Tại sao vẫn ít người sử dụng 5G ở Mỹ?
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 10:46, 03/10/2021
Năm ngoái, 14 triệu người dùng Mỹ đã đăng ký dịch vụ 5G di động và con số này được dự báo sẽ tăng lên 554 triệu vào cuối năm nay. Năm 2021 đã đi quá nửa chặng đường, nhà mạng T-Mobile đã kết nối được 305 triệu thuê bao vào mạng 5G. Cùng với T-Mobile, các mạng lớn khác như Verizon và AT&T cũng nhanh chóng cung cấp dịch vụ 5G trong vài tháng qua, phủ sóng 75% nước Mỹ.
Về lý thuyết, có vẻ như 5G đã phủ sóng hầu hết nước Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, có một sự khác biệt, khi nhiều người vẫn chưa dùng mạng 5G. Vậy nguyên nhân là gì? Bài viết giới thiệu những trao đổi của các chuyên gia về vấn đề này.
Rào cản đại dịch
Shawn Carpenter, Giám đốc chương trình tại Ansys, một công ty hỗ trợ kỹ thuật phần cứng 5G, cho biết: Việc triển khai 5G đã được tăng tốc cho đến khi bị phanh lại đột ngột bởi đại dịch COVID-19. "Chúng ta phải dựa vào hệ thống viễn thông để kết nối với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp của mình. Việc này đã tạo áp lực bất ngờ lên kết nối di động, gây sức ép đối với các công ty trong việc đáp ứng nhu cầu kết nối tăng cao".
Theo David Witkowski, thành viên cấp cao của Tổ chức IEEE, người sáng lập kiêm CEO của Oku Solutions, kết nối 4G là đủ trong thời kỳ trước đại dịch và 4G không được thiết kế để hỗ trợ mức nhu cầu hiện tại của chúng ta hoặc để hỗ trợ các ứng dụng không dành cho điện thoại thông minh như Internet vạn vật (IoT).
Để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng kết nối đột ngột do sự bùng phát của COVID-19, các nhà khai thác 5G và các công ty khởi nghiệp tập trung vào 5G cũng bắt đầu đưa ra các giải pháp riêng biệt để cung cấp các dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khỏe hiệu quả.
Ví dụ, Unmanned Life đã phát triển một nền tảng tự động hóa dưới dạng một dịch vụ (autonomy as a service) 5G để cung cấp dịch vụ máy bay không người lái khử trùng các khu vực dễ bị nhiễm COVID, cung cấp các nhu yếu phẩm như vật tư y tế và thực phẩm, đồng thời giám sát không gian đông đúc từ xa.
Với nhu cầu về 5G ngày càng tăng, bạn sẽ mong đợi các nhà cung cấp dịch vụ mạng đáp ứng bằng cách tăng dung lượng. Tuy nhiên, bất chấp nhu cầu tăng đột biết này, việc đăng ký dịch vụ 5G di động vẫn không tăng. Các chuyên gia cho biết con đường triển khai 5G vẫn còn khá nhiều trở ngại.
Thách thức về hạ tầng
Theo Shawn Carpenter, cơ sở hạ tầng là một thách thức. "Về cơ bản, để có được dịch vụ nhanh hơn và cung cấp nhiều dữ liệu hơn qua mạng không dây, thì phải cần thêm nhiều phổ tần hơn… để có thể đáp ứng ở khoảng cách từ ít nhất một vài tòa nhà hoặc ít hơn. Sóng 5G phải đi qua nhiều rào cản, xuyên qua các tòa nhà để đến điện thoại di động của bạn", Shawn Carpenter cho biết.
Ngoài ra còn có vấn đề về vị trí đặt các điểm truy cập này bên trong các tòa nhà để không bị quá tải với các bộ định tuyến hoặc các khu vực lại không có kết nối", ông nói thêm.
Ngay cả khi giải quyết được vấn đề về cơ sở hạ tầng, việc triển khai 5G cho người tiêu dùng sử dụng ở phạm vi rộng cũng có thể gặp khó khăn.
"Một thách thức quan trọng nữa là quản lý kỳ vọng của khách hàng: Rất nhiều các lợi ích được kỳ vọng khi mạng 5G vận hành toàn diện - độ trễ tối thiểu, phân chia mạng (network slicing), các ứng dụng AR/VR nâng cao, tốc độ tải lên và tải xuống cực nhanh, lái xe hoàn toàn tự động với liên lạc từ phương tiện đến mọi thứ (vehicle-to-everything communications - V2X) - sẽ không xảy ra cho đến khi 5G standalone (5GSA) (mạng 5G độc lập) khả thi", TS. Paul Carter, CEO và người sáng lập Global Wireless Solutions (GWS), một công ty thử nghiệm mạng không dây và nghiên cứu người tiêu dùng, cho biết.
