Vì sao châu Phi là thị trường phù hợp với tiền điện tử?
Kinh tế số - Ngày đăng : 12:46, 28/09/2021
Mã hóa dòng chảy tài chính có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của tài sản thực. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng một số quốc gia ở châu Phi đang “tìm thấy chính mình” nhờ công nghệ tiền điện tử. Tiền điện tử có thể là một giải pháp thay thế ngân hàng truyền thống ở châu Phi.
Việc sử dụng tiền điện tử ở châu Phi đang gia tăng, bởi các loại tiền kỹ thuật số cung cấp một kênh thanh toán thuận tiện và tiết kiệm. Các chuyên gia đã thu thập nghiên cứu, khám phá tiềm năng áp dụng tiền điện tử của Châu Phi và việc xu hướng này có thể mang lại kinh nghiệm, ảnh hưởng tích cực đến các quốc gia khác trên thế giới.
Châu Phi trở thành nền kinh tế tiền điện tử phát triển nhanh thứ ba trên thế giới
Châu Phi là lục địa đông dân thứ hai trên thế giới, với khoảng 1,3 tỷ người. Lịch sử châu Phi đã trải qua nhiều năm với chủ nghĩa thực dân, các cuộc nội chiến và địa hình khắc nghiệt, vì vậy cơ sở hạ tầng tại các quốc gia châu Phi không được phát triển tốt trong một thời gian dài. Điều này khiến người dân châu Phi ít được tiếp cận với các dịch vụ tài chính. Kết quả cuộc khảo sát toàn cầu gần đây của Findex đã cho thấy những tiến bộ đáng kể trong hệ thống tài chính của châu Phi, trong đó một thế hệ dịch vụ tài chính mới được truy cập thông qua điện thoại di động và Internet. Tuy nhiên, châu Phi vẫn còn tới 57% dân số chưa tiếp cận được với các dịch vụ tài chính, họ không có bất kỳ hình thức tài khoản ngân hàng nào. Vì vậy, Findex nhận định châu Phi vẫn là khu vực có tiềm năng lớn nhất đối với các Dịch vụ tài chính kỹ thuật số.
Tương tự như vậy, bài viết về thị trường tiền điện tử (crypto) ở châu Phi đăng trên trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng nhận định cơ sở hạ tầng kém phát triển đã khiến châu Phi trở thành một mảnh đất hoàn hảo cho tiền điện tử, vốn chỉ yêu cầu người dân phải có điện thoại thông minh để truy cập vào các mạng blockchain. Quốc gia đông dân nhất của châu Phi, Nigeria, là quốc gia tiên phong áp dụng tiền điện tử cho toàn thế giới. Bài viết của tác giả Tim Fries, đồng sáng lập và là biên tập viên trang The Tokenist, được hợp tác xuất bản trên trang web WEF.
Theo nghiên cứu mới nhất của Chainalysis Insights, thị trường tài sản kỹ thuật số của châu Phi đã tăng hơn 1.200% giá trị so với năm ngoái, khiến châu Phi trở thành nền kinh tế tiền điện tử phát triển nhanh thứ ba trên thế giới, trong bối cảnh người dùng tìm kiếm những giải pháp chuyển tiền trong, ngoài nước rẻ hơn và nhanh hơn.
Điều này không có gì ngạc nhiên khi Kenya, Nigeria, Nam Phi và Tanzania đều được xếp hạng trong top 20 Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu năm 2021 (Global Crypto Adoption Index). Các nền tảng chuyển tiền điện tử ngang hàng (P2P) như Paxful và Remitano đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết trên khắp châu Phi. Người dùng đã rời bỏ các sàn giao dịch như Binance để ủng hộ cách chuyển tiền thay thế này, Adedeji Owonibi, Giám đốc điều hành và người sáng lập của một công ty tư vấn blockchain Nigeria Convexity, nói với Chainalysis.
"Các nền tảng P2P đặc biệt phổ biến ở châu Phi so với các khu vực khác. Nhiều người dùng tiền điện tử ở châu Phi sử dụng nền tảng P2P không chỉ như một bước chuyển tiếp vào tiền điện tử mà còn để chuyển tiền và thậm chí là các giao dịch thương mại", Chainalysis cho biết trong blog của họ.
Đáng chú ý, so với các khu vực khác, khu vực châu Phi có tỷ lệ chuyển tiền điện tử quy mô bán lẻ cao nhất trên thế giới. Báo cáo cho rằng mức độ phổ biến ngày càng tăng của tiền kỹ thuật số đối với thanh toán chuyển tiền là nguyên nhân dẫn đến tình hình này.
