Nam Định: Cải cách hành chính mạnh mẽ mùa COVID

Truyền thông - Ngày đăng : 09:23, 27/09/2021

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, chính quyền tỉnh Nam Định đã và đang tích cực thay đổi mô hình, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động hành chính công, từng bước đưa Dịch vụ công lên online mức độ 4. Những đổi mới này đang tạo ra hướng đi mới trong hoạt động cải cách hành chính của tỉnh nói chung và việc kiểm soát đại dịch trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Nỗ lực ứng dụng CNTT trong kiểm soát, khống chế dịch COVID-19

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã trở thành một yêu cầu mang tính sống còn. Để bắt kịp xu thế của công nghệ cũng như hạn chế tối đa ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch đối với đời sống của người dân, UBND tỉnh Nam Định đã thành lập riêng Tiểu ban Ứng dụng CNTT quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và Tiểu ban truyền thông để tuyên truyền, cập nhật danh sách và đẩy nhanh tiến độ sử dụng phần mềm hỗ trợ điều trị phòng, chống dịch.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, người dân được hướng dẫn để cài đặt các ứng dụng như Bluezone (ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần bệnh nhân COVID-19); NCOVI (tờ khai y tế tự nguyện), VietNam Health Declaration (khai báo y tế cho người nhập cảnh), hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng thông qua quét mã QR cũng như ứng dụng khai báo y tế điện tử bằng mã QR tại trụ sở các cơ quan, ban, ngành, các địa điểm công cộng trên địa bàn tỉnh, và hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19.

Với chuyên môn và chức năng của mình, Sở Thông tin và Truyền thông cũng thành lập một nhóm công tác, triển khai cài đặt các phần mềm phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phối hợp cùng các đơn vị có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để đưa các phần mềm trên vào sử dụng trong mỗi cơ quan và thậm chí mỗi gia đình. Song song với hoạt động hướng dẫn cài đặt, ứng dụng, sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ người dân sử dụng, trong đó các khu công nghiệp đông người sẽ được Ban quản lý tại đó hỗ trợ trực tiếp. Sở cũng phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh của Sở Y tế để đưa hoạt động kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn cài đặt … đến từng hộ gia đình.

Nam Định: Cải cách hành chính mạnh mẽ mùa COVID - Ảnh 1.

Cán bộ Sở Công thương hướng dẫn đại diện Ban Quản lý chợ Giao Tiến (Giao Thủy) cài đặt ứng dụng Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19. (Ảnh: Nam Định Online)

Với những nỗ lực trong công tác kiểm soát, khống chế COVID-19 bằng CNTT, tính đến tháng 7/2021, trên toàn bộ tỉnh Nam Định đã triển khai xong các ứng dụng công nghệ theo yêu cầu của Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia cũng như các ứng dụng khác.

Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định, đã có 16,58% dân số toàn tỉnh đã cài đặt ứng dụng Bluezone, ứng dụng khai báo y tế điện tử bằng mã QR đã cài đặt ở khoảng 6.000 địa điểm công cộng trên địa bàn tỉnh. Lượng người truy cập vào các ứng dụng đạt tới con số trên 70 nghìn lượt. 25% trong số 200 địa điểm thuộc chợ, trung tâm thương mại,… đạt mức độ an toàn thông qua ứng dụng Bản đổ chung sống an toàn với COVID-19… Tới giữa tháng 8 vừa qua, người dân sống trong tỉnh Nam Định đã có thể tra cứu tình trạng tiêm vaccine của mình. 

Trước đó, nhằm hạn chế tối đa người dân tiếp xúc, tụ tập đông người tại các cơ quan hành chính, mặt khác, giảm tải các chi phí phát sinh trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính của người dân, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định cũng đã có Văn bản số 695/STTTT-CNTT ngày 28/7/2021 đề nghị các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố nghiên cứu triển khai việc thực hiện trả kết quả giải quyết TTHC bản điện tử cho người dân và doanh nghiệp theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 45/2020/NĐ-CP.

Mạnh mẽ đổi mới phương pháp và cách thức giải quyết thủ tục hành chính

Kiểm soát dịch COVID-19 bằng CNTT chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động của tỉnh Nam Định, trong đó có cải cách hành chính (CCHC). Năm 2020, Nam Định đứng thứ 47/63 tỉnh, thành với Chỉ số CCHC (PAR INDEX) đạt 82,57%, Chỉ số sự hài lòng của người dân (SIPAS) đạt 81,9%, xếp thứ 50/63 tỉnh cho dù tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp CNTT trong hàng loạt hoạt động quản lý điều hành, gửi nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính.

Theo số liệu từ Sở Nội vụ, trong năm 2020, tổng số văn bản được gửi và nhận trên trục liên thông đạt trên 60%. Số hồ sơ được tiếp nhận qua Dịch vụ công mức độ 3,4 ở cấp xã đạt 3,06%, cấp huyện đạt 8,87%, cấp tỉnh đạt 8,4%.

Sau khi nắm được các số liệu PAR INDEX trong năm 2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định đã có nhiều cuộc họp nhằm phân tích những điểm mạnh, yếu trong quá trình thực hiện việc CCHC. Một trong những ưu tiên được đưa ra là đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, sử dụng CNTT trong tiến trình xử lý. Điều quan trọng nhất trong giai đoạn 2021-2015 đối với lãnh đạo tỉnh là xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch và tận dụng tối đa việc ứng dụng CNTT trong CCHC.

Nam Định: Cải cách hành chính mạnh mẽ mùa COVID - Ảnh 2.

CCHC diễn ra mạnh mẽ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Nam Định. (Ảnh: Cổng TT Nam Định)

Ở thời điểm hiện nay và kế hoạch dự kiến đến hết năm 2021, UBND tỉnh Nam Định định hướng việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động cải cách hành chính một cách hiệu quả hơn nữa, đặc biệt hướng tới 100% thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước được công bố, công khai và cập nhật kịp thời. Ít nhất 80% hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan có liên quan thông qua phương thức điện tử. Các thủ tục hành chính có liên quan đến nghĩa vụ tài chính, thanh toán trực tuyến đạt được ít nhất 80%, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên. 100% dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được thực hiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Tối thiểu 50% tỷ lệ trong tổng số hồ sơ giải quyết trực tuyến ở mức độ 3 và 4; 80% TTHC của tỉnh được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

Để có thể biến những con số trên thành hiện thực, UBND tỉnh Nam Định đã lên kế hoạch tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành trực thuộc thực hiện một cách ráo riết công cuộc CCHC, rà soát, đơn giản hóa, công khai, minh bạch các TTHC. Đồng thời, đổi mới phương pháp và cách thức giải quyết TTHC dựa trên nguyên tắc an ninh, an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện CCHC và sửa đổi những quy định không còn phù hợp, gây vướng mắc, khó khăn cho người dân.

PV