Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp
Kinh tế số - Ngày đăng : 17:26, 13/09/2021
Tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp dịch bệnh
Kinh doanh đa cấp luôn là một lĩnh vực rất nóng. Gần đây, trên các diễn đàn truyền thông luôn đề cập tới các vụ việc vi phạm hoặc có nguy cơ tác động gây bất ổn xã hội đều có liên quan tới hoạt động kinh doanh đa cấp của một số tổ chức và cá nhân. Do đó, cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện các khung khổ pháp lý có liên quan tới lĩnh vực này nhằm bảo đảm mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. Đồng thời, tạo lập thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn nữa. Điều quan trọng là phải không phát sinh hay tạo ra quá nhiều chi phí cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biếthoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cũng đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước. Năm 2020, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã nộp thuế khoảng 1.800 tỉ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2017 - thời điểm chưa có Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định 40 đã phát huy hiệu quả trong đời sống thực tiễn và tạo môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp ngành này phát triển ấn tượng.
Gian nan hành trình sàng lọc doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính
Thời gian qua, thực tiễn quản lý các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp vẫn bộc lộ một số khe hở trong khuôn khổ pháp luật để các đối tượng lợi dụng hoạt động bất chính, hoạt động không phép... Nhiều doanh nghiệp nước ngoài dù không được cấp phép vẫn tiến hành các hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam, lôi kéo mạng lưới kinh doanh đa cấp của các doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường cạnh tranh của lĩnh vực này. Việc sửa đổi Nghị định 40/2018/NĐ - CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chính bài toán cần thiết và là hàng rào quan trọng để sàng lọc doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính.
Các mô hình lừa đảo đa cấp biến tướng không chỉ ảnh hưởng đến tài sản của cá nhân nhiều người dân mà còn gây xáo trộn, làm mất an toàn trong đời sống kinh tế - xã hội. Đồng thời cũng làm cho một lượng tiền nếu đầu tư vào các mục tiêu khác sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội lại đổ vào kinh doanh đa cấp mang tính lừa đảo, khiến sức mạnh của nền kinh tế bị suy giảm. Vì vậy, cần có các quy định về chế tài xử lý nghiêm khắc với các hành vi kinh doanh đa cấp trước khi được cấp phép kinh doanh đa cấp hay những hành vi kinh doanh bị cấm trong hoạt động kinh doanh tại Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ - CP để lập lại kỷ cương và sự công khai, minh bạch cho hoạt động kinh doanh đa cấp.
Trong điều kiện công nghệ thông tin và khả năng lưu trữ dữ liệu phát triển như hiện nay cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời hạn tiếp nhận và xử lý các giấy tờ, thủ tục cho các doanh nghiệp. Đây là một khâu quan trọng để quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp chặt chẽ.
Về bảo trợ quốc tế, để có cơ sở vững chắc cho quy định mới này, cần làm rõ khả năng điều chỉnh của các quy định pháp luật hiện hành với các vấn đề đã được cơ quan soạn thảo liệt kê trong Báo cáo đánh giá tác động. Các quy định hiện hành bao gồm: Các quy định về thuế liên quan đến vấn đề lẩn tránh và thất thu các khoản thuế; Các quy định về quản lý ngoại tệ, về vấn đề lẩn tránh khoản thu do chuyển tiền ra nước ngoài; Các quy định về giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài liên quan đến các quy định về giải quyết tranh chấp, liên quan đến doanh số phát sinh từ hoạt động bảo trợ nước ngoài.