Quỹ "nội" vắng bóng trong các startup phục vụ chuyển đổi số
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 20:32, 29/09/2021
Chưa kể đến, nhiều doanh nghiệp (DN) còn mở công ty tại nước ngoài để hưởng ưu đãi và thuận lợi hơn cho việc IPO sau này. Điều này đã đặt ra không ít lo ngại về việc có thể "chảy máu" dữ liệu cá nhân, làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Ngày càng nhiều thương vụ đầu tư lớn vào các nền tảng CĐS “Make in Vietnam”
Báo cáo quý I/2021 của Nextrans cho biết, tại Việt Nam, hiện có gần 180 quỹ đầu tư hoạt động, với nhiều tên tuổi như VSV Capital - Vietnam Silicon Valley, Nextrans, Mekong Capital, Vietnam Investment Group, 500 Startups Vietnam, IDG Ventures Vietnam... Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang rất tích cực trong việc tìm kiếm DN khởi nghiệp (startup) Việt tiềm năng để rót vốn đầu tư.
Cùng với quỹ ngoại, các quỹ đầu tư trong nước cũng là một nguồn đầu tư chủ chốt cho hoạt động khởi nghiệp. Tiêu biểu có thể kể đến như Quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone quy mô 50 triệu USD, Quỹ Do Ventures, quỹ Seedcom, quỹ STI...
Trong năm 2021, các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã bắt đầu xây dựng một hệ sinh thái startup để rót vốn đầu tư cũng như hợp tác với các startup được sáp nhập. Có thể kể đến như VNG đầu tư vào startup quà tặng Got It (6 triệu USD) và startup về Logistic Ecotruck (100 tỷ đồng) hay PNJ góp vốn vào startup tài chính Người Bạn Vàng 3 tỷ đồng để đổi lấy 30% cổ phần.
Ngoài vòng gọi vốn đầu tư “khủng” trị giá 100 triệu USD vào MoMo thì một số thương vụ gọi vốn khác đáng chú ý trong quý 1 như: Dương Minh Logistics gọi 15 triệu USD; GotIt 6 triệu USD, DatBike 2,6 triệu USD, Genetica 2,5 triệu USD, Go2Joy 2,3 triệu USD, GoStream 1 triệu USD...
Mới đây nhất, tháng 9/2021, Quỹ đầu tư KKR của Mỹ vừa công bố khoản đầu tư 45 triệu USD (1.024 tỷ đồng) vào KiotViet trong vòng gọi vốn Series B. Trước đó, KKR cũng đã rót 100 triệu USD vào Tập đoàn Giáo dục Việt Nam EQuest hồi tháng 6/2021.
Cũng trong tháng 9/2021, startup Việt Nam BuyMed, còn được biết đến với thương hiệu ThuocSi, mới đây kêu gọi thành công 8,8 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B do Smilegate Investment (Hàn Quốc) dẫn dắt.
Cuối tháng 7/2021, VNLIFE - công ty công nghệ hàng đầu tiên phong phát triển hệ sinh thái số Việt Nam, cũng đã huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng huy động vốn Series B. Năm 2019, VNLIFE/VNPAY cũng đã nhận đầu tư gần 200 triệu USD từ quỹ GIC và Softbank, nhờ đó VNPAY đã trở thành “kỳ lân” công nghệ thứ 2 của Việt Nam.
Thông tin từ Nextrans và Do Ventures cũng cho thấy, mảng công nghệ tài chính (Fintech) được các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất. Các mảng “hot” tiếp theo là công nghệ y tế (Medtech), thương mại điện tử (TMĐT), công nghệ nhân sự (HRtech), công nghệ bất động sản (Proptech), công nghệ giáo dục (Edtech), phần mềm dạng dịch vụ (SaaS) đều đang phát triển khá thuận lợi, đặc biệt là EdTech và SaaS khi hoạt động giáo dục và vận hành DN đang dịch chuyển lên online ngày một nhiều do tác động của COVID-19. Đây đều là những ngành đang trở nên thiết yếu từ góc độ người dùng và cũng được chú trọng trong tiến trình CĐS quốc gia từ phía nhà nước.
Quan điểm của DN như thế nào khi chọn nhà đầu tư?
Mặc dù startup Việt Nam đã xuất hiện từ lâu nhưng mọi người vẫn thường lấy năm 2004 khi có sự xuất hiện của VNG và Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures để làm cột mốc khi nói về khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam. Thời điểm đó, các quỹ đầu tư như IDG Ventures, CyberAgent, DFJ Vinacapital... không có quá nhiều sự lựa chọn như hiện nay và thị trường còn rất sơ khai khi các nhóm ngành, các khái niệm, quy định dành cho Internet vẫn còn chưa rõ ràng. Khi đó, các thương vụ đầu tư đều đúng chất “mạo hiểm” và các quỹ đầu tư đã phải hình dung ra thị trường sẽ như thế nào, hình dung ra nhu cầu của mọi người ra sao trong thị trường ấy, sau đó tìm ra những con người và sản phẩm mạo hiểm đầu tiên để thực hiện việc đầu tư của mình.
Theo ông Trần Mạnh Công, Đồng sáng lập, Tech Founder Institute (TFI), những quỹ đầu tư như như IDG Ventures, CyberAgent, DFJ Vinacapital... đã đóng vai trò rất lớn trong việc hoàn thiện, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam cũng như tìm kiếm, đào tạo thế hệ doanh nhân, DN Internet đời đầu như VNG, VC Corp, Tiki...
Nhận xét về việc đầu tư của các quỹ đã có tác động như thế nào vào quá trình chuyển đổi số hiện nay ở Việt Nam, ông Công cho rằng, các quỹ đều có ngành ưu tiên đầu tư liên quan đến B2B - cung cấp các nền tảng, dịch vụ hướng đến đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp. Với sự trợ giúp của các quỹ đầu tư, các nền tảng cung cấp dịch vụ chuyển đổi số sẽ có thêm các kinh nghiệm, tài chính để hoàn thiện, phát triển hơn nữa sản phẩm của mình. Từ đó giúp các DN nhỏ và vừa (SME) có được những nền tảng tốt cho quá trình CĐS hoạt động của đơn vị mình.
Ngoài ra, các nền tảng số về hạ tầng, thanh toán, logistic... trong những năm gần đây đã phát triển rất nhanh ở Việt Nam và góp phần thay đổi hành vi của người dùng. Điều này đã giúp cho cả DN lẫn người sử dụng đều có thói quen “go online” và thúc đẩy phát triển thị trường Internet Việt Nam.
“Chưa kể, các ngành thiết yếu hiện nay đều đã ứng dụng công nghệ, từ y tế, giáo dục, giao vận, TMĐT... và đều nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư của các quỹ trong thời gian tới, nên sẽ tạo lực đẩy rất lớn cho quá trình CĐS tại Việt Nam”, ông Công chia sẻ.
Trước những ý kiến lo ngại về quyền sở hữu nước ngoài đối với các nền tảng chuyển đổi số ở Việt Nam, ông Công cho rằng, nguồn vốn đầu tư giống như một đòn bẩy tài chính đối với các startup, giúp DN phát triển với quy mô cao hơn, khi đó người dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất thông qua các khuyến mãi, giảm giá... cũng như được sử dụng dịch vụ với chất lượng tốt hơn.
“Chưa kể đến, mọi bài toán mà các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam đang triển khai đều là bài toán chung của các nước trong khu vực, của thế giới nên sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế sẽ chỉ có lợi cho các startup Việt”, ông Công nói.
Cùng quan điểm, ông Trần Việt Hùng, nhà sáng lập Got It cho rằng, đối với các công ty khởi nghiệp, nguồn vốn đầu tư rất quan trọng, không nên phân biệt là của nhà đầu tư nội hay ngoại, nhất là khi sản phẩm vẫn đặt trụ sở văn phòng, tư cách pháp nhân ở Việt Nam. Thậm chí, các quỹ đầu tư ngoại do đầu tư ở nhiều ở các nước nên sẽ biết được sản phẩm Việt đang ở đâu, và làm thế nào để có thể tiệm cận hay bằng các sản phẩm tương tự trên thế giới.
