Các quốc gia châu Á cần làm gì để phát triển kinh tế số bền vững sau đại dịch?
Kinh tế số - Ngày đăng : 14:51, 08/10/2021
Nền kinh tế số châu Á đã đạt đến mức độ "phát triển bước ngoặt" sau đại dịch COVID-19. Từ các nhà bán lẻ lớn đến các doanh nhân khởi nghiệp, Internet trở thành công cụ chính để các doanh nghiệp (DN) tìm hiểu thị trường và bán hàng hóa, dịch vụ của mình.
Không có gì bí mật khi nói các chính sách phong tỏa để phòng ngừa dịch bệnh đã tạo ra một bước thay đổi không thể đảo ngược trong quá trình số hóa thương mại. Mặc dù nền kinh tế số châu Á đã đạt đến bước ngoặt, song có một nguy cơ ngày càng hiện hữu. Đó là các nhà hoạch định chính sách sẽ bỏ lỡ cơ hội khai thác tiềm năng tăng trưởng kinh tế nếu họ nắm bắt chậm những gì đang diễn ra trong nền kinh tế số và thiếu mối hợp tác trong khu vực và các quốc gia khác trên thế giới.
COVID-19: Cú huých cho nền kinh tế số châu Á
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Liên Hợp Quốc, hơn một nửa số người tiêu dùng trên thế giới đã tăng cường mua sắm trực tuyến vì đại dịch - và đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Điều này đúng với 80% người tiêu dùng Trung Quốc và 50% người tiêu dùng Hàn Quốc. Như GS. Erik Brynjolfsson của Đại học Stanford gần đây đã mô tả: “Đại dịch đã nén giá trị của một thập kỷ đổi mới kỹ thuật số… chỉ còn chưa đầy một năm”.
Cuộc cách mạng chuyển đổi số (CĐS) trong 18 tháng qua rất nổi bật vì những kẻ tụt hậu về công nghệ số cuối cùng cũng bắt đầu xuất hiện. Các tổ chức không muốn áp dụng các giải pháp số, từ các DN gia đình nhỏ đến các ngân hàng lớn, nhận ra rằng họ không thể trì hoãn điều không thể tránh khỏi nữa. Từ bảo tàng đến nhà hàng, các DN đã chiến đấu để tồn tại bằng cách đầu tư vào công nghệ số và chuyển đổi hoạt động kinh doanh để đưa sản phẩm của họ cung cấp trực tuyến.
Sự tăng tốc này trong thương mại điện tử (TMĐT) có ý nghĩa quan trọng vì nó là cửa ngõ dẫn đến một loạt các tác động lan tỏa kỹ thuật số giúp nâng cao năng suất. Các nghiên cứu cho thấy bước ngoặt sẽ dẫn đến những cải thiện về cơ sở hạ tầng số, bao gồm tài chính, kỹ năng ICT và quy định kinh doanh. Đồng thời, TMĐT thúc đẩy một chu kỳ đổi mới liên tục, vì “dữ liệu lớn” cung cấp các ý tưởng và ứng dụng mới trong trí tuệ nhân tạo.
Thách thức phát triển sau đại dịch
Tuy nhiên, các chính phủ châu Á có nguy cơ bỏ lỡ những lợi ích này. Khi cuộc khủng hoảng xảy ra vào năm 2020, các chính phủ châu Á đã ưu tiên những ứng phó ngắn hạn trong đại dịch. Nhưng bây giờ, khi họ nhìn về tương lai, việc giải quyết các yêu cầu chiến lược lâu dài hơn để phục hồi bền vững sau COVID sẽ gặp nhiều thách thức hơn.
Theo nhận định của một bài viết trên trang Fortune, khu vực đang thiếu sự nắm bắt về quy mô của hoạt động TMĐT và các hoạt động của nền kinh tế số. Trên thực tế, khu vực này vẫn chưa có sự đồng thuận về nền kinh tế số là gì, và chưa nắm bắt hết sự phát triển lớn mạnh của nền kinh tế số. Như cố vấn quản lý Peter Drucker nổi tiếng đã nói: "Nếu bạn không thể đo lường nó, bạn không thể quản lý nó".
Số liệu thống kê chính thức vẫn chưa để cập nhiều đến các xu hướng năng động hơn, đang phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, chẳng hạn như các nền tảng trung gian kỹ thuật số, các nhà cung cấp dịch vụ số dựa trên đám mây và các nhà cung cấp nội dung ố. Đây là những đổi mới công nghệ đang phá vỡ các mô hình kinh doanh cũ, mở rộng biên giới thị trường và làm cho lực lượng lao động năng suất hơn - nhưng chúng đòi hỏi một môi trường chính sách thuận lợi để phát triển.
