KiotViet và tham vọng giải quyết "nỗi đau" cho các doanh nghiệp MSME

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 10:00, 29/09/2021

Nền tảng KiotViet ra đời để giải quyết “nỗi đau” cho các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ khi các đơn vị này gặp khó khăn trong quản lý hoạt động và mở rộng kinh doanh.

Với 130.000 khách hàng trả phí và liên tục tăng trưởng 200%-300% một năm, KiotViet được đánh giá có "tiềm năng tăng trưởng vượt bậc" khi miếng bánh doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) còn rất lớn với hơn 5 triệu doanh nghiệp và đóng góp hơn 40% GDP của Việt Nam.

Nhận đầu tư 45 triệu USD, hướng đến 300.000 khách hàng trong 3 năm kế tiếp 

Ngày 01/9/2021, Phần mềm quản lý bán hàng KiotViet chính thức gọi vốn thành công 45 triệu USD từ quỹ ngoại KKR - Công ty đang quản lý tổng số vốn khoảng 367 tỷ USD này từng đầu tư vào EQuest, Vinhomes, Masan Nutri-Science… Cùng sự tham gia của ngân hàng lớn thứ 2 tại Thái Lan- Kasikornbank (KBank). 

KiotViet là phần mềm quản lý bán hàng dành cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (bao gồm cả các hộ kinh doanh cá thể). Nền tảng giúp các nhà bán dễ dàng quản lý hàng hóa, giám sát hàng tồn, chăm sóc khách hàng, quản lý khuyến mãi và theo dõi hoạt động kinh doanh từ xa… Về giá trị, đây là khoản đầu tư không hề nhỏ đối với một startup Việt Nam, nó thể hiện sự kỳ vọng và tiềm năng rất lớn của các quỹ dành cho thị trường chuyển đổi số (CĐS) cho doanh nghiệp MSME. 

Nêu lý do quyết định đầu tư, đại diện KKR Đông Nam Á cho rằng KiotViet có “tiềm năng tăng trưởng vượt bậc”. Khoản đầu tư của KKR vào KiotViet phù hợp với một trong những định hướng chính là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc số hóa vận hành và tiếp cận với các sản phẩm tài chính thông qua công nghệ.  

Đây không phải lần đầu tiên KiotViet nhận được khoản đầu tư từ các quỹ và công ty quốc tế. Trước đó, vào năm 2019, Quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures, Công ty CVM, Ngân hàng Kasikorn (Thái Lan) cũng đã quyết định đầu tư 6 triệu USD vào Phần mềm quản lý bán hàng và các giải pháp toàn diện KiotViet cung cấp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.

KiotViet trực thuộc Citigo, công ty ra đời từ năm 2010 với hoạt động cốt lõi là tư vấn phát triển sản phẩm, giải pháp phần mềm và đào tạo lập trình viên. Theo ông Cao Trọng Kim Trí, Phó Tổng giám đốc Citigo, đơn vị sở hữu nền tảng KiotViet, sau 3 năm gia công cho các công ty phần mềm lớn trên thế giới, Citigo thấy việc gia công không còn tăng trưởng nhanh nữa. Đồng thời, đội ngũ sáng lập công ty nhận thấy thị trường Việt Nam tại thời điểm đó rất tiềm năng nên nghiên cứu phân tích thị trường để có thể làm được một sản phẩm công nghệ thật sự phổ biến ở trong nước. “Phổ biến ở đây theo nghĩa ai cũng có thể dùng được dù không có nhiều kiến thức về công nghệ và chi phí thật sự phải chăng”, ông Trí lý giải thêm. 

Để rồi, Citigo nhận thấy, nhóm đối tượng doanh nghiệp MSME trên thị trường đang gặp khó khăn trong quản lí hoạt động và mở rộng kinh doanh. Chính vì thế, KiotViet ra đời nhằm giải quyết các vấn đề đó. 

