ĐTTM là đô thị lắng nghe, phản hồi, đáp ứng những yêu cầu thiết yếu nhất của người dân
Đô thị thông minh - Ngày đăng : 17:50, 21/09/2021
"Đồng thời, đây phải là nơi sống lý tưởng, được đảm bảo có sự lắng nghe, phản hồi, đáp ứng nhanh nhất những yêu cầu thiết yếu nhất mà người dân đang cần", ông Dũng cho hay.
Camera AI - công cụ giúp tối ưu vận hành TPTM
Trước khi nói về các kinh nghiệm, giải pháp, ông Dũng cho biết, Bosch là tập đoàn có kinh nghiệm lâu năm trên lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ. Đối với lĩnh vực công nghệ, Bosch đã tạo dựng được thế mạnh trên các sản phẩm công nghệ về lĩnh vực: các giải pháp di chuyển (Mobility Solutions); công nghệ công nghiệp (Industrial Technology); công nghệ tòa nhà và năng lượng (Energy & Building Technology), hàng hoá người tiêu dùng (Consumer Goods)…
"Bosch đã đáp ứng đa dạng các sản phẩm nội địa, trong đó có việc tư vấn, cung cấp các giải pháp thông minh cho các dự án phát triển TPTM/ĐTTM tại Việt Nam và tất cả các sản phẩm này đều được khách hàng sử dụng, phản hồi đạt chất lượng, hiệu quả cao", ông Dũng nhấn mạnh.
Cụ thể, khi nói về sản phẩm công nghệ di chuyển cho xe hơi thông minh, ông Dũng cho biết, đây là sản phẩm tối ưu được hợp thành trên 02 thành phần: Xe hơi và xe hai bánh; hạ tầng giao thông thông minh.
Ở 02 thành phần hợp thành này được sử dụng camera AI giúp trung tâm điều hành phân tích dữ liệu, đưa ra các chỉ dẫn, cảnh báo về các tình huống nguy hiểm, mật độ phương tiện, vận tốc phương tiện… Camera AI, có khả năng tích hợp hàng nghìn điểm ảnh sắc nét, kết nối các đô thị vệ tinh giúp hệ thống điều hành, quan sát thành phố đạt hiệu quả cao nhất.
Đối với lĩnh vực môi trường, sử dụng giải pháp hướng đến nguồn năng lượng xanh, không tạo ra CO2, năng lượng mặt trời, năng lượng gió.
Với lĩnh vực tòa nhà, mọi thông tin được đảm bảo kết nối liên thông, an ninh, an toàn và được số hóa trên các ứng dụng: Camera AI; hệ thống báo cháy; quản lý người ra, vào; âm thanh thông báo; kết nối các phòng họp…
Lĩnh vực người tiêu dùng thông minh chính là ở đó người dân được đảm bảo, bảo vệ trong sự hài hòa giữa quyền và trách nhiệm; được đảm bảo cập nhật những thông tin về thị trường hàng hóa thường xuyên, nhanh nhất thông qua các ứng dụng, thiết bị số thông minh.
"Không chỉ tập trung ở các lĩnh vực sản phẩm công nghệ nêu trên, Bosch còn hướng tới các dịch vụ, ứng dụng số phù hợp để mọi người dân được dễ dàng sử dụng, truy cập; có khả năng tương tác, đồng bộ với các dịch vụ hành chính công trong các cơ quan nhà nước, trong hệ thống các cấp chính quyền số hiện nay", ông Dũng nhấn mạnh.
Phát triển ĐTTM cần lấy con người làm trung tâm, tận tâm để phục vụ
Chia sẻ về giải pháp phát triển các TPTM tại Việt Nam hiện nay, theo ông Dũng, chúng ta cần tập trung theo hướng tạo ra môi trường đáng sống, đô thị đáng sống, nơi mọi người mong muốn được sống và được thụ hưởng các giá trị sống hạnh phúc nhất. Đồng thời, nơi đó phải là nơi tạo ra các dịch vụ số thúc đẩy sự phát triển bền vững, lâu dài cho cộng đồng các cư dân của thành phố.
"Để đạt được hiệu quả cao hơn nữa trong tầm nhìn này, Bosch đã tích cực phát triển các giải pháp, công nghệ, dịch vụ số trên mục tiêu: Lấy con người làm trung tâm và tận tâm để phục vụ", ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Dũng còn cho rằng, để thúc đẩy nhanh quá trình triển khai, thực hiện, xây dựng, vận hành TPTM/ĐTTM hiện nay rất cần sự chủ động, hợp tác của các đơn vị, đối tác, nhà quản lý đô thị, cơ quan chức năng với nhau.
Đồng thời, tập trung triển khai làm tốt các vấn đề: Hạ tầng; quy trình, quy chuẩn; phương thức xây dựng hệ sinh thái công nghệ hỗ trợ việc tự động hóa việc sản xuất, nhà xưởng thông minh cho các doanh nghiệp... Tuy nhiên, khi triển khai cần có chọn lọc, vận dụng phù hợp vào thực tế tại Việt Nam.
Cụ thể, khi xây dựng phát triển hạ tầng cần phù hợp với đặc thù Việt Nam, nhất là về lĩnh vực sản xuất thông minh, nhà máy thông minh cần: Chuẩn hóa yếu tố quy trình, quy chuẩn, đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm phải chất lượng tốt nhất; cần tự động hóa, áp dụng công nghệ thông tin và sản xuất phải gắn với vấn đề bảo môi trường bền vững, tạo môi trường xanh.
"Một nhà máy thông minh phải gắn liền, tương xứng trong hệ sinh thái của một ĐTTM. Một ĐTTM phải là một đô thị biết lắng nghe, phản hồi, đáp ứng những yêu cầu thiết yếu nhất mà người dân đang cần", ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng trên quan điểm đánh giá về những thuận lợi của Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển, xây dựng các TPTM hiện nay, ông Dũng cho rằng, chúng ta đang có những thuận trên 03 lĩnh vực công nghệ: Cảm biến (Sensors) giúp thu thập dữ liệu; Trí tuệ nhân tạo (AI) giúp xử lý, phân tích dữ liệu lớn (Big Data).
Đặc biệt, để phát huy hơn nữa những thuận lợi trong việc xử lý, phân tích dữ liệu lớn, chúng ta cần triển khai theo hướng lựa chọn, chuẩn hóa dữ liệu đầu vào, phân loại ngay bước đầu. Bên cạnh đó, cần có sự chia sẻ, tương quan nguồn dự liệu với nhau và sự kết hợp tốt hơn nữa giữa các cấp, đơn vị, cơ quan chủ quản… cuối cùng hướng đến mục tiêu giúp các cấp lãnh đạo đưa ra các chính sách, quyết sách quản lý phù hợp để vận hành hiệu quả các ĐTTM/TPTM.
Đối với vấn đề duy trì, vận hành hiệu quả các ĐTTM/TPTM, yếu tố nguồn nhân lực rất quan trọng, do đó, cần làm chủ việc đào tạo để thường xuyên nâng cao chất lượng chuyên ngành, chuyên môn CNTT. Các ĐTTM/TPTM cũng phải có những cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc, gắn bó, cống hiến./.