PC-COVID không đơn thuần chỉ là bản cập nhật của ứng dụng Bluezone
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 20:59, 01/10/2021
Thống nhất một nền tảng ứng dụng duy nhất để phòng, chống dịch COVID-19
Chia sẻ tại buổi Toạ đàm trực tuyến "Giới thiệu giải pháp công nghệ phục vụ phòng chống COVID-19", ngày 1/10, theo ông Đỗ Lập Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử (Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT), thành viên Trung tâm Công nghệ Phòng chống dịch COVID-19 Quốc gia (Trung tâm), hiện Hệ sinh thái phòng chống dịch COVID-19 gồm các nền tảng bao gồm: Khai báo y tế; Xử lý phản ánh, tổng đài 1022, tra cứu, hỗ trợ an sinh xã hội; Kiểm soát vào ra bằng mã QR; Hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; Hỗ trợ truy vết; Quản lý cách ly; Quản lý tiêm chủng.
Các nền tảng công nghệ này đã đóng góp rất hiệu quả vào công tác phòng chống dịch trong thời gian qua. Ví dụ, nền tảng khai báo y tế đã giúp Hà Nội tìm ra 40% F0 từ danh sách khai báo ho, sốt khó thở hay nền tảng hỗ trợ lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm trực tuyến đã có hơn 4,8 triệu người được lấy mẫu qua nền tảng, 1,3 triệu người được trả kết quả qua ứng dụng, giúp giảm 50% thời gian so với truyền thống.
Bên cạnh đó, cũng có một số nền tảng phục vụ cho cơ quan quản lý như hỗ trợ điều phối xe cấp cứu, đánh giá mức độ tuân thủ giãn cách, hỗ trợ phát hiện người nhập cảnh trái phép.
Cũng theo ông Hiển, thực trạng hiện nay đang có tới hơn 12 ứng dụng do các Bộ phát triển, phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, chưa kể đến nhiều ứng dụng do các địa phương tự phát triển. Trong đó, điều bất tiện đến từ việc các dữ liệu không liên thông, dẫn đến hiệu quả phòng chống dịch thấp. Đồng thời, gây khó khăn cho người dân khi phải cài quá nhiều ứng dụng.
Tuy nhiên, ông Hiển cho biết: "Bộ TT&TT và Bộ Y tế triển khai chính thức, khuyến cáo người dân cài đặt 4 ứng dụng gồm: Sổ sức khoẻ điện tử, Bluezone, NCOVI, VHD (VietNam Health Declaration)".
Trên cơ sở đó, Chủ trương của Chính phủ là giao Bộ TT&TT chủ trì, thống nhất với Bộ Công an và Bộ Y tế để chỉ đạo phát triển một ứng dụng chính thức của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ứng dụng mới lấy tên là "PC-COVID: Ứng dụng phòng chống dịch COVID-19 Quốc gia", với các tính năng hữu ích được tổng hợp, nâng cấp từ tất cả các ứng dụng hiện tại. "Ngày 30/9, ứng dụng PC-COVID đã lên cả 2 kho ứng dụng của Google và Apple", ông Hiển nói.
Các tính năng chính của PC-COVID bao gồm: Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; Quét mã QR; Khai báo y tế; Khai báo di chuyển nội địa; Phản ánh của người dân; Thông tin tiêm vắc-xin, thông tin xét nghiệm; Thẻ COVID-19; Truy vết tiếp xúc gần; Bản đồ nguy cơ. Trong đó, với thẻ thông tin COVID, ứng dụng PC-COVID sẽ kết nối với các Nền tảng quản lý tiêm chủng, Nền tảng xét nghiệm COVID-19, từ đó hiển thị các thẻ màu tương ứng với các trạng thái hoạt động: Thẻ xanh được hoạt động; Thẻ vàng hạn chế hoạt động; Thẻ đỏ không được hoạt động.
Do đó, có thể nói ứng dụng PC-COVID là ứng dụng tổng hợp tất cả các tính năng hiện có của các ứng dụng chống dịch như NCOVI, VHD… và được thiết kế lại sao cho thuận tiện nhất với người dùng.
Cuối cùng, ông Hiển cho biết, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia sẽ có mạng lưới nhân sự triển khai tại 63 tỉnh, thành, đội hỗ trợ kỹ thuật 24/7 cũng như hệ thống tiếp nhận ký kiến của người dùng cho ứng dụng PC-COVID.
Chọn giải pháp nâng cấp từ Bluezone để tạo trải nghiệm liền mạch nhất
Theo Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia, sau khi ứng dụng PC-COVID lên 2 kho tải của Google và Apple đã gặp một số lỗi như nhận mã OTP chậm, gián đoạn dịch vụ như không đồng bộ được dữ liệu hoặc thiếu dữ liệu… Thông tin về vấn đề này, đại diện Trung tâm cho rằng, giống như việc chuyển đổi văn phòng làm việc, thời gian đầu cũng sẽ có những xáo trộn nhất định, tương tự, khi chuyển đổi một ứng dụng có đến 45 triệu lượt tải với hơn 10 triệu người dùng hàng ngày thì việc xảy ra những sự cố nhất định trong những ngày đầu tiên là hoàn toàn có thể hiểu được về mặt kỹ thuật.
