Từ ngôi làng nhỏ Việt Nam thành tay bán buôn xuyên biên giới

Kinh tế số - Ngày đăng : 13:31, 14/09/2021

Ngồi nhà lên mạng bán buôn, nhiều chủ doanh nghiệp đã tìm kiếm được bạn hàng lớn trên các sàn thương mại điện tử (B2B) quốc tế.

Vào chợ bán buôn online xuyên biên giới

Vihaba, một doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên xuất khẩu và phân phối các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ và hàng may mặc. Doanh nghiệp này tham gia bán hàng theo mô hình B2B trên Alibaba, doanh thu tăng hơn 55% trong 2 năm. Các sản phẩm của Việt Nam được xuất đi các thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Đông và Đông Nam Á nhờ nền tảng của sàn thương mại điện tử này.

Doanh nghiệp đã tận dụng những tiện ích của nền tảng thương mại điện tử vào kinh doanh như “Trung tâm tin nhắn” và “Xếp hạng từ khóa”. Hai tiện ích này đã giúp họ quản lý chặt chẽ và hiệu quả khách hàng. Tính năng xếp hạng từ khóa là công cụ để cải thiện quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp một cách rất hiệu quả.

Tương tự, DSW là một trong những doanh nghiệp nhận được ngay đơn hàng xuất khẩu khi tham gia Alibaba

Bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc điều hành công ty cho hay, từ đơn hàng đầu tiên trị giá 3.000 USD, sau một năm, doanh thu xuất khẩu của công ty đạt 400.000 USD/tháng. 100% doanh thu của công ty đến từ Alibaba. Hiện, DSW đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang hơn 10 quốc gia, phát triển từ 10 nhân viên lên 40 người.

Từ ngôi làng nhỏ Việt Nam thành tay bán buôn xuyên biên giới - Ảnh 1.

Nông dân Bắc Giang livestream bán vải tại vườn (Ảnh:D.Anh)

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Roger Lou, Giám đốc quốc gia Alibaba Việt Nam, cho hay, Covid-19 đã thay đổi mọi thứ, đặc biệt là các mô hình kinh doanh. Hầu hết các công ty B2B lựa chọn sang mô hình giao dịch số, thay vì cách truyền thống là giao dịch hoặc nói chuyện trực tiếp.

Ngày càng có nhiều người thử mô hình mới là kinh doanh trực tuyến, như họp qua video và trò chuyện trực tuyến và con số này cũng tăng lên một cách chóng mặt.

Ông Roger Lou đánh giá, hầu hết các nhà cung cấp B2B sẽ thích mua bán trực tuyến và có đến 80% những người kinh doanh B2B tìm đến tương tác trực tuyến hoặc kỹ thuật số. So với thương mại truyền thống, thương mại số đang có ưu điểm là dễ dàng lập lịch trình, tiết kiệm chi phí và an toàn. Vì vậy, số hóa không phải là một lựa chọn, nó là bắt buộc đối với mọi ngành không riêng gì mặt hàng nông sản.

Đưa hàng Việt ra toàn cầu

Theo thống kê của Alibaba.com, có hơn 25% nhà cung cấp của Alibaba đến từ Việt Nam trong ngành thực phẩm và nông nghiệp. Riêng ngành F&B và Nông nghiệp nhận được đến hơn 2.500 yêu cầu của người mua trên Alibaba.com một tháng.

Bối cảnh đại dịch, người mua B2B truyền thống đã nhanh chóng thay đổi, từ tìm nguồn cung ứng trực tiếp sang trực tuyến. Trong khoảng một năm (9/2019 đến 9/2020), lượng người mua trên Alibaba đã tăng 84% và tổng giá trị giao dịch tăng hơn 110%.

Trong số tất cả các ngành hàng, nông nghiệp và thực phẩm luôn nằm trong top những ngành có nhà bán hàng tích cực nhất. Những con số này cho thấy, ngày càng nhiều nhà bán hàng sử dụng nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, với mục tiêu vươn ra quốc tế và người mua sẽ dễ dàng tìm thấy các sản phẩm chất lượng cao với giá cả cạnh tranh hơn.

Từ ngôi làng nhỏ Việt Nam thành tay bán buôn xuyên biên giới - Ảnh 2.

Bán hàng B2B xuyên biên giới ngày càng gia tăng (Ảnh: D.Anh)

Ông Tuấn Lương - Phó Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận - chia sẻ: “Không thể phủ nhận rằng, thương mại xuyên biên giới toàn cầu thông qua các nền tảng trực tuyến hiện là giải pháp hữu hiệu nhất giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn trong thời điểm đại dịch và cả trong tương lai”.

Đầu năm nay, Alibaba.com chính thức hợp tác với Vietrade (Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam - Bộ Công Thương) vào đầu năm nay, bước đầu tiên trong hành trình xây dựng liên minh với các đối tác kinh tế địa phương, nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách tiếp cận người mua toàn cầu.

Đánh giá cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, ông Roger Lou, Giám đốc quốc gia Alibaba Việt Nam, cho rằng: “Khi nói đến kinh doanh, bất kể trong nước hay quốc tế, trực tiếp hay trực tuyến, có hai điều quan trọng nhất các doanh nghiệp cần nắm được là giới thiệu sản phẩm và dịch vụ. Ở Việt Nam, có rất nhiều sản phẩm độc đáo đến kinh ngạc. Hơn nữa, người Việt Nam rất chăm chỉ, thân thiện và thông minh. Những yếu tố này đóng vai trò quan trọng không kém, vì vậy rất nhiều nhà bán hàng tại Việt Nam đã gặt hái được thành công trên nền tảng”.

“Trong thương mại điện tử, không có người chiến thắng được xác định trước và không có thời điểm tốt nhất để tham gia. Bạn chỉ có thể trở nên thành công khi tham gia vào quá trình này. Hãy bắt đầu làm điều đó, đây là con đường duy nhất để thành công”, ông nói.

Có thể nói, đại dịch đã tái định hình các hoạt động thương mại trên toàn thế giới. Sự thay đổi đáng kể trong hành vi mua sắm của khách hàng, với 65% người mua toàn cầu hiện nay tìm đối tác thông qua thương mại điện tử, là áp lực khiến các mô hình kinh doanh truyền thống phải thay đổi để phát triển.

Tại Việt Nam, chuyển đổi kỹ thuật số đang tăng tốc trong những năm gần đây. Cơ hội kinh doanh đến cùng với các hiệp định thương mại tự do FTA mới như EVFTA, UKVFTA, RCEP,... Đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến nhanh và vươn ra toàn cầu.

Duy Anh