng phục vụ cho hoạt động dạy và học trực tuyến đồng bộ trong cả nước. Việc này sẽ giúp nâng cao chất lượng và tính sẵn sàng cũng như đồng bộ trên cả nước, giảm áp lực cho các nhà trường, các giáo viên.
Tiếp theo, cơ quan quản lý nên đẩy mạnh hoạt động đào tạo nâng cao năng lực CNTT cũng như nâng cao kỹ năng, tuy duy giảng dạy trực tuyến của độ ngũ giáo viên. Bởi vì, nếu không thay đổi tư duy trong giảng dạy trên môi trường số, từ học liệu cho đến kịch bản giảng dạy thì sẽ không tận dụng được sức mạnh mà công nghệ có thể đem lại.
"Điều cuối cùng, đó là cần khuyến khích các nhà trường, giáo viên mạnh dạn thay đổi tư duy và phương thức giảng dạy phù hợp với thời đại số, môi trường số. Việc này cũng cần sự hỗ trợ từ các qui định, chính sách liên quan đến quản lý việc dạy, học trong nhà trường", ông Linh nói.
Tuy nhiên, việc học trực tuyến này cũng đem lại những hiệu quả nhất định, nếu tận dụng tốt, vì với học sinh, nếu biết cách học online sẽ giúp phát triển khả năng tự học, tự nghiên cứu.
Việc dạy học qua Zoom chỉ là bước đầu trong giáo dục trực tuyến
Đi vào hoạt động từ năm 2007, hệ thống Hocmai.vn là nền tảng giáo dục trực tuyến tiên phong tại Việt Nam dành cho học sinh phổ thông. Sau 14 năm phát triển, hiện nền tảng Hocmai.vn chính thức chạm mốc 5 triệu người dùng với khoảng 2,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng ở 63 tỉnh/thành. Tuy nhiên, có một nghịch lý là các nền tảng học trực tuyến lại ít được sử dụng trong quá trình học online hiện nay mà chủ yếu là sử dụng những công cụ giao tiếp online.
Về vấn đề này, ông Linh cho rằng, các nhà trường và giáo viên đang sử dụng những công cụ Zoom, Teams… để giảng bài mới chỉ là việc "online hoá" tiết học trên lớp mà gần như không có sự thay đổi nhiều từ tư duy giảng dạy, tư duy tổ chức hoạt động giảng dạy lẫn sự liên thông dữ liệu, phân tích dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định.
"Có thể nói, việc học trực tuyến hiện nay thuần túy là thích ứng bị động với hoàn cảnh và cố gắng để duy trì hoạt động giảng dạy, chỉ khác là vì không đến được lớp nên chúng ta phải thông qua một công cụ có môi trường giao tiếp trên mạng để thay thế. Đây mới chỉ là bước đầu trong giáo dục trực tuyến", ông Linh chia sẻ.
Ngoài ra, đối với việc học trực tuyến, giáo dục mới là yếu tố quyết định, công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ để nâng cao hiệu quả của giáo dục. Tuy vậy, với sự phát triển của công nghệ, việc tiếp cận giáo dục đang trở nên thuận tiện hơn với người học, và trong tương lai sự phát triển này vẫn còn nhiều hứa hẹn, có thể mang lại hiệu quả vượt trội nếu biết tận dụng. Công nghệ có thể giải quyết nhiều thứ mà giáo dục trực tiếp khó có thể làm được, hoặc làm được nhưng rất tốn kém nguồn lực.
Ví dụ, công nghệ có thể giúp cá nhân hóa việc học tập thông qua việc phân tích dữ liệu học tập của từng cá nhân một cách khoa học, công nghệ có thể giúp học sinh ở bất kỳ đâu có thể tiếp cận được những giáo viên giỏi nhất, nguồn tri thức chất lượng nhất... Tuy vậy, để làm được những việc đó cần các hệ thống CNTT đủ tốt, đủ khoa học và toàn diện.
Trước những ý kiến cho rằng, việc chưa có chương trình riêng cho học trực tuyến là nguyên nhân khiến các thầy cô giáo vẫn chỉ "onine hoá" qua Zoom, ông Linh cho rằng, không cần phải có chương trình riêng cho việc học này, mà cái cần là hệ thống edtech thực sự, trong đó hoạt động giáo dục trực tuyến được tổ chức đầy đủ và liên thông trên môi trường số như là một hệ sinh thái khép kín.
