"Sóng và máy tính cho em" giúp người thầy không còn đơn độc
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 11:44, 14/09/2021
Ngày 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chính thức phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm giúp hàng triệu em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có thể học tập trực tuyến tại các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội.
Với các địa phương, đây là niềm vui và cũng là động lực to lớn để cả thầy và trò cùng ngành giáo dục vượt lên khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, ngay khi Thủ tướng Chính phủ đứng ra kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ, đội ngũ thầy cô và học sinh đều cảm thấy rất “ấm lòng”.
Trước đó, khi chuyển sang học trực tuyến, đứng trước thách thức của việc thiếu các trang thiết bị dạy và học, Nghệ An đã phát động quyên góp, hỗ trợ trong toàn ngành được 4,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn không thể “lấp đầy” số lượng máy tính còn thiếu cho gần 70.000 học sinh.
“Quả thực, nếu chỉ có sự vào cuộc của riêng ngành giáo dục, thật khó để đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận giáo dục cho học sinh tại các địa phương. Do đó, thầy trò chúng tôi rất vui khi có sự chung tay của cả hệ thống, mà đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ. Điều này sẽ tạo ra động lực to lớn để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và tương lai của đất nước”, ông Thành nói.
Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cũng cho rằng, việc dạy học trực tuyến giờ đây không còn là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh nữa, mà đây sẽ là cơ hội vàng giúp cho thầy trò có được nhận thức và kỹ năng, thích ứng dần với điều kiện học tập trong môi trường chuyển đổi số.
“Nếu làm tốt điều này, 10 năm sau, chúng ta sẽ có nguồn nhân lực đáp ứng nhanh với yêu cầu của xã hội số, từ đó có thể hội nhập được với khu vực và quốc tế”, ông Thành cho hay.
Đối với Cà Mau - vẫn còn những nơi là vùng “lõm” về giáo dục; do vậy chưa đảm bảo cơ sở vật chất để dạy và học.
Ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, khi triển khai học trực tuyến, Cà Mau có khoảng hơn 10.000 học sinh thiếu trang thiết bị cần thiết để tham gia học.
Do đó, theo ông Luân, việc triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” trong thời điểm này là rất nhân văn giúp những học sinh nghèo có điều kiện để tham gia học tập.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-GD, cho hay trước khi bước vào năm học mới, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa ra các dự báo và có sự chuẩn bị để thích ứng. Giữa tháng 8, Sở GD-ĐT đã rà soát trang thiết bị học tập của học sinh; đồng thời đã tổ chức vận động quyên góp trong suốt 1 tháng qua, nhưng đến nay số lượng thiết bị vẫn thiếu.
Cụ thể, tính đến ngày 7/9, bậc THCS vẫn còn khoảng trên 2.000 em; bậc tiểu học còn hơn 11.000 học sinh thiếu thiết bị học tập
Do đó, theo bà Châu, chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động sẽ hỗ trợ ngành giáo dục các địa phương rất nhiều. “Tôi cảm thấy phấn khởi và nhẹ đi rất nhiều khi có sự đồng tâm hiệp lực từ các Bộ, ban, ngành. Chúng tôi không còn cảm thấy cô đơn và có thể quan tâm nhiều hơn nữa tới học sinh của mình”.
Còn tại Kiên Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Quang Bảo cho hay, từ đầu năm học mới, Sở GD-ĐT đã thống kê số học sinh chưa đáp ứng được việc học trực tuyến do thiếu trang thiết bị, đường truyền Internet. Tính đến nay, có khoảng hơn 40% học sinh tiểu học, hơn 20% học sinh THCS và khoảng 5% học sinh THPT vẫn đang gặp khó khăn do thiếu trang thiết bị học tập.
“Do đó, “Sóng và máy tính cho em” là một chương trình thiết thực, kịp thời và có tính nhân văn rất cao. Sự phát động của Chính phủ sẽ tạo ra sự tác động lớn khiến nhiều tổ chức, cá nhân sẽ cùng chung tay với ngành giáo dục. Nhờ đó, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo – những nơi có khả năng tiếp cận thấp – sẽ được hỗ trợ cả về trang thiết bị lẫn đường truyền để học tập”.
Mong chương trình về sớm với trường học khó khăn
Nhận được thông tin về chương trình “Sóng và máy tính cho em”, thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) mừng vui khi giờ đây, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường sẽ có cơ hội được học tập bình đẳng như các bạn khác.
Thầy Tuấn Anh cho hay, theo thống kê, hiện trường có khoảng 80 học sinh chưa có thiết bị để tham gia học trực tuyến, trong đó, chủ yếu là con em của người dân đi biển; có một số trường hợp thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách.
“Hiện chúng tôi đang vận động các học sinh này đi học ghép ở nhà các bạn hoặc cử Đoàn thanh niên phân chia nhau đến từng xóm, mang theo máy tính cá nhân, điện thoại để cho các học sinh học tạm”.
Thầy Tuấn Anh cho biết, nhà trường đã tính đến cả việc nếu tình hình việc học trực tuyến phải kéo dài, sẽ tháo máy tính trong phòng Tin học của trường để đưa về các nhà văn hóa, cụm xóm nhằm hỗ trợ học sinh học tập.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và xu thế học trực tuyến trong tương lai, thầy Tuấn Anh cho rằng, chương trình “Sóng và máy tính cho em” là rất nhân văn và thiết thực.
“Tôi mong muốn chương trình sớm về với những trường học còn nhiều khó khăn, để học sinh sớm được thụ hưởng, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và trình độ dân trí nói chung”.
Trước thực tế gần 200 học sinh còn thiếu các trang thiết bị học trực tuyến hoặc có thiết bị nhưng không có mạng để học, thầy Nguyễn Nam Sơn (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) mừng vui khi biết tới mục tiêu của chương trình này.
Theo thầy Sơn, vấn đề của huyện miền núi Mường Lát là kể cả có đủ thiết bị thì chưa chắc các học sinh đã có thể tham gia học trực tuyến bởi hệ thống mạng gián đoạn, yếu, thậm chí có bản không có Internet.
Do vậy, thầy Sơn cho rằng, “nếu có sóng mạng ổn định thì thật tuyệt vời bởi như vậy, chỉ cần điện thoại thông minh, học sinh có thể tham gia học trực tuyến”.
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” sẽ được Bộ TT&TT cùng Bộ GD-ĐT phối hợp triển khai. Mục tiêu chương trình nhằm giúp hàng triệu em nhỏ có thể học tập trực tuyến tại các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16, đồng thời thúc đẩy phát triển xã hội số.
Các nội dung chính của chương trình bao gồm việc triển khai hạ tầng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu kết nối phục vụ việc dạy và học trực tuyến, vận động cung cấp, hỗ trợ máy tính, các thiết bị công nghệ, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và triển khai học trực tuyến.
Ngoài ra, chương trình còn phát động việc tổ chức triển khai, vận động, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội để hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.