Vai trò của startup trong giải quyết các nhu cầu cấp bách của chính phủ, người dân ASEAN
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 08:00, 30/09/2021
Câu chuyện của Med247: Chuyển đổi lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thông qua công nghệ
Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi của những người trực tiếp làm về chăm sóc sức khỏe (CSSK). Việc khám chữa bệnh từ xa được ứng dụng rộng rãi đang thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Trước đây, phần lớn bác sỹ vận dụng những giác quan để khám và chẩn bệnh, khái niệm về khám chữa bệnh từ xa tuy đã có nhưng không phát triển. COVID-19 đã làm nhiều người thay đổi cách nhìn và tiếp nhận nhiều phương thức mới, hiệu quả hơn.
Những thay đổi này của người tiêu dùng đã trở thành động lực cho nhiều startup CSSK ra đời trong thời gian qua. Họ đã huy động được khá nhiều vốn đầu tư. Các đợt IPO sôi động trong lĩnh vực công nghệ y tế trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là dấu hiệu cho thấy mảng CSSK đang có dư địa khá lớn, là cơ hội cho các nhà đầu tư.
Theo trang Techwireasia, là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất tại ASEAN, các startup Việt Nam đang dần ghi dấu ấn không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu.
Startup y tế Việt Nam Med247 hoạt động theo mô hình O2O (online to offline), hiện đang vận hành các phòng khám và ứng dụng CSSK trực tuyến. Người dùng sau khi khám, chữa bệnh trực tiếp tại các phòng khám sẽ được hỗ trợ điều trị qua ứng dụng 24/24. Med247 đã phát triển một nền tảng kết hợp kết hợp các mô hình y tế truyền thống với công nghệ y tế từ xa thông qua một ứng dụng dành cho bệnh nhân và bác sĩ để mang lại dịch vụ CSSK giá cả phải chăng cho tất cả mọi người. Trong bối cảnh đại dịch, công ty đã ra mắt dịch vụ tư vấn từ xa miễn phí cho bệnh nhân có nhu cầu từ tháng 7/2020.
"Chúng tôi tin rằng nếu chúng tôi có thể mở rộng quy mô các dịch vụ chất lượng và mang lại giá trị cho khách hàng, thì lợi nhuận thu về có thể giúp chúng tôi tái đầu tư và tiếp tục phát triển các dịch vụ và ưu đãi của mình. Công nghệ y tế chắc chắn cần có thời gian và nỗ lực để phát triển, nhưng khi đã mở rộng được quy mô thì tiềm năng rất lớn ở phía trước", ông Trương Vũ Tuấn, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Med247 cho biết.
Theo ông Tuấn, thị trường tiêu dùng Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 130 tỷ USD trong 10 năm tới, vì vậy, Việt Nam có thể đón nhận thêm nhiều kỳ lân mới.
Med247 cũng là công ty trẻ nhất trong nhóm 4 công ty Việt Nam lọt vào danh sách 100 công ty nhỏ và startup mới nổi đáng chú ý tại khu vực châu Á - Asia 100 to Watch - do Forbes vừa công bố mới đây.
Theo Forbes, đây là những công ty đang trên đà phát triển mạnh mẽ và đạt được những tiến bộ vượt bậc, bất chấp thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra. Điều kiện để được xem xét là các công ty phải có trụ sở chính tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có tuổi đời ít nhất một năm, thuộc sở hữu tư nhân, hoạt động vì lợi nhuận và có doanh thu hàng năm gần nhất hoặc tổng tài trợ không quá 20 triệu USD cho đến ngày 1/8. 4 công ty Việt Nam trong danh sách này, thuộc các lĩnh vực vận chuyển và logistics (Logivan, Lozi), CSSK (Med247) và tài chính (Hoozing).
Hành trình tăng tốc khởi nghiệp
Tất cả các startup đều khao khát trở thành kỳ lân vào một ngày nào đó. Nhưng để thành công đó là cả một hành trình không hề dễ dàng. Khu vực ASEAN tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện của các startup mới hàng năm. Trong khi một số đã trở thành những công ty có uy tín trong khu vực, thì một số khác vẫn đang loay hoay tìm cách vượt qua những cạnh tranh và thách thức trong thế giới khởi nghiệp.
Theo CB Insights, trong nửa đầu năm 2021, nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn tiền Series A có mức tăng trưởng đầu tư hàng năm cao nhất so với các giai đoạn đầu tư vào các startup, với 1,31 tỷ USD được đầu tư vào 1.197 thương vụ tại châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản. Điều này cho thấy thị trường đang ngày càng tin tưởng ủng hộ sự tăng trưởng trong các startup non trẻ và ghi nhận hoạt động sáng tạo đang diễn ra tại những giai đoạn sơ khởi nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp năng động của châu Á.
Các chương trình mới như Startup Ramp của Amazon Web Services (AWS, một công ty thuộc Amazon.com) được thiết kế để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo này trong các ngành nghề chính và hỗ trợ các startup khi họ phát triển các giải pháp hướng tới giải quyết một số thách thức lớn nhất của xã hội.
Được biết, Med247 là một startup của Việt Nam cũng đã nhận được những hỗ trợ khởi nghiệp từ AWS. Ông Trương Vũ Tuấn cho biết: "AWS đã giúp chúng tôi mang đến cho người dân Việt Nam những biện pháp sáng tạo để sống khỏe mạnh, bằng cách sử dụng một nền tảng thuận tiện có giá cả phải chăng. Với AWS, chúng tôi có thể chuyển từ chăm sóc ban đầu sang duy trì cuộc sống mạnh khỏe cho các gia đình Việt Nam hiện đại, đồng thời với công nghệ máy học, chúng tôi có thể chẩn đoán bệnh tốt hơn và thực hiện chăm sóc dự phòng nhanh chóng và chính xác".
Mới đây, AWS đã mở rộng chương trình hỗ trợ khởi nghiệp AWS Startup Ramp tới Hàn Quốc và Đông Nam Á. Theo đó, từ ngày 22/9, các startup tại Việt Nam cung cấp dịch vụ cho lĩnh vực công và có doanh thu dưới 10 triệu USD có thể tham gia chương trình này.
AWS Startup Ramp cung cấp thiết kế kỹ thuật và đánh giá kiến trúc, cố vấn, cấp tín dụng và hỗ trợ các kế hoạch đưa sản phẩm ra thị trường, giúp các startup đưa được sản phẩm dịch vụ của mình đến với với khu vực công khi đáp ứng được các yêu cầu phức tạp về quy định và an ninh bảo mật trong khu vực công. Các startup mới đang trong giai đoạn tìm kiếm thị trường và khách hàng có thể đăng ký thành viên Ramp Startup Innovators, các công ty đã có khách hàng và doanh thu, mong muốn tăng trưởng và mở rộng có thể đăng ký thành viên Startup Ramp Members để tiếp cận các lợi ích của chương trình.
Ông Peter Moore, Tổng Giám đốc khu vực, phụ trách khách hàng trong lĩnh vực công toàn cầu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản tại AWS, cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng ra mắt AWS Startup Ramp tại Hàn Quốc và Đông Nam Á, nơi các startup mới có nhiều cơ hội tuyệt vời để tham gia giải quyết các thách thức trong khu vực công bằng các giải pháp sáng tạo. Đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số trong khu vực công và vai trò quan trọng của các startup trong việc giúp chính phủ thực hiện sứ mệnh của mình với tốc độ nhanh và quy mô lớn. Khi kết hợp các startup, các tổ chức trong khu vực công và điện toán đám mây, công nghệ có thể được sử dụng để thử nghiệm và kiểm tra các ý tưởng mới để giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề của người dân và chuẩn bị ứng phó tốt hơn với các sự kiện có tác động lớn".
Trao quyền cho các startup tại ASEAN
Ngoài lĩnh vực CSSK, các startup trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến khu vực công, cũng đang dần xây dựng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực.
SpaceAge Labs có trụ sở tại Singapore là một startup công nghệ giai đoạn đầu, cung cấp các giải pháp Internet vạn vật (IoT) để quản lý tài sản và vận hành từ xa trong các ngành dịch vụ cảnh quan và cấp thoát nước đô thị.
Deepak Pitta, CEO của SpaceAge Labs, cho biết: "Đến năm 2050, gần 70% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố. Xu hướng này, kết hợp với các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng đô thị lạc hậu, chi phí lao động tăng và tác động của biến đổi khí hậu đang thúc đẩy khách hàng của chúng tôi trong khu vực công tìm kiếm các giải pháp IoT để quản lý hệ thống thoát nước, hệ thống cống, đường ống và cây xanh đô thị trên cơ sở dữ liệu và dự báo".
Công ty này đang ứng dụng các công nghệ IoT và học máy của AWS để nhanh chóng tiếp cận thị trường, đồng thời, cung cấp các giải pháp tin cậy, an toàn và có thể mở rộng. Kiến thức chuyên môn và kinh phí hỗ trợ từ AWS Startup Ramp sẽ có tác dụng rất lớn trong việc hỗ trợ các startup giai đoạn đầu như SpaceAge Labs nhanh chóng phát triển và mở rộng và tập trung phục vụ khách hàng.
Một startup Singapore khác, Graffiquo, chuyên cung cấp dịch vụ và phần mềm bản sao số cho các thành phố, đã xây dựng hệ thống bản sao số tích hợp đầu tiên cho phục hồi thảm họa cho thành phố Cauayan, Philippines. Giải pháp bản sao số, được lưu trữ trên đám mây AWS, đã giúp thành phố Cauayan trong các hoạt động cứu trợ thảm họa trong trận bão Ulysses vào tháng 11/2020.
Theo đó, giải pháp cung cấp dữ liệu và ước tính chi phí thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng, đất nông nghiệp, tình trạng của các cây cầu, các khu vực ngập lụt và cộng đồng. Thậm chí, giải pháp đã tính toán chính xác số lượng các gia đình phải sơ tán chỉ trong 2 ngày mà không cần kiểm tra thực tế, điều mà trước đây phải mất hàng tuần, có khi lên tới cả tháng.
Ngoài ra, giải pháp còn giúp chính quyền thành phố có thể tính toán số lượng gói cứu trợ và thực phẩm cần thiết sẽ được trao cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng cũng như xác định ngân sách tối ưu để sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hỏng.
Có thể nói, các startup trong khu vực công đang trở thành một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái công nghệ đang phát triển của ASEAN. COVID-19 đã làm lộ ra những lỗ hổng trong lĩnh vực công đòi hỏi phải được giải quyết nhanh chóng. Với những chính sách hỗ trợ từ các chính phủ ASEAN và sự hướng dẫn, trợ giúp, công nghệ phù hợp từ các công ty công nghệ lớn như AWS, các startup sẽ tạo nên các giải pháp sáng tạo, hiệu quả, nhanh và có chi phí thấp hơn để giải quyết các nhu cầu cấp bách của chính phủ và người dân ASEAN, mang lại lợi ích cho khu vực công./.