Phát triển nguồn nhân lực để Việt Nam tham gia sâu vào nền kinh tế số
Multimedia - Ngày đăng : 18:28, 02/10/2021
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Việt Nam cần đào tạo nâng cao và đào tạo lại nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp để có thể tham gia sâu vào nền kinh tế số.
Sáng 1/10, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hoạt động “Nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo - Hệ sinh thái khởi nghiệp” (USAID WISE).
Hoạt động sẽ được thực hiện trong 2 năm do USAID tài trợ với mục tiêu hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), nhằm tiếp tục thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.
2 triệu USD giúp Việt Nam nâng cao nguồn nhân lực
Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID cho biết, hoạt động đào tạo được tài trợ bởi USAID với ngân sách khoảng 2 triệu USD. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế châu Á của USAID, với mục tiêu tổng thể là phân tích, thiết kế và triển khai các dự án/hoạt động thí điểm trong tất cả các lĩnh vực để phát triển kinh tế, trong đó bao gồm phát triển nguồn nhân lực 4.0.
Chia sẻ với các đối tác tham dự sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, theo Báo cáo về xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố mới đây, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có nhiều tác động khó lường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong TOP 50 quốc gia dẫn đầu là một nỗ lực rất lớn.
Thứ trưởng chia sẻ, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược cho Đảng và Chính phủ, từ năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) nhằm hiện thực hóa những khát vọng, chủ trương, định hướng đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong cuộc Cách mạng 4.0, thông qua các hoạt động hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ và mô hình kinh doanh, quản lý sáng tạo.
Đến nay, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam đã qua giai đoạn phát triển về số lượng, hiện đã bước vào giai đoạn trọng yếu, cần nhiều sự đầu tư theo chiều sâu để có thể tạo ra các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có chất lượng cao và mang tầm quốc tế. Để làm được điều này, phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong những nền tảng quan trọng nhất. Tuy nhiên, nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, tự động hóa… của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tối đa các tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và tăng cường lợi thế cạnh tranh mới của nền kinh tế, Việt Nam cần đào tạo nâng cao và đào tạo lại nguồn nhân lực trong nước, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong kỷ nguyên số, thích ứng với trạng thái “bình thường mới” hậu Covid-19.
Với quan điểm đó, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, việc hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để thực hiện hoạt động “Nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp” (WISE) là hết sức cần thiết, kịp thời để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cuộc CMCN 4.0 và hướng tới nền kinh tế số ở Việt Nam.
Thứ trưởng tin tưởng, dự án WISE sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, bởi Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, số lượng sử dụng internet cao, tiếp cận nhanh với công nghệ. “Đây là lợi thế để Việt Nam có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và công nghệ số, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào nền kinh tế số, tận dụng được những thành quả của cuộc CMCN 4.0”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cần đầu tư mạnh vào phát triển nguồn nhân lực trong 2-3 năm tới
Ông Vũ Duy Thức, sáng lập OhmniLabs nhận định, trong 2-3 năm tới, Việt Nam có nhiều cơ hội nếu đầu tư mạnh vào phát triển nguồn nhân lực. Nếu như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu là các nền kinh tế đang dẫn đầu thế giới về đổi mới, sáng tạo thì Việt Nam có lợi thế về sự học hỏi, về lực lượng dân số trẻ, thông minh và đặc biệt là Nhà nước có chiến lược, mục tiêu rõ ràng trong 5-10 năm tới về phát triển khoa học công nghệ, về AI.
Ông Thức cho rằng, trong bức tranh toàn cầu, Việt Nam có thể đi từ nền tảng đào tạo nhân sự AI, bởi AI được sử dụng cho nhiều lĩnh vực, có khả năng tạo ra các dịch vụ làm thay đổi vị thế kinh doanh, có thể tạo ra các sản phẩm mới, tạo sự khác biệt. Thời cơ để Việt Nam phát triển nhân lực, xây vị thế cạnh tranh chính là lúc này, bởi nếu chậm đầu tư cho nguồn nhân lực, các quốc gia trong cùng khu vực có thể sẽ có bước tiến nhanh hơn, khi đó, sẽ rất khó để chúng ta bắt kịp và song hành.
Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển của mỗi tổ chức, cá nhân, của cả nền kinh tế. Dự án USAID WISE hướng tới xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu đổi mới, phù hợp với Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam với 5 định hướng lớn, bao gồm:
(1) Đào tạo kỹ năng số cơ bản cho sinh viên và đối tượng mới gia nhập thị trường lao động;
(2) Xây dựng một thị trường năng động, chất lượng về đào tạo nâng cao và đào tạo lại về kỹ năng số;
(3) Thúc đẩy đổi mới các sản phẩm tài chính sáng tạo cho giáo dục;
(4) Nâng cao năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;
(5) Xây dựng, vận hành hiệu quả Chương trình Đối tác phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo và CMCN 4.0.
Cùng với đó, dự án USAID WISE sẽ thúc đẩy sự kết nối các nhu cầu thị trường, giữa nhà cung cấp lao động với nhà tuyển dụng và các bên liên quan. Dự án không dừng ở mô hình truyền thống như trường học, mà được tổ chức với mô hình mở, rất linh hoạt, phù hợp theo nhu cầu đào tạo của thị trường, ông Huy khẳng định.