Ứng dụng CNTT tìm việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Truyền thông - Ngày đăng : 15:12, 08/10/2021

Giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những vấn đề xã hội, dân sinh nổi cộm không dễ tìm phương án giải quyết. Thời gian qua, một số địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này. Đặc biệt, một số địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tạo hiệu quả trong hoạt động tìm việc làm cho đồng bào DTTS.

Đồng bào DTTS gặp khó về tìm việc làm sau dịch Covid

Tại Việt Nam, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 30.800.000 lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, bao gồm mất việc làm, giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Số cá nhân bị giảm thu nhập chiếm tỉ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng, tương ứng với 17.600.000 trường hợp.

Riêng trong quý II, có thêm 2.400.000 lao động mất việc. Trong đó, gánh chịu hệ quả nặng nề nhất từ đại dịch dường như vẫn là những đối tượng khá đặc thù như lao động nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động nông thôn…

Lý giải về tình trạng này, Báo cáo nhanh số 5 của ILO: COVID-19 và thế giới việc làm của Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết, đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng tới nữ giới nhiều hơn so với nam giới vì phụ nữ chiếm đa số trong các ngành nghề liên quan đến ăn uống, bán hàng, lưu trú, sản xuất, dịch vụ chăm sóc gia đình và y tế – những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng.

Ứng dụng CNTT tìm việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số  - Ảnh 1.

Đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn về việc làm. (Ảnh: Anh Hùng).

Trong khi đó, việc làm của lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn luôn trong tình trạng thiếu ổn định, khi đất nông nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố bị thu hồi để xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị và các công trình công cộng... 

Sau khi mất đất, họ không có khả năng tìm kiếm việc làm mới, không đủ nhạy bén để chuyển đổi nghề nghiệp, hoặc chỉ có thể làm những công việc đơn giản, thời vụ với thu nhập bấp bênh trong thành phố do trình độ học vấn thấp, chưa qua trường lớp đào tạo kỹ năng nghề nghiệp bài bản. 

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều công nhân ở các khu công nghiệp phải bỏ thành phố về quê hương và lâm vào tình cảnh thất nghiệp khi không biết làm gì với tấm bằng cấp II hoặc cấp III trong tay.

Với người dân tộc thiểu số, lao động vùng biên, người thuộc hộ nghèo/cận nghèo ở các địa phương, công tác giải quyết việc làm, đảm bảo sinh kế bền vững cho những đối tượng đặc thù này càng trở nên khó khăn gấp bội trước các hệ luỵ tiêu cực của dịch bệnh.

Xuất khẩu lao động vẫn được coi là một trong các phương án khả dĩ giúp họ thoát nghèo, cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống, nhưng dịch bệnh hoành hành khó kiểm soát buộc nhiều quốc gia đóng cửa biên giới đã khiến công tác đưa người lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài bị đình trệ.

Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao khiến áp lực kiểm soát lạm phát trở nên mạnh hơn và ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của nhân dân trong thời gian qua. Ngay cả khi dịch bệnh cơ bản đã được khống chế và kiểm soát tốt tại nước ta, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp đang từng bước được phục hồi, song theo dự báo của Tổng cục Thống kê, số lượng lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 có thể nhiều hơn vào cuối năm 2020.

Thực trạng trên đây đòi hỏi những giải pháp cấp bách nhằm kịp thời hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế, giúp họ từng bước vượt qua khó khăn, tìm được công việc ổn định để chủ động cuộc sống.

Nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bào DTTS

Nhằm hỗ trợ người lao động vươn lên, tiếp cận với cơ hội việc làm, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai linh hoạt, đồng bộ nhiều giải pháp.

Tuy nhiên, trên thực tế, đa số người DTTS còn gặp khó khăn khi tiếp cận việc làm, vì: Trình độ chuyên môn, tay nghề thấp; chủ yếu là lao động phổ thông, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp; người lao động thường có tâm lý ngại xa nhà nên chưa chủ động tìm kiếm việc làm, chưa mạnh dạn, tự tin tham gia phỏng vấn.

Để người lao động DTTS chủ động tìm kiếm việc làm, nhiều địa phương đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách việc làm, đào tạo nghề, phát huy được vai trò của già làng, trưởng bản và cán bộ đoàn thể ở cơ sở trong công tác tuyên truyền thông tin liên quan đến việc làm đến người lao động.

Tạo việc làm cho người DTTS là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trong 2 chương trình mục tiêu của quốc gia: chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững đều có những hợp phần tạo điều kiện để đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người DTTS. 

Ứng dụng CNTT tìm việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số  - Ảnh 2.

Đồng bào DTTS Hà Giang với nghề thủ công truyền thống. (Ảnh: AH).

Đáng kể nhất là trong chương trình giảm nghèo bền vững, Ủy ban Dân tộc được chủ trì Chương trình 135, trong đó có một hợp phần được thiết kế là nâng cao năng lực cộng đồng và tạo việc làm cho người DTTS. Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung nghiên cứu cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh và ban hành chính sách dạy nghề cho con em đồng bào DTTS, để họ có cơ hội, có việc làm ở trong nước và có thể tạo điều kiện để họ xuất khẩu lao động đi nước ngoài để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. 

Ứng dụng CNTT trong tìm việc làm cho đồng bào DTTS tại Gia Lai

Trước những tác động bất lợi hậu đại dịch, cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đặc biệt là vùng dân tộc DTTS gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai các giải pháp căn cơ giúp hàng ngàn lao động DTTS có việc làm và thu nhập ổn định.

Thời gian qua, ngành chức năng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giải quyết việc làm cho người dân như: tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại vùng sâu, vùng xa; đào tạo nghề lao động nông thôn; đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh ưu tiên tuyển dụng người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách. Giai đoạn 2015-2019, mỗi năm, Gia Lai có trên 25.000 người bước vào độ tuổi lao động tìm được việc làm mới, trong đó có khoảng 30% là người DTTS. 

Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tư vấn, giới thiệu việc làm và kịp thời giải quyết thủ tục cho người lao động trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Thời gian qua, Trung tâm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng mạng xã hội để cập nhật thông tin về việc làm, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp một cách kịp thời và thường xuyên. Đây là kênh kết nối, thông tin nhanh chóng, hiệu quả, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài. Việc làm này của Trung tâm nhằm đón đầu, chuẩn bị nguồn nhân lực để sau khi dịch bệnh qua đi, doanh nghiệp và người lao động đều không phải bị động.

Hiện nay, thông tin tuyển dụng, việc làm và các thủ tục khác đều được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp nhận qua mạng xã hội, website http://www.vieclamgialai.vn. Mọi quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung tâm vẫn được bảo đảm thực hiện đầy đủ. Tại Sàn Giao dịch việc làm thường kỳ tổ chức vào ngày 10-8 mới đây, 79 doanh nghiệp uy tín có nhu cầu tuyển dụng 2.048 vị trí việc làm trên các lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, xây dựng, ô tô, viễn thông, nhà hàng, khách sạn...

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Gia Lai đã tư vấn cho hơn 20.000 lượt lao động, góp phần giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những giải pháp như cách làm của Gia Lai cũng có thể coi là một bài học cho nhiều địa phương trong việc tìm đầu ra cho việc làm của đồng bào DTTS, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống của bà con.

Quỳnh Chi