“Mặc dù vậy, cơ quan quản lý cần lưu ý đến các thương vụ đầu tư hay mua bán DN khởi nghiệp mà các dữ liệu của công ty đó được chuyển ra nước ngoài và làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”, ông Hùng nói.
Mặc dù vậy, tại một số thị trường, các công ty khởi nghiệp đang có xu hướng chọn các nhà đầu tư bản địa, như ở Trung Quốc, anh Wu Xiao, nhà sáng lập (founder) của một startup blockchain cho biết, trong 3 năm trở lại đây, anh chỉ nhận tiền đầu tư bằng đồng nhân dân tệ và anh dự tính sẽ tiếp tục từ chối đề nghị đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Anh mô tả nước đi này như “một lựa chọn chiến lược”.
“Nếu chúng tôi nhận vốn từ nước ngoài, chúng tôi có thể sẽ không được cung cấp dịch vụ cho một số nhà phát triển địa phương. Chúng tôi sẽ có được một số cơ hội, nhưng cũng mất đi không ít cơ hội khác”, anh Wu nói.
Theo Pedata.cn, một nhà cung cấp dữ liệu tài chính có trụ sở tại Bắc Kinh, trong 3 năm qua, đầu tư bằng USD chiếm 70% tổng đầu tư vào các startup Internet của Trung Quốc, phần còn lại được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ. Dù vậy, vào tháng 7 và tháng 8 năm nay, trước việc các startup như Didi bị điều tra liên quan đến cách nắm giữ, sử dụng dữ liệu, tình thế dường như đảo ngược khi vốn bằng nhân dân tệ chiếm 70% còn USD chiếm 30%. Thậm chí, trong tháng 8/2021, startup Internet Trung Quốc thực hiện 23 lần gọi vốn bằng đồng nhân dân tệ và không có thương vụ nào được thực hiện bằng USD.
Sau đó, Bắc Kinh nói rằng các công ty có từ trên 1 triệu người dùng đang lên kế hoạch niêm yết ở nước ngoài sẽ phải thực hiện một cuộc kiểm tra, đánh giá về an ninh mạng. Động thái này chặn đứng dòng vốn từ nước ngoài cho nhiều công ty đang mong muốn niêm yết tại Mỹ.
“Nếu bạn có nhiều dữ liệu và dữ liệu cá nhân, đây thực sự là thứ nhạy cảm ở thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư lo lắng khi đầu tư vào những công ty như vậy”, một luật sư ở Bắc Kinh nói.
Mặc dù vậy, một số nhà đầu tư tại Trung Quốc lại chưa quan sát thấy xu hướng startup thích nhận đầu tư bằng nhân dân tệ hơn USD. Tuy nhiên, các quỹ cũng thừa nhận, đúng là có một số lĩnh vực nhậy cảm, yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân tốt hơn như an ninh thông tin hay chăm sóc sức khoẻ...đang được đầu tư nhiều hơn bằng đồng nhân dân tệ.
Tại thị trường Việt Nam, Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020 do quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) được công bố gần đây đã cho thấy, các nhà đầu tư nội địa đang trở thành động lực chính rót vốn vào các startups năm 2020, khi mà hơn một nửa trong tổng số lượng thương vụ đầu tư vào startup công nghệ Việt Nam được thực hiện bởi các quỹ đầu tư nội địa.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, số lượng thương vụ đầu tư vào các vòng từ Series B, C giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là COVID-19 khiến cho việc đi lại giữa các quốc gia bị gián đoạn, ảnh hưởng đến quá trình thẩm định và ra quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đối với các khoản đầu tư lớn.
