Chuyên gia: "Dữ liệu là thách thức lớn nhất khi triển khai thẻ xanh"
Diễn đàn - Ngày đăng : 14:35, 20/09/2021
Nhiều cuộc tranh luận thời gian qua đề cập sự bất tiện khi Việt Nam cùng lúc sử dụng quá nhiều ứng dụng (app) công nghệ trong phòng chống dịch. TS Trương Minh Huy Vũ, Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế tại TP.HCM, đưa ra một góc nhìn khác.
Theo ông, vấn đề không phải bao nhiêu app, mà là hệ thống dữ liệu có thống nhất và thuận tiện cho người dùng hay không. Nếu TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có thể xây dựng nền tảng dữ liệu lớn và sẵn sàng mở để người dân, doanh nghiệp, chuyên gia cùng tham gia sử dụng thì việc có bao nhiêp app không quan trọng bằng tính hữu ích và mục đích của các app đó.
Ông Vũ đặc biệt nhất mạnh việc tạo ra hệ thống dữ liệu mở (open data) là bước khởi đầu để TP.HCM phục hồi kinh tế và có sức bật phát triển dựa trên nền tảng số, điều mà thành phố theo đuổi nhiều năm nay.
"Điểm chết" của công nghệ hiện nay là dữ liệu
PV: Bối cảnh đại dịch, công nghệ càng cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng. Công nghệ được xem như “vũ khí” để chiến đấu trong cuộc chiến dài hơi. Ông đánh giá thế nào về chiến lược công nghệ của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung?
TS Trương Minh Huy Vũ:Trong đại dịch, công nghệ là phương tiện đặc biệt hữu ích để giải quyết vấn đề trong quản lý hành chính, quản lý xã hội, hạn chế tiếp xúc giữa người với người.
Năm 2020, Việt Nam theo đuổi chiến lược Zero Covid, tập trung bóc tách toàn bộ số ca nhiễm ra khỏi cộng đồng. Do đó, giải pháp công nghệ đòi hỏi nhận diện, truy vết để cách ly nhanh nhất, có thể như ứng dụng Bluezone, khai báo y tế, giám sát di chuyển.
Hiện nay, có hai lý do đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận.
Thứ nhất, tốc độ lây lan của biến chủng Delta nhanh hơn bất kỳ tốc độ truy vết nào, đặc biệt tại các đô thị lớn. Công nghệ chỉ giúp đẩy nhanh một phần tốc độ truy vết, nhưng không thể giải quyết triệt để. Do vậy, những ứng dụng trước đây không còn nhiều giá trị, đặc biệt là tại các khu vực có số ca “ngấm sâu” trong cộng đồng.
Điểm khác biệt quan trọng thứ hai giữa năm 2020 và 2021 là độ phủ vaccine, đi liền với khái niệm về “thẻ xanh Covid-19”. Đây sẽ trở thành một phương án quản lý mới, cần được xử lý hài hòa, mà trước mắt là sự cần thiết trong việc tích hợp dữ liệu tiêm chủng, khai báo y tế, xét nghiệm, F0 đã khỏi bệnh với dữ liệu cấp phép đi đường để thành một hệ thống quản lý thống nhất.
Tóm lại, chủng Delta và vaccine đặt ra nhiều vấn đề quản trị mới. Vậy nên, giải pháp công nghệ cũng phải chuyển đổi để tương thích.
PV: Tức là chúng ta sẽ cần một tiếp cận công nghệ hoàn toàn mới thay thế cách làm trước đây?
TS Trương Minh Huy Vũ:Điều này không có nghĩa là phải làm lại từ đầu, mà cần điều chỉnh cách làm dựa trên nền dữ liệu mà chúng ta đang có.
Làm ứng dụng mới không khó, nhưng dữ liệu có đủ để đáp ứng nhu cầu quản lý xã hội trong bối cảnh bình thường mới là câu hỏi cần đặt ra. "Điểm chết" của chúng ta đang nằm ở nền tảng dữ liệu.
Trong thời gian gần đây, thành phố đã khởi động nhiều kế hoạch, dự án liên quan đến xây dựng kho dữ liệu dùng chung, chương trình chuyển đổi số, kinh tế số... Những việc này còn đang dở dang, còn khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế, nhất là khi dịch bệnh đẩy chúng ta vào thế phải có sản phẩm hoàn tất để đưa vào sử dụng. Thực tế thời gian qua là khi vào tình huống “dầu sôi, lửa bỏng” thì có những thứ có mà không thể xài, có những thứ rất cần mà không thể tiếp cận ngay.
Dữ liệu nhân khẩu học là một ví dụ. Đây là thông tin rất quan trọng trong nhiều bài toán quản lý, đặc biệt là an sinh xã hội. Thế nhưng thực tế thời gian qua cho thấy nhóm dễ bị tổn thương thường bị bỏ quên. Đối tượng này không có bảo hiểm xã hội, thẻ ngân hàng, không làm ở một cơ quan, đơn vị nhất định nên không được thống kê đầy đủ. Do đó, khi cần hỗ trợ họ, chính quyền phải dựa vào những công cụ truyền thống như mạng lưới xã hội, chủ nhà trọ, tổ dân phố, tổ chức từ thiện.
Ý muốn “không bỏ sót một ai” bị thách thức trong quá trình thực thi vì không đầy đủ cơ sở dữ liệu. Ngược lại, các chính sách với ý muốn tốt bị lợi dụng, lạm dụng hay đơn giản là không thể quản lý đến nơi đến chốn, nhiều trường hợp bị trùng lấp, nhiều trường hợp khó khăn trong việc xác minh.
Tại sao không cần gộp tất cả chức năng vào một app?
PV: Xin ông giải thích rõ hơn vai trò của dữ liệu trong phòng chống dịch và chúng ta nên sử dụng nó ra sao thời gian tới?
TS Trương Minh Huy Vũ: Để xây dựng niềm tin và sự ủng hộ của cộng đồng, thành phố cần những bằng chứng dựa trên dữ liệu. Hơn 100 ngày giãn cách vừa qua, chính quyền đã dùng số liệu về số ca tử vong, ca nhiễm, tỷ lệ phủ vaccine để thuyết phục người dân chấp nhận và tuân thủ các mức độ giãn cách xã hội khác nhau.
Dữ liệu mở và minh bạch sẽ thúc đẩy những thảo luận công khai của xã hội. Việc này vừa giúp chuyên gia giải thích cho người dân hiểu các quyết sách; vừa để mỗi người dân/doanh nghiệp tự lên kế hoạch quản lý rủi ro trong tình hình mới.
Song song đó, người dân, doanh nghiệp cũng là kênh để xây dựng nền tảng dữ liệu cho chính quyền, cải thiện những hạn chế. Có thể trong giai đoạn đầu, chúng ta phải chấp nhận sự tồn tại của một đến hai ứng dụng công nghệ quản lý cùng lúc, đòi hỏi việc khai báo, cập nhật các thông tin.
Tuy vậy, đó là giai đoạn “quá độ” để tiến dần tới một lộ trình dữ liệu mở. Điều quan trọng là TP.HCM đã có bước đầu và cần rất kiên định để bước tiếp. Đại dịch nhiều khi là cơ hội để thực hiện các bước đi ổn thỏa hơn.
Một số quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Úc và Mỹ có nhiều app hoạt động cùng lúc, nhưng các app tích hợp nhiều tính năng liên quan nhất có thể và có khả năng chia sẻ dữ liệu với nhau.
Ví dụ như Singapore kết hợp dữ liệu từ TraceTogether app và SGWorkPass app nhằm quyết định trạng thái của công nhân có được cho phép đi làm hay không, hiển thị dưới dạng QR code.
Các nước như Singapore, Úc, Mỹ không gộp tất cả chức năng vào một app duy nhất. Lý do là vấn đề bảo vệ quyền riêng tư và luật bảo vệ quyền riêng tư tại các nước này. Đặc biệt các ứng dụng liên quan tới tính năng theo dõi tiếp xúc và giám sát dữ liệu di chuyển, hay trạng thái sức khỏe của người dùng đều không thể tích hợp, mà phải tách ra và để người dân lựa chọn sử dụng theo hướng tự nguyện.
PV: TP.HCM đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu tiêm chủng để cấp thẻ xanh Covid-19 và thẻ vàng cho người dân. Theo ông, thách thức lớn nhất của quá trình này là gì?
TS Trương Minh Huy Vũ: Như đã trao đổi, dữ liệu và tích hợp dữ liệu là thách thức lớn nhất. Không sai, không thiếu, đảm bảo cập nhật thông tin về tiêm chủng của người dân trên một hệ thống dữ liệu thống nhất là vấn đề mà các cơ quan của thành phố đang phối hợp với các doanh nghiệp xử lý.
Trước mắt là việc bổ sung đầy đủ và điều chỉnh dữ liệu của những đối tượng trong các đợt tiêm chủng đầu tiên chưa được cập nhật lên hệ thống. Song song đó, cần nhanh chóng tích hợp dữ liệu tiêm chủng, khai báo y tế, xét nghiệm, F0 đã khỏi bệnh với dữ liệu cấp phép đi đường để thành một hệ thống quản lý thống nhất.
Ngoài thẻ xanh vaccine đang thí điểm ở quận/huyện, một bài toán quan trọng không kém là ứng dụng công nghệ để quản lý F0.
Khi nói đến quá trình thích nghi và sống chung an toàn với virus thì câu hỏi đặt ra là đánh giá mức độ an toàn thế nào. Độ chống chịu của hệ thống y tế là một ngưỡng an toàn quan trọng. Trên địa bàn có bao nhiêu ca nhiễm đang điều trị, bao nhiêu người được phát thuốc, bao nhiêu trường hợp khả năng trở nặng và khả năng đáp ứng của y tế cơ sở. Những dữ liệu thời gian thực này sẽ giúp đánh giá chỉ số mỗi ngày để chính quyền theo dõi, quản lý rủi ro.
Dữ liệu vaccine, điều trị, xét nghiệm, năng lực hệ thống y tế tích hợp trên một hệ thống đóng vai trò quan trọng trong quá trình ra các quyết định thí điểm.
Ví dụ, khi mở cửa, nếu số ca F0 ở quận 7 tăng lên nhưng số ca trở nặng, tử vong như cũ hoặc thấp hơn thì mức độ sống chung an toàn của địa phương được đáp ứng. Ngược lại, nếu số ca F0 tăng và số ca chuyển nặng tăng, tử vong tăng tỷ lệ thuận với số cả nhiễm thì chính sách thí điểm bị thách thức./.