Chuyển khoản giữa các khu vực chiếm 96% thị trường tiền điện tử của Châu Phi, nhưng chúng chỉ chiếm 78% tổng số các khu vực khác cộng lại. Người dân ở Châu Phi đã chọn gửi tiền bằng tiền điện tử vì chi phí gửi tiền ra nước ngoài cao.
Nghiên cứu của Chainalysis cũng cho thấy việc người dân chấp nhận tiền điện tử cũng tương quan với sự bất ổn của các đồng nội tệ, chẳng hạn như đồng naira của Nigeria. Dữ liệu cho thấy khối lượng giao dịch tiền điện tử có xu hướng tăng lên khi đồng naira giảm giá trị - một tình huống có thể khiến gia tăng lạm phát.
Là quốc gia châu Phi đông dân nhất với hơn 201 triệu dân, Nigeria bị ảnh hưởng nặng nề bởi các chính sách phong tỏa, giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19. So với một năm trước, giá lương thực ở Nigeria đã tăng 20%, trong khi tỷ lệ lạm phát dường như đang giảm xuống, hiện ổn định ở mức 17%.
Và trên hết, các ngân hàng Nigeria không cho phép khách hàng gửi nhiều hơn 500 USD ra khỏi đất nước cùng một lúc.
"Nếu chính phủ hạn chế nghiêm ngặt số tiền mà mọi người có thể gửi ra nước ngoài, họ sẽ sáng tạo và chuyển sang sử dụng tiền điện tử", Artur Schaback, COO và đồng sáng lập của sàn giao dịch P2P phổ biến Paxful cho biết.
Ông cho biết nền tảng của công ty ông đã tăng trưởng 57% ở Nigeria trong năm ngoái và tăng trưởng 300% ở Kenya.
Schaback tiếp tục: “Ở nhiều thị trường biên giới này, mọi người không thể gửi tiền từ tài khoản ngân hàng của họ đến một sàn giao dịch tập trung, vì vậy họ dựa vào P2P”.
Những yếu tố thúc đẩy thị trường P2P dựa trên công nghệ blockchain ở châu Phi
Theo The Tokenist, khối lượng giao dịch P2P ở châu Phi sẽ tiếp tục tăng mạnh, nhờ sự thúc đẩy của nhiều yếu tố kết hợp. Thứ nhất, tiền tệ FIAT bị phá giá, như trong trường hợp của Nigeria. FIAT là đồng tiền pháp định của một quốc gia, là đồng tiền được chính phủ của quốc gia đó phát hành và bảo hộ, nhằm mục đích đưa vào lưu thông làm trung gian để trao đổi hàng hoá với nhau.
Thứ hai, thanh toán chuyển tiền qua biên giới bằng các giải pháp P2P ít gặp trở ngại hơn. Theo Brookings Institution, trong năm 2019, riêng khu vực châu Phi cận Sahara đã nhận được số tiền thanh toán qua biên giới kỷ lục là 48 tỷ USD, thậm chí tổng giá trị thực tế được cho là còn cao hơn nữa. Riêng Nigeria đã nhận được khoảng một nửa tổng lượng kiều hối đến châu Phi cận Sahara.
Nhìn chung, nền kinh tế của các quốc gia nhỏ hơn, nghèo hơn và yếu kém phụ thuộc nhiều hơn vào kiều hối - tiền do người di cư gửi về cho các gia đình ở quê nhà, cung cấp nguồn tài chính cho hàng triệu hộ gia đình. Viện Brookings cho biết các quốc gia nhận tiền nhiều nhất trong khu vực vào năm 2019 bao gồm Nam Sudan (35% GDP), Lesotho (21% GDP) và Gambia (15% GDP). Mặc dù không có dữ liệu về Somalia, quốc gia này cũng được biết là phụ thuộc nhiều vào nguồn kiều hối như một nguồn thu nhập và nguồn tài chính bên ngoài.
Yếu tố thứ ba thúc đẩy việc ứng dụng các giải pháp chuyển tiền P2P là sự thuận tiện, dễ dàng tiếp cận và tốc độ giao dịch nhanh, khiến việc sử dụng các ứng dụng ngân hàng qua điện thoại thông minh trở nên hấp dẫn hơn.
Và cuối cùng, người châu Phi đã quen với việc sử dụng điện thoại để thanh toán, do họ đã quen thuộc với ứng dụng M-Pesa, một ứng dụng thanh toán phổ biến có nguồn gốc từ Kenya. Như vậy, chỉ cần một bước chuyển đổi nhỏ để chuyển từ các giao dịch thanh toán tiền FIAT ngang hàng P2P sang các giao dịch P2P dựa trên blockchain.
Celo sẽ trở thành “một M-Pesa” toàn cầu mới?
Vào tháng 6/2021, WEF đã xuất bản báo cáo “Cryptocurrencies: A guide to getting started” (Tiền điện tử: Hướng dẫn bắt đầu với tiền điện tử). Trong nghiên cứu dài 23 trang, WEF đã chọn ra 6 dự án blockchain đại diện cho tương lai của nền kinh tế toàn cầu phân tán. Trong số đó, Algorand, Cardano, Solana là các blockchain hợp đồng thông minh cạnh tranh với Ethereum. Stellar, XRPL và Celo nhằm mục đích cải thiện thanh toán toàn cầu, tốc độ cao, trong đó, Celo tập trung vào việc biến điện thoại di động thành ngân hàng ảo.
Trong số 1,6 tỷ người chưa được tiếp cận ngân hàng trên thế giới, phần lớn trong số họ ở Châu Phi (50%) và Nam và Trung Mỹ (38%). Thay vì xây dựng các ngân hàng vật lý, mạng di động đã trở thành lựa chọn thay thế phù hợp. Và dự án thành công nhất như vậy chính là M-Pesa, do Kenyan Safaricom đưa ra vào năm 2007.
Những người ủng hộ Celo cho rằng nền tảng này có khả năng là một bước tiến lớn so với cả Cash App và M-Pesa. Bằng cách chạy trên blockchain, Celo sẽ loại bỏ lỗ hổng tập trung và biến số điện thoại thành địa chỉ ví công khai. Hơn nữa, blockchain Celo có chức năng hợp đồng thông minh, có nghĩa là nó có thể tận dụng tối đa các giao thức DeFi - cho vay và đi vay.
Ví tiền gốc Valora của Celo hiện có khoảng 200.000 người dùng trải khắp 100 quốc gia. Một trong những công ty viễn thông lớn nhất thế giới, Deutsche Telekom, đã tham gia Celo Alliance for Prosperity vào tháng 4 vừa qua. Deutsche Bank, cố vấn tài chính chính của Deutsche Telekom, cũng là một đối tác của WEF. Kể từ ngày 9/8/2021, Deutsche Telekom đã chọn Coinbase Custody để lưu trữ mã thông báo Celo.
Công ty đầu tư mạo hiểm giàu có Andreessen Horowitz, hay còn gọi là “a16z”, là một nhà đầu tư lớn vào cả Celo và Coinbase. Connie Chan, đối tác tại a16z, cũng là nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu tại WEF. Mới đây, a16z đã bơm 20 triệu USD vào ví Celo Valora.
Celo, một blockchain đầu tiên dành cho thiết bị di động tập trung vào các thị trường mới nổi, vẫn đang tiếp tục mở rộng ra các thị trường của châu Phi.
WEF: công nghệ blockchain sẽ kết nối an toàn các hệ thống quản trị toàn cầu
Có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ, WEF là một mạng lưới các mạng lưới, cung cấp nền tảng cho cả chính phủ và doanh nghiệp (DN). Bao gồm hơn 390 tập đoàn và ngân hàng trên 60 quốc gia, WEF đặt mục tiêu làm dịu sự mâu thuẫn, xung đột giữa các chính sách của chính phủ, tính bền vững và hiệu quả kinh tế.
WEF ủng hộ mạnh mẽ công nghệ blockchain. Chỉ nửa năm sau khi Ethereum - một nền tảng điện toán có tính chất phân tán, công cộng, mã nguồn mở dựa trên công nghệ blockchain - ra mắt và rất lâu trước khi có các giao thức DeFi, vào năm 2016, WEF đã thực hiện một video đề cập bản chất "cấp tiến" của blockchain, dự báo rằng blockchain sẽ “chuyển nền kinh tế toàn cầu trong tương lai sang tài sản phân tán và niềm tin”.
DeFi, viết tắt của "decentralized finance” - tài chính phi tập trung. DeFi vốn chỉ những tài sản số (digital assets), hợp đồng tài chính thông minh (financial smart contracts), giao thức (protocol) và ứng dụng phi tập trung (DApps) được xây dựng trên blockchain Ethereum. Tuy nhiên, với sự ra đời của nhiều nền tảng blockchain, khái niệm DeFi đã được mở rộng, chẳng hạn DeFi được xem là hệ thống tài chính được xây dựng trong một thế giới phi tập trung, được xây dựng trên public blockchain (blockchain công khai), cho phép bất kỳ ai cũng có quyền đọc và ghi dữ liệu trên Blockchain...
Ở các quốc gia đang phát triển như châu Phi, DeFi không chỉ là một cách để trao đổi tiền điện tử sang tiền pháp định. Các chuyên gia nhận định châu Phi có thể đẩy phong trào DeFi đến những ranh giới mới./.