Lợi thế của quỹ đầu tư nội và xu hướng đầu tư hình thành hệ sinh thái Việt
Theo Giám đốc điều hành Do Ventures Lê Hoàng Uyên Vy, do các quỹ đầu tư nước ngoài thường quan tâm từ vòng Series A nên đã để lại khoảng trống trong đầu tư giai đoạn sớm, trong khi đây là giai đoạn nền tảng quan trọng để startup có thể tiếp tục phát triển và huy động vốn. Do đó, các quỹ nội như Do Ventures sẽ góp phần hỗ trợ startup Việt Nam ngay từ sớm để họ có cơ hội tăng trưởng và gọi vốn vòng sau từ các nhà đầu tư nước ngoài có nguồn lực tài chính dồi dào.
Bên cạnh đó, mỗi nhà đầu tư dù là nội địa hay nước ngoài đều có những thế mạnh riêng để mang lại giá trị cho các công ty họ đầu tư vào. Trong khi quỹ nước ngoài có khả năng tài chính dồi dào, quỹ nội địa có ưu điểm lớn ở khía cạnh am hiểu sâu sắc thị trường địa phương và khả năng hỗ trợ startup liên tục nhờ sự gần gũi về địa lý. Dù số lượng quỹ nội địa ở Việt Nam còn hạn chế nhưng con số này sẽ sớm tăng lên do nhu cầu ngày một lớn từ cộng đồng startup.
Trong năm 2020, Do Ventures cũng ghi nhận hơn một nửa trong tổng số lượng thương vụ đầu tư vào startup công nghệ được thực hiện bởi các quỹ đầu tư nội địa hoặc quỹ nước ngoài có đại diện tại Việt Nam. Điều này cũng cho thấy vai trò quan trọng của các nhà đầu tư trong nước trong việc hỗ trợ startup giai đoạn đầu tiếp tục tiến xa hơn trong giai đoạn nhiều thử thách như hiện nay.
Theo một startup mới được Do Ventures đầu tư cho rằng, mặc dù đã nhận được nhiều lời đề nghị từ những quỹ đầu tư ngoại khác nhưng đơn vị này vẫn lựa chọn một quỹ đầu tư nội. Lý giải cho điều này, startup này cho rằng, tùy vào ưu tiên của DN mà sẽ lựa chọn quỹ nội hay quỹ ngoại. Cụ thể, các quỹ nước ngoài sẽ định giá DN cao hơn nên số tiền đầu tư sẽ lớn hơn, còn quỹ của Việt Nam dù định giá thấp hơn nhưng lại có thể tham gia hỗ trợ DN nhiều thứ hơn ngoài yếu tố tài chính, như phát triển sản phẩm, marketing...
“Chúng tôi quan tâm hơn đến việc sẽ nhận được những hỗ trợ khác ngoài yếu tố tài chính, để có thể mở rộng quy mô của công ty trong thời gian tới”, đại diện startup nói về lý do chọn quỹ đầu tư nội.
Bên cạnh việc gia tăng của các quỹ đầu tư nội, các công ty công nghệ lớn, startup lớn của Việt Nam cũng đã bắt đầu hình thành các quỹ của riêng mình để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp khác hay tiến hành M&A để bổ sung vào hệ sinh thái của công ty.
Tiêu biểu có thể kể đến MoMo, sau khi ra mắt “Quỹ đầu tư Đổi mới Sáng tạo”, đơn vị này đã có thương vụ mua bán đầu tiên với công ty cung cấp giải pháp trí tuệ nhân tạo Pique vào cuối tháng 6/2021. Hay VNLIFE - công ty mẹ của VNPAY cũng cho biết, khoản đầu tư 250 triệu USD mới được huy động sẽ dành để tìm kiếm, hỗ trợ các startup khác cùng tham gia hệ sinh thái, bên cạnh những startup đã được đầu tư trước đó như iCheck, MyTour, Tripi, Sapo... Mới đây, G-Group cũng đã công bố khoản đầu tư vào startup AI Camera HANET để bổ sung vào hệ sinh thái bao gồm Tima, Gpay, Gapo, Beat...
Ông Trần Trí Mạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNLIFE cho biết khoản đầu tư mới của tập đoàn này sẽ tiếp tục được sử dụng để hỗ trợ các startup về mặt công nghệ, xây dựng mạng lưới, vốn để các startup không chỉ lớn mạnh ở thị trường trong nước mà còn hướng đến mục tiêu đưa các sản phẩm vươn ra thế giới. Khi có nguồn lực vốn, công nghệ và mô hình quản trị đúng đắn, các DN sẽ có một bước đệm tốt khi tham gia chuỗi sinh thái và đưa các sản phẩm ra thị trường.
Hệ sinh thái VNLIFE khi đó sẽ đóng vai trò “bệ đỡ” cho các startup và tạo cơ hội để họ có thể kết nối với nhau, giúp hệ sinh thái phát triển, đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế. Song song với đó, Tập đoàn này cũng sẽ đồng hành với các startup để vươn ra thị trường thế giới cùng với sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới.
Còn với các công ty công nghệ lớn, có thể kể đến như VNG, công ty này đã đầu tư vào Tiki, Got It hay Ecotruck; FPT là thương vụ đầu tư đình đám vào Base. Chia sẻ về lý do chọn FPT thay vì những quỹ đầu tư, ông Trịnh Ngọc Bảo, Giám đốc điều hành của Base cho rằng, điều công ty cần trong giai đoạn tiếp theo là đẩy nhanh tốc độ, tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng. Base cần nhiều nguồn lực hơn nữa - mà không phải là tài chính - để giải bài toán “go global” và để có thể đi xa hơn, nhanh hơn. Chính vì thế mà thương vụ với FPT diễn ra khá nhanh chóng, nhất là khi cả 2 bên đều cùng chung một hệ tư tưởng và một hệ giá trị.
“FPT có hơn 30.600 nhân viên cùng nhiều công ty thành viên như FIS, FPT Software... cùng tập khách hàng SME đã sử dụng sản phẩm từ trước. Đây sẽ là những nguồn lực lớn mà Base có thể tận dụng”, ông Bảo nói.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, xu hướng này xuất phát từ nhu cầu của các DN, startup khi đã có được một dòng tiền, tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, khi muốn phát triển mạnh hơn nữa thì họ sẽ có mong muốn tìm kiếm những thị trường mới, quốc gia mới hay những sản phẩm mới, ngành mới. Để làm được điều này, các DN, startup phải xây dựng được cho mình một hệ sinh thái bổ trợ cho mảng kinh doanh cốt lõi của mình. Đây là một nhu cầu tất yếu để đảm bảo sự tăng trưởng, mở rộng của DN, startup. “So với việc tự xây dựng một sản phẩm mới thì việc đầu tư, mua bán sáp nhập (M&A) thì sẽ nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều”, vị chuyên gia này cho biết thêm.
So với các quỹ đầu tư, các DN, startup lớn sẽ không chỉ hỗ trợ về vốn mà còn có lực đẩy của cả một hệ sinh thái sản phẩm, người dùng nên sản phẩm của startup sẽ phát triển rất nhanh chóng. Đổi lại, các DN lớn chỉ tìm kiếm đầu tư những đơn vị khởi nghiệp phù hợp, gần với những mảng kinh doanh của họ và theo lộ trình sẽ có tham vọng thâu tóm để sỡ hữu đa số hoặc toàn bộ cổ phần.
“Đổi lại, các quỹ đầu tư tài chính sẽ có thời gian cam kết đi cùng DN với số cổ phần tối thiểu, thông thường từ 5-7 năm, trước khi tiến hành exit (thoái vốn), bằng cách bán lại cho các quỹ đầu tư, DN khác”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Sẽ sớm có quỹ của các DN lớn Việt Nam đầu tư vào startup
Có thể thấy, thị trường đầu tư ở Việt Nam đang có sự phân cấp rất rõ ràng, các nhà đầu tư nội do những hạn chế nhất định về tài chính nên chủ yếu đầu tư ở giai đoạn sớm (trước Series A), và dùng kinh nghiệm của mình để hỗ trợ cho startup tăng trưởng, chuẩn bị cho những vòng tiếp theo. Còn từ vòng Series B, C hay cao hơn thì hoàn toàn vắng bóng các quỹ nội và gần như 100% thuộc về các quỹ ngoại, vì số tiền đầu tư giai đoạn này thường khá lớn. Đây là một thiếu hụt khá nghiêm trọng, khi mà giai đoạn sau chính là thời điểm bùng nổ về doanh thu, lợi nhuận, người dùng... của các startup. Phần lớn dữ liệu của startup cũng được tạo ra trong quãng thời gian này.
Chia sẻ tại sự kiện Diễn đàn Quốc gia về phát triển DN công nghệ số Việt Nam 2020 vào cuối tháng 12/2020, ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc quỹ đầu tư VinaCapital cho biết, về thu hút vốn, đa phần vốn cho startup tìm kiếm ngoài, chưa có vốn từ địa phương hay các cấp doanh nhân, DN Việt Nam đầu tư cho các công ty trong nước do chưa có cơ chế rõ ràng. Do đó, để có nhiều sản phẩm Make in Vietnam hơn, đại diện VinaCapital đề xuất hình thành quỹ địa phương để người Việt đầu tư cho người Việt, huy động nguồn lực trong nước, đầu tư cho các công ty nhỏ và tận dụng nguồn lực của các công ty lớn.
Về vấn đề quỹ đầu tư Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, hiện quỹ đầu tư chủ yếu là đến từ nước ngoài, họ có mục tiêu riêng và chưa chắc đã giống với chiến lược “Make in Vietnam”.
Tuy nhiên, có khá nhiều DNp lớn thành công sẵn sàng vì đất nước, vì phát triển Việt Nam theo con đường công nghệ đã đồng ý thành lập quỹ đầu tư của các DN Việt Nam. Hiện vẫn đang đi tìm một đơn vị quản lý quỹ, trong đó VinaCapital là một lựa chọn. “Khi đó những DN công nghệ số sẽ có nguồn vốn Việt Nam, bên cạnh nguồn vốn từ nước ngoài như hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Khi được hỏi về quỹ đầu tư của DN lớn Việt Nam cho các nền tảng CĐS, ông Hoàng Đức Trung cho rằng, nếu đầu tư vào các startup Việt ở giai đoạn sớm (giai đoạn early stage) thì tỷ lệ rủi ro sẽ rất cao, khi tỷ lệ thành công chỉ từ 5-10%. Thông thường các quỹ đầu tư của quốc gia như của Singapore, họ sẽ chỉ đầu tư vào giai đoạn cuối trước khi DN tiến hành IPO (giai đoạn last stage), đã chứng minh được hiệu quả, có lợi nhuận tốt nên mức độ rủi ro sẽ thấp hơn, nhưng số tiền đầu tư sẽ rất lớn.
Do đó, theo vị chuyên gia này, quỹ của DN lớn Việt Nam nên đầu tư theo kiểu “matching funds” hoặc “co-investments”, tức là tham gia cùng với các chương trình khởi nghiệp hay các quỹ đầu tư chuyên nghiệp để giảm thiểu rủi ro tối đa. Bởi vì, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp cũng đã có sẵn bộ máy chuyên đi thẩm định, sàng lọc đầu tư nên sẽ tiết kiệm thời gian hơn cho quỹ của Việt Nam.
Còn trong trường hợp giao cho quỹ đầu tư chuyên nghiệp ở Việt Nam làm đơn vị quản lý quỹ, thì nên để cho nhiều quỹ uy tín cùng vận hành thay vì chỉ tập trung giao cho một đơn vị. Bởi vì, mỗi quỹ sẽ một “khẩu vị đầu tư” – những mảng ưu tiên đầu tư khác nhau, trong khi Việt Nam muốn phát triển CĐS cho nhiều lĩnh vực, mô hình khác nhau, nên sẽ phải lựa chọn những quỹ đầu tư đứng đầu trong mảng, lĩnh vực đó thì sẽ tốt hơn.
Bên cạnh yếu tố việc thiếu các quỹ đầu tư nội địa đủ lớn để đầu tư các vòng kế tiếp (Series B, C), một thực tế đáng báo động là ngày càng nhiều DN Việt mở công ty tại nước ngoài. Trong năm 2021, Tiki là DN Việt mới nhất thành lập công ty tại Singapore (Tiki Global), bên cạnh Lozi, Cốc Cốc... Lý giải cho điều này, đại diện Tiki cho rằng, việc này nhằm phục vụ nhiều mục tiêu cho giai đoạn phát triển sắp tới, mà trọng tâm là tiến tới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) một cách thuận lợi hơn.