"Người tiêu dùng đang kỳ vọng về 5G. Nếu không có một số thiết lập cấp độ, sẽ dễ dàng khiến họ nghi ngờ các lợi ích hữu hình hiện tại", ông Paul Carter nhấn mạnh.
Khoảng cách thành thị và nông thôn
Khi ngày càng nhiều các mạng 5G được công bố, câu hỏi được đặt ra: Liệu 5G sẽ làm cầu nối giữa nông thôn và thành thị hay nó sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn? Các chuyên gia cho biết ban đầu có thể có những vấn đề khi cơ sở hạ tầng vẫn đang được xây dựng, nhưng những lợi ích to lớn vẫn đang ở phía trước.
Một số chuyên gia, như Grant Castle, Phó chủ tịch phòng thí nghiệm công nghệ và kỹ thuật thiết bị tại nhà mạng T-Mobile, tin rằng 5G sẽ giúp thu hẹp khoảng cách này.
Castle cho biết: "Với phạm vi mở rộng và 5G công suất cực cao của T-Mobile, chúng tôi đang tiếp cận các vùng nông thôn của Mỹ, nơi mọi người trong nhiều thập kỷ truy cập Internet dưới mức trung bình. Trên thực tế, ở nông thôn đã có những ngôi nhà được hỗ trợ bởi bộ định tuyến Internet tại nhà 5G của chúng tôi".
Dee Dee Pare, Giám đốc tiếp thị sản phẩm cấp cao của Cradlepoint, cho biết 5G sẽ tăng phạm vi tiếp cận của các mạng. "Khi 5G trở thành tiêu chuẩn trong các trường hợp sử dụng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, 4G và LTE sẽ càng trở nên dễ tiếp cận hơn. Thay vì nhìn vào sự phát triển 5G đang nới rộng khoảng cách, hãy nghĩ về 5G như là cách thức để nâng cao kết nối không dây nói chung. Đó là một quá trình phát triển dần dần sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và khách hàng dù ở nông thôn hay thành thị", bà Dee Dee Pare nói.
Còn theo Carter, những lợi ích tiềm năng sẽ phụ thuộc vào cách các nhà cung cấp 5G triển khai mạng. Ông cho biết: "Mỗi nhà mạng trong số ba nhà mạng lớn đang cố gắng tìm ra sự cân bằng phù hợp để phủ 5G trên toàn quốc. GWS đã quan sát thấy Verizon tung ra mmWave ở các khu vực thành thị để bắt đầu trong khi T-Mobile đang ưu tiên triển khai mạng các băng tần thấp hơn, cung cấp 5G ở một số thị trường nông thôn".
Một vấn đề cần giải quyết
Carter cho biết số lượng phổ tần khả dụng cho 5G trong khi các mạng 4G và 3G vẫn đang hoạt động có thể bị hạn chế.
"Mặc dù ngày tắt sóng 3G được lên kế hoạch vào đầu năm 2022, nhưng đã có một số người ngoài ngành phản đối muốn duy trì mạng 3G. Việc này có thể cản trở việc triển khai 5G, vì việc giải phóng dải tần đó sẽ cho phép các nhà khai thác phân bổ nó theo hướng cải thiện việc triển khai 5G", ông nói.
Ngoài ra có một số giải pháp cho các vấn đề 5G như đề xuất của Carter để quản lý kỳ vọng của người tiêu dùng ngay từ đầu, trong khi những giải pháp khác có thể yêu cầu đầu tư vốn và thời gian nhiều hơn. Điểm mấu chốt là hầu hết các vấn đề đang nảy sinh có thể được xử lý ở quy mô lớn.
Carpenter nói: "Các công ty đang giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng, được gọi là vấn đề bên ngoài, bằng cách đặt một anten ở bên ngoài các tòa nhà để nhận tín hiệu từ một trạm gốc. Sau khi nhận được tín hiệu, tín hiệu đó sẽ phải chạy qua một phương tiện nào đó, chẳng hạn như cáp quang và được khuếch đại trong tòa nhà bởi một thiết bị khác, chẳng hạn như bộ định tuyến Wi-Fi 6 hoặc điểm truy cập 5G bên trong".
Đối với vấn đề của các điểm truy cập, mô phỏng có thể là một giải pháp. Theo Carpenter, bằng cách mô phỏng tín hiệu 5G và việc phủ sóng trong toàn bộ tòa nhà, các công ty có thể nắm bắt được vùng phủ sóng và tối ưu hóa số lượng các điểm truy cập.
Mặc dù việc thúc đẩy sử dụng 5G còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Carter và hầu hết các chuyên gia đều tin rằng các vấn đề này đều có thể giải quyết được, có nghĩa là việc triển khai 5G có thể tiếp tục tăng tốc, hoặc ít nhất là vẫn ổn định, trong tương lai gần. Đại dịch thúc đẩy nhu cầu đáng kể đối với mạng 5G và khi có cầu thì ắt có cung./.