Ninh Bình: Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích từ năm 2026 đến 2030
Truyền thông - Ngày đăng : 17:11, 29/09/2021
Tạo sự lan tỏa thông qua mạng xã hội và internet
Để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về Chính quyền điện tử và Chuyển đổi số; phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Ninh Bình đã tổ chức nhiều hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội.
Trong đó, thiết lập và phát triển các trang (tài khoản/kênh) trên các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và chuyển tải các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Trung ương, của tỉnh và các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó là các hoạt động: biên tập, xuất bản các tài liệu, ấn phẩm, tờ rời, tờ gấp, pano, áp phích… phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền trên địa bàn toàn tỉnh; Sản xuất các nội dung tin bài, ảnh, video, clip...để đăng, phát trên các trang mạng xã hội, các kênh, nền tảng khác nhau và trên phương tiện truyền thông đại chúng; Sản xuất các chương trình truyền hình, truyền thanh, phim, bài hát, phóng sự, trao đổi, đối thoại, chuyên đề chuyên sâu trên hệ thống phát thanh, truyền hình và thông tin cơ sở.
Xây dựng các chuyên mục, chuyên trang đưa tin và bài viết trên hệ thống báo chí, báo điện tử, trang tin điện tử, diễn đàn trực tuyến. Tổ chức các Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu về Chuyển đổi số trên mạng Internet tạo sự lan tỏa, thu hút đông đảo sự tham gia của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Triển khai xây dựng hệ thống đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; bảng điện tử công cộng phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh...
Cùng với đó, các Hội thi sân khấu hoá, Cuộc thi báo chí viết về đề tài xây dựng Chính quyền điện tử và Chuyển đổi số sẽ được tổ chức; tuyên dương tập thể, cá nhân tiêu biểu, có thành tích trong công tác xây dựng Chính quyền điện tử và Chuyển đổi số; phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh...
Tuyên truyền sâu rộng các giải pháp, cách làm hay, sáng tạo trong công tác phát triển chính quyền điện tử
Kế hoạch tuyên truyền xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ được thực hiện theo lộ trình cụ thể với 3 đợt.
Đợt 1 (từ năm 2021 đến hết năm 2022), sẽ tập trung thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động đến các cấp các ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng, lợi ích và những giá trị to lớn, thiết thực mà chuyển đổi số mang lại; các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số; các Nghị quyết, Chiến lược, Quyết định, Chương trình hành động, Kế hoạch của Trung ương, của tỉnh và các địa phương về xây dựng Chính quyền điện tử và Chuyển đổi số.
Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền, giới thiệu thường xuyên, sâu rộng những mô hình chuyển đổi số thí điểm trên địa bàn tỉnh; các bước tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi số và hiệu quả bước đầu trong xây dựng phát triển Chính quyền điện tử và Chuyển đổi số ở một số lĩnh vực thuộc cấp tỉnh và những mô hình điểm ở cấp huyện và cấp xã.
Đợt 2 (từ năm 2023 đến hết năm 2025), tiếp tục thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các bước tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi số ở các cấp, các ngành, địa phương; tuyên truyền sâu rộng các giải pháp, cách làm hay, sáng tạo trong công tác phát triển chính quyền điện tử; xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung tuyên truyền việc thực hiện, hoàn thành các hệ thống nền tảng phát triển chính quyền điện tử; hình thành chính quyền số, hoàn thành các nền tảng cơ bản để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; nhất là tiến trình chuyển đổi số ở một số lĩnh vực: Y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa - thể thao, du lịch, giao thông vận tải, nông nghiệp, tài nguyên - môi trường, tài chính. Tập trung tuyên truyền những kết quả triển khai, thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử và Chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh; những hiệu quả, lợi ích và những đổi thay từ chuyển đổi số mang lại cho chính quyền, doanh nghiệp và nhất là người dân.
Đợt 3 (từ năm 2026 đến 2030) tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nội dung các văn bản, chính sách mới về xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số của Trung ương và của tỉnh.
Tiếp tục tuyên truyền những kết quả triển khai, thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh; kết quả công tác chuyển đổi số ở các lĩnh vực ưu tiên, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững; việc thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới trong chuyển đổi số; việc đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn toàn tỉnh thông qua chuyển đổi số. Đặc biệt sẽ hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.
Mục đích kế hoạch trên của tỉnh Ninh Bình nhằm tuyên truyền sâu rộng, kịp thời đầy đủ về bản chất, nội dung, khái niệm cơ bản, tầm quan trọng, ý nghĩa, lợi ích và những giá trị to lớn, thiết thực mà chuyển đổi số mang lại trong công tác quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, qua đó thực hiện thành công xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.