Viễn thông di động vắng bóng mạng di động "ảo"
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 10:21, 21/09/2021
Doanh nghiệp viễn thông/mạng di động ảo (MVNO - Mobile Virtual Network Operator) là những nhà mạng không có băng tần, không có hạ tầng mạng mà phải đi thuê hạ tầng của các doanh nghiệp/nhà mạng sở hữu hạ tầng mạng (mạng MNO), ví dụ như Viettel, VNPT, MobiFone… để cung cấp dịch vụ viễn thông di động ra thị trường.
Các doanh nghiệp viễn thông (ảo) chỉ triển khai các hoạt động kinh doanh, bán sản phẩm, dịch vụ viễn thông với đầu số thuê bao di động được cơ quan quản lý (Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp phát, còn lại toàn bộ hạ tầng mạng là đi thuê của doanh nghiệp khác (sở hữu hạ tầng).
Mạng "ảo" lẻ bóng trên thị trường viễn thông di động
Trong dự thảo đề án khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng và hoàn chỉnh, cho biết mạng di động của Việt Nam tương đối phát triển, điều này thể hiện ở tỷ lệ phủ sóng đạt 99,7%. Mạng di động 5G cũng đã được cấp phép thử nghiệm thương mại, khi triển khai sẽ là bước đột phá về tốc độ kết nối, là điều kiện quan trọng cho kết nối Internet vạn vật trong kỷ nguyên số.
Trong bức tranh viễn thông di động, “nét vẽ” – vốn được đánh giá cho một thị trường phát triển thực sự, cạnh tranh, và huy động mọi nguồn lực xã hội – là mạng di động “ảo”, thì Việt Nam lại đang rất khiêm tốn.
Trong danh sách xếp hạng, Việt Nam xếp thứ 68 trong danh sách của Speedtest về tốc độ mạng di động với tốc độ trung bình đạt 21,67 Mbps. Còn xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai chỉ sau Singapore, xếp trước Thái Lan (vị trí 84: 17,39 Mbps), Malaysia (vị trí 75: 18,87 Mbps), Philippines (vị trí 93: 14,69 Mbps).
Tiếp đến là nhu cầu lưu lượng dữ liệu di động gia tăng trung bình 36%/năm do việc triển khai phổ biến mạng 4G trên nhiều tần số và triển khai công nghệ mới 5G trên diện rộng, trong đó đặc biệt là lưu lượng video chiếm 73% tổng lưu lượng, trong đó 97% là video chất lượng cao. Tỷ lệ phủ sóng mạng 4G theo dân số đạt 98,4% (cao so với các nước phát triển đạt 97%), với tổng số 319.653 trạm BTS…
Những số liệu thống kê trên phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của thị trường viễn thông di động tại Việt Nam. Nhưng trong bức tranh viễn thông di động, “nét vẽ” – vốn được đánh giá cho một thị trường phát triển thực sự, cạnh tranh, và huy động mọi nguồn lực xã hội – là mạng di động “ảo”, thì Việt Nam lại đang rất khiêm tốn.
Tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có hai mạng di động ảo gồm mạng di động iTel (087) của Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương (Indochina Telecom) và mạng di động Reddi (055) của Công ty Cổ phần Mobicast. Đáng nói, “sân chơi” mạng di động “ảo” được đề cập từ hơn 10 năm trước, và chính Indochina Telecom cũng định ra mắt dịch vụ vào năm 2009 nhưng mãi đến 2019 mới có mặt trên thị trường.
Trong hai năm 2019, 2020, thông tin từ một số nhà mạng có hạ tầng rằng một số nhà mạng ảo khác đang ngấp nghé ra mắt thị trường nhưng đến nay vẫn chưa có thêm mạng nào ngoài iTel và Reddi.
Vì sao vắng bóng mạng di động ảo?
Hiện tại có 8 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ băng rộng di động mặt đất, trong đó có 5 doanh nghiệp nhà nước và 3 doanh nghiệp tư nhân. Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, mức độ tập trung của thị trường di động trong những năm qua có xu hướng ngày càng tăng thể hiện qua chỉ số HHI (Herfindahl-Hirschman Index – được tính bằng tổng bình phương thị phần của các doanh nghiệp trên thị trường).
Cụ thể năm 2009 chỉ số HHI của thị trường di động Việt Nam là khoảng 0.26, đến năm 2020 chỉ số này là khoảng 0.368 cho thấy mức độ tập trung thị trường di động đang cao và có xu hướng độc quyền. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường di động giảm qua các năm (năm 2010 có 9 doanh nghiệp, từ năm 2015 đến nay còn 8 doanh nghiệp), đặc biệt các doanh nghiệp MVNO hầu như chưa phát triển thành công.
“Đây là những dấu hiệu cho thấy việc duy trì và thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường di động cần tiếp tục phải cải thiện”, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá.
Bộ này ví dụ tại Anh, dịch vụ băng rộng di động chủ yếu được cung cấp bởi bốn nhà khai thác mạng di động (MNO) là EE, O2, Vodafone và Three UK với 85% thị phần, 15% thị phần còn lại do gần 90 doanh nghiệp bán lại dịch vụ di động (MVNO) thực hiện phát triển; các doanh nghiệp MVNO cung cấp dịch vụ di động vào thị trường ngách và phát triển thuê bao IoT.
Vì sao mạng “ảo” tại Việt Nam vẫn chưa phát triển? Lãnh đạo một số mạng có hạ tầng (MNO) cho rằng, hiện nay lượng thuê bao di động tại Việt Nam đã cán ngưỡng bão hòa, rất khó để phát triển thêm thuê bao mới. Các mạng “ảo” ra đời chủ yếu phải đi vào các thị trường ngách, tuy nhiên ngay cả thị trường ngách (như cung cấp cho khu công nghiệp, khu đô thị,…) thì các nhà mạng MNO đã phủ khắp và cũng đang cạnh tranh khốc liệt.
“Các mạng di động “ảo” mới có mặt trên thị trường muốn tồn tại đều phải dựa vào lợi thế về giá (rẻ) và cách triển khai khác biệt. Nhưng giá cước viễn thông di động tại Việt Nam đã rất rẻ và người dùng cũng không còn quan tâm về giá. Còn sự khác biệt, chẳng hạn như dịch vụ, ứng dụng, tiện ích… thì cũng không dễ và tốn kém”, đại diện một nhà mạng lớn (đề nghị không nêu tên) nói với VnEconomy, và vì thế, vị này cho rằng, cửa cạnh tranh và phát triển đối với các mạng di động ảo tại Việt Nam là rất khó và không nhiều.