Startup TMĐT Việt Nam điều chỉnh mô hình kinh doanh, thích ứng với diễn biến phức tạp của COVID-19

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 14:17, 13/09/2021

Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng trực tiếp mà còn tác động đến mảng kinh doanh trực tuyến. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động thay đổi, thích nghi để duy trì "sự sống" trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này.

COVID-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống cá nhân người tiêu dùng, buộc DN cũng phải sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới của người dân. 

Trong nỗ lực để tồn tại trước diễn biến phức tạp đại dịch COVID-19, các công ty khởi nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang ngày càng hướng đến bán các mặt hàng thiết yếu - đặc biệt là thực phẩm - để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các công ty như Tiki, BEYOURs và Sendo đều đã chủ động điều chỉnh mô hình kinh doanh để bán các mặt hàng thực phẩm nhằm tạo nguồn doanh thu mới, đảm bảo "sự sống" cho DN.

Khi cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (HCM) đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc đi lại mua sắm hàng hóa thiết yếu của người dân bị hạn chế. Hết sức nhanh nhạy, các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đã nhanh chóng triển khai tiện ích đi chợ online, giao tận nơi các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân ở cả Hà Nội lẫn TP. HCM.

Theo đó, hàng trăm mặt hàng thiết yếu bao gồm: thực phẩm, rau củ quả và nhu yếu phẩm được mở bán trên Tiki với giá hấp dẫn, kèm ưu đãi miễn phí vận chuyển, coupon giảm giá trực tiếp, cùng dịch vụ giao nhanh trong ngày (áp dụng cho một số địa điểm tại TP. HCM).

Trong khi đó, Sendo cũng mở rộng bán các loại rau củ quả, trái cây đặc sản vùng miền, trứng cùng các mặt hàng bách hóa thiết yếu. Sendo đã kết nối trực tiếp với các hợp tác xã nuôi trồng tại các địa phương lân cận để có nguồn hàng, từ đó, hàng trăm tấn thực phẩm tươi sống cho thành phố mà không cần thông qua các chợ đầu mối. Thực phẩm được khách hàng đặt mua trên Sendo sẽ được thu hoạch và đóng gói ngay tại vùng trồng, sau đó được vận chuyển đến tay trong 24 giờ sau khi đặt hàng

Giống như nhiều DN khác tại TP.HCM, BEYOURs, một thương hiệu bán nội thất gia đình khá nổi trên các sàn TMĐT, cũng phải tuân theo các chỉ thị giãn cách của Chính phủ, ngừng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu.

Ông Vũ Trung Anh Rim, CEO của BEYOURs chia sẻ: "Khi mới có chỉ thị giãn cách xã hội lần đầu, chúng tôi đã đóng cửa toàn bộ showroom, các gian hàng ở siêu thị và thực hiện 3 tại chỗ ở kho và nhà máy. Tôi xuống ở cùng anh em và tập trung 100% vào online, thực hiện dự án livestream "Mua nội thất cùng CEO BEYOURs mỗi ngày" để có thể gần hơn với khách hàng nhằm gia tăng cơ hội bán hàng. Nhưng chỉ kéo dài được 1 tuần thì thành phố ra chỉ thị mới, chỉ cho phép các đơn vị bán hàng thiết yếu được hoạt động. Vì vậy mà kinh doanh đồ nội thất coi như đứng hình luôn". 

Dù không bán được nội thất nhưng CEO của BEYOURs cho biết vẫn phải đảm bảo cuộc sống cả trăm nhân sự, riêng chi phí vận hành đã khoảng 1,5 tỷ đồng/tháng. "Tôi đứng trước 2 lựa chọn, hoặc cho anh em nghỉ ngơi mấy tháng rồi quay lại làm, hoặc tìm gì đó bán để kiếm dòng tiền duy trì hoạt động. Ngay sáng hôm sau, tôi quyết định DN mình phải bán thực phẩm".

Bán thực phẩm thiết yếu, hàng tươi sống không hề đơn giản, nhất là với đội ngũ chưa từng có kinh nghiệm. Trong tuần đầu tiên, công ty chịu thiệt hại tài chính rất nhiều vì thất thoát do hư hỏng và chưa cân đối được khối lượng mua vào. Hệ thống cũng bị khách hàng phàn nàn liên tục vì giao hàng không kịp. Chính vì thế, công ty tập trung tạo ra các combo phù hợp với nhiều đối tượng nhất để tiện trong cả mua hàng lẫn sử dụng. Những sản phẩm nào có nguồn hàng ổn định, nhu cầu lớn thì mới bán lẻ. 

Đến ngày thứ 11 kể từ khi mở bán, công ty đã đạt được mục tiêu giao hàng trong 72 giờ và ra mắt dịch vụ giao 24 giờ. Không còn đơn hàng nào bị trễ, thậm chí khách đặt trong 72 giờ thì công ty đã giao trong 48 giờ. Thời điểm hiện tại, hệ thống đã có thể vận hành trơn tru, doanh số trung bình 500 đơn/ngày với mức tiêu thụ khoảng 5 tấn thực phẩm/ngày. Doanh số gần như đã đạt đến điểm hòa vốn để công ty nuôi bộ máy như trước khi có dịch và bằng 50% doanh thu bán nội thất ngày thường.

Rõ ràng, nhờ việc nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh, thích ứng với bối cảnh thực tế, các startup TMĐT Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định. Việc chuyển sang bán thực phẩm thiết yếu không chỉ giúp hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội mà còn giúp công ty duy trì "sự sống" trong đợt bùng dịch nghiêm trọng này./.

TH