Quảng cáo trực tuyến xuyên biên giới: Có còn là “mảnh đất màu mỡ”?
Kinh tế số - Ngày đăng : 13:44, 14/09/2021
Đáng chú ý nhất là Nghị định 70 bổ sung các quy định về quảng cáo xuyên biên giới. Tuy nhiên, Nghị định 70/2021/NĐ-CP liệu đã vá được lỗ hổng pháp lý, góp phần chống thất thu thuế triệt để, tạo thế cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước?
Thu bạc tỉ nhưng không phải đóng thuế
Theo báo cáo Vietnam Digital Marketing Trends 2021, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 ước đạt 820 triệu USD. Dự báo năm 2021, mức doanh thu này sẽ đạt khoảng 955 triệu USD. Trong đó, đến 80% doanh thu khổng lồ của “con gà đẻ trứng vàng” này rơi vào túi Google, Facebook, YouTube... Theo Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), hai nền tảng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất ở Việt Nam là Google và Facebook, chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến.
Riêng nền tảng xem phim trực tuyến Netflix hiện đã đặt trụ sở tại hơn 190 quốc gia. Năm 2016, Netflix chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam và hiện có khoảng hơn 300.000 thuê bao. Với mức phí thuê bao 180.000 - 260.000 đồng/tháng, ước tính Netflix đang thu về hàng trăm tỷ đồng/năm. Báo cáo trên NASDAQ cho thấy, doanh thu quý II năm 2021 đạt 7,34 tỷ USD tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Gã khổng lồ" hút thêm 209,18 triệu người dùng trả phí trên toàn cầu, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, doanh thu là 799 triệu USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 10,9% tổng doanh thu. Số thuê bao đăng ký trả phí tăng 24% so với quý trước lên 27,88 triệu người.
Trong báo cáo về tình hình thu ngân sách tháng 7 và triển khai nhiệm vụ cuối năm, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) khẳng định hiện Google, Facebook, Netflix, Youtube... vẫn chưa đóng thuế đầy đủ, minh bạch tại Việt Nam cũng như ủy nhiệm cho các ngân hàng, đối tác tại Việt Nam thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế. Hiện các nền tảng mạng xã hội, trong đó có Google, Facebook, Netflix, Youtube... chiếm khoảng 70% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, bỏ túi hàng tỷ USD mỗi năm tuy nhiên chỉ đóng thuế nhỏ giọt và tận dụng mọi kẽ hở để né thuế.
Nhiều năm qua, các nền tảng này vẫn ở “ngoài vòng pháp luật” khi không có giấy phép cung cấp dịch vụ, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam vì là doanh nghiệp nước ngoài, hoạt động trên nền tảng Internet và không đặt chi nhánh công ty tại Việt Nam. Việc các tập đoàn lớn bỏ túi hàng tỉ USD nhưng đóng thuế nhỏ giọt trong khi doanh nghiệp trong nước phải đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp là điều bất công.
Đó còn chưa kể việc, về nguyên tắc, Google, Facebook… có thu nhập tại Việt Nam thì phải đặt máy chủ tại nước ta để cơ quan quản lý nhà nước giám sát dòng tiền ra vào, đồng thời hai nhà mạng xã hội này kê khai và tự nộp thuế. Thế nhưng đến hiện tại, các doanh nghiệp đều lơ là với việc này. Trong khi đó, thông tin trên các mạng xã hội do các doanh nghiệp trong nước tạo lập chưa đủ mạnh để thay thế.
Tạo hành lang pháp lý
Trước thực trạng trên, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP năm 2013, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Trong đó, nổi bật là quy định về các hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam như Google, Facebook, Youtube,…
Nội dung Nghị định quy định, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế.
Cũng theo nội dung Nghị định, từ ngày 15-9-2021, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải thông báo với Bộ TT-TT: Tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có), cùng với đó là đầu mối liên hệ: tên tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam (nếu có), địa chỉ email, điện thoại liên hệ…
Cùng với đó, Nghị định cũng nêu, các nền tảng không đặt sản phẩm quảng cáo với nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại Luật An ninh mạng, Luật Sở hữu trí tuệ; thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ theo yêu cầu của Bộ TT-TT và phải có giải pháp kỹ thuật để kiểm soát và loại bỏ sản phẩm quảng cáo vi phạm.
