"Thành công và lòng tự mãn đã làm chậm bước tiến của FPT"

Phát triển doanh nghiệp số - Ngày đăng : 17:12, 13/09/2021

Đó là thừa nhận của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình trong sinh nhật 33 năm của FPT. Chủ tịch FPT cũng khẳng định, cuộc CMCN lần thứ 4 đã thổi vào FPT luồng sinh khí mới và FPT lại quyết tâm chinh phục đỉnh cao chuyển đổi số (CĐS) của thế giới.

Với vị thế công ty công nghệ hàng đầu, FPT "tái sinh" để chiến đấu bảo vệ sinh tồn của con người và DN, thông qua công nghệ, như gói giải pháp CĐS "vaccine" eCovax hay dùng AI hỗ trợ các bác sĩ.  Thông tin trên được ông Bình đưa ra trong lời kêu gọi gửi tới toàn thể cán bộ, công nhân viên của FPT, tại buổi lễ sinh nhật trực tuyến của công ty ngày 13/9.

85% DN đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động

Trong lời kêu gọi gửi tới các nhân viên của mình, ông Bình đã khẳng định, hôm nay là ngày sinh nhật "tái sinh" của FPT. Ông Bình đã điểm lại các mốc thời gian của FPT, 10 năm đầu, công ty đã có khát vọng khát vọng vượt qua cấm vận, đưa CNTT đến Việt Nam và đưa Internet vào Việt Nam để rồi vươn lên vị trí số 1 trong làng CNTT Việt Nam.

"10 năm tiếp theo, chúng ta có khát vọng lớn hơn nữa. Chúng ta muốn mở rộng bờ cõi trí tuệ, ghi tên Việt Nam trên bản đồ số thế giới", ông Bình bày tỏ.

Để rồi, FPT đã gặp rất nhiều khó khăn, thất bại trong việc mở chi nhánh tại Thung  lũng  Silicon, Mỹ cùng chi nhánh tại Bangalore, Ấn Độ. "Chúng ta đã áp dụng bài học của cha ông trong chiến tranh vệ quốc, theo cách cha ông phát động "chiến tranh nhân dân" để phát động "cuộc chiến xuất khẩu phần mềm. Chúng ta học tiếng Anh, học tiếng Nhật, mở Đại học", ông Bình nói.

Cuối cùng, nỗ lực bền bỉ của người FPT đã được đền đáp khi chấp nhận phần mềm FPT, thế giới chấp nhận Việt Nam. Việt Nam đã có tên trên bản đồ số của thế giới. "Tuy nhiên, thành công và lòng tự mãn đã làm chậm bước tiến của FPT", ông Bình chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Bình, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã thổi vào FPT luồng sinh khí mới và FPT lại quyết tâm chinh phục đỉnh cao chuyển đổi số (CĐS) của thế giới.

Thảm họa Covid bất ngờ bao phủ thế giới, trùm lên Việt Nam. Theo khảo sát do báo VnExpress thực hiện, có khoảng 62% lao động mất việc, 85% DN đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Để rồi, hàng triệu trẻ em không được đến trường học, hàng triệu người dân không còn tiền ăn, ở. Từ đó, ông Bình cho rằng, đây là cuộc chiến sinh tử, và với vị thế công ty công nghệ hàng đầu của quốc gia, vào sinh nhật 1/3 thế kỷ của mình, FPT tái sinh - để chiến đấu bảo vệ sinh tồn của con người và DN.

"Chúng ta không thể diệt trừ hoàn toàn Covid, nhưng chúng ta có thể chế ngự nó bằng cách đưa đến các DN vaccine eCovax để họ quay lại hoạt động an toàn", ông Bình nói.

Để "lưu thông xanh" trở lại, FPT sẽ cung cấp các giải pháp cho chính quyền để kiểm soát dịch, dập dịch, như dùng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ bác sĩ chăm sóc điều trị F0 tại nhà; đem túi thuốc F0, quà an sinh đến những người đang khốn khó; giúp các em học sinh được học và học được ở nhà trong đại dịch.

Chưa dừng lại ở đó, theo ông Bình, ngay trong ngày 13/9, FPT sẽ cùng tỉnh Hải Dương khởi động "cuộc chiến tranh nhân dân" chống Covid khi mà công nghệ là vũ khí sống còn trong cuộc chiến. "Chính đó là lẽ tái sinh của FPT, cũng là vinh dự, trách nhiệm của FPT", ông Bình kết luận. 

FPT vẫn có thể chốt hợp đồng triệu USD chỉ trong 30 phút mà không cần phải gặp trực tiếp

Chia sẻ trên truyền thông, ông Bình cho biết, hiện ông vẫn làm việc tại nhà, vẫn chỉ huy cả tập đoàn với hơn 36.000 nhân sự một cách thông suốt, thậm chí hiệu quả hơn trước đại dịch. 

"Tại nhà, tôi có thể nói chuyện với "bố già" AI Yoshua Bengio, CEO Nguyễn Thành Trung của tựa game tỷ đô Axie Infinity hay chốt những hợp đồng triệu USD chỉ trong vòng 30 phút với những khách hàng lớn trên thế giới mà không cần phải gặp trực tiếp họ hay bay những chuyến bay dài 8-10 giờ... bởi FPT đã chuyển sang trực tuyến mọi hoạt động", ông Bình chia sẻ.

Ông Bình cho rằng, FPT có trách nhiệm cung cấp các "vũ khí" công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm "sinh tồn" cho người khác. Vì vậy, FPT đưa ra "mũi tiêm" đầu tiên tập trung vào các vấn đề cốt yếu nhất của DN khi không thể đến văn phòng làm việc, không thể gặp gỡ trực tiếp khách hàng cũng như không kiểm soát được hiệu quả công việc. Gói giải pháp số FPT eCovax giúp các nhà lãnh đạo, quản lý DN có thể điều hành DN liên tục, thông suốt. Và không dừng ở đó, các giải pháp số này sẽ giúp DN tiến bộ hơn, mạnh mẽ hơn trong bình thường mới, duy trì kháng thể cho doanh nghiệp lâu dài.

Cùng với việc đưa ra các gói giải pháp số, FPT cũng sẽ tổ chức chuỗi các hội thảo chuyên sâu tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng giải pháp số từ các chuyên gia của FPT và các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực. Mở cổng tư vấn, giải đáp thắc mắc của DN trên VnExpress. Đặc biệt, lần đầu tiên các DN có cơ hội nhận tư vấn 1-1 từ Chủ HĐQT tập đoàn FPT Trương Gia Bình. Ông được biết đến là nhà lãnh đạo truyền cảm hứng, từng đóng vai trò tư vấn, giám khảo cho hàng trăm cuộc thi, sự kiện trong lĩnh vực kinh doanh và CĐS, đồng thời là người tâm huyết và có ảnh hưởng đến các chính sách của Chính phủ trong hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam.

Vaccine Covid-19 đem lại sức đề kháng bảo vệ con người trước dịch bệnh. Tương tự, mỗi DN cũng cần một "tấm khiên" chống đỡ trước những nguy cơ mà dịch bệnh đã tạo ra như nguồn cầu giảm sút, thiếu hụt nguồn tiền, duy trì kênh tương tác với khách hàng, đứt đoạn giao tiếp hay khó quản trị hiệu suất do vận hành từ xa…

FPT mong muốn với Chương trình eCovax, các DN có thể "bổ sung" những "kháng thể số" cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch trong quản trị, vận hành, kinh doanh, bán hàng…giảm thiểu những tác động do Covid-19 đảm bảo kinh doanh không gián đoạn đi từ "sống sót đến thịnh vượng".

"Ước mơ lớn của bản thân tôi và FPT là DN đạt được "miễn dịch cộng đồng", có nghĩa toàn bộ DN được kết nối thông suốt với nhau, giúp hình thành yếu tố quan trọng bậc nhất trong cấu trúc nền kinh tế, đó là chuỗi - tổ chức này được kết nối, phụ thuộc vào tổ chức khác một cách an toàn, giúp tạo nên mạng lưới kinh doanh hiệu quả", ông Bình khẳng định.

Thông tin từ Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký DN, dưới tác động của dịch bệnh, số DN rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm 2021 là 79.673 DN, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Ông Trương Gia Bình cho biết, DN cũng giống như một thực thể sống và do đó cũng chịu những tác động của Covid-19 giống như con người khi mà cũng nhiễm bệnh, trở nặng và phá sản./.

NK