“Tại Việt Nam, một nhà đầu tư nước ngoài mua một cổ phần thôi thì chúng tôi cũng phải làm các thủ tục theo quy định, mất từ 4-5 tháng mới có thể hoàn thành được. Quy trình này không thuận lợi cho một công ty tại Việt Nam muốn IPO tại thị trường quốc tế”, đại diện Tiki chia sẻ.
Một lý do quan trọng khác là Tiki đang có kế hoạch xây dựng một tech hub - trung tâm công nghệ để thu hút, phát triển đội ngũ kĩ sư. Khi Tiki có trụ sở tại Singapore thì theo luật của nước bạn, Tiki có thể được Chính phủ Singapore hỗ trợ trả đến 50% lương cho nhân sự. “Đó là một chính sách rất hấp dẫn”, đại diện Tiki nói.
Chờ thêm nhiều startup hoá “kỳ lân” và IPO ngay tại Việt Nam
Thông tin từ Tech in Asia cho thấy, Việt Nam đang bị tụt lại rất lớn so với các nước trong khu vực về số lượng “kỳ lân công nghệ” (DN startup được định giá 1 tỷ USD), khi chỉ có được 3 công ty (VNLife, VNPay, VNG), trong khi Indonesia (9 kỳ lân công nghệ), và Singapore (19 kỳ lân).
Để có thêm nhiều “kỳ lân” “Make in Vietnam”, thực sự do Việt Nam làm chủ, đặc biệt là các nền tảng CĐS thu thập nhiều thông tin dữ liệu của người dùng, DN như Fintech, TMĐT, y tế, giáo dục..., bên cạnh việc hình thành và sớm đi vào hoạt động các quỹ đầu tư lớn cho các vòng Series B, C do các DN Việt Nam đóng góp, cơ quan nhà nước cần xem xét định hướng, thúc đẩy hơn nữa các cơ chế để tạo môi trường thông thoáng hơn trong việc đầu tư cũng như thúc đẩy môi trường khởi nghiệp, từ đó có thể “giữ chân” các startup.
Đồng thời, Việt Nam là một nền kinh tế năng động, có nhiều tiềm năng về nhân lực và thị trường để phát triển các DN trong lĩnh vực công nghệ. Do đó, nhà nước cũng cần nghiên cứu việc phát triển khả năng gọi vốn, tăng vốn của các startup công nghệ thông qua IPO theo mô hình SPAC (Specified Purpose Acquisition Company) - công ty mua lại mục đích đặc biệt, là kiểu công ty vỏ bọc chỉ có mục đích huy động vốn để mua lại công ty khác và đưa lên sàn giao dịch. Đây cũng là một trong số những phương thức mà VinFast, công ty con của Vingroup sử dụng trong kế hoạch huy động 2 tỷ USD thông qua IPO tại Mỹ.
Hiện ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp lựa chọn SPAC làm hình thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ để có thể rút ngắn đáng kể thời gian và quy trình so với chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) truyền thống. Chưa kể đến, do đặc thù của các startup công nghệ trong những năm đầu thường là “đốt tiền” nên việc yêu cầu doanh nghiệp có báo cáo tài chính lành mạnh như thông thường, đặc biệt là các chỉ tiêu về lợi nhuận, tỷ suất sinh lợi cũng cần được cân nhắc xem xét.
Nếu làm được như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể trông chờ vào việc start up Việt có thể IPO ngay trên “sân nhà” trong tương lai gần, thay vì phải mở một công ty nước ngoài.
Tài liệu tham khảo:
1. Số lượng startup kỳ lân Việt Nam nhiều thứ 3 Đông Nam Á (diendandoanhnghiep.vn)
2. Startup công nghệ Trung Quốc từ chối thẳng các dòng tiền đầu tư từ nước ngoài (vietnambiz.vn)
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2021)