Xây dựng thành phố thông minh cần hiểu rõ về dự án và đánh giá được các rủi ro

Đô thị thông minh - Ngày đăng : 07:00, 29/09/2021

Thành phố thông minh (TPTM) đang là một xu hướng tất yếu của tiến trình phát triển, tiến bộ xã hội. Vậy đâu là cơ hội? Nhân tố nào là cốt lõi?... giúp đảm bảo, thúc đẩy nhanh, bền vững tiến trình này trong giai đoạn hiện nay.

Để trả lời cho các câu hỏi này, tài liệu "Sổ tay thành phố thông minh Việt Nam", do Văn phòng Đối ngoại, Thịnh vượng chung và Phát triển của Vương quốc Anh mới ban hành giúp chúng ta có thêm cái nhìn sâu sắc hơn khi thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt, tài liệu ngoài việc cung cấp thêm các thông tin mới nhất, còn truyền cảm hứng trong việc xây dựng môi trường chính sách bền vững và mạnh mẽ phục vụ phát triển, tăng trưởng TPTM đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam không nằm ngoài ngoại lệ.

Công nghệ là nhân tố then chốt, cốt lõi

Trước khi nói đến các cơ hội phát triển TPTM hiện nay, tài liệu đã định nghĩa khái quát, "TPTM là một thành phố sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để nâng cao chất lượng sống, khả năng làm việc và tính bền vững".

Như vậy, từ khái niệm này, nhân tố được coi là quan trọng, then chốt, có tính quyết định thành công, hiệu quả cho TPTM chính là việc cần sử dụng mạnh mẽ ICT. ICT còn là một công cụ số giúp thúc đẩy các chương trình chuyển đổi kỹ thuật số cho các thành phố trên phạm vi quy mô lớn, đồng thời, khởi tạo, ra đời ra các sáng kiến mới cụ thể, có tính khả thi thực tế, thúc đẩy, tạo sự phát phát triển - đây chính là mục tiêu, hướng đi chung cho các TPTM hướng đến.

Cũng theo tài liệu, ICT giờ đây đang trở thành phổ biến của nhiều tòa nhà, khu nhà trong các TPTM. Nhiều công nghệ đột phá đã xuất hiện như: Internet kết nối vạn vật; nền tảng mạng xã hội; phân tích nâng cao nâng cao dữ liệu… Sự đột phá kỹ thuật số tích cực này đã đưa công nghệ đi sâu hơn vào cốt lõi của cuộc sống hàng ngày.

Xây dựng thành phố thông minh cần hiểu rõ về dự án và đánh giá được các giá trị rủi ro - Ảnh 1.

Giờ đây, sự đột phá kỹ thuật số đã đưa công nghệ đi sâu hơn vào cốt lõi của cuộc sống hàng ngày.

"ICT không chỉ đơn thuần là giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, mà còn làm thay đổi sâu sắc cách sống của con người. Do đó, các cơ hội mới đã tạo ra cho công nghệ không chỉ giúp các nhà khai thác xây dựng và bất động sản tối ưu hóa hoạt động mà còn tạo ra những trải nghiệm độc đáo và tạo ra dữ liệu cho việc đưa ra quyết định dễ dàng hơn", tài liệu nhấn mạnh.

Để nâng cao giá trị, hiệu quả của ICT, các TPTM cần phải áp dụng, sử dụng 07 lớp thành phần công nghệ gồm: Dịch vụ (các ứng dụng thông minh đáp ứng trên tất cả các lĩnh vực của thành phố); Tiếp xúc (dựa trên các cảm biến, thiết bị hỗ trợ IoT và thiết bị di động); Kết nối (đảm bảo liên thông thông tin mạng có dây và không dây); Hệ thống (liên kết các điểm tiếp xúc được đồng bộ trong hệ thống quản lý thông minh); Vận hành (đảm bảo tập trung, dễ kiểm soát các thành phố hoặc khu vực vùng ven); Phân tích (sử dụng dữ liệu để tăng tính thông minh) và Hạ tầng (sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và đám mây).

"Thông qua 07 lớp thành phần công nghệ, tất cả được kết nối, kết hợp với nhau, tạo thành khối liên thông hoàn chỉnh, cho phép thúc đẩy nhanh các ứng dụng, sáng kiến thông minh vào thực tế cuộc sống, phục vụ tốt hơn các nhu cầu cao của con người", theo Sổ tay.

Xây dựng TPTM cần dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội - hệ thống chính trị

Nhấn mạnh đến các cơ hội phát triển TPTM hiện nay, tài liệu chỉ ra rằng, TPTM sẽ giải quyết những hạn chế đối với các lĩnh vực: Đô thị (làm chủ tốc độ phát triển các đô thị, giảm các rủi ro tài nguyên, bất ổn mới phát sinh); nguồn lực (cung cấp các dịch vụ công ngày càng sâu rộng, giúp chính phủ và chính quyền thành phố giảm các chi phí nguồn lực tài chính); công nghệ (thúc đẩy, tạo ra các đột phá, giúp định hình lại phương thức hoạt động của các thành phố và đời sống, công việc, hòa nhập xã hội).

Nêu ra các cơ hội phát triển các TPTM, tài liệu này nhấn mạnh:"Không phải tất cả các quốc gia đều tiếp cận TPTM theo cách giống nhau. Tuy nhiên, 03 mô hình chính về phát triển và triển khai thành TPTM phổ biến hiện nay mà các quốc gia và thành phố ưa chuộng đều dựa trên chiến lược phát triển kinh tế xã hội, hệ thống chính trị và bối cảnh chính trị của họ".

Cụ thể, 03 mô hình gồm: Thương mại (tập trung vào các dịch vụ và công nghệ có thể được triển khai trong thời gian ngắn, với chi phí thấp, giúp bán tài sản và tạo ra lợi nhuận tài chính tích cực cho các nhà phát triển bất động sản); Dân sự (dựa trên xã hội dân sự, sự tham gia của cộng đồng, phục vụ lợi ích công cộng); Thể chế (định hướng các chính quyền cấp quốc gia hoặc thành phố và được thể chế hóa; được xác định rõ ràng và có sự tham gia của chính phủ ở mức độ cao).

TPTM giúp tạo cơ hội hình thành hệ sinh thái thông minh, vì một TPTM thành công, luôn cần sự tham gia, hợp thành của nhiều thành phần trong xã hội (cá nhân, cơ quan quản lý, công ty, doanh nghiệp…). Mỗi thành phần đều đóng một vai trò quan trọng và các mô hình TPTM ngày càng có xu hướng là mô hình kết hợp với sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan, lớn và nhỏ, nhà nước và tư nhân.

Xây dựng thành phố thông minh cần hiểu rõ về dự án và đánh giá được các giá trị rủi ro - Ảnh 2.

Công nghệ giúp thúc đẩy, tạo ra các đột phá, định hình lại phương thức hoạt động của các thành phố và đời sống, công việc, hòa nhập xã hội

Bên cạnh các cơ hội, để TPTM phát triển, một trong những thách thức cũng được đặt ra là làm thế nào để chi trả cho các dự án TPTM. Đưa ra giải pháp giải pháp giải quyết vấn đề này, tài liệu nhấn mạnh: "Vấn đề càng nghiêm trọng hơn là các thành phố đang phải đối mặt với những khoảng trống về tài chính khiến hạn chế khả năng đầu tư cho các dự án TPTM. Do đó, việc thiết kế các mô hình kinh doanh đảm bảo tính bền vững về tài chính cho các TPTM là cần thiết, quan trọng, làm thường xuyên. Chúng ta nên áp dụng, tiếp cận phương pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả của báo cáo "Thách thức của việc đầu tư cho các dự án TPTM", do Deloitte đưa ra năm 2018".

Theo đó, phương pháp này, gồm 03 bước phải xác định: Hiểu rõ về dự án và các giá trị (kinh phí, rủi ro, lợi nhuận, tái chế tài sản để cấp vốn đầu tư); Xét duyệt ngân sách và lựa chọn tài chính (ngân sách công, tài chính riêng, giá trị thu được); ác định phương thức vận hành và thủ tục liên quan (điều khoản công, hợp đồng vận hành, hợp tác chung, hợp đồng thuê dài hạn, hợp đồng đối tác - công, nhượng quyền thương mại, tư nhân hóa).

Dẫn chứng về các cơ hội thành công, Sổ tay nhấn mạnh đến sự thành công của các TPTM tại Singapore. Đây là đất nước có những TPTM hiện đại nhất châu Á và thế giới. Có được kết quả này, Singapore đã chủ động đi sớm khi xây dựng thành công Chương trình quốc gia thông minh của đất nước. Đặc biệt, Singapore luôn tập trung phát triển các ứng dụng công nghệ ICT khi xây dựng TPTM.

Tuy nhiên, trong các cơ hội phát triển thuận lợi, ở một số TPTM trong khu vực các nước Đông Nam Á vẫn còn tồn tại các giới hạn về sáng kiến (hệ thống vận hành giao thông và chuyển đổi chính phủ điện tử)…

"Tương lai các TPTM sẽ phụ thuộc vào khả năng vượt qua các thách thức (cam kết chính trị, nguồn tài chính, chấp nhận của người dùng…). Việc loại bỏ được các thách thức, khó khăn sẽ giúp tạo ra các cơ hội mới - điều này sẽ thúc đẩy tiến trình phát triển TPTM hiện nay", Sổ tay nhấn mạnh./.

Đỗ Minh