Những điều thú vị về Covidmaps Đà Nẵng
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 15:01, 26/09/2021
Từ vùng đỏ - vàng - xanh, thông tin bệnh nhân, khu vực cảnh báo, định vị địa điểm phong tỏa gần nhà, đến vị trí các chốt kiểm soát, số điện thoại, điểm bán hàng thiết yếu… đều được thể hiện dễ hiểu, dễ tìm trên tấm bản đồ điện tử với li ti điểm màu, biểu tượng này. Covidmaps trở thành công cụ hữu ích và gần gũi dù được đưa vào hoạt động cách đây chưa lâu.
Covidmaps Đà Nẵng do Cổng thông tin dịch vụ công thành phố 1022 (Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng) và ứng dụng BusMap thực hiện. Đằng sau tấm bản đồ thú vị này là những câu chuyện đầy lý thú.
Lê Yên Thanh, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành BusMap - Xe buýt thành phố được nhiều người biết đến là “chàng trai sinh năm 1994 từ chối Google và gọi vốn khởi nghiệp triệu đô thành công” chính là người chịu trách nhiệm phần công nghệ cho Covidmaps Đà Nẵng. Chia sẻ với Báo Đà Nẵng về quá trình và cảm xúc khi tạo ra một sản phẩm có ý nghĩa xã hội, hỗ trợ đắc lực chính quyền và người dân trong phòng, chống dịch, Lê Yên Thanh cho biết, đó vừa là áp lực, vừa là động lực rất lớn để Covidmaps ngày càng hoàn thiện.
Lê Yên Thanh, sinh năm 1994, quê An Giang, hiện sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Người sáng lập, Giám đốc điều hành của Phenikaa MaaS
- Nhà cung cấp giải pháp công nghệ giao thông
- Người sáng lập, Giám đốc điều hành của BusMap - Xe buýt thành phố
- Từng làm kỹ sư phần mềm tại Google
- Từng làm kỹ sư phần mềm tại Zalo
- Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015
Tháng 8-2019, BusMap được thành lập (nay đổi tên công ty là Phenikaa MaaS; trong đó, ứng dụng Xe buýt thành phố vẫn có tên BusMap) và bắt đầu mở rộng ra thành phố Đà Nẵng từ tháng 3-2020. Trong quá trình làm việc, BusMap hợp tác với Cổng 1022 Đà Nẵng để triển khai một số dịch vụ. Tháng 8-2020, thành phố bùng phát đợt Covid-19 lần thứ hai. Thời điểm đó, Đà Nẵng mong muốn tìm một giải pháp hữu hiệu để thông tin nhanh tình hình dịch bệnh và các vùng nguy hiểm đến với người dân thay vì thông báo thủ công qua văn bản. Và “bài toán” này đã được trao vào BusMap.
Sau một buổi thảo luận, ý tưởng về Covidmaps Đà Nẵng được hình thành. Đội ngũ BusMap gồm 3 lập trình viên xây dựng bản đồ và Cổng 1022 Đà Nẵng gồm hơn 20 nhân sự có nhiệm vụ nhập thông tin lên hệ thống. Sau 1 tuần, phiên bản hoàn thiện đầu tiên ra đời và đưa đến người dân Đà Nẵng sử dụng, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dùng.
PV: Xin chào Thanh, điều thú vị của Covidmaps Đà Nẵng đối với bạn là gì?
Lê Yên Thanh: Thành phố Đà Nẵng là địa phương đầu tiên triển khai Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 và cũng là nơi Covidmaps được hoàn thiện đầy đủ nhất. Các phiên bản của các địa phương khác tùy biến theo yêu cầu của từng tỉnh nhưng đều xuất phát từ ý tưởng và cách vận hành của Covidmaps Đà Nẵng. Phiên bản Covidmaps Đà Nẵng có rất nhiều thành phần và tính năng mới liên tục cập nhật để phục vụ công tác phòng, chống dịch của chính quyền và thông tin cho người dân.
Trong thời gian tới, Covidmaps mong muốn triển khai thêm các tính năng hướng đến giai đoạn “bình thường mới” như trở thành bản đồ sức khỏe, bản đồ tiêm chủng và hy vọng có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác sau khi chúng ta đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế.
PV: Thông tin mới nhất và chính xác nhất là nội dung quan trọng hàng đầu của bản đồ trong khi thông tin dịch tễ thay đổi rất nhanh và liên tục. Vậy các bạn đã xử lý vấn đề này như thế nào?
Lê Yên Thanh: Cập nhật dữ liệu là khâu rất quan trọng để bảo đảm thông tin chính xác. Khâu này 1022 Đà Nẵng đảm nhiệm rất tốt và luôn cập nhật kịp thời. Nhờ đó BusMap chỉ cần tập trung vận hành mặt công nghệ để bảo đảm độ ổn định của bản đồ. Có những thời điểm lượng người truy cập trong một ngày rất lớn, hơn 800.000 người (hơn 50% dân số tại Đà Nẵng). Do đó, BusMap phải thực hiện công nghệ đủ tốt để đáp ứng vận hành trơn tru.
