Để an toàn trước “thảm họa kép” thiên tai + COVID-19
Truyền thông - Ngày đăng : 13:59, 22/09/2021
Theo hướng dẫn của UNICEF và Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, người dân và các lực lượng phòng chống thiên tai cần chú ý những nội dung quan trọng như sau: Thường xuyên theo dõi thông tin, tình hình thiên tai và dịch bệnh trong khu vực; Nắm rõ các địa điểm tránh trú an toàn khi thiên tai xảy ra theo thông báo của chính quyền; Bình tĩnh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nếu thiên tai xảy ra mà trong khu vực cách ly có ca lây nhiễm COVID-19; Dọn dẹp, vệ sinh môi trường trước và sau khi thiên tai xảy ra, tránh bùng phát dịch bệnh khác.
Cùng với đó, ghi nhớ đường dây nóng cứu hộ, cứu nạn tại địa phương trong trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp; Chủ động khai báo y tế, chuẩn bị những vật dụng cần thiết trong trường hợp phải đi sơ tán; Luôn chú ý chấp hành đầy đủ khuyến cáo 5K của ngành Y tế lúc di chuyển và tại nơi sơ tán. Trữ nước sinh hoạt và nước uống đủ dùng trong 05- 07 ngày. Đặc biệt chú ý phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em khi thiên tai xảy ra, đuối nước; Bố mẹ và người thân trong gia đình cần chú ý bảo vệ, đề phòng xâm hại và bạo lực trẻ em; Lưu ý chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần, trấn an trẻ em trong các tình huống xảy ra.
Với những gia đình có trẻ nhỏ, khi đi sơ tán cần chú ý: Đảm bảo trẻ em luôn có người lớn đi cùng, luôn để trẻ trong tầm mắt, tránh lạc trẻ trên đường sơ tán. Nhắc trẻ chú ý đi cùng bố mẹ và gia đình mình hoặc cần biết gia đình mình ở đâu trong trường hợp không ở cùng nhau. Dạy trẻ ghi nhớ số điện thoại, thông tin liên lạc của bố mẹ để báo ngay cho cán bộ khu sơ tán nếu bị lạc hoặc trong trường hợp khẩn cấp. Nhắc trẻ tuyệt đối không được đi theo hay nói chuyện với người lạ tại khu sơ tán. Luôn đeo khẩu trang cho trẻ trong lúc di chuyển và ở tại khu vực sơ tán, giữ khoảng cách. Bố mẹ cần động viên, an ủi, lắng nghe khi con muốn chia sẻ vì khi phải đi sơ tán trẻ em rất dễ cảm thấy bất an. Chú ý phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em khi thiên tai xảy ra, đặc biệt là đuối nước.
Trong trường hợp phải đi sơ tán do thiên tai, người dân cần lưu số điện thoại quan trọng như số Ủy ban nhân dân xã, Y tế, cứu hộ địa phương để liên lạc trong trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp. Cần mang theo "Túi vật dụng thiết yếu khi đi sơ tán trong bối cảnh thiên tai + dịch bệnh COVID-19" được đựng trong túi chống thấm nước như: khẩu trang; nước rửa tay với nồng độ cồn trên 60%; đồ ăn khô, nước uống, thuốc men cơ bản; xà phòng, nhiệt kế; bàn chải đánh răng, kem đánh răng, đồ vệ sinh cho phụ nữ; đèn pin, điện thoại, sạc; giấy tờ tùy thân trong túi ni lông để tránh bị ướt…
Còn trong trường hợp có thiên tai nhưng không phải đi sơ tán, người dân cần gia cố, chằng chống nhà cửa; Cất đồ đạc ,vật dụng quan trọng lên nơi cao ráo, tắt các nguồn điện trong nhà để tránh nước lũ lên cao làm hỏng đồ dùng. Mỗi gia đình cần chủ động chuẩn bị: nước uống, đèn phi, đèn dầu để chiếu sáng, dự trữ các loại thực phẩm có hạn sử dụng dài, sạc đủ pin điện thoại và các thiết bị gia đình cần thiết khác. Đặc biệt, cần chuẩn bị đầy đủ túi vật dụng thiết yếu sẵn sàng trong trường hợp phải đi sơ tán khẩn cấp.
Như vậy, khi mùa mưa bão đang đến ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước thì việc hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tại địa phương để luôn có phương án chuẩn bị sẵn sang là hết sức cần thiết nhằm góp phần thực hiện "mục tiêu kép" của Chính phủ.