Cải cách hành chính nhằm bắt kịp với quá trình phát triển của công nghệ trong thời kỳ mới
Truyền thông - Ngày đăng : 15:05, 06/10/2021
Cải các hành chính nhà nước được tiến hành từ sau khi có đường lối đổi mới cơ chế hoạt động của Bộ máy nhà nước năm (1986). Bộ máy nhà nước bao gồm các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương (phường, xã, thị trấn). Trong suốt 35 năm đổi mới, nền hành chính cũng nhiều lần được cải cách cho phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của xã hội cũng như sự lớn mạnh của công nghệ được ứng dụng vào quản lý. Với hệ thống Chính phủ liên thông từ trung ương đến địa phương, đáp ứng được xu thế của công nghệ trong thời đại mới với việc áp dụng công nghệ vào hành chính sẽ làm giảm đi các đầu mối cũng như làm minh bạch hoá dần các hoạt động hành chính hạn chế tiêu cực và tham nhũng.
Thúc đẩy mạnh hơn nữa về công tác cải các hành chính
Tại kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã đánh giá quá trình "cải cánh hành chính tiến hành chậm, thiếu cương quyết và hiệu quả thấp". Tiếp đó Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 25/01/2021-01/02/2021 một lần nữa nhấn mạnh việc phát triển đất nước không thể thiếu một nhiệm vụ then chốt là "Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội".
Nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa về công tác cải các hành chính, ngày 15/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Để xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, việc cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 tập trung vào các vấn đề chính nhằm cải cách thể chế là: xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử,
Với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tập trung vào công nghệ kỹ thuật số với sự trợ giúp của kết nối thông qua Internet vạn vật, cho phép cộng tác và truy cập tốt hơn giữa các bộ phận, đối tác, nhà cung cấp, sản phẩm và con người, trao quyền cho các chủ thể kiểm soát và hiểu rõ hơn mọi khía cạnh hoạt động của mọi lĩnh vực và trong thời gian không xa công nghiệp 4.0 sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Do vậy cần sẵn sàng để chuẩn bị cho một sự đổi mình liên tục có thể cập nhật các xu hướng hiện đại sắp tới khi mà công nghệ và ứng dụng công nghệ đã đi vào xã hội, vào văn hoá và hành vi ứng xử của con người, nó đốt cháy được rất nhiều giai đoạn trong các khâu từ sản xuất, mua bán và giao dịch …. Do đó nếu bộ máy hành chính không có sự thay đổi (cải cách) một cách triệt để và nhanh chóng sẽ không nắm bắt kịp công nghệ và cũng không quản lý được nhà nước và xã hội một cách hiệu quả.
Phải nói rằng hiện nay chúng ta đang trong quá trình quá độ trong việc số hoá cũng như chuyển đổi số. Công việc hiện nay sẽ nhiều hơn, mất thời gian hơn, tốn kém hơn (chẳng hạn như vừa làm bản số vừa làm bản giấy…. ). Nếu chúng ta không triển khai nhanh việc số hoá và ứng dụng công nghệ một cách liên thông đồng bộ thì sẽ rất lãng phí và không hiệu quả.
Vì vậy, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp Dịch vụ công cho người dân, tổ chức.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc. 100% Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với cổng Dịch vụ công quốc gia 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng Dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương… Đến năm 2030, 100% Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% hồ sơ công việc tại cấp Bộ, cấp tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật)
Tạo sự liên thông trong quy trình công việc giữa các cơ quan nhà nước, giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và xã hội, phân định rõ trách nhiệm từng cơ quan, bộ phận, cá nhân trong quy trình công việc bằng việc tương tác trao đổi công việc trên không gian mạng, tăng cường và hoàn thiện pháp lý cho văn bản điện tử, hoạt động gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý văn bản điện tử, sử dụng chữ ký số, lưu trữ văn bản điện tử, quản lý, điều hành, làm việc trên môi trường số, gồm: Chỉ đạo, điều hành trên môi trường số; thực hiện báo cáo trên môi trường số; giám sát, kiểm tra, thanh tra trên môi trường số; làm việc từ xa…
Cần cải cách thủ tục hành chính trong từng khâu từng lĩnh vực
Để làm được điều này trước hết cần cải cách thủ tục hành chính trong từng khâu từng lĩnh vực, làm đâu chắc đó, lấy đội ngũ cán bộ công, chức viên chức là trọng tâm là pháo đài để cải cách, làm thay đổi nhận thức trong thi hành công vụ, loại bỏ khỏi hệ thống những thành phần nhũng nhiễu, tiêu cực, lãng phí, tham ô, dùng hiệu quả cuối cùng là phục vụ nhân dân, phục sự tổ quốc để làm tiêu chí đánh giá tổ chức cá nhân khi thi hành công vụ.
Đồng thời, nâng cao năng lực trình độ về công nghệ thông tin cho cán bộ công chức viên chức, bằng hình thức đào tạo và chuyển hoá thay thế dần thu hút nhân tài được đào tạo ở nước ngoài về công nghệ vào bộ máy công quyền.
Cùng với đó, đầu tư trọng điểm, giảm bớt thủ tục đầu tư mua sắm về lĩnh vực công nghệ thông tin, cho một cơ chế đặc thu về hậu kiểm khuyến khích những người dám làm dám chịu trách nhiệm. Vì sản phẩm công nghệ có tuổi đời rất ngắn nếu không chớp cơ hội cũng như đầu tư không đồng bộ thì không khác gì "May một bộ quần áo bằng nhiều mảnh vải khác nhau" thậm chí không liên thông được.
Song song với đó là cần có kế hoạch tổng thể và sự chỉ đạo liên thông giữa các Bộ, các cơ quan ngang Bộ các tỉnh thành trong cả nước trong việc đầu tư và sử dụng ứng dụng công nghệ. Coi đây là lĩnh vực đầu tư trọng điểm và có lộ trình về vốn cung cấp vốn một cách kịp thời.