Ngoài ra, BusMap được 1022 hỗ trợ để có thể vận hành bản đồ thường xuyên. Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cũng có nhiều góp ý để cải thiện tính năng, nâng cấp Covidmaps ngày một tốt hơn. Toàn bộ cơ sở hạ tầng triển khai Covidmaps đều được hỗ trợ bởi Trung tâm dữ liệu thành phố Đà Nẵng.
PV: Tiêu chí quan trọng các bạn đặt ra khi thực hiện Covidmaps Đà Nẵng là gì?
Lê Yên Thanh: Người dân là đối tượng chính cần hướng đến của Covidmaps, do đó bản đồ được thiết kế dễ thao tác và sử dụng. Đặc biệt, Covidmaps thiết kế dưới dạng webapp - không cần người dân phải cài đặt thêm ứng dụng, dễ dàng truy cập và sử dụng ngay cả trên điện thoại thông minh. Covidmaps cũng thường xuyên cập nhật theo ý kiến mà người dân phản hồi thông qua tính năng góp ý trên bản đồ.
Công nghệ cốt lõi làm nên Covidmaps Đà Nẵng là công nghệ bản đồ - bMap, một trong những công nghệ bản đồ do Phenikaa MaaS phát triển. Chính nhờ sử dụng công nghệ bản đồ này mà Covidmaps có thể vận hành và đáp ứng được lượng truy cập lớn hằng ngày, có thể giúp hiển thị các địa điểm dịch tễ theo thời gian thực mỗi khi 1022 nhập liệu.
Nếu không có công nghệ bản đồ này, Covidmaps sẽ phải tốn chi phí vận hành rất lớn về mặt bản đồ và dữ liệu (ví dụ sử dụng bản đồ của Google Map có thể phải trả phí bản quyền lên tới hàng tỷ đồng mỗi tháng). Trong khi đó, Phenikaa MaaS tài trợ miễn phí công nghệ này cho Đà Nẵng, giúp thành phố tiết kiệm rất nhiều về kinh phí vận hành Covidmaps.
PV: Việc ứng dụng công nghệ giúp ích rất lớn trong công tác phòng, chống dịch hiện nay. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đặt ra rằng, nên thống nhất một nguồn tra cứu hoặc khai báo thay vì có nhiều ứng dụng, nhiều phần mềm. Ý kiến của Thanh về vấn đề này như thế nào?
Lê Yên Thanh: Điều quan trọng nhất là làm sao xây dựng được một trung tâm dữ liệu chung để tất cả dữ liệu của các ứng dụng có thể liên thông với nhau. Nếu chúng ta làm được điều đó thì dù có nhiều ứng dụng cũng không là vấn đề, bởi người dùng có thể chọn ứng dụng này và sử dụng được tính năng của ứng dụng khác một cách đồng bộ. Họ cũng chỉ cần khai báo một lần duy nhất. Như vậy, người dân có thể lựa chọn ứng dụng tốt nhất dành cho họ và xóa các ứng dụng khác đi. Nhiều ứng dụng vẫn sẽ tốt về mặt có nhiều lựa chọn cho người dùng, miễn là chúng ta có thể liên thông dữ liệu của tất cả ứng dụng đó.
PV: Bạn có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi chung tay cùng cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng phòng, chống dịch?
Lê Yên Thanh: Đà Nẵng là thành phố rất năng động. Chính quyền thành phố luôn chủ động ứng dụng các công nghệ mới vào đời sống để giúp thành phố trở nên thông minh hơn. Áp lực, đồng thời là động lực lớn nhất đối với cả đội là làm sao để Covidmaps thật sự hữu ích và giúp được người dân cũng như chính quyền phòng, chống dịch bệnh. Vì ý nghĩa đó, các bạn lập trình viên phải làm thêm giờ để có thể hoàn thiện các tính năng cho người dân sử dụng, nhưng các bạn vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ hết mình. Hy vọng sau khi đẩy lùi được dịch bệnh, chúng ta có thể nhanh chóng phối hợp triển khai thêm nhiều giải pháp hữu ích với thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.
Cảm ơn bạn về cuộc trao đổi này!
Covidmaps vào top 10 cuộc thi Giải pháp hữu ích phòng, chống Covid-19 HIS 2021 (do Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phát động). Ngoài giải thưởng này, Phenikaa MaaS còn nhận được bằng khen của UBND thành phố Đà Nẵng vì góp phần trong công tác phòng, chống dịch.
Phenikaa MaaS đang phối hợp với 1022 Đà Nẵng triển khai giải pháp Camera không dây quét mã QR giấy đi đường, giúp công tác kiểm soát giấy đi đường có thể diễn ra mà không cần tiếp xúc gần giữa cán bộ kiểm tra và người đi đường.