Viettel Post tìm đầu ra nông sản cho bà con dân tộc thiểu số
Truyền thông - Ngày đăng : 15:16, 15/09/2021
Sứ mệnh đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản Việt
Với mục tiêu trở thành công ty logistics số 1 Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ cao, Viettel Post đã có mặt khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 2.300 bưu cục và cửa hàng, hơn 6.000 đại lý thu gom, hơn 4.000 tuyến phát.
Năm 2020, Tập đoàn Công nghiệp -Viễn thông Quân đội (Viettel) xác định logistics là một trong 4 trụ phát triển và do Viettel Post đảm nhiệm. Vì vậy, Viettel Post đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp logistics số 1 Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ cao.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lao đao vì dịch Covid-19, Viettel Post càng phát huy thế mạnh về công nghệ của mình trong việc số hóa các quy trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Viettel Post hiện sở hữu hệ thống băng chuyền chia chọn tự động hiện đại nhất Việt Nam. Ngoài ra, các trung tâm chia chọn và kho vận được ứng dụng công nghệ 4.0, như: Trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật…. Trước đó, nhiều ứng dụng công nghệ như ứng dụng chuyển phát ViettelPost, giải pháp bán hàng đa kênh ViettelSale, sàn vận tải đa phương thức MyGo, nền tảng công nghệ thương mại điện tử Vỏ sò… cũng lần lượt được ra đời.
Tiêu biểu phải kể đến sàn thương mại điện tử Voso.vn (Vỏ sò). Chính thức được ra mắt năm 2019, sàn thương mại này là sản phẩm công nghệ "Make in Vietnam", do Viettel Post tự phát triển. Viettel Post định hướng phát triển thành nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) nông sản, giúp kết nối nhà sản xuất và nông dân với các nhà hàng, chuỗi cửa hàng tiện li và người tiêu dùng theo mô hình O2O2O (online to offline to online). Viettel Post quyết tâm đưa 100% sản phẩm OCOP lên sàn Vỏ Sò.
Vỏ Sò phát huy lợi thế mạng lưới của Viettel Post để xây dựng mỗi tỉnh có một gian hàng đặc sản của địa phương. Đặc sản địa phương trên Vỏ Sò có cam kết nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cung cấp bởi các nhà sản xuất có uy tín và được kiểm định chất lượng bởi Bưu chính Viettel.
Sau gần 2 năm ra mắt, Voso.vn vẫn liên tục cập nhật các tính năng mới nhằm nâng cao trải nghiệm số của khách hàng. Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã phối hợp với TCT Bưu chính Viettel (Viettel Post), Sàn thương mại điện tử Voso để xây dựng nền tảng Voso Global, xuất khẩu thí điểm hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang sang thị trường Đức thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng của Việt Nam, do người Việt phát triển và vận hành đã được cộng đồng người Việt bên Đức đón nhận hết sức tích cực.
Ngày 23/12/2020, Bộ Thông tin và truyền thông đã tổ chức Lễ Công bố và trao Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2020. Nền tảng công nghệ TMĐT Vỏ sò đã xuất sắc đạt giải Nhì cho sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam tại hạng mục Thu hẹp khoảng cách số xuất sắc nhất 2020. Cùng với Vỏ sò, 2 sản phẩm khác của Viettel Post bao gồm Viettel Sale lọt Top 10 sản phẩm số tiềm năng và App ViettelPost lọt vào Top 10 sản phẩm số xuất sắc.
Hỗ trợ đồng bào DTTS tiêu thụ nông sản
Là đơn vị đi tiên phong trong việc đưa sản vật vùng miền lên sàn thương mại điện tử, rào cản lớn nhất Viettel Post gặp phải chính là thay đổi tư duy của bà con vốn đã quá quen với các phương thức bán hàng trực tiếp tại địa phương hay phụ thuộc vào thương lái, chưa biết đến kinh doanh online.
Năm 2020, Chương trình "Phát triển thị trường nông sản bản địa qua kênh thương mại điện tử do phụ nữ làm chủ với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" khởi động tại Thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu nhằm đem lại thay đổi tích cực cho 36 hợp tác xã (HTX), tổ, nhóm do phụ nữ DTTS quản lý. Trong chương trình này, Viettel Post đóng vai trò hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm và hướng phát triển sản phẩm cho đồng bào tại tỉnh Sơn La, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số.
Viettel Post còn chủ động trang bị cho đồng bào DTTS những kỹ năng cần thiết để chụp ảnh, tạo video, đăng bán các sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử. Và khi các sản phẩm địa phương được bán trên Vỏ sò, Viettel Post còn cung cấp hỗ trợ hậu cần từ lợi thế về logistic để đưa các mặt hàng đến tay người tiêu dùng và nhận tiền trực tiếp từ khách hàng, thanh toán chuyển khoản hoặc tiền mặt đến tay người gửi một cách an toàn và nhanh chóng.
Qua quá trình dài đồng hành cùng bà con DTTS, đến nay sàn TMĐT Voso.vn đã có đến 120 mặt hàng nông sản từ các hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT tại Sơn La với các mặt hàng tiêu biểu như: thịt trâu khô, mận hậu Sơn La, táo mèo, bơ sáp Mộc Châu, chè Tà Xùa, rượu Hang chú...
Còn tại Lạng Sơn - tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Nông lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh với 23,2%. Toàn tỉnh có 10 huyện và 1 thành phố; trong đó có 3 huyện nghèo, 88 xã đặc biệt khó khăn. Dân số Lạng Sơn gần 80 vạn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 84%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 43,4 triệu đồng/năm, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.
Trước sự kiện lễ ra quân phát triển kinh tế số Lạng Sơn năm 2021, từ trung tuần tháng 6, UBND tỉnh đã giao Sở TT&TT phối hợp với UBND huyện Chi Lăng, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng Công ty cổ phần bưu chính Viettel (Vietnam Post) triển khai thử nghiệm kinh tế số, mở cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử cho người dân trên địa bàn xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng. Đến nay, kết quả đã vượt chỉ tiêu đề ra với trên 1.000 cửa hàng số của các gia đình đã được thiết lập, vận hành trên các sàn Vỏ Sò, Postmart của hai doanh nghiệp bưu chính.
Từ kết quả bước đầu đạt được trong giai đoạn thử nghiệm, Tổng giám đốc Viettel Post Trần Trung Hưng khẳng định, thời gian tới Viettel Post và sàn Vỏ Sò sẽ tiếp tục tích cực phát triển kinh tế số tại Lạng Sơn, thông qua việc hỗ trợ các hộ gia đình trên địa bàn đưa sản phẩm lên bán trên cửa hàng số và mở tài khoản thanh toán điện tử.
"Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành chặt chẽ cùng bà con nông dân Lạng Sơn chuyển đổi số. Viettel Post cũng sẽ tiếp tục đầu tư nhân sự và công nghệ để có thể tìm ra thêm nhiều giải pháp cho những thách thức sau này trên công cuộc phát triển kinh tế số của nhà nông và của quốc gia", ông Trần Trung Hưng nói.
Trong khi đó tại Hà Giang, niên vụ 2021 – 2022, tổng diện tích cam sành cho thu hoạch trên 5.700ha, năng suất bình quân ước đạt 102,6 tạ/ha, sản lượng cam suản xuất theo tiêu chuẩn VietGap ước đạt 45.700 tấn... Hà Giang đặt mục tiêu tiêu thụ 15 % Sản lượng cam trên sàn TMĐT Vỏ Sò.
Vỏ Sò đã cử người đến tận nơi đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm quen với thương mại điện tử để mỗi người nông dân trở thành một chủ doanh nghiệp, chủ động nắm thông tin thị trường, mở rộng kênh phân phối, quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hội thảo xúc tiến hoạt động bán hàng TMĐT cho bà con DTTS.
Nhờ sàn TMĐT của Viettel Post, bà con nông dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn sẽ có được một nền tảng công nghệ bán hàng sau khi sản xuất, không cần bán qua các thương lái với giá thấp hơn nhiều so với mức giá thực tế.
Có thể nói, khi các khái niệm về số hóa, chuyển đổi số chưa phổ biến và ngành bưu chính vẫn còn được gắn mác "lao động chân tay", Viettel Post đã bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số. Các sản phẩm công nghệ của đơn vị này đã góp phần quan trọng trong việc giúp đồng bào DTTS tiêu thụ nông sản, từ đó, giúp nâng cao chất lượng đời sống trên những mảnh đất còn gặp nhiều khó khăn, vất vả.