Bên cạnh đó, cần tổ chức xây dựng ngân hàng học liệu chất lượng, tập trung và sẵn sàng để các giáo viên và nhà trường có thể sử dụng bất cứ lúc nào. Khi đó, kết hợp với sự hỗ trợ của các chính sách quản lý nhà nước cùng hoạt động đào tạo nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy cho nhà trường và đội ngũ giáo viên trên môi trường số. Để từ đó, có thể nâng cao hiệu quả và biến học trực tuyến là một giải pháp song hành lâu dài thay vì là giải pháp tình thế như hiện nay.
"Hiện nay Việt Nam hoàn toàn có thể làm những hệ thống như vậy, từ mặt công nghệ cho đến hệ thống học liệu và tư duy edtech. Cái chúng ta cần là sự mạnh dạn cũng như vai trò dẫn dắt, tổ chức cũng như trao cơ hội từ các cơ quan quản lý nhà nước", ông Linh nói thêm.
Cần hỗ trợ giáo viên dạy học trực tuyến hiệu quả thay vì "online hoá" bài giảng truyền thống
Để khắc phục những điều này, CEO Hocmai cho rằng, các hệ thống Edtech tại Việt Nam cần xác định giáo dục là căn bản của hệ thống giáo dục trực tuyến và công nghệ là công cụ hỗ trợ. Vì vậy, chất lượng sư phạm, chất lượng giảng dạy phải là ưu tiên số một trong một hệ thống Edtech.
Đồng thời ưu tiên phát triển sản phẩm sao cho dễ sử dụng, đặt trải nghiệm người dùng lên hàng đầu và liên tục thay đổi, nâng cấp chất lượng, cập nhật công nghệ mới để gia tăng các giá trị mà công nghệ có thể hỗ trợ cho hoạt động giáo dục. Bởi vì, so với giáo dục truyền thống, edtech có lợi thế vượt trội trong việc đánh giá chất lượng học liệu nhờ có phản hồi từ người dùng: thống kê số người học, yêu thích, tiến bộ qua quá trình học tập, phản hồi kết quả... Có thể thấy, edtech rõ ràng có nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng.
Cuối cùng, các nền tảng edtech cần gia tăng tính cá nhân hóa trong học tập cho học sinh và quan tâm đặc biệt đến việc tăng số lượng người sử dụng. Bởi vì, càng nhiều người sử dụng sẽ càng giúp cho các hệ thống càng có cơ hội tốt hơn vì giá trị của dữ liệu lớn từ người dùng mang lại.
Mới đây, nhằm hưởng ứng Chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Bộ TT&TT phối hợp với Bộ GD&ĐT phát động, hệ thống giáo dục Học Mãi (Hocmai) trao tặng miễn phí giải pháp toàn diện ICAN Academy - một giải pháp trọn gói kết hợp giữa chương trình giảng dạy chất lượng cao và hệ thống quản trị học tập tiện ích đến hết học kỳ I năm học 2021 - 2022 - cho tất cả các trường học và thầy cô giáo nằm trong danh sách các tỉnh thành đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ Tướng chính phủ. Đây là giải pháp nhằm hỗ trợ việc dạy và học trực tuyến của các trường, đồng thời giúp các thầy cô giáo nâng cao hiệu quả hoạt động dạy học trực tuyến, rút ngắn được thời gian chuẩn bị tài liệu giảng dạy và hỗ trợ các công tác giao bài, chấm, sửa bài tập, và kiểm tra định kỳ… trong suốt quá trình dạy trực tuyến.
Song song với đó, Hocmai còn tiến hành tổ chức chuỗi hội thảo trực tuyến "Bí quyết nâng cao hiệu quả giảng dạy trực tuyến thời 4.0" để chia sẻ kinh nghiệm dạy trực tuyến với từng môn học từ các thầy cô giáo là chuyên gia có trên 10 năm kinh nghiệm dạy học online của Hệ thống Giáo dục Hocmai.
Theo ông Linh, để chương trình "Sóng và máy tính cho em" có thể thực sự hiệu quả và đi vào đời sống thì cần phối hợp của nhiều yếu tố, đầu tiên là việc tích cực vận động quyên góp máy tính, điện thoại cho các học sinh nghèo tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ngoài ra, do hệ thống học liệu điện tử của Bộ GD&ĐT đưa ra hiện nay là các bài giảng đơn lẻ, chưa có hệ thống, lộ trình, học sinh khó theo dõi được tiến độ học tập. Do vậy, Bộ GD&ĐT nên xây dựng thêm lộ trình học tập cụ thể để học sinh dễ dàng tự theo dõi và đánh giá được quá trình học. Hệ thống học liệu điện tử hiện nay mới dừng ở việc cung cấp kho bài giảng, nên nâng cấp thêm ngân hàng bài tập, kiểm tra, thi thử và thậm chí cả tính năng hỗ trợ giải đáp học tập để giáo viên và học sinh trên cả nước có thể hỗ trợ lẫn nhau.
Cuối cùng, cơ quan quản lý cần hỗ trợ giáo viên dạy học trực tuyến hiệu quả, khi mà ngoài cơ sở hạ tầng thì phương pháp giảng dạy trực tuyến là rất quan trọng. Khi việc học được chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến, không ít giáo viên bỡ ngỡ và không biết cách làm thế nào để đổi mới, giảng dạy sao cho phù hợp. Nhiều giáo viên đưa cách giảng dạy truyền thống áp dụng "online hóa" khiến bài giảng không phù hợp, gây khó khăn trong quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh.
"Do vậy, cần có chính sách giúp giáo viên có phương pháp dạy trực tuyến hiệu quả. Để làm được điều này, rất cần tới những buổi tập huấn hay chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến từ những giáo viên đã có nhiều kinh nghiệm", ông Linh kết luận.
Theo đại diện Hocmai, các cuộc khảo sát độc lập của nền tảng này cho thấy, 99% học sinh từng trải nghiệm nền tảng học trực tuyến Hocmai.vn cho rằng sản phẩm giúp ích và giúp ích rất nhiều trong quá trình học tập và thi cử. Trong đó, 88% học sinh hài lòng về trải nghiệm giao diện website, 91% hài lòng về nội dung học tập (video, tài liệu, tính năng giải đáp học tập trong mỗi bài học…), 80% hài lòng về dịch vụ hỗ trợ học tập và 86% hài lòng về dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật.
Khi được hỏi điều gì giúp Hocmai.vn vẫn còn tồn tại và phát triển, trong khi không ít ứng dụng ra mắt cùng thời điểm đã dừng lại, ông Linh cho rằng, đó là do nền tảng luôn kiên định, giữ vững được những tôn chỉ, mục đích và luôn đặt yếu tố chất lượng giáo dục lên hàng đầu, đó cũng là cốt lõi của sự phát triển.
Về mặt công nghệ, Hocmai.vn tập trung vào nhu cầu và trải nghiệm người dùng với mục tiêu giúp học sinh có hứng thú tự học, cá nhân hóa và đánh giá được việc học, đồng thời được hỗ trợ học sinh 24/7 trên mọi kênh mạng xã hội nhằm tương tác với học sinh một cách nhanh nhất - điều mà các lớp học truyền thống khó mà có được.
Bên cạnh đó, những con số tăng trưởng tốt qua các giai đoạn là minh chứng cho sự nỗ lực của nền tảng và cũng chính là động lực thúc đẩy đội ngũ công ty bước tiếp trên hành trình của mình. Nếu trước đây, phải trải qua nhiều năm học, Hocmai.vn mới đạt đến mốc 3 triệu người dùng, thì 5 năm học trở lại đây, Hocmai.vn mới ghi nhận sự phát triển vượt bậc về số lượng học sinh đăng ký. Cụ thể, năm học 2020-2021, Hocmai.vn đạt tỉ lệ tăng trưởng người dùng 180% so với năm trước.
Trên ứng dụng điện thoại với cả 2 hệ điều hành Android và iOS phát hành từ đầu 2020, có khoảng 1 triệu lượt tải, tăng trưởng người dùng trên ứng dụng Hocmai.vn từ tháng 11/2020 - 2/2021 gấp gần 3 lần so với tháng trước đó. Kết quả kinh doanh trong những năm gần đây của Hocmai.vn cũng luôn giữ mức tăng trưởng cao lên trên 70%./.