Khi các nhà hoạch định chính sách không tạo ra được giá trị và tăng trưởng việc làm trong các lĩnh vực năng động này, khả năng hỗ trợ của chính sách đối với các doanh nhân số và các startup công nghệ sẽ bị hạn chế và cuối cùng sẽ khiến các DN địa phương mất khả năng cạnh tranh. Hậu quả là, các chiến lược đầu tư cho R&D thiếu thông tin, các cơ quan quản lý không thể theo dõi hiệu quả của chúng, và các doanh nhân số cũng như các startup công nghệ không được đáp ứng không gian và sự hỗ trợ có thể giúp họ thành công.
Nếu các chính phủ tập trung tận dụng nền kinh tế số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các chính phủ cần tiếp tục tăng cường nhận thức về những gì đang diễn ra bên trong nền kinh tế số. Điều này có thể bắt đầu với những thay đổi khá đơn giản, chẳng hạn như thay đổi từ bảng câu hỏi trong các công cụ thu thập thống kê đã thiết lập, tập trung vào các lĩnh vực mới nổi của nền kinh tế số, tiến hành khảo sát DN hàng năm, khảo sát lực lượng lao động và khảo sát hộ gia đình.
Nền kinh tế số hiện đại đặt ra những câu hỏi mới về chi tiêu vốn cho CNTT-TT, số tiền mà các DN đang chi cho các dịch vụ số, tỷ trọng bán hàng thông qua các nền tảng số và thành phần kỹ năng của lực lượng lao động. Điều này sẽ dẫn đến những hiểu biết có giá trị về quy mô và quỹ đạo của nền kinh tế kỹ thuật số.
Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) đã xây dựng bộ công cụ đo lường nền kinh tế số, bao gồm số liệu thống kê mạnh mẽ về hoạt động TMĐT, cơ sở hạ tầng số và việc cung cấp các dịch vụ số. Vào tháng 8/2021, các Bộ trưởng phụ trách kỹ thuật số của G20 tái khẳng định cam kết khai thác tiềm năng của “số hóa để phục hồi một cách kiên cường, mạnh mẽ, bền vững và toàn diện”.
Các DN châu Á đang đi đầu trong làn sóng số hóa, được thúc đẩy bởi sự tăng tốc của TMĐT trong 18 tháng qua. Sự phục hồi kinh tế dài hạn sẽ phụ thuộc vào việc tận dụng thành công sức mạnh của nền kinh tế số. Nếu các nền kinh tế châu Á không thể xây dựng nền tảng thống kê để làm điều đó, họ sẽ tụt hậu so với các nền kinh tế có thể.
Những nỗ lực phát triển kinh tế số của châu Á
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đại dịch COVID-19 đã gây ra những gián đoạn kinh tế - xã hội kéo dài trong khu vực ASEAN, bộc lộ những điểm yếu và dễ bị tổn thương cơ bản trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, các quốc gia như Việt Nam và Singapore đã đưa ra các biện pháp tăng trưởng ổn định, cùng với việc triển khai vắc-xin, nền kinh tế số châu Á vẫn được lạc quan sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, và châu Á dự kiến sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030.
Những nhận định ở trên của Fortune về sự "thiếu hiểu biết" trong kinh tế số của châu Á có vẻ hơi nặng nề. Tuy vậy, WEF cũng cho rằng để đạt được sự tăng trưởng lạc quan, khu vực phải ưu tiên một số hành động chính để hỗ trợ tăng trưởng bền vững và có khả năng phục hồi.
Tăng cường hợp tác trong khu vực
Thực chất, hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia thành viên ASEAN đã là nguyên tắc cơ bản của cộng đồng kể từ khi thành lập. Đại dịch, không phân biệt biên giới quốc gia, khiến các quốc gia đang tăng tốc hành động phối hợp để triển khai nhiều chương trình và sáng kiến khu vực, điều này sẽ góp phần vào sự hội nhập sâu rộng hơn của khối.
Chẳng hạn, trong nỗ lực đối với với dịch COVID-19, cùng với nhau, các chính phủ ASEAN đã nhất trí thành lập Quỹ ứng phó ASEAN COVID-19, thành lập Quỹ Dự trữ vật tư y tế khu vực ASEAN và gần đây nhất đã thông qua Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN (Comprehensive Recovery Framework for ASEAN and its Implementation Plan - ACRF) và Kế hoạch thực hiện. Khuôn khổ đặt ra các chiến lược rộng rãi và thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết các thách thức kinh tế xã hội của khu vực trong ba giai đoạn khác nhau, từ giai đoạn mở cửa trở lại ngắn hạn đến giai đoạn phục hồi trung và dài hạn và khả năng phục hồi và bền vững trong dài hạn.
Bên cạnh hợp tác giữa các thành viên, ASEAN cũng tích cực hợp tác đa phương với các đối tác bên ngoài. ASEAN đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 5 đối tác thương mại chính: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Đại diện cho 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới, RCEP là hiệp định thương mại tự do khu vực lớn nhất cho đến nay và được Viện Kinh tế Quốc tế Peterson dự kiến sẽ bổ sung 186 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế thế giới vào năm 2030 thông qua cải thiện thương mại khu vực.
Mở rộng kết nối và CĐS
Để hỗ trợ phát triển kinh tế số bằng chính sách và quy định, các nước châu Á đã tiến tới các nỗ lực chính sách khu vực, bao gồm khuôn khổ thanh toán xuyên biên giới, kế hoạch thúc đẩy sản xuất thông minh và hướng dẫn cho hệ sinh thái 5G. ASEAN cũng đang phát triển một chiến lược hợp nhất về cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để bổ sung cho các nỗ lực của ASEAN, Sáng kiến ASEAN số của WEF đang tập hợp mọi người lại với nhau để theo đuổi các giải pháp về chính sách dữ liệu, kỹ năng số, thanh toán điện tử và an ninh mạng.
Sự chuyển đổi như vậy sang kỹ thuật số, cùng với sự đầu tư thích đáng vào chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và kỹ năng kỹ thuật số, sẽ cho phép tinh thần kinh doanh phát triển mạnh mẽ.
Thật vậy, việc cải thiện kết nối kỹ thuật số giữa các quốc gia ASEAN sẽ không chỉ ảnh hưởng đến TMĐT mà còn cả nền kinh tế tổng thể của các quốc gia, do đó có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển của ASEAN.
Think-Asia, một nền tảng chia sẻ kiến thức nghiên cứu kinh tế châu Á và Thái Bình Dương, cho rằng triển vọng tương lai của nền kinh tế số trong khu vực châu Á phụ thuộc nhiều vào các chính sách do chính phủ ban hành. Think-Asia đã có nghiên cứu về các chính sách nỗ lực thúc đẩy kinh tế số của 6 quốc gia ASEAN, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Các nước ASEAN đã và đang thực hiện các chính sách khác nhau với hy vọng tối đa hóa hoàn toàn lợi ích từ nền kinh tế số. Các quốc gia này đang ở các giai đoạn phát triển kinh tế số khác nhau, sự khác nhau thể hiện ở mức độ bao phủ, cường độ và việc thực hiện chính sách. Các nền kinh tế số phát triển hơn như Malaysia và Singapore dường như tập trung nhiều hơn vào việc cung cấp các công cụ và kỹ năng liên quan cho các DN, trong khi các quốc gia như Indonesia và Philippines tập trung hơn vào việc cung cấp cơ sở hạ tầng cho sự kết nối.
Chính phủ ở các quốc gia này đã và đang tích cực khuyến khích CĐS thông qua các chiến lược số hóa, trợ cấp đào tạo kỹ năng số và mua cơ sở hạ tầng có liên quan. Đặc biệt, các quốc gia đều tập trung đáng kể vào việc khuyến khích các công ty áp dụng TMĐT. Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore đã có một mô hình tổng thể với một số chiến lược số hóa cho các lĩnh vực, không giống như trường hợp của Philippines. Philippines dường như đã có một chính sách bao trùm, nhưng lại chưa có chiến lược cho từng ngành công nghiệp cụ thể. Các nhà nghiên cứu cho rằng không có một công thức chung trong quản lý chính sách vì mỗi quốc gia có các đặc điểm và năng lực riêng, nhưng các chính phủ nên quyết định phương pháp cho phépgặt hái những lợi ích lớn nhất từ nguồn lực hiện có. Đồng thời, tất cả các quốc gia đã áp dụng các chính sách số hóa chính phủ và thúc đẩy chính phủ điện tử. Trong các nước ASEAN, Singapore là quốc gia có Chỉ số ứng dụng số trong khối chính phủ cao nhất.
Để thúc đẩy các startup công nghệ trong nước và thu hút các startup công nghệ nước ngoài, tất cả các quốc gia dường như đã áp dụng một loạt các chính sách bao gồm ưu đãi thuế, trợ cấp các chương trình ươm tạo và đào tạo kỹ năng có liên quan. Các sáng kiến và chính sách thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp cũng được các quốc gia thực hiện. Các quốc gia châu Á có thể tập trung nhiều hơn vào việc thực hiện các thỏa thuận liên quan đến nền kinh tế số trong tương lai nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác bền chặt hơn.
Kết luận
Sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế số đã giúp các quốc gia phát triển kinh tế và cải thiện phúc lợi công cộng. Điều quan trọng là các quốc gia phải áp dụng các chính sách toàn diện và phù hợp để phát triển hơn nữa làn sóng số hóa.
Các nhà hoạch định nên quan tâm đến các lĩnh vực trong nền kinh tế số khi đề xuất khung chính sách. Mức độ bao phủ và tính cụ thể của các kế hoạch và các chiến lược khác nhau giữa các quốc gia, sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của các nền kinh tế số.
Nhìn chung, các quốc gia nên xem xét kỹ tình trạng phát triển hiện tại và các nguồn lực sẵn có của mình, thực hiện các chính sách liên quan để nền kinh tế số phát triển./.