Quảng Nam: Chuẩn bị tốt nền tảng con người và công nghệ để đạt mục tiêu về cải cách hành chính
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 16:44, 23/09/2021
Những kết quả tích cực
Giai đoạn 2016 - 2020, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Quảng Nam đã có những bước tiến trong quản lý, điều hành. Kết quả này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, được tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân đánh giá cao.
Một trong những kết quả nổi bật của công tác CCHC 5 năm qua của Quảng Nam là đã cắt giảm 1/3 thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC). Nhờ đó, giảm 6.553 ngày giải quyết so với quy định của Trung ương, tiết kiệm chi phí khoảng 2 tỷ đồng/năm cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt địa phương này đã có sự đột phá trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đó là đã thành lập và đưa Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh cùng Trung tâm Hành chính công các địa phương Tam Kỳ, Điện Bàn, Hội An hoạt động hiệu quả theo quy trình 4 tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả). Bên cạnh đó, nâng cấp bộ phận một cửa cấp huyện, áp dụng phần mềm Dịch vụ công cho cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) trong giải quyết TTHC.
Chỉ số mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2018 chỉ đạt 79,67% đã tăng lên 83,14% ở năm kế tiếp và tăng lên 84,03% ở năm 2020.
Từ năm 2016 đến năm 2020, kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chất lượng dịch vụ hành chính công tại Trung tâm Hành chính công TP.Tam Kỳ và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã, phường trên địa bàn thành phố đạt trung bình 94%.
Mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức là cơ sở để địa phương này đưa ra các giải pháp cải thiện chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC. Đồng thời nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công và tinh thần trách nhiệm, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Một trong số chỉ tiêu cụ thể của công tác CCHC của tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 được đưa ra lấy ý kiến của các Sở, ngành là phấn đấu nâng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các TTHC lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 85%; về dịch vụ cung cấp y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 85%.
Quảng Nam quyết tâm đưa Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) vào nhóm 6 tỉnh thành đứng đầu cả nước giai đoạn 2020-2025 và quyết tâm phấn đấu đến năm 2023, thuộc nhóm 20 tỉnh thành dẫn đầu về chính quyền điện tử.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự và công nghệ để đạt mục tiêu cải cách hành chính
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Nam cũng đưa ra các giải pháp thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ đối với công tác CCHC giai đoạn mới. Đó là nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự và công nghệ để đạt mục tiêu cải cách hành chính
Theo đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh sẽ không được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên nếu xếp hạng kết quả CCHC hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương đó chỉ đạt mức trung bình trở xuống. Quảng Nam cũng chủ trương sẽ kiểm điểm trách nhiệm, đưa ra khỏi quy hoạch, điều chuyển, thay thế người đứng đầu nếu kết quả CCHC 3 năm liên tục xếp hạng trung bình.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, kết quả giải quyết TTHC của Quảng Nam bị chậm có nguyên nhân do cơ sở dữ liệu chưa được số hóa đầy đủ, đồng bộ. Tỉnh này đặt mục tiêu đến ngày 1/10/2021 số hoá hết cơ sở dữ liệu mới của các Sở, ngành và đến 1/11/2021 sẽ có phương án để số hoá các cơ sở dữ liệu cũ.
Ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở TT&TT Quảng Nam cho rằng để sử dụng tốt công nghệ thì vai trò của nhân lực cũng phải được chú trọng. Công nghệ thông tin chẳng qua là công cụ, người dùng sử dụng không tốt sẽ không mang lại hiệu quả. Hiện nay nhận thức của người lãnh đạo, cũng như cán bộ, công chức lấy công cụ làm chính. Nghĩa là khi công việc không tốt thì đổ thừa cho công cụ. Hồ sơ tiếp nhận, thẩm định, giải quyết và trả lời kết quả tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh tăng khoảng 10 – 20% mỗi năm. Tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn khá nhỏ, từ 4% năm 2007 giảm xuống còn 0,4% năm 2020, cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của các Sở, ngành và được người dân đánh giá cao.
Quyết tâm đạt nhiều kết quả trong công tác cải cách hành chính giai đoạn mới
Được biết, trong thời gian tới tỉnh Quảng Nam sẽ thực hiện quản trị nhà nước theo mô hình hiện đại. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp tinh gọn, thông suốt và hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh thuộc nhóm 20 tỉnh đứng đầu cả nước; Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) trong nhóm 10 tỉnh đứng đầu cả nước.
100% các văn bản hướng dẫn, thi hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước phải được tỉnh rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế phù hợp, kịp thời theo quy định của Đảng, pháp luật hiện hành.
Hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tối thiểu 80% số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 80% thủ tục hành chính, có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên.