Bắt kịp với xu thế thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh
Quản trị - Ngày đăng : 14:32, 02/10/2021
Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động giao thương toàn cầu. Vì thế, việc chuyển từ hình thức xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu trên các nền tảng kỹ thuật số, các sàn thương mại điện tử không còn là sự lựa chọn, mà là xu thế bắt buộc giúp các doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Tuy đã có nhiều doanh nghiệp Việt thu trái ngọt từ hình thức này nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn và thách thức phía trước. Để cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại diện ngành chức năng và một số doanh nghiệp.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: Thể hiện rõ vai trò trong dịch bệnh
Thương mại điện tử là một hình thức thương mại tiên tiến trong bối cảnh công nghệ đang phát triển như vũ bão hiện nay. Thương mại điện tử cho phép giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với người tiêu dùng. Trong đó, hình thức doanh nghiệp với người tiêu dùng chúng ta thường thấy như Lazada, Sendo, Voso....
Tuy vậy, hình thức giao dịch doanh nghiệp với doanh nghiệp mới là hình thức hỗ trợ lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như Alibaba, Amazon.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp bị đứt gẫy, thay vào đó nhiều hội chợ triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến được đẩy mạnh, hoạt động thương mại điện tử được triển khai rộng rãi giúp cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hạn chế của dịch bệnh.
Thông qua hình thức thương mại này, doanh nghiệp vẫn có thể kết nối đều đặn thường xuyên với bạn hàng, đối tác, thậm chí còn kết nối được nhiều đơn hàng hơn hình thức truyền thống.
Rõ ràng, qua giai đoạn bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, thương mại điện tử càng thể hiện rõ vai trò của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.
Để đẩy mạnh xuất khẩu trên sàn thương mại điện tử, trước hết, doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu thông thường đối với hoạt động thương mại như chất lượng sản phẩm; kỹ năng marketing trên mạng; phương thức thanh toán, bảo mật; lòng tin của khách hàng…
Về phía Bộ Công Thương, Bộ đã xây dựng kế hoạch hành động 5 năm để phát triển thương mại điện tử và cứ sau mỗi 5 năm thì lại được bổ sung. Trong kế hoạch này, không chỉ các hoạt động tại Bộ Công Thương mà còn bao gồm hoạt động ở các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương, hiệp hội… để giúp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử ở trên toàn quốc.
Bộ Công Thương cũng đã liên tục tổ chức các khóa đào tạo để giúp cho các hiệp hội và các doanh nghiệp nắm được những kỹ năng cần thiết để có thể đưa hàng hóa lên mạng. Hoạt động giao thương và hỗ trợ trực tuyến được tổ chức rất nhiều trong 2 năm qua, phủ sóng ở khắp các cái khu vực, địa bàn, các thị trường cũng như các nhóm khách hàng khác nhau.
Ông Roger Lou, Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam: Thay đổi hành vi từ trực tiếp sang trực tuyến
Trong tình hình dịch bệnh, người mua hàng B2B truyền thống đã nhanh chóng thay đổi hành vi từ trực tiếp sang trực tuyến. Từ tháng 9 năm 2019 đến tháng 9 năm 2020, người mua hàng hoạt động tích cực trên Alibaba.com tăng 84% và giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) tăng hơn 110%. Nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống luôn nằm trong tốp các ngành hàng có nhà bán hàng hoạt động tích cực và chiếm 24% tài khoản Việt Nam trên Alibaba.com.
Các con số này cho thấy càng ngày càng có nhiều nhà bán hàng sử dụng Alibaba.com như một lựa chọn tốt để kinh doanh toàn cầu, và nhiều người mua hàng sẽ tìm thấy các sản phẩm chất lượng cao một cách dễ dàng hơn.
Năm 2021, Alibaba.com đã đưa ra một lộ trình giải pháp kỹ thuật số cho thương mại quốc tế B2B Việt Nam, dựa trên nhu cầu và quan sát của các nhà cung cấp. Với sự hỗ trợ từ Alibaba.com, các doanh nghiệp sẽ được cung cấp đầy đủ dịch vụ và các khóa đào tạo để đảm bảo cho sự phát triển.
Alibaba.com cũng mong muốn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam bằng cách xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử xuyên biên giới, phối hợp cùng các đối tác để hỗ trợ tốt nhất cho thương mại xuyên biên giới của Việt Nam, như các kênh đối tác chuyên nghiệp bản địa, các công ty logistics địa phương, các tổ chức thuộc Chính phủ và phi Chính phủ, các Hiệp hội, các ngân hàng bản địa…
Bà Trần Thị Yến Phi - Giám đốc điều hành, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW: Doanh nghiệp Việt cần thay đổi định hướng
Là một doanh nghiệp hoạt động trên sàn thương mại điện tử từ năm 2019, tôi đánh giá cao hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay.
Từ năm 2020 cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã xuất rất nhiều những công hàng từ thị trường gần như các nước tại châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản), đến châu Âu (Pháp, Đức…)… và tới cả những quốc gia kém phát triển.
Qua thương mại điện tử, các doanh nghiệp kết nối được các gian hàng với nhau, cung cấp hàng Việt đến các thị trường trên thế giới. Ngược lại, giữa một mạng lưới các nhà cung cấp đến từ khắp các khu vực như vậy, doanh nghiệp cũng có thể tìm được những bạn hàng cung ứng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người Việt để nhập về. Điều này làm cho chuỗi cung ứng trở nên tuần hoàn, xuyên suốt, đặc biệt hiệu quả trong thời điểm dịch COVID-19 hiện tại.
Dịch bệnh tác động lên cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu, khắp nơi trên thế giới, họ cũng đang làm việc tại nhà và vận hành chuỗi cung ứng online. Vì thế, để bắt kịp xu thế và tồn tại, doanh nghiệp Việt cũng cần thay đổi định hướng, cách vận hành phù hợp.
Tham gia vào sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp cần chú trọng vào sản phẩm mục tiêu, tìm hiểu kỹ những quy định, luật pháp của đất nước sở tại, xác định nhu cầu và phân khúc khách hàng trên các sàn thương mại điện tử mà doanh nghiệp hợp tác./.