Theo kế hoạch, Trung tâm cũng chưa có bất kỳ truyền thông nào rộng rãi vì kế hoạch ban đầu là mọi người sẽ cập nhật dần dần từ 5-7 ngày sau khi lên kho tải, để có thể ổn định cả về mặt kỹ thuật và dữ liệu. Tuy nhiên, do mọi người có sự quan tâm chính đáng đến ứng dụng PC-COVID nên trong ngày hôm qua, anh em kỹ thuật đã liên tục sửa chữa, nâng cấp hạ tầng.
"Đến hôm nay, mặc dù vẫn còn tồn tại một số trục trặc nhỏ nhưng đã cải thiện hơn so với hôm qua", đại diện Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia chia sẻ.
Còn việc truy cập quyền trên máy của người dùng, Trung tâm cũng chỉ nhằm mục đích phòng chống dịch COVID-19, nhưng do nền tảng Android nên nhiều khi chỉ xin một quyền nhỏ nhưng vẫn hiển thị cấp quyền cho cả một cụm thông tin. Ứng dụng PC-COVID đều giải thích rõ ràng, công khai sử dụng những quyền nào trên máy người dùng, với 5 quyền sử dụng cơ bản: Quyền khai thác tín hiệu Bluetooth để phục vụ công tác truy vết; Quyền truy cập vị trí GPS, gắn liền với quyền khai thác tín hiệu Bluetooth trên smarrtphone; Quyền truy cập thông báo, để tối ưu, không để ứng dụng về trạng thái ngủ, để phục vụ công tác truy vết, tìm kiếm F1; Quyền truy cập camera để quét mã QR; Quyền truy cập ảnh, video… , mặc dù ứng dụng chỉ sử dụng để lưu ảnh mã QR về điện thoại nhưng do chính sách của hệ điều hành nên cấp cả trùm quyền cho ứng dụng.
"Trên một số điện thoại Xiaomi, do đặc điểm của hệ điều hành MIUI nên PC-COVID có hiển thị cả quyền truy cập vào SMS nhưng do loại máy gắn với quyền truy cập hình ảnh để lưu mã QR", đại diện Trung tâm chia sẻ thêm.
Khi được hỏi, tại sao lại nâng cấp từ các ứng dụng hiện có lên thay vì làm một ứng dụng mới, đại diện Trung tâm cho rằng, để PC-COVID nhanh chóng đến với người dân, cách tốt nhất là lựa chọn các ứng dụng hiện tại để nâng cấp lên. Do đó PC-COVID sẽ thay thế Bluezone để những người đang dùng ứng dụng này có thể nâng cấp lên được ngay, tránh việc lại phải truyền thông không cần thiết, làm phiền đến người dân. Không chỉ Bluezone, người sử dụng đang cài đặt NCOVI, VHD cũng sẽ nhận được thông báo cập nhật lên PC-COVID, tạo trải nghiệm liền mach nhất cho người dùng. Đây cũng là nỗ lực rất lớn của anh em công nghệ để tạo sự tiện lợi nhất cho người dùng, không bị xáo trộn.
"Chưa kể, nếu làm ứng dụng mới thì sẽ rất dễ dàng và không bị Apple hay Google kiểm soát chặt chẽ. Nhưng nếu làm như thế thì sẽ không đặt quyền lợi của số đông người dùng lên trên, vì có những nơi đang sử dụng Bluezone rất hiệu quả như Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, khi có ứng dụng mới thì họ lại phải xoá ứng dụng cũ đang sử dụng", đại diện Trung tâm chia sẻ thêm
Theo Trung tâm, về mã nguồn ứng dụng, các tính năng như Quản lý tiếp xúc gần, Quét mã QR được nâng cấp từ Bluezone vì ứng dụng này làm tốt những tính năng đó. Còn các chức năng khác thì được làm mới hoặc bổ sung, thiết kế lại sao cho thuận tiện nhất có thể để đưa vào PC-COVID bao gồm: Tính năng Khai báo y tế được làm lại theo biểu mẫu mới do Bộ Y tế hướng dẫn, tương tự ứng dụng Tokhaiyte; Thông tin tiêm vắc-xin được liên thông với Nền tảng tiêm chủng; Thông tin xét nghiệm được liên thông với Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm trực tuyến.
Đồng thời, nếu đánh giá PC-COVID mà chỉ dựa vào mã nguồn của ứng dụng thì sẽ là thiếu sót rất lớn khi mà đằng sau nó chính là những hệ thống backend, nền tảng rất lớn, những quy trình nghiệp vụ y tế phức tạp. Ví dụ, chức năng phản ánh trên app chỉ là mẫu đơn giản, nhưng đằng sau nó lại là một hệ thống quản lý tiếp nhận phản ánh thì chuyển cho ai, ở địa phương nào, tình hình xử lý phản ánh thế nào; lại cũng phải có những thành phần quản lý cho các cấp để giám sát tình hình xử lý phản ánh,…
"Ứng dụng PC-COVID chỉ là phần nhỏ nổi lên của một tảng chìm và bên dưới nó là nhiều nền tảng lớn khác nhau, từ Nền tảng quản lý tiêm chủng, Nền tảng cung cấp và quản lý mã QR… ", đại diện Trung tâm nói.
Do đó, những ý kiến cho rằng PC-COVID là bản cập nhật của Bluezone là chưa thực sự chính xác. Bởi vì, khi đưa PC-COVID lên các kho ứng dụng, cả Google và Apple đều đánh giá rất kỹ, từng dòng code, từng bộ thư viện… , nhất là các ứng dụng có hàng chục triệu người dùng, để bảo vệ người sử dụng, nên khó có dòng code nào vi phạm các điều khoản của họ mà thoát khỏi sự giám sát. Thậm chí, các chuyên gia của Apple và Google đã nhiều đêm liền điện thoại trực tiếp với các anh em của Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 Quốc gia để hỏi.
Ngoài ra, để ứng dụng PC COVID hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu của tất cả người dân thì phải có sự hoạt động thông suốt của nhiều nền tảng, sự tuân thủ ứng dụng công nghệ của tất cả các cấp chính quyền cơ sở, các cơ sở y tế, cơ sở tiêm, điểm xét nghiệm và của chính người dân.
Còn đối với các ứng dụng COVID-19 khác, để thống nhất sử dụng duy nhất một nền tảng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm đã có kế hoạch cụ thể, đầu tiên sẽ thông báo cho toàn bộ người dùng về PC-COVID và kế hoạch gỡ ứng dụng đó ra khỏi kho tải. Sau đó một thời gian, ứng dụng đó sẽ ngừng hoạt động và chuyển toàn bộ dữ liệu thống nhất với PC-COVID.
"Các ứng dụng này sẽ không lập tức đóng và ngừng hoạt động ngay lập tức vì có thể nhiều người dân, nhiều cơ quan đang sử dụng hàng ngày và cần thời gian cho người dùng chuyển đổi", đại diện Trung tâm cho biết.
Theo khảo sát và đánh giá khoảng 50 ứng dụng chính thức của các quốc gia khác trên thế giới, về cơ bản điểm đánh giá 4,1 sao của PC-COVID hiện tại thuộc top cao. Khi mà rất nhiều ứng dụng của các nước khác, kể cả phương Tây hoặc có công nghệ phát triển thì đều bị đánh giá khá thấp, thấp hơn nhiều so với PC-COVID. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, điểm đánh giá thấp là tình trạng chung với các ứng dụng giúp phòng chống COVID-19.
"Bởi vì, trong đại dịch COVID-19, có lẽ không chỉ ở lĩnh vực công nghệ mà hầu hết các lĩnh vực khác tại hầu hết các quốc gia đều gặp phải rất nhiều tranh cãi, phản ứng từ người dân", vị chuyên gia này cho biết thêm.
Sẽ ra mắt hệ thống tiếp nhận ý kiến người dùng về PC-COVID
Theo ông Hiển, từ thực tế cho thấy, công nghệ chỉ chiếm khoảng 20%, còn 80% quyết định sự thành bại của một chiến dịch nằm ở công tác triển khai, phối hợp. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia đã thành lập 63 đoàn công tác, tương ứng với 63 tỉnh, thành trên cả nước, để hỗ trợ địa phương triển khai. "Trung tâm đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, những nỗi đau, sáng kiến. Từ đó, đã đưa ra mô hình triển khai phù hợp trong thời gian tới", ông Hiển nói.
Bên cạnh đó, dự kiến trong tuần tới, Trung tâm sẽ ra mắt hệ thống đóng góp, tiếp nhận ý kiến của người dùng, hoàn thiện ứng dụng PC-COVID. "PC-COVID chỉ là điểm hội tụ của các nền tàng để người dùng sử dụng nên Trung tâm luôn ghi nhận hạn chế, hoàn thiện ứng dụng hơn nữa", ông Hiển bày tỏ.
Hệ thống này sẽ cho phép đánh giá trong một thời điểm, có bao nhiều phản ánh không hài lòng về ứng dụng PC-COVID, bao nhiêu ý kiến đã được góp ý… Thậm chí, sẽ trao thưởng cho những góp ý quan trọng được tiếp thu, còn những ý kiến chưa phù hợp cũng sẽ được công khai trực tiếp.
"Chúng tôi hy vọng đây sẽ là nơi "xả stress" cho những bức xúc của người dân, đồng thời tập hợp những ý kiến đóng góp hữu ích, giải đáp thắc mắc về PC-COVID", đại diện Trung tâm khẳng định.
Bên cạnh đó, trong thời gian ngắn sắp tới, Trung tâm cũng tham mưu lãnh đạo Bộ TT&TT để ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, triển khai cho ứng dụng PC-COVID nói riêng và các nền tảng phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng./.