Nền tảng KiotViet và tham vọng chuyển đổi số để giải quyết

Đến thời điểm hiện tại, KiotViet đang có 130.000 khách hàng đang trả tiền và sử dụng và hướng đến 300.000 khách hàng trong 3 năm tiếp theo. Ngoài ra KiotViet cũng phát triển nhiều tính năng rất độc đáo cho khách hàng như tạo website bán hàng đơn giản, với chi phí rẻ. Tính năng này đã giúp rất nhiều chủ cửa hàng tạp hóa, xây dựng, thực phẩm có thể lên kinh doanh trực tuyến (online) chỉ trong 5 phút. Về kế hoạch trong thời gian tới, ngay sau đại dịch COVID, KiotViet sẽ mở văn phòng ở một nước Đông Nam Á và đặt nền móng cho việc “go global”. 

Nói về lý do lớn nhất KKR quyết định đầu tư 45 triệu USD vào KiotViet, ông Trí khẳng định, nhà đầu tư đánh giá rất cao đội ngũ lãnh đạo, con người và văn hóa doanh nghiệp của công ty, sự minh bạch trong quản trị và định hướng rõ ràng của công ty trong tương lai.

Từng phải “phá đi xây lại" để có phiên bản phù hợp nhất 

Nói về những điểm thuận lợi vào thời điểm ra mắt KiotViet, ông Trí cho rằng, với việc nhiều năm phát triển các sản phẩm chất lượng cao cho các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Singapore nên đội ngũ công ty có năng lực làm sản phẩm rất tốt. Điểm thuận lợi tiếp theo, đó là vào những năm 2014-2015, cơ quan quản lý đã thúc đẩy rất mạnh mẽ việc khởi nghiệp trên cả nước nên KiotViet đã xuất hiện hầu hết trên các kênh truyền thông, truyền hình lớn ở Việt Nam với chi phí rất thấp, trong giai đoạn ban đầu khi nền tảng mới được ra mắt. 

Tuy nhiên, KiotViet cũng gặp những khó khăn nhất định, do quen làm gia công nên đội ngũ kinh doanh, marketing chưa tổ chức thực sự tốt.

Từng chia sẻ trên truyền thông, phiên bản đầu tiên của KiotViet ra mắt năm 2013 được học hỏi từ nước ngoài, sau khi ra mắt chưa lâu đã phải bỏ đi làm lại do chưa sát với nhu cầu người dùng trong nước. Kể từ phiên bản 2, đây là phiên bản hoàn toàn do đội ngũ hơn 20 lập trình viên của Citigo phát triển. Để ra mắt được phiên bản này, KiotViet đã phải làm việc với nhiều chuyên gia về bán lẻ, thị trường, làm việc trực tiếp với các chủ cửa hàng để xem họ cần gì, không hài lòng ở điểm nào. 

Cũng theo đại diện KiotViet, do tiếp cận với đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ nên việc tiếp cận các chủ cửa hàng không hề đơn giản. Do khách hàng là các chủ cửa hàng vẫn đang dùng sổ sách để quản lý một cách giản đơn, nên đòi hỏi phần mềm “số hóa” cho họ phải tốt, mạnh mẽ nhưng lại dễ sử dụng. “Đây là một thách thức không nhỏ cho các đơn vị làm phần mềm như KiotViet”, ông Trí bày tỏ. 

Đánh giá về lý do lớn nhất để thuyết phục khách hàng sử dụng, khi vào thời điểm năm 2015, việc ứng dụng công nghệ, CĐS vẫn còn là một khái niệm xa vời với các cửa hàng bán lẻ, ông Trí cho rằng, KiotViet với sự tận tâm với khách hàng đã phát triển sản phẩm trực quan, dễ dùng để khách hàng nào cũng có thể sử dụng được dù có kiến thức về công nghệ tốt hay không.

Ngoài ra, giá cả khi sử dụng KiotViet cũng rất rẻ và dịch vụ xuất sắc. “Có nhiều trường hợp để bán cho khách một hợp đồng khoảng 2 triệu/năm nhưng một nhóm 3-5 bạn kinh doanh đã đến cửa hàng nhập 20.000 dữ liệu giúp khách để khách hàng có thể kinh doanh được. Đó là một trong những dịch vụ mà đối thủ của KiotViet rất khó làm theo”, Phó Tổng Giám đốc Citigo chia sẻ. 

Khi được hỏi về việc cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường, ông Trí cho rằng, trong quá trình 7 năm phát triển, KiotViet luôn tăng trưởng từ 200-300%/năm và hoàn toàn không gặp khó khăn khi cạnh tranh với các đơn vị khác vì thị trường còn rất lớn. “Hiện nay chỉ có tầm 200.000 - 300.000 trên tổng số 5 triệu doanh nghiệp MSME đang sử dụng phần mềm. Do đó còn rất nhiều không gian cho các doanh nghiệp phát triển miễn là chúng ta đáp ứng được nhu cầu của thị trường”, ông Trí lý giải. 

KiotViet cũng luôn tập trung lắng nghe nhu cầu của khách hàng và phát triển tính năng mà khách hàng mong muốn để giúp họ kinh doanh dễ dàng và hiệu quả hơn. 

Ngay từ khi ra đời, tầm nhìn của KiotViet là công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp vừa nhỏ và siêu nhỏ ở Đông Nam Á nên ngay từ những ngày đầu công ty đã tập trung vào doanh nghiệp MSME. Nhưng để hiện thực tầm nhìn đó theo từng bước, KiotViet đã tập trung vào doanh nghiệp bán lẻ trước, sau đó là các doanh nghiệp dịch vụ phục vụ ăn uống (Food and Beverage Service - F&B) và mở rộng dần theo các ngành khác nhau. 

Nền tảng KiotViet và tham vọng chuyển đổi số để giải quyết

Mỗi ngành nghề đều có những tính chất sản phẩm khác nhau, như quản lý cửa hàng thời trang cần quản lý thuộc tính, quản lý cửa hàng điện thoại cần quản lý IMEI và sửa chữa tốt hay F&B cần quản lý và in bếp, đặt bàn… Cùng với thời gian và lắng nghe khách hàng, KiotViet đã hoàn thiện sản phẩm cho nhiều phân khúc khách hàng khác nhau. “Ngay trong thời điểm dịch COVID, Kiotviet đã nâng cấp các tính năng dành cho chủ cửa hàng bán hàng online như tích hợp sàn Thương mại điện tử (TMĐT), Siêu app như Grab…”, ông Trí chia sẻ thêm.

Chia sẻ về lý do lựa chọn KiotViet, ông Lee Jae Eun - Tổng Giám đốc Everpia cho biết, phần mềm POS của KiotViet cung cấp nền tảng quản lý tổng thể không chỉ trong khâu bán hàng trực tiếp mà còn trong quản lý hàng tồn kho, quản lý nhân viên, quản lý khách hàng và quản lý cửa hàng. “KiotViet được lựa chọn vì đây là phần mềm sử dụng nền tảng điện toán đám mây cho phép quản lý cửa hàng và bán hàng mọi lúc, mọi nơi, trên PC hay trên thiết bị di động chỉ cần có Internet. Nhiều cửa hàng đã và đang nhận được vô số lợi ích từ các giải pháp khác nhau của KiotViet”, ông Lee Jae Eun khẳng định. Ngoài ra, theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Everpia, việc phần mềm quản lý bán hàng KiotViet có thể kết nối với các sàn thương mại điện tử sẽ là nền tảng quan trọng cho việc số hóa mạng lưới phân phối của Everon, từ đó đồng hành cùng các đại lý phát triển thịnh vượng.

Doanh nghiệp SME sẽ CĐS nhanh hơn và chọn sản phẩm kỹ càng hơn 

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng và cách các doanh nghiệp truyền thống kinh doanh tại Việt Nam. Với các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng, việc giảm doanh số đã là chất xúc tác cho sự thay đổi giữa các nhà bán lẻ truyền thống để chuyển từ các kênh bán hàng truyền thống sang các nền tảng trực tuyến, như thị trường TMĐT và thương mại xã hội. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ trong các hoạt động của mình như quản lý bán hàng, phát triển các kênh bán hàng mới và bắt đầu sử dụng phần mềm để quản lý chi phí và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.

Đánh giá về xu hướng này, ông Trí cho rằng, tất cả doanh nghiệp đều có mong muốn, ước mơ kinh doanh ngày mai tốt hơn ngày hôm nay và CĐS giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và kinh doanh hiệu quả hơn. 

“COVID-19 chỉ giúp việc đó rõ ràng hơn trong mắt nhiều doanh nghiệp hơn nên việc CĐS sẽ diễn ra nhanh hơn trong và sau đại dịch”, ông Trí bày tỏ. 

Lý giải cho điều này, theo ông Trí, đã có rất nhiều khách hàng bắt đầu mua và sử dụng KiotViet ngay trong thời điểm dịch COVID-19 diễn ra. Đó là sự thay đổi trong mắt của khách hàng và họ đã đầu tư để đón đầu sự tăng trưởng nhanh hơn trong tương lai sau đại dịch.

Nền tảng KiotViet và tham vọng chuyển đổi số để giải quyết

Với KiotViet, sau 7 năm kinh doanh đã lắng nghe, tiếp thu rất nhiều nghiệp vụ của các ngành kinh doanh bán lẻ, F&B và phát triển sản phẩm phù hợp với khách hàng. “Chưa kể đến, trong năm 2020-2021, Chính phủ và Bộ TT&TT đã nói rất nhiều về CĐS, giúp các doanh nghiệp MSME nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của CĐS và sử dụng các phần mềm như KiotViet trong kinh doanh”, ông Trí nhận định. 

Đánh giá về xu hướng CĐS trong thời gian tới, ông Trí nhận thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu CĐS nhiều hơn. Các khách hàng của KiotViet đa phần là lĩnh vực quần áo và may mặc, cửa hàng tạp hóa, F&B và điện tử, trong đó phần lớn là các cửa hàng nhỏ từ ba đến mười nhân viên. KiotViet đã quan sát thấy mối quan tâm ngày càng tăng trong việc phát triển kỹ thuật số và hiện đại hóa lĩnh vực bán lẻ, vốn chủ yếu được thúc đẩy bởi làn sóng doanh nhân trẻ. Bởi vì, hơn ai hết, những doanh nhân này, những người kế tục công ty gia đình hoặc các doanh nhân khởi nghiệp ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong quản lý kinh doanh hàng ngày. 

Đồng thời, những người tiêu dùng trẻ ở các thành phố lớn và nông thôn dường như ngày càng ưa thích mô hình bán lẻ trực tuyến và thương mại xã hội, từ lĩnh vực may mặc đến điện tử vì vậy các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải theo kịp và số hóa nhanh hơn để theo kịp các xu hướng thay đổi, nếu không sẽ mất thị phần cho các công ty lớn hơn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp MSME sẽ CĐS  nhanh hơn trong tương lai, KiotViet đã nhìn thấy điều này ngay trong đại dịch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ lựa chọn sản phẩm kĩ càng hơn. Những doanh nghiệp làm sản phẩm tốt, dịch vụ tận tâm và giá cả hợp lý chắc chắn sẽ được tin yêu và lựa chọn sử dụng.  

Về lời khuyên cho các doanh nghiệp SME, ông Trí cho rằng, dù là hộ kinh doanh, cá thể hay SME thì hãy CĐS sớm, và dùng những sản phẩm như KiotViet để quản lý việc kinh doanh của mình hiệu quả hơn. 

Cuối cùng, ông Trí cho rằng, các quy định của cơ quan quản lý cho sản phẩm “Make in Viet Nam” cũng như CĐS hiện nay đã rất tốt và mong muốn sẽ được các cơ quan truyền thông đưa tin nhiều hơn để tiếp cận đến người dân tốt hơn. 

Sản phẩm đơn giản nhưng giải quyết nỗi đau cho tiểu thương bán hàng truyền thống

Chia sẻ trong buổi trao đổi về chủ đề KiotViet nhận đầu tư 45 triệu USD của chương trình “Café cùng Expert” do A1demy thực hiện, ông Hà Mạnh Hùng, đồng sáng lập Ecomtek – nền tảng vận hành, hỗ trợ TMĐT, cho rằng, KiotViet là một bài học kinh nghiệm (case study) điển hình mà các đơn vị khác có thể học hỏi. Thời điểm 2016-2017, do chưa được nhiều người biết đến cũng như khách hàng nên khá vất vả trong việc giới thiệu KiotViet đến các cửa hàng. Tuy nhiên, KiotViet có một chiến lược khá tốt, đó là “bao vây” các tỉnh thành xung quanh ở phía Bắc mà có tốc độ tăng trưởng tốt như Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương… bên cạnh việc vẫn duy trì những thị trường chính như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Để rồi, đến năm 2018, lượng khách hàng dùng KiotViet đã gia tăng nhanh chóng. 

Mặc dù tư duy của hầu hết các công ty SaaS (Software-as-a-Service – cung cấp phần mềm như một dịch vụ) thường là tiết kiệm chi phí nhân sự và mọi khâu từ bán hàng, gia hạn… đều được làm online. Tuy nhiên, hiện nay doanh số của KiotViet phần lớn đến từ kênh bán hàng trực tiếp. “Ngay cả những khu vực xa như Đại Từ - Thái Nguyên cũng có rất nhiều khách hàng của KiotViet. Từ đó đã cho thấy đội ngũ bán hàng trực tiếp của KiotViet mạnh như thế nào, chứ chạy quảng cáo online thì không thể đến những khu vực như vậy”, ông Hùng nói. 

Đánh giá ưu điểm của KiotViet, ông Hùng cho rằng, đầu tiên là sản phẩm cực kì đơn giản, bất kì ai cũng có thể sử dụng được, kể cả chủ tạp hóa không có nhiều kiến thức về công nghệ cũng rất dễ dàng thao tác như quản lý doanh số, đồng bộ hàng tồn kho… “KiotViet cũng đã tận dụng thời cơ rất tốt, khi một đối thủ lớn nhất của họ trong quãng thời gian ấy đi xuống”, ông Hùng chia sẻ thêm. 

Chưa kể đến, chính sách bán hàng của KiotViet cũng rất tốt cho các cộng tác viên bán hàng để phát triển thị trường. Không chỉ KiotViet mà trong giai đoạn đầu, các sản phẩm SaaS nói chung khi bao phủ, chiếm lĩnh thị trường thì sẽ gần như không có lãi. 

Ưu điểm tiếp theo của KiotViet là chính sách chăm sóc khách hàng, tỷ lệ tái ký khi dùng sản phẩm rất cao (đây cũng là một chìa khóa để một dịch vụ SaaS đạt lợi nhuận bền vững).

Trước những ý kiến cho rằng liệu KiotViet có triển khai một số dịch vụ tài chính (fintech) trên nền tảng này hay không, ông Hùng nhận định rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Cụ thể, KiotViet có thể tạo ra một nền tảng P2P Lending, khi đã có sẵn hơn 130.000 khách hàng (merchant). 

Bởi vì, trong thời điểm dịch COVID-19 chưa biết đến bao giờ sẽ kết thúc mà nhu cầu về vốn để duy trì hoạt động rất cao, trong khi KiotViet lại có hệ thống “đo lường” doanh thu trung bình của cửa hàng theo từng tháng. “KiotViet có thể cho cửa hàng vay một khoản vốn, tính theo doanh thu trung bình của 6 tháng. Do hệ thống KiotViet có thể đo đạc được doanh số các cửa hàng nên hoàn toàn có thể yên tâm trong việc thu hồi công nợ trong tương lai”, ông Hùng nhận định. 

Ông Lê Anh Tuấn, nhà sáng lập công ty Firstcom Digital và A1 Digihub cũng cho rằng, KiotViet là một case study điển hình cho các startup có thể học hỏi, đi lên từ một sản phẩm rất đơn giản và ban đầu tưởng như sẽ không kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên, do sản phẩm đi đã “trúng” vào thị trường đang tăng trưởng tốt và có lượng khách hàng lớn cả trực tiếp (offline) lẫn trực tuyến (online), cùng với dòng tiền tốt nên đã đạt điểm hoà vốn từ lâu, tài chính lành mạnh. “Đây là một điểm rất ngạc nhiên khi mà làm SaaS ở Việt Nam đa phần là lỗ”, ông Tuấn nhận định./.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2021)

Nguyễn Khiêm