Đồng bào dân tộc thiểu số hưởng lợi từ cải cách hành chính công nhờ ứng dụng CNTT
Truyền thông - Ngày đăng : 07:53, 16/09/2021
Thủ tục nhanh chóng, đơn giản
Anh Bàn Văn Quý, thôn Phiêng Ngàm, xã Sinh Long (Na Hang - Tuyên Quang) đến bộ phận một cửa của UBND xã Sinh Long đăng ký khai sinh cho con. Sau khi được cán bộ phụ trách về công tác Tư pháp hộ tịch xã hướng dẫn nộp đầy đủ giấy tờ thủ tục liên quan, chỉ trong vòng chưa đầy 2 phút nhập dữ liệu và các thao tác đơn giản trên hệ thống máy tính kết nối mạng nội bộ trong hệ thống chính quyền, tất cả các thông tin cần thiết làm thủ tục cấp khai sinh cho con anh Quý đã hoàn tất.
Xã Sinh Long – Huyện Na Hang (Tuyên Quang) là một trong những xã vùng sâu, vùng xa thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang, nhưng 100% cán bộ, công chức đều sử dụng máy tính để xử lý các công việc. Các máy tính đều được kết nối internet và tích hợp các phần mềm chuyên dụng thuộc các lĩnh vực khác nhau như: tư pháp - hộ tịch, tài chính - kế toán, địa chính… giúp cán bộ xã xử lý công việc nhanh chóng, chính xác.
Còn tại xã Phúc Sen – huyện Quảng Hòa – tỉnh Cao Bằng, từ năm 2020 đến nay, địa phương đã rốt ráo thực hiện mô hình chuyển đổi số cấp xã. Với mô hình này, cán bộ thuộc bộ phận "Một cửa" của xã, được cử tham gia lớp tập huấn công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số do UBND huyện Quảng Hòa tổ chức.
Vừa qua, anh Mông Văn Đạo, xóm Dìa Dưới, xã Phúc Sen làm thủ tục cấp lại sổ BHXH do thay đổi tên đệm. Anh Đạo liên hệ với UBND xã Phúc Sen và được cán bộ hướng dẫn gửi tờ khai theo mẫu điện tử để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Sau 5 ngày kể từ khi hoàn thiện hồ sơ theo mẫu, anh Đạo đã được cấp lại sổ BHXH bằng phần mềm dịch vụ công trực tuyến của UBND xã Phúc Sen.
Anh Đạo cho biết: "UBND xã đã thực hiện đúng quy trình, đảm bảo giãn cách trong thời gian dịch bệnh. Tôi chỉ phải đến trụ sở xã một lần để nhận sổ bảo hiểm. Tôi cảm thấy hài lòng với cách làm của UBND xã, vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa thuận tiện cho người dân, không phải đi lại, tốn nhiều thời gian và công sức như trước".
Có thể nói, thông qua việc ứng dụng CNTT, phần mềm điện tử, cán bộ, công chức tại các địa phương đã dễ dàng trao đổi thông tin, tiếp nhận những ý kiến, kiến nghị của tổ chức, cá nhân dưới dạng thư điện tử, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm văn bản giấy, đồng thời nâng cao tính đồng bộ của các ứng dụng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Bài học tại các địa phương
Xác định công tác cải cách hành chính là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhiều địa phương, đặc biệt là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đã luôn chú trọng việc thực hiện cải cách hành chính công nhờ áp dụng công nghệ.
Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện công tác này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, trong đó có đồng bào DTTS trên địa bàn.Lai Châu hiện đang đứng trong top 5 tỉnh có tỷ lệ tích hợp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia cao nhất trong cả nước. Theo kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, Lai Châu tăng 6 bậc so với năm 2019. Những kết quả này cho thấy Lai Châu đang nỗ lực đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội.
Theo UBND tỉnh Lai Châu, Cổng Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tích hợp một cửa điện tử cung cấp 2.092 DVCTT, trong đó mức độ 3 là 426, mức độ 4 là 510, với tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết là 7.432 hồ sơ. 26% DVCTT mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động, đạt 87% kế hoạch giai đoạn 2020 - 2025.
Để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Lai Châu xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lai Châu tiếp tục lựa chọn Tập đoàn VNPT là đối tác chiến lược về viễn thông - công nghệ thông tin. VNPT sẽ hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông, mở rộng, nâng cao chất lượng phủ sóng điện thoại di động, Internet, ứng dụng CNTT để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số, xây dựng CQĐT phát triển chính quyền số và đô thị thông minh trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 cho tỉnh Lai Châu.
Còn điểm mới trong cách làm của Tân Sơn là UBND huyện miền núi Tân Sơn - tỉnh Phú Thọ là đã thành lập Tổ công tác trực tiếp xuống các xã hướng dẫn cho cán bộ tại bộ phận "Một cửa" tiếp nhận, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp trên hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến và "Một cửa điện tử" của tỉnh. Tăng cường kiểm tra thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số tại cơ sở. Tại bộ phận "Một cửa" UBND huyện, người dân được hướng dẫn tra cứu thông tin các thủ tục hành chính, lấy số thứ tự và hỗ trợ sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Với Yên Bái, tuy điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư hạn chế nhưng với sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, các cấp, các ngành, địa phương này đã có những đột phá trong ứng dụng công nghệ CNTT, xây dựng chính quyền điện tử.
Hạ tầng CNTT tại các cơ quan trong bộ máy được cải thiện với 100% máy tính từ tỉnh tới huyện, xã được kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng. Trong đó, 100% các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh (tổng số 1.683 máy tính) và 100% cấp huyện (tổng số 863 chiếc máy tính) đã có mạng LAN và kết nối Internet tốc độ cao ADSL, FTTH; 100% các xã, phường, thị trấn được kết nối Internet bằng ADSL, FTTH, 3G với tổng số 3.831 máy tính. Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện của tỉnh có tài khoản thư điện tử với tỷ lệ thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc đạt 60%.
Đặc biệt, hệ thống Cổng dịch vụ công, phần mềm quản lý văn bản đã được triển khai đồng bộ, liên thông 4 cấp tại 100% đơn vị với tổng số 2.195 thủ tục hành chính. Trong đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chiếm 21,36%. Việc ứng dụng CNTT thời gian qua đã góp phần để tỷ lệ giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp đạt trên 99%, tỷ lệ hài lòng và rất hài lòng đạt xấp xỉ 100%...
Chỉ số cải cách hành chính Quốc gia (Par Index) của Yên Bái không ngừng tăng, trong đó chỉ số thành phần về ứng dụng CNTT những năm gần đây đạt điểm tối đa (4,5 điểm), từ đó đã nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Với mục tiêu "lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cải cách hành chính", các cấp ủy Đảng, chính quyền tại các địa phương đã gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan đơn vị vào nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời, đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, nêu gương của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan đơn vị.
Có thể nói, với sự chủ động, tích cực vào cuộc của mỗi địa phương, đơn vị, việc ứng dụng công nghệ trong cải cách hành chính công thông qua ứng dụng công nghệ thông tin đang có sự phát triển đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đặc biệt là với đối tượng đồng bào DTTS.