Với những quy định mới được sửa đổi, bổ sung, luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng luật sư Interla cho rằng, Nghị định 70 sẽ tạo ra những hành lang pháp lý, siết chặt thông tin, quảng cáo,… đối với các nền tảng xuyên biên giới.
Theo luật sư Hòe, tại Nghị định 181/2013/NĐ-CP về nghĩa vụ nộp thuế của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới quy định: “Hoạt động trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có phát sinh doanh thu quảng cáo tại Việt Nam phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế”.
Như vậy, việc truy thu thuế các hoạt động quảng cáo xuyên quốc gia phát sinh doanh thu quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam không được quy định rõ trong nghị định này mà chỉ dẫn chiếu đến việc sẽ phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam.
Nghị định 70/2021/NĐ-CP đã sửa đổi mở rộng đối tượng phải chịu thuế đó là “Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam” và bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ “Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam như nghĩa vụ thông báo…”, luật sư Hòe phân tích.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Đình Cường - Phó chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (PayTV) hoan nghênh Nghị định 70/2021/NĐ-CP. Theo ông Cường, quy định này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài không có trụ sở ở nước sở tại kê khai và nộp thuế. Việc thu thuế của Facebook, Google, TikTok… đảm bảo sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh đối với các doanh nghiệp Việt Nam và là cơ sở để yêu cầu họ tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Vẫn còn lỗ hổng
Thực tế, việc đánh thuế trực thu đối với các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook, YouTube, Netflix… chưa bao giờ là điều dễ dàng. Các công ty đa quốc gia luôn lợi dụng kẽ hở pháp lý để tận thu. Hãng AFP từng thừa nhận, các "gã khổng lồ" công nghệ toàn cầu như Amazon, Google, Netflix… thường trả rất ít thuế ở những quốc gia mà họ không đặt trụ sở đại diện.
Với Nghị định 70/2021/NĐ-CP, luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng, về vấn đề truy thu thuế, Nghị định này không quy định rõ, mà vẫn quy định giống như Nghị định 181/2013/NĐ-CP. Vì vậy có thể thấy rõ Nghị định 70 có hiệu lực vẫn chưa khắc phục được các lỗ hổng của pháp luật về truy thu thuế đối với các doanh nghiệp xuyên quốc gia.
Theo luật sư Hòe, việc thu thuế đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động quảng cáo dù không ở lãnh thổ Việt Nam nhưng phát sinh doanh thu trên lãnh thổ Việt Nam thì đương nhiên thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật thuế. Do đó, Nghị định cần quy đinh rõ hơn về vấn đề này và phải có phương án điều chỉnh việc nộp thuế của các cá nhân, tổ chức nước ngoài xuyên quốc gia.
“Thứ hai, cần ban hành nghị định quy định, hướng dẫn chi tiết về việc thu thuế đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động quảng cáo xuyên quốc gia theo hướng nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam và phát sinh doanh thu trên lãnh thổ Việt Nam sẽ được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam”, vị luật sư phân tích.
Ngoài ra, Nghị định 70/2021/NĐ-CP quy định về thời hạn thông báo đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam là “15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân nước ngoài gửi thông báo trực tiếp, hoặc qua đường bưu chính, hoặc qua phương tiện điện tử đến Bộ TT-TT (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử)”.
Tuy nhiên, Nghị định lại không quy định cụ thể chế tài xử lý nếu cơ quan, tổ chức không tuân thủ thời hạn 15 ngày báo trước này. Đây cũng là một lỗ hổng lớn của luật. Vì vậy, luật sư Hòe cho rằng, cần bổ sung chế tài, nếu sau 15 ngày cơ quan, tổ chức kinh doanh hoạt động quảng cáo qua biên giới không tuân thủ thời hạn thông báo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và đồng thời áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm đó.
Song hành với việc Bộ TT-TT xây dựng dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 72 quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Bộ Tài chính hiện đang gấp rút hoàn thiện các quy định về khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.
Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam phải đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế.
Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế thì bên được ủy quyền có trách nhiệm thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế. Trong trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam thì bên mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài.