Phương châm "4 tại chỗ" trong phòng chống thiên tai ở Quảng Bình

Truyền thông - Ngày đăng : 15:06, 06/10/2021

Trước dự báo mùa mưa năm 2021 đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm trước nhiều nơi trong vùng có thể diễn ra các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan như: mưa giông, gió giật mạnh, lốc xoáy… tỉnh Quảng Bình đã hoàn thiện các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên địa bàn, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ".

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) kiêm phát triển dân số (PTDS) tỉnh này, thiên tai năm 2020 diễn biến hết sức phức tạp, lũ lụt vượt mốc lịch sử đã làm 25 người chết, 197 người bị thương, 113 ngôi nhà bị sập, 125.881 ngôi nhà bị ngập lụt, nhiều trường học bị hư hỏng… Ước tính tổng giá trị thiệt hại do thiên tai là 3.676 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan đã làm 74 ngôi nhà bị hư hại, 3.351ha lúa và hoa màu bị hư hại, 1 tàu cá bị chìm, ước tính tổng giá trị thiệt hại là hơn 5 tỷ đồng.

Ông Trần Xuân Tiến, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh cho biết, công tác PCTT phải lấy phòng ngừa là chính và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu của các sở, ngành và từng địa phương.

 Để chủ động PCTT, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp khẩn cấp triển khai các nội dung ứng phó các tình huống thiên tai; phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, các thành viên trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó tại các địa phương; chỉ đạo các cơ quan đơn vị, hướng dẫn người dân chủ động các phương án ứng phó với sự cố, thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, trong đó việc bảo đảm tính mạng con người được đặt lên hàng đầu.

Để ứng phó kịp thời với diễn biến thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo triển khai các phương án theo phương châm "4 tại chỗ". Trong đó, rà soát, kiện toàn lại các ban chỉ huy PCTT-TKCN để bảo đảm điều hành thông suốt, hiệu quả; xây dựng lực lượng xung kích cấp xã bảo đảm đáp ứng yêu cầu điều động khi có thiên tai xảy ra; chủ động vật tư, phương tiện, lương thực, thực phẩm… theo kế hoạch, phương án đã được phê duyệt.

 Công tác chỉ đạo ứng phó của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm PTDS tỉnh, các sở ngành, địa phương kịp thời, đồng bộ, bám sát yêu cầu thực tiễn, đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Nhờ vậy, đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên, công tác PCTT-TKCN của tỉnh thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: Công tác chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ" ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn bị động lúng túng khi bão, lũ xảy ra; kịch bản ứng phó chưa đa dạng; lực lượng cứu hộ chưa thật chuyên nghiệp; cập nhật thông tin chưa kịp thời dẫn đến công tác cứu hộ và cứu trợ gặp lúng túng; công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho cộng đồng phòng tránh thiên tai chưa thường xuyên; kinh phí PCTT-TKCN còn hạn chế; phương tiện cứu hộ, cứu nạn chưa đáp ứng yêu cầu…

Phương châm

Năm nay, hệ thống hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cơ bản được xây dựng kiên cố, đáp ứng yêu cầu công tác PCTT-TKCN. (Ảnh: PV).

Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình, để chủ động ứng phó kịp thời, giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra, sở đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra công tác bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn; kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các hồ, đập, bảo đảm hoàn thành tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn. Việc hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi thiên tai có thể xảy ra trong mùa mưa bão cần có sự đồng thuận và vào cuộc một cách chủ động, tích cực của các cấp, ngành và ý thức PCTT của mỗi người dân.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, tỉnh đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất để thực hiện tốt hơn công tác PCTT-TTCN trong thời gian tới, như: Nâng cao chất lượng công tác dự báo thiên tai; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng trong PCTT-TTCN; chủ động bố trí kinh phí để trang bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn; có kế hoạch xây dựng, nâng cấp, gia cố các các hạng mục công trình giao thông, thủy lợi trước mùa mưa bão; công tác di dời dân bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19; rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng các công trình PCTT có nguy cơ mất an toàn…

Đồng thời, tổ chức trực ban theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả. Bố trí nguồn lực để xây dựng, cập nhật, bổ sung dữ liệu, công cụ hỗ trợ, vật tư phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phù hợp phục vụ công tác tham mưu chỉ đạo điều hành; ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát thiên tai.

Cùng với đó, tập trung khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn, đảm bảo sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí được hỗ trợ. Đẩy nhanh tiến độ xử lý các công trình phòng, chống thiên tai, hồ đập, sạt lở, di dân vùng thiên tai đã được Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí và có phương án đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.

"Mục tiêu lớn nhất của tỉnh Quảng Bình là chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai; giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra; khắc phục khẩn trương và hiệu quả sau thiên tai. Phòng, chống thiên tai theo hướng quản lý rủi ro, phòng ngừa là chính, phát huy vai trò của cộng đồng địa phương trong hỗ trợ người dân ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ"; hướng tới xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai" ